Việc Ukraina có lập trường cứng rắn hơn, các cuộc đàm phán hòa bình đã tạm dừng
Tác giả: Anton Troianovski và Valerie Hopkins
Cù Tuấn, dịch
17-5-2022
Sau nhiều tuần cố gắng đạt được một thỏa thuận hòa bình, các nhà đàm phán Nga và Ukraina dường như còn cách xa nhau hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong cuộc chiến kéo dài gần ba tháng nay, với các cuộc đàm phán đã rơi vào bế tắc và hai bên công khai chỉ trích lẫn nhau.
Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn của Tổng thống Vladimir V. Putin, tuyên bố rằng Nga vẫn chưa nhận được phản hồi đối với dự thảo thỏa thuận hòa bình mà nước này đã gửi cho Ukraina vào ngày 15 tháng 4. Rustem Umerov, một nhà đàm phán hàng đầu của Ukraina, đã trả lời bằng cách nói rằng lời lẽ của Nga toàn là “giả mạo và dối trá”.
“Chúng tôi đang tự bảo vệ mình”. ông Umerov nói trong một cuộc phỏng vấn. “Nếu Nga muốn rút lui khỏi cuộc chiến, họ có thể rút về biên giới của họ ngay trong ngày hôm nay. Nhưng họ không làm điều đó”.
Vào ngày 17/5, cả hai bên tiếp tục hạ thấp triển vọng của một thỏa thuận. Một nhà đàm phán khác của Ukraina, Mykhailo Podolyak, đã đưa ra một tuyên bố nói rằng, các cuộc đàm phán đang “tạm dừng” và với việc tấn công của Nga đã bị đình trệ, Điện Kremlin “sẽ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào“. Và Andrei Rudenko, Thứ trưởng Ngoại giao Nga, nói với các phóng viên Interfax rằng “Ukraina thực tế đã rút khỏi tiến trình đàm phán”.
Sự bế tắc chủ yếu bắt nguồn từ việc Nga khăng khăng duy trì quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn của Ukraina và ông Putin rõ ràng quyết tâm đẩy mạnh cuộc tấn công của mình. Nhưng một yếu tố khác là một Ukraina đã trở nên mạnh mẽ hơn: Những thành công của họ trên chiến trường, kết hợp với sự tức giận trước những hành động tàn bạo của Nga, khiến công chúng Ukraina không còn sẵn sàng chấp nhận một nền hòa bình dựa trên thương lượng mà phải chịu mất cho Nga một diện tích đất đai đáng kể.
Ukraina tiếp tục được một dòng vũ khí và viện trợ bất thường từ phương Tây nâng đỡ. Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ thông qua gói viện trợ quân sự và kinh tế trị giá 40 tỷ USD cho Ukraina sớm nhất là vào 18/5.
“Bây giờ chúng tôi càng cảm thấy tự tin hơn trong cuộc chiến, lập trường của chúng tôi trong các cuộc đàm phán cũng đang trở nên cứng rắn hơn”, Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba nói với tờ báo Đức Die Welt trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào tuần trước. “Vấn đề thực sự là Nga không thể hiện mong muốn tham gia vào các cuộc đàm phán có thực chất”.
Ở Nga, các quan chức thì nói rằng chính những người Ukraina là những người không kiên nhẫn, và họ đang được các nhà lãnh đạo phương Tây ép phải tiếp tục chiến đấu. Ví dụ, Thủ tướng Kaja Kallas của Estonia nói rằng phương Tây cần tạo ra một thất bại quân sự đối với ông Putin hơn là “một nền hòa bình mà cho phép sự gây hấn được đền đáp”.
Cả hai bên đều kiên định ý mình và chỉ nói về những gì có lợi cho mình. Ông Medinsky, trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với một hãng tin phương Tây kể từ khi bắt đầu chiến tranh, tuyên bố rằng các nhà đàm phán Ukraina trước đó đã đồng ý với phần lớn dự thảo thỏa thuận mà ông nói rằng Nga đã đưa cho Ukraina vào tháng trước.
“Nhưng có thể họ đại diện cho một phần của giới tinh hoa Ukraine, những người quan tâm nhất đến việc đạt được một thỏa thuận hòa bình”, ông Medinsky nói, đề cập đến các nhà đàm phán. “Và có lẽ có một bộ phận khác của tầng lớp tinh hoa không muốn hòa bình, và điều đó thu được lợi ích tài chính và chính trị trực tiếp từ việc cuộc chiến tiếp tục”.
Các cuộc thảo luận giữa các nhà đàm phán cấp trung bình đã tiếp tục trong nhiều tuần. Nhưng có dấu hiệu cho thấy, một thỏa thuận hòa bình hiện có vẻ còn xa vời đối với cả hai bên, các nhà đàm phán đã tập trung vào các vấn đề chi tiết hơn như trao đổi tù binh và các nỗ lực nhân đạo, cũng như dỡ bỏ việc Nga phong tỏa các cảng ở Biển Đen của Ukraine.
Tuy nhiên, thực tế là một số cuộc đàm phán đã diễn ra cho thấy rằng, một sự thương lượng kết thúc chiến tranh không hoàn toàn nằm ngoài khả năng. Hôm thứ Hai, sau nhiều tuần đàm phán mà cả hai bên đều giữ bí mật, Ukraine đã đồng ý các chiến binh của họ đang trú ẩn trong một nhà máy thép ở thành phố cảng Mariupol, đầu hàng. Các quan chức cho biết, họ mong đợi các chiến binh sẽ được Nga trả tự do trong một cuộc trao đổi tù binh.
Ông Medinsky, một cựu Bộ trưởng Văn hóa bảo thủ được ông Putin bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán Ukraine hồi tháng 2, nói rằng, Nga vẫn quan tâm đến một thỏa thuận hòa bình với Ukraine nhằm biến nước này trở thành một “quốc gia trung lập và hòa bình, thân thiện với các nước láng giềng” (*).
Ông gợi lại những cuộc xung đột trong quá khứ giữa miền Bắc và miền Nam của Mỹ, Đức và Áo, Anh và Scotland như một bằng chứng lịch sử cho thấy sự thù hằn ngày nay giữa Nga và Ukraina cuối cùng cũng sẽ chấm dứt.
Ông nói: “Không sớm thì muộn, hòa bình, lợi ích chung, hòa hợp và chung sống đôi bên cùng có lợi sẽ được tìm thấy dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhiệm vụ của chúng tôi với tư cách là các nhà đàm phán là làm cho điều này đến sớm hơn, nếu có thể được”.
Bình luận của ông Medinsky nghe có vẻ hòa giải hơn là lời lẽ cứng rắn hàng ngày được nghe thấy trên truyền hình nhà nước Nga, một dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin muốn để ngỏ các lựa chọn của mình khi quân đội của họ đang phải vật lộn trên chiến trường.
Nhưng ông Medinsky đã đưa ra một số chi tiết về tiến trình của các cuộc đàm phán.
Ông Umerov, một thành viên của Quốc hội Ukraina thuộc đảng Holos tiến bộ, bác bỏ quan điểm cho rằng người Ukraina đã từ chối các cuộc đàm phán mang tính xây dựng. Ông Umerov nói rằng, đó là “ý kiến cá nhân” của ông, rằng người Nga không quan tâm đến việc đạt được một thỏa thuận.
Ông Umerov nói: “Không có sự nhất quán trong các lập trường đàm phán của Nga. Họ luôn có xu hướng vặn vẹo câu chuyện thành Nga tốt còn Ukraina xấu”.
Nga đã giành được một số lãnh thổ ở phía nam và phía đông của Ukraina, điều này khiến cơ hội đạt được một thỏa thuận hòa bình càng trở nên xa vời hơn. Nga cũng đã đặt ra một chính quyền chiếm đóng thân Nga ở khu vực Kherson phía bắc Crimea và đang chuyển hệ thống tài chính của khu vực này sang đồng tiền rúp của Nga – một bước dạo đầu thay vì thôn tính vùng này ngay lập tức.
Nhưng ở phía bắc, Ukraina đang chiếm lại một số lãnh thổ, khiến một số người Ukraina đã nghĩ đến việc đẩy quân Nga hoàn toàn ra khỏi đất nước Ukraina. Maria Zolkina, một nhà phân tích chính trị Ukraina, nói rằng ngay cả việc trở lại ranh giới kiểm soát trước cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 – khi Nga kiểm soát khoảng một phần ba khu vực phía đông Ukraina được gọi là Donbas, cùng với Crimea – bây giờ sẽ không còn làm hài lòng công chúng Ukraina nữa.
Bà Zolkina nói: “Càng kháng cự, chúng tôi càng tin rằng chúng tôi có khả năng đánh bật quân Nga ra khỏi lãnh thổ của mình“.
Ông Umerov, một người dân tộc Tatar ở Crimea, nhấn mạnh rằng “Crimea và Donbas hay bất kỳ lãnh thổ nào khác đều không cần phải thảo luận nữa”.
Bà Zolkina lưu ý rằng, người Ukraina đang mong đợi nhiều vũ khí phòng thủ và tấn công sẽ đến sau khi Tổng thống Biden ký đạo luật đẩy nhanh các chuyến hàng vũ khí, điều này sẽ giúp họ chiến đấu trên chiến trường.
Nhưng bà cũng nói rằng những hành động giết người tàn bạo được khai quật ở Bucha, Irpin, Chernihiv, Kharkiv và những nơi khác đã khiến xã hội Ukraina tức giận hơn nữa, kích động mọi người chống lại một thỏa thuận hòa bình khả thi.
Ivan Timofeev, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, cho biết ông cũng tin rằng viễn cảnh hòa bình đã trở nên xa vời hơn trong tháng trước. Ông nói, không chỉ có Ukraina mà ông Putin cũng không đủ khả năng để thực hiện một thỏa thuận hòa bình vào thời điểm mà nỗ lực chiến tranh của Nga được nhiều người cho là đang gặp khó khăn – ngay cả với các blogger nổi tiếng ủng hộ chiến tranh của Nga.
Ông Timofeev, giám đốc phụ trách các chương trình của Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, một tổ chức tư vấn do chính phủ tài trợ, cho biết, không thể nhượng bộ, “có thể được coi là một thất bại. Mỗi bên đều đang nỗ lực để có được một số thành công quân sự mang tính quyết định“.
Và ngay cả khi có một bước đột phá trong các cuộc đàm phán giữa Ukraina và Nga, ông nói, thỏa thuận này sẽ khó có thể tạo ra các điều kiện cho một nền hòa bình lâu dài. Vấn đề lớn hơn của Nga là thiếu một thỏa thuận với phương Tây về cấu trúc an ninh châu Âu – một thỏa thuận mà ông Putin đã tìm kiếm trước khi xâm lược Ukraina và điều đó hiện giờ có vẻ ở ngoài tầm với.
Ông Timofeev nói: “Không thể tìm được một thỏa thuận trọn gói với phương Tây với các điều kiện bình đẳng về an ninh châu Âu. Và điều đó có nghĩa là sẽ không có nền tảng vững chắc cho hòa bình ở Ukraina“.
______
(*) Ghi chú: Bốn đoạn tô màu xám trong bài là phần người dịch bỏ sót, Tiếng Dân đã dịch thêm các đoạn này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét