Cái tát trong văn minh lúa nước
28-1-2023
Bỏ qua tất cả bối cảnh ám chỉ gì đó liên quan đến một chương trình tấu hài dịp Tết gì đó trên TV Việt Nam mà tôi dĩ nhiên không quan tâm – đã TV, lại còn TV Việt Nam, lại còn tấu hài, lại còn tấu hài dịp Tết, chỉ xem xét câu chuyện “Cái tát của mẹ” thuần túy theo nghĩa đen, chúng ta thấy gia đình Việt Nam hiện lên như thế nào?
1. Bà mẹ trong gia đình có trách nhiệm “thức khuya dậy sớm gói bánh cho cả nhà”. Đàn ông vô can. Nội trợ trước sau vẫn là việc của phụ nữ, chân lý đó chưa bao giờ thay đổi.
2. Vì đã hi sinh cống hiến, đã nỗ lực vượt qua mọi áp lực và “ràng buộc”, toàn tâm toàn ý phục vụ hạnh phúc của gia đình, nên bà mẹ thấy lẽ phải đương nhiên đứng về phía mình. Bà hung hãn sửng cồ khi bị chê trách. Các lập luận của bà là: a) Tao vất vả khổ sở thế cho mày sung sướng, mày không thương thì thôi, lại còn chõ mồm chê bai; b) Có giỏi thì tự đi mà làm; c) Không đóng góp gì thì im mồm đi; d) Không thích thì cút; đ) Sao không thích mà vẫn cắm đầu vào “ăn tụt lưỡi”; e) Đồ vô phúc ăn cháo đá bát.
3. Ông con bị mẹ cho một cái tát nổ đom đóm (“đầu quay như đĩa hát”).
4. Bà mẹ òa lên khóc. Ông con ngộ ra bài học (nhờ thêm tác động hòa giải của hai nhân vật phụ là ông bố và thằng cháu). Tất cả xin lỗi nhau. Gia đình lại sum vầy, sung sướng ăn bánh chưng có sạn của bà mẹ.
Một vở cải lương toàn Kitsch và Kitsch, nhưng nó vô thức làm bật lên một số cơ cấu tâm lý và quyền lực khắc sâu trong gia đình Việt Nam, biểu lộ rõ rệt qua phép thắng lợi tinh thần của bà mẹ, người bị trói chặt trong vai trò cố hữu song cũng lấy đó làm vũ khí đạo đức và nguồn cung cấp nước mắt để cưỡng bức và hăm dọa, thậm chí để bạo hành.
Nhưng nếu không phải ông con mà ông bố chê bôi, liệu bà có dám cho chồng ăn tát?
Vì sao đứa con trong gia đình Việt, dù đã hơn 50, chẳng những không bị chấn thương tinh thần mà vẫn giữ nguyên lòng “rất yêu thương và kính trọng” mẹ, rồi đi khoe được mẹ tát như đi rao lòng hiếu thảo? Rằng mình đáng bị tát như thế. Rằng đừng chê bôi như tôi bạn nhé, kẻo bị mẹ cho ăn tát.
Sâu dưới cái bề mặt “bánh sạn thì nhè sạn, không sao cả, miễn là biết chia sẻ yêu thương” ấy là những tầng xung đột dai dẳng. Đầy độc tố tích tụ.
Rồi bạn sẽ lại bảo, người Việt trọng tình chứ không trọng lý thẳng tuột như tôi phân tích, người Việt có những cách giải quyết khác, gia đình Việt vẫn là nhất. Vâng, tôi đồng ý hết, chỉ mong bạn không đem “văn minh lúa nước” gì đó ra giảng. Rằng cái tát trong văn minh lúa nước nó không hằn lại năm ngón, mà hằn lại nghĩa tình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét