Nhớ Dương Tường
Mạc Văn Trang
25-2-2023
DỊCH GIẢ, NHÀ THƠ DƯƠNG TƯỜNG(1932-2023)Một nhân tài thứ thiệt đã ra đi. Trong mắt không ít người Việt, nhân loại thêm một phần trống vắng. Đối với Bauxite Việt Nam, không thể nào quên một người bạn quý đã đồng hành trong ngày 12-4-2009 đến Văn phòng Quốc hội trao Kiến nghị đầu tiên phản đối việc nhà nước chủ trương khai thác bauxite ở Tây Nguyên.
Xin chân thành chia buồn cùng gia quyến và cầu mong Ông an nghỉ.
Bauxite Việt Nam
Hôm nay các báo đưa tin Nhà thơ, dịch giả Dương Tường qua đời, ở tuổi 92. Rất nhớ ông, vì tôi có nhiều lần tiếp xúc với ông khi làm việc với nhà giáo Phạm Toàn và nhóm Cánh Buồm.
Có thể nói, Dương Tường (ông họ Trần – Trần Dương Tường) là một tấm gương lao động đặc biệt. Ông sinh 1932 tại Nam Định, cùng tuổi với Phạm Toàn và Nguyên Ngọc. Tôi đã nhiều lần chứng kiến, ba nhân tài này gặp nhau cứ “mày tao” và gọi nhau là ba con khỉ tinh nghịch (tuổi Nhâm Thân).
Tôi biết cả ba ông đều chưa hết trung học thì Cách mạng 1945 nổ ra, các ông tham gia kháng chiến, nhưng với năng lực tự học phi thường đã giúp các ông có vốn văn hóa rất sâu rộng và sử dụng được tiếng Pháp, tiếng Anh, nhất là rất giỏi trong dịch thuật.
Năm 1950-1955 Dương Tường vào bộ đội. Năm 1955-1964 ông làm phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam. Năm 1964-1976 làm cán bộ phiên dịch trong Uỷ ban điều tra tội ác chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Năm 1979 nghỉ hưu. Nghỉ hưu rồi ông càng có nhiều cống hiến cho lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Trong cuốn sách Chỉ tại con Chích chòe, 450 trang, khổ lớn, NXB Hội Nhà Văn, 2022, giới thiệu các bài phê bình Văn học, Nghệ thuật của ông gồm các lĩnh vực: Văn học, Ngôn ngữ (47 bài); Mỹ thuật (36 bài); Sân khấu, Âm nhạc, Điện ảnh (15 bài).
Nhưng lĩnh vực dịch thuật của ông mới thật đáng nể.
Các tác phẩm tiêu biểu ông đã dịch: Anna Karenina(Lev Tolstoi), Đồi gió hú (E. Bronte), Cuốn theo chiều gió (M. Mitchell), Cội rễ (Alex Haley), Cái trống thiếc(G. Grass), Con đường xứ Flandres (Claude Simon), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Truyện Kiều, tiếng việt dịch sang tiếng Anh.
Tôi nhớ, một buổi tối năm 2019, tại Trung tâm Văn hóa Pháp ở Hà Nội, Dương Tường có cuộc gặp gỡ với người yêu văn chương nhân ra mắt cuốn sách mới nhất do ông chuyển ngữ: Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline. Ông nói đây là cuốn sách dịch cực nhọc nhất, phải đánh vật với từng con chữ, vì tác giả viết thứ ngôn ngữ của dân giang hồ, đủ thứ tiếng lóng “đầu đường, xó chợ”…
Ông nói, tôi đã mắt mờ, tay run rồi, từ nay “rửa tay gác kiếm”. Tôi đã làm việc có thể nói “không ăn gian của Trời một ngày nào”.
Ông cũng làm thơ bằng tiếng Anh và tiếng Pháp đăng trên báo ở nước ngoài.Ở tuổi 92, với những cống hiến như vậy, cầu chúc ông an nghỉ nơi Cõi Người Hiền.
M.V.T.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét