Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 27 tháng 2, 2023

Quá dễ dãi trong xây dựng pháp luật? (Phần 1)

 

Quá dễ dãi trong xây dựng pháp luật? (Phần 1)

Ngô Huy Cương

25-2-2023

Tôi bị một số người chất vấn: “Tại sao khi Bộ luật Dân sự 2015 đang xây dựng thì ông không góp ý gì để đến bây giờ mới phê phán là sao?”

Tội nghiệp! Tôi đã tham gia ngay từ đầu khi soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015 và đã nói rất, rất nhiều từ cách soạn thảo cho tới nhiều vấn đề về nội dung.

Tôi nhớ như in, khi sơ thảo đầu tiên của Bộ luật này phải trình bày trước các chuyên gia của Dự án JICA Nhật Bản (lúc đó do ông Ito làm cố vấn trưởng) cơ quan chủ trì soạn thảo mời đúng ba người viết bài nghiên cứu để thảo luận hôm đó, bao gồm: (1) ông Tưởng Duy Lượng (lúc đó làm Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao- phụ trách về mảng dân sự); (2) PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện (chuyên gia số một về luật dân sự của Việt Nam hiện nay); và (3) tôi (kẻ hay cãi).

Ông Tưởng Duy Lượng không đến nhưng có gửi bài và cho một cấp dưới tới trình bày.

Tôi viết và trình bày ý tưởng về quyền hưởng dụng trong Bộ luật Dân sự tương lai của Việt Nam. Bài viết này sau đó được đăng tải ngay trên cả hai tạp chí (Nghiên cứu Lập pháp, và Dân chủ và Pháp luật) cùng với nhiều bài viết khác cho Dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự 2005. Những ý tưởng đó hiện nằm ngay trong Bộ luật Dân sự 2015- chế định quyền hưởng dụng từ Điều 257 tới Điều 266. Nhưng thật đáng tiếc, những “ý tưởng đó” bị tách ra khỏi cái tổng thể quy định về vật quyền, nhất là không còn được gắn với quan niệm về nội dung của quyền sở hữu có cấu thành ba quyền bao gồm quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi, và quyền định đoạt; còn quyền chiếm hữu là một quan hệ thực tế. Khi được đưa ra lấy ý kiến nhân dân, thì Dự thảo Bộ luật Dân sự 2015 vẫn giữ được cái tổng thể vật quyền như vậy.

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội một mặt đã không có hiểu biết chính xác, thiếu bản lĩnh, lại còn bị thêm sức ép của mấy vị được gọi là “giáo sư” thiếu hiểu biết nghiêm trọng về kiến thức luật học cơ bản, vì thế bác bỏ quan niệm về vật quyền (một loại quan hệ hoàn toàn khách quan), thay đổi toàn bộ ý đồ về nội dung trong một khoảng thời gian ngắn.

Hệ quả là hiện nay có hai quan niệm về nội dung quyền sở hữu tồn tại không mong muốn trong Bộ luật Dân sự 2015 như sau: (1) quan niệm coi quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, và quyền định đoạt (Điều 158); và (2) quan niệm khác cho rằng quyền sở hữu bao gồm quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi, và quyền định đoạt (được ngụ ý khi nói về quyền hưởng dụng tại Điều 257). Quan niệm thứ hai nói trên là những gì còn rơi rớt lại của Dự thảo trước khi bị Ủy ban Pháp luật Quốc hội thò bút vào chỉnh sửa nhưng thiếu hiểu biết tổng thể và thiếu kỹ lưỡng. Ở Trung Quốc, sau khi có Hiến pháp 1983 (Hiến pháp cải cách, mở cửa), vào năm 1986, vì muốn khai thác có hiệu quả kinh tế đối với tài sản trong nền kinh tế thị trường mà không thể không quy định về các vật quyền trên vật (tài sản) của người khác, trong đó có quyền hưởng dụng (một vật quyền lớn nhất trên tài sản của người khác), họ quy định quyền sở hữu có bốn quyền bao gồm: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền hưởng hoa lợi, và quyền định đoạt.

Kéo theo hai quan niệm này là hai thuật ngữ phản ánh một nội dung pháp lý chủ yếu như nhau (có khác nhau đôi chút là đối tượng của quyền: một thứ thì hẹp trong phạm vi đất đai; còn thứ khác thì rộng hơn trong lĩnh vực tài sản)- đó là “quyền sử dụng đất” và “quyền hưởng dụng”.

Ở nước ta luôn có một tầng lớp “hớt váng” (Lưu ý: “hớt váng” là một từ ngữ có lẽ được hình thành từ việc kẻ trộm rình người nấu cao ra ngoài và hớt trộm váng trong nồi).

Sau khi Dự thảo còn một thời gian nữa thì được trình lần đầu ra Quốc hội, các đội hớt váng xuất hiện. Kẻ thì đòi thay từ “vật quyền” bằng từ “quyền tài sản” và rêu rao cho đến mãi sau khi Bộ luật được thông qua rằng từ “vật quyền” không thể dịch ra tiếng Anh được và dịch ra thì khi nói người Tây không hiểu. Trong khi đó “vật quyền” hay “quyền đối vật” là thuật ngữ xuất hiện từ thời La Mã cổ đại, mà nay cả thế giới vẫn đang dùng, phản ánh một quan hệ khách quan không phụ thuộc vào ý chí của nhà làm luật; và khái niệm “quyền tài sản” thì thường được sử dụng với nghĩa rộng hơn. Có kẻ thì xuất hiện từ phía một bộ phận phục vụ Ủy ban Pháp luật Quốc hội dụ dỗ tôi đại loại rằng anh cãi nhau với bọn nó làm gì (ý chỉ Ban soạn thảo), khi nào Dự thảo trình lên trên em, anh lên nói thoải mái. Kẻ nói sau này khiến tôi chợt hiểu quy trình lập pháp của ta có vấn đề vì tôi đã tham gia soạn thảo luật nhiều lần để trình Quốc hội và đã từng làm việc nhiều năm ở Văn phòng Quốc hội. Vì thế tôi bỏ không tham gia soạn thảo nữa.

Bỗng dưng một hôm, tôi được thông báo rằng Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường mời tôi tham gia vào tổ cố vấn soạn thảo Bộ luật Dân sự 2015. Nhận được quyết định, tôi mò đến họp. Buổi họp đầu tiên, Bộ trưởng bận không đến, nên đồng chí Thứ trưởng Đinh Trung Tụng chủ trì thay. Tôi phát biểu đầu tiên và nói rõ nếu làm việc nghiêm chỉnh thì tôi tham gia, chứ đến để nịnh nhau thì tôi khước từ. Được hứa là làm việc nghiêm chỉnh, tôi, lần thứ hai, đến hội thảo do Bộ trưởng chủ trì. Sau khi nghe tôi phê bình Dự thảo, vào giờ giải lao, Bộ trưởng gặp tôi ở hành lang và hỏi tôi rằng ông có thể sửa Dự thảo trong vòng 04 ngày được không. Tôi toát mồ hôi hột và nói không thể. Ông lại đề nghị là trong vòng mười ngày. Tôi từ chối vì thấy rõ “xôi thịt”. Thế là hội thảo tổ chức ở Quảng Ninh vài ngày sau đó, họ không mời tôi tham dự, có lẽ sợ tôi “phá đám”. Đội hớt váng có cơ hội lớn.

Sau đó một vài ngày, họ lại mời tôi đến dự họp do Bộ trưởng chủ trì. Theo lịch thì tám giờ sáng bắt đầu, nhưng chúng tôi phải chờ tới gần mười giờ mới bắt đầu họp vì các chuyên gia Nhật Bản nhận lời rồi nhưng không đến. Mãi về sau có lẽ do gọi điện thoại quá nhiều, họ đã xuất hiện. “Mở màn”, Bộ trưởng nói rất hùng hồn rằng: chúng tôi chờ các ngài đến bằng được bởi chúng tôi muốn học kinh nghiệm làm Bộ luật Dân sự của Nhật Bản để chúng tôi xây dựng đất nước hùng cường như Nhật Bản.

Từ đó trở đi tôi không đến nữa. Mùng một tết âm lịch ngay sau đó, chị Hoàng Thu Hằng có gọi điện cho tôi nói đến để Bộ trưởng chúc tết. Tôi cảm ơn và dứt khoát không đến nữa.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét