Ông Ca chỉ là thêm một… ‘ca’! (Phần 2)
Rõ ràng án tù dành cho những Vĩnh, Hóa, Tân, Thành, Tuấn,… hay các hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với hàng loạt sĩ quan mang hàm tướng của Tổng cục Cảnh sát như…
Ngoài yếu tố Công an nhân dân (CAND) Việt Nam phải như thế nào thì thân nhân vợ chồng ông chủ Công ty Xây dựng hạ tầng Thái Bình Dương mới tin có thể “chạy án” và mạnh dạn xuất tiền, chuyện ông Ca thản nhiên nhận 35 tỉ từ họ còn bộc lộ một yếu tố khác cũng rất đáng chú ý. Đó là trong nhận thức của những sĩ quan công an cao cấp như ông Thiếu tướng – cựu Giám đốc Công an Hải Phòng, bảo vệ – thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực ở Việt Nam chỉ là trò hề mà ông Ca có thể tác động!
Bởi xem bảo vệ – thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực chỉ là trò hề, có thể chủ động dàn dựng nên Trung tướng Phan Văn Vĩnh (Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa (Cục trưởng Cục Phòng chống tội phạm Công nghệ cao) mới đem nhãn “bình phong” dán cho Công ty CNC để CNC công khai tổ chức đánh bạc qua Internet trên toàn quốc (1)… Thượng tướng Trần Việt Tân và Trung tướng Bùi Văn Thành cùng là Thứ trưởng Công an, Trung tướng Phan Hữu Tuấn (Tổng cục phó Tổng cục Tình báo) mới tuyển Phan Văn Anh Vũ (Vũ “Nhôm”) làm “tình báo viên”, lấy nhãn “bình phong” dán cho một số doanh nghiệp do Vũ “Nhôm” lập ra để thâu tóm công thự, công sản rồi chia lợi cho mình (2)…
Rõ ràng án tù dành cho những Vĩnh, Hóa, Tân, Thành, Tuấn,… hay các hình thức kỷ luật đã áp dụng đối với hàng loạt sĩ quan mang hàm tướng của Tổng cục Cảnh sát như Trung tướng Nguyễn Công Sơn (Tổng cục phó), Trung tướng Nguyễn Văn Ba (Tổng cục phó), Thiếu tướng Lê Đình Nhường (Chánh Văn phòng cơ quan Cảnh sát điều tra), Thiếu tướng Nguyễn Huy Mạ (Cục trưởng Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát), Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh (Cục trưởng Cục Cảnh sát kinh tế),… hay các viên tướng khác của Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật như Trung tướng Lê Văn Minh (Tổng cục trưởng), Trung tướng Bùi Xuân Sơn(Tổng cục phó), Thiếu tướng Trần Quốc Cường (Cục trưởng Cục Chính trị Hậu cần của Tổng cục Tình báo) [3]… không có chút tác động răn đe, giáo dục nào!
Vì sao lại thế? Vì trước giờ, CAND vốn vẫn càn rỡ và luôn được hưởng ngoại lệ khi… bảo vệ – thực thi pháp luật và phòng chống tham nhũng – tiêu cực. Bị xử lý hành chính hay tệ hơn – bị truy cứu trách nhiệm hình sự chẳng qua là… không may do… tình thế thay đổi. Câu chuyện Dương Chí Dũng – Phạm Quý Ngọ – Trần Đại Quang đã đề cập ở kỳ trước hay danh tính những viên tướng vừa nêu ở phần trên của kỳ này chỉ là một phần trong một chuỗi các… “ca” đan xen giữa may và rủi, không có chỗ cho luật pháp.
***
Năm 2014, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone (Mobifone) xúc tiến việc mua lại cổ phần của Công ty Nghe nhìn Toàn cầu (AVG). Thương vụ này đã bị một số thành viên Mobifone tố cáo cả bằng đơn, thư gửi cho các cá nhân, cơ quan hữu trách lẫn bày ra trên Internet như một kiểu cảnh báo. Không có bất kỳ cá nhân hay cơ quan hữu trách nào bận tâm đến những tố cáo và cảnh báo ấy. Đầu năm 2016, thương vụ hoàn tất. Tố cáo và cảnh báo vẫn không ngừng. Đến tháng 8/2016, Thủ tướng Việt Nam khi ấy là ông Nguyễn Xuân Phúc mới quyết định giao cho Thanh tra của chính phủ tiến hành thanh tra thương vụ này. Dù Tổng Bí thư và Ban Chỉ đạo phòng – chống tham nhũng liên tục đốc thúc nhưng Thanh tra vẫn không công bố Kết luận Thanh tra (4).
Ngày 12/3/2018, Mobifone và AVG đạt được thỏa thuận hủy thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG. Hai hôm sau – 14/3/2018 – Thanh tra Chính phủ mới công bố Kết luận chính thức về cuộc thanh tra thương vụ này. Theo đó, giá trị thực của AVG chỉ khoảng 1.900 tỉ đồng và nhiều bên trong đó có Bộ TTTT, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an,… hoặc vô tình, hoặc cố ý tham gia vở kịch nâng giá trị của AVG lên 7.000 tỉ nữa.
Tình tiết AVG chủ động hoàn lại cho Mobifone 8.900 tỉ trước khi Thanh tra của chính phủ chính thức công bố kết luận về thương vụ này hai ngày rất… kịch! Nhờ sự chủ động từ bỏ khoản lợi lên tới 7.000 tỉ đó, ông Phạm Nhật Vũ (Chủ tịch Hội đồng Quản trị AVG) chỉ bị phạt ba năm tù trong khi những viên chức cao cấp như Nguyễn Bắc Son (Ủy viên BCH TƯ đảng, cựu Bộ trưởng TTTT) bị phạt tù chung thân, Trương Minh Tuấn (Ủy viên BCH TƯ đảng, Bộ trưởng TTTT) bị phạt 14 năm tù, Lê Nam Trà (Chủ tịch HĐTV Mobifone) bị phạt 23 năm tù, Cao Duy Hải (Tổng Giám đốc Mobifone) bị phạt 14 năm tù! Song đó chưa phải là đỉnh của vở kịch Mobifone mua 95% cổ phần của AVG bởi đỉnh nằm ở Bộ Công an và Thượng tướng Tô Lâm là người đứng trên cùng..
***
Trong Kết luận của Thanh tra chính phủ về thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG có một đoạn dành cho Bộ Công an. Nguyên văn như sau:
Đối với Bộ Công an
Qua các văn bản của Bộ Công an tham gia ý kiến với Bộ TTTT, cho thấy việc Bộ Công an có Văn bản số 4352/BCA-A81 ngày 08/12/2014, đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài, mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất; mặt khác, việc Mobifone nhận chuyển nhượng 95% cổ phần AVG không thuộc lĩnh vực bí mật Nhà nước nhưng trên cơ sở đề nghị của Bộ TTTT (Văn bản’số 44/BTTT-QLDN ngày 05/3/2015), Bộ Công an có Văn bản số 418/BCA-TCAN ngày 09/3/2015, thống nhất với Bộ TTTT về việc đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ TTTT với mức độ “MẬT”, thực hiện bảo mật vụ việc mua bán, không giới hạn về thời gian bảo mật thông tin, là chưa phù hợp.
Bộ Công an không có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính nhưng có Văn bản số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015 gửi Bộ TTTT, trong đó có nội dung: Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện Dự án do Bộ TTTT chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật; có điều kiện và cơ sở đế giải quyết các vấn đề về an ninh như Bộ Công an đã nêu. Phương án Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty AVG như trong Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 của Bộ TTTT đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá…
Các ý kiến nêu trên của Bộ Công an là không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền theo quy định.
Cũng vì vậy, trong Kết luận vừa đề cập, Thanh tra kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật các tổ chức, cá nhân thuộc Bộ Công an trong việc tham mưu ban hành 03 văn bản tham gia ý kiến với Bộ TTTT nêu tại điểm 6 Mục II (5).
Nhận định của Thanh tra trong Kết luận về việc thanh tra thương vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG chưa đủ để cảm nhận tường tận về đỉnh của đỉnh. Muốn cảm nhận tường tận cần đọc cả ba văn bản có liên quan đến thương vụ này do Bộ Công an phát hành. Cả ba đều có trên Internet dưới dạng ảnh nên nhiều người lười xem (6) và dưới đây là nguyên văn:
Công văn số 4352/BCA-A81 ngày 8/12/2014, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, V/v Công ty AVG chào bán cổ phần. Xếp loại “Tối mật”…
Phúc đáp Công văn số 200/BTTTT-VP ngày 26/11/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Bộ Công an cho ý kiến về việc hướng dẫn Công ty AVG chào bán cổ phần cho một công ty nước ngoài, Bộ Công an có ý kiến như sau:
Theo quy định pháp luật về lĩnh vực viễn thông hiện hành, nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư để cung cấp dịch vụ viễn thông có hạ tầng mạng trên cơ sở hợp tác với một doanh nghiệp Việt Nam đã được cấp phép thiết lập mạng viễn thông tại Việt Nam, tỷ lệ phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam hiện là thành viên (hiện là WTO). Theo đó, đối tác nước ngoài chỉ được sở hữu tối đa 49% cổ phần. Mặt khác hạ tầng truyền dẫn phát sóng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị vì liên quan đến hoạt động báo chí, do vậy tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài cần phải khống chế thấp hơn nữa bảo đảm không để phía nước ngoài nắm quyền kiểm soát hạ tầng truyền dẫn và nội dung phát sóng.
AVG đang sở hữu hạ tầng truyền dẫn phát sóng số mặt đất và số vệ tinh trên phạm vi toàn quốc, được cấp 2 giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng cho phát sóng số mặt đất và số vệ tinh, 2 giấy phép kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền, 4 tần số để phát sóng truyền hình số mặt đất. Đây là tài nguyên viễn thông và thương quyền mà Nhà nước cấp cho AVG để kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền. Công ty AVG được định giá cao như vậy (700 triệu USD) thực chất là bao gồm cả tài nguyên số và thương quyền đã được cấp phép, do vậy việc chuyển nhượng cần phải được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, ngăn chặn mua bán giấy phép.
AVG đang hợp tác với các đài truyền hình Bình Dương và Hà Nội kiểm duyệt nội dung phát sóng. Về hình thức, Nhà nước thông qua các cơ quan báo chí để quản lý nội dung chương trình truyền hình. Tuy nhiên việc cho phép một công ty nước ngoài tham gia đầu tư, kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền của AVG có thể dẫn tới việc chi phối tiêu chí quản lý kiểm duyệt thông qua sự ràng buộc về kinh tế, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên làm công tác kiểm duyệt nội dung. Vì vậy cần phải tính toán thận trọng, đảm bảo đúng định hướng của Bộ Chính trị về quy hoạch báo chí sắp tới.
Từ những nội dung trên, Bộ Công an đề nghị Bộ TTTT hướng dẫn Công ty AVG không được phép chuyển nhượng cổ phần cho nước ngoài mà chỉ nên bán cổ phần cho các đối tác trong nước, doanh nghiệp nhà nước là tốt nhất. Quá trình xử lý không nên tuyên truyền để dư luận hiểu là Nhà nước “quốc hữu hóa” hoặc thâu tóm doanh nghiệp.
Bộ Công an xin trao đổi và cám ơn sự hợp tác của Quý Bộ.
KT. Bộ trưởng – Thứ trưởng, Thượng tướng Tô Lâm
Công văn số 418/BCA-TCAN ngày 9/3/2015, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông, V/v Công ty AVG chuyển nhượng cổ phần cho Tổng Công ty Mobifone. Xếp loại “Tối mật”
Trả lời Công văn số 44/BTTTT-QLDN ngày 5/3/2015 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu – AVG chuyển nhượng cổ phần cho Tổng Công ty Mobifone, Bộ Công an có ý kiến như sau:
Việc chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và Mobifone là giao dịch kinh tế giữa hai doanh nghiệp, có sự định hướng của Nhà nước. Để tránh dư luận hiểu lầm là Nhà nước “quốc hữu hóa” hoặc thâu tóm doanh nghiệp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo hai doanh nghiệp trên không công khai, tuyên truyền sự việc trên và quản lý chặt chẽ các thông tin, tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng vì đây là bí mật kinh doanh của doanh nghiệp. Bộ Công an nhất trí với đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông không công khai tuyên truyền về việc này và thống nhất đưa tài liệu giao dịch này trong danh mục tài liệu bí mật của Bộ Thông tin và Truyền thông, mức độ “Mật”. Ngoài ra, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí không đưa tin, bài viết bình luận về hoạt động chuyển nhượng giữa hai doanh nghiệp này.
Bộ Công an xin trao đổi Quý Bộ xem xét, quyết định.
KT Bộ trưởng – Thứ trưởng, Thượng tướng Tô Lâm
Công văn số 2889/BCA-A61 ngày 21/12/2015, trả lời công văn số 235/BTTTT-QLDN. Xếp loại “Mật”
Bộ Công an đánh giá quá trình, quy trình thực hiện đối với Dự án đầu tư dịch vụ truyền hình của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone do Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo là thận trọng, chặt chẽ, tuân thủ các quy định pháp luật, có điều kiện và cơ sở để giải quyết các vấn đề an ninh như Bộ Công an đã nêu.
Phương án Tổng Công ty Viễn thông Mobifone đầu tư 8.898,3 tỷ đồng mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần Nghe nhìn toàn cầu (Công ty AVG) như trong mục 2.1 của Công văn số 235/BTTTT-QLDN ngày 18/12/2015 đã thấp hơn so với định giá của các đơn vị định giá. Việc mua này sẽ đảm bảo được một doanh nghiệp nhà nước sẽ kiểm soát được mạng hạ tầng truyền dẫn và nội dung phát sóng, không chỉ thực hiện đúng chiến lược đầu tư phát triển dịch vụ truyền hình của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mà còn góp phần đảm bảo an ninh văn hóa, tư tưởng, thông tin, truyền thông.
Dự án này không chỉ thuần túy về kinh tế, nhằm mục đích kinh doanh của Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, mà còn nhằm quản lý khai thác hệ thống truyền hình được đầu tư hiện đại, phủ sóng toàn quốc, có ý nghĩa đảm bảo an ninh, chính trị, tư tưởng, văn hóa. Do vậy, đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các đơn vị chức năng cùng tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi, có những chính sách đặc thù để Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tiếp nhận, quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả dự án cũng như thực hiện các nhiệm vụ của mình.
Bộ Công an xin trao đổi để Quý Bộ nghiên cứu và sớm triển khai.
KT. Bộ trưởng – Thứ trưởng, Thượng tướng Tô Lâm
***
Sau khi công bố kết luận, Thanh tra của chính phủ đã chuyển toàn bộ hồ sơ cho Bộ Công an để xem xét trách nhiệm hình sự những cá nhân có liên quan. Không có bất kỳ sĩ quan công an nào dính chàm cho dù đối chiếu những tình tiết được dùng để luận tội, kết án các bị cáo trong vụ án Mobifone – AVG ắt sẽ thấy, từ đầu đến cuối thương vụ, Bộ Công an đứng cùng bên với các bị cáo. Cả ba công văn của Bộ Công an chứng tỏ, đại diện Bộ Công an – Thượng tướng Tô Lâm rất sốt sắng trong việc phúc đáp Bộ TTTT. Có công văn tính từ lúc Bộ TTTT ký đến khi trải qua quá trình tiếp nhận – phân loại – trình cho cá nhân có thẩm quyền xem xét – chỉ đạo – soạn văn bản trả lời – ký tên, đóng dấu tại Bộ Công an chỉ vỏn vẹn… bốn ngày. Sự sốt sắng đó còn thể hiện ở chỗ, bắt kể nơi phát hành là A61, A81 hay Tổng cục An ninh thì Thượng tướng Tô Lâm vẫn là người ký cuối cùng.
Khó mà kể hết những viên chức đủ cấp không bị xử lý hình sự thì cũng bị xử lý hành chánh chỉ vì đã ký những văn bản mở đường cho tham ô, nhũng lạm gây hậu quả nghiêm trọng dù hệ thống tư pháp không thể chứng minh đương sự có tư lợi nhưng điều này hiếm khi xảy ra với các cá nhân ở Bộ Công an, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Công an. Ủy viên Ban Chấp hành trung ương Đảng, Thượng tướng Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an nay là Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Bộ trưởng Công an và đang chỉ đạo Bộ Công an “tả xung, hữu đột” bảo vệ – thực thi pháp luật, phòng – chống tham nhũng. Có thể trong công chúng vẫn còn có người tin bảo vệ – thực thi pháp luật, phòng – chống tham nhũng ở Việt Nam “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” nhưng bằng hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của một người trong ngành, ông Đỗ Hữu Ca không tin và lần này, ông không may như những lần trước. Vậy thôi!
Chú thích
(3) https://tienphong.vn/diem-danh-loat-tuong-linh-sy-quan-cong-an-bi-ky-luat-xu-ly-post1137170.tpo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét