Chính trị gia hãy đứng ra và nói rằng: Làm đi, có gì sai tôi chịu, mục tiêu là phục vụ xã hội
25-02-2023
Nhân chuyện hệ thống đăng kiểm đã mất gần hết cán bộ, hay ngành y tế đang đứng trước chuyện đình trệ hoạt động hai bệnh viện lớn, mình lại kể một chuyện mình hay kể.
Hồi mình được mời sang Hà Lan vào tháng 9 năm 2017, mình đã rất bất ngờ khi biết rằng đó đã là tháng thứ 6 mà Hà Lan không có một chính quyền hoàn chỉnh. Lý do là vì sau cuộc bầu cử vào tháng 3 cùng năm, đảng của thủ tướng đương nhiệm Mark Rutte không giành đủ số phiếu để tự mình thành lập chính phủ, mà phải liên minh với các đảng phái khác không cùng quan điểm chính trị. Cuộc thảo luận căng thẳng, bồi đắp bằng khủng hoảng ngoại giao Hà Lan – Thổ Nhĩ Kỳ cùng năm, khiến cho quá trình thành lập nội các kéo dài lâu nhất trong lịch sử Hà Lan. Chính quyền Hà Lan rơi vào trạng thái “lame duck” (vịt què), khi bản thân thành viên nội các cũng không chắc mình có được tiếp tục không, hay là phải nhường ghế cho người khác.
Tất nhiên, đây không phải là một kịch bản lý tưởng. Nhưng cái làm mình rất ngạc nhiên đó là tuy rơi vào bế tắc như vậy, mọi thứ ở Hà Lan lại vẫn tiếp tục một cách rất bình thường. Các bạn Hà Lan đùa với mình rằng trong 6 tháng “không có chính phủ” đó, điều duy nhất tồi tệ xảy ra với đất nước đó chính là việc đội tuyển bóng đá nam nước này không vượt qua vòng loại World Cup 2018. Nhưng trái lại, trong cùng khoảng thời gian đó, Hà Lan tổ chức thành công giải bóng đá nữ Euro 2017, nơi họ lên ngôi lần đầu tiên. Mình có hỏi rằng mọi người có cảm thấy bất kỳ chuyện gì xáo trộn, mất ổn định hay không? Câu trả lời là chẳng có gì cả. Mọi thứ bình thường đến tận tháng 12 năm 2017, khi nội các được thành lập, 9 tháng sau cuộc bầu cử.
Năm 2022, tình trạng tương tự xảy ra, lần này kéo dài 10 tháng. Bạn có nghe bất kỳ vấn đề gì xảy ra ở Hà Lan không?
Bí quyết của sự ổn định này, bất chấp việc “đa đảng”, đó là ở chỗ Hà Lan cũng như rất nhiều quốc gia khác đã xây dựng thành công hệ thống hành chính (bureaucracy) không bị các xáo trộn chính trị can thiệp. Hệ thống hành chính theo kiểu Max Weber (và được nhà xã hội học người Đức này phân tích cách đây gần một thế kỷ) đảm bảo vận hành mà không cần dựa vào sự lãnh đạo chính trị của đảng phái hay cá nhân nào (impersonal), và dựa trên một luật lệ có sẵn. Trong hệ thống đó, chính trị gia sẽ thay đổi, nhưng cán bộ hành chính thì không. Và chính cán bộ hành chính mới là người vận hành quốc gia đó.
Thực tế thì vai trò của chính trị gia trong một quốc gia tuy có quan trọng, nhưng thường bị làm quá lên. Những sự thay đổi (hay bất ổn?) mà chính trị gia đem đến tuy có thể lớn nhưng thường không ảnh hưởng đến sự hoạt động bình thường của đất nước. Có rất ít trường hợp thay đổi đến đột ngột, và lịch sử cũng chứng minh rằng khi ai đó thay đổi đột ngột thì xã hội sẽ gãy đổ (nghĩ về miền Nam Việt Nam sau 1975). Đó là lý do mà khi những người Cộng sản giành chính quyền ở miền Bắc, họ cũng không hoàn toàn từ bỏ hệ thống và pháp luật từ thời thuộc địa, mà hòa nhập nó vào hệ thống mới. Cán bộ hành chính cũng vậy. Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ có thể thay nhau nắm quyền, và chính trị gia có thể ra đi hàng loạt… Nhưng cán bộ hành chính đại đa số vẫn tiếp tục công việc của họ. Hệ thống bảo vệ họ khỏi xung đột chính trị, và không để họ nghĩ rằng những chỉ trích nhắm vào chính trị gia là nhắm vào họ.
Tiếc rằng điều đó đôi khi lại không xảy ra ở Việt Nam hiện nay. Rất nhiều trường hợp mình từng thấy rằng các cán bộ hành chính phản ứng khi có ai đó chỉ trích chính trị gia lãnh đạo họ. Điều này là rất không nên. Thực tế là lãnh đạo chính trị có một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, đó là đứng mũi chịu sào khi có chỉ trích, để bảo vệ cán bộ của họ. Đấy là để đất nước vẫn vận hành một cách nhẹ nhàng, hiệu quả.
Khi mình đọc về việc có cán bộ y tế than rằng họ không làm được gì suốt mấy tháng qua vì phải tiếp thanh tra thường xuyên, hay thậm chí hai bệnh viện ở Hà Nội, Sài Gòn đứng trước nguy cơ hoạt động bình thường bị đình trệ vì không còn ai dám làm gì cả, mình cảm thấy thực sự có vấn đề. Cuộc chiến chống tham nhũng nói gì thì nói tuy là tốt, nhưng nó đã và đang khiến cho càng nhiều cán bộ hành chính thấy rằng họ thà bị cảnh cáo vì không làm gì, còn hơn bị truy tố vì làm sai (mà đôi khi họ cũng không ngờ điều đó là sai). Đó là thực tế rất rõ ràng. Và giải pháp chắc chắn không phải là những câu khẩu hiệu duy ý chí như “tôi tin rằng luôn có người làm” hay dân túy như “ai không làm thì đứng sang một bên”, hay những giải pháp mang tính ba phải như “hoàn thiện thể chế” hay “cẩn trọng nhưng vẫn linh hoạt”. Giải pháp đó phải là chính trị gia đứng ra và nói rằng làm đi, có gì sai tôi chịu, mục tiêu là phục vụ xã hội.
Có như vậy thì cán bộ hành chính mới cảm thấy họ không phải chịu trách nhiệm cho những sai phạm của chính trị gia, và xã hội quay trở lại bình thường được. Đó mới là cái “bình quý” cần phải bảo vệ khỏi những cú “ném chuột” của chính trị gia với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét