Còn khổ bao lâu nữa?
Nguyễn Thị Tịnh Thy
Kính thưa quý vị!
Bài viết này, phát biểu này, tôi xin gửi đến Ban Vận động thành lập Văn đoàn độc lập (Văn Việt) cùng những ai quan tâm đến văn học và quyền tự do sáng tạo nghệ thuật của nước nhà.
Không biết trên thế gian này, trong nền văn chương Đông Tây kim cổ, đã có ai phải viết bài phát biểu này như tôi không. Bởi, đây là phát biểu XIN GIỮ GIÙM GIẢI THƯỞNG.
Đã có những người từ chối hoặc bị buộc phải từ chối giải thưởng, kể cả giải văn chương danh giá nhất hành tinh là giải Nobel vì rất nhiều lý do khác nhau. Nhưng e rằng, không mấy ai ký thác tâm nguyện nhờ giữ lại giải như tôi.
Tôi được Văn Việt trao giải thưởng thường niên năm 2022 cho hạng mục Nghiên cứu - Phê bình với cuốn sách “Dám ngoái đầu nhìn lại” (Nxb. Hội Nhà văn, 2021). Giải thưởng do Văn Việt tự chọn và trao, không phải là một cuộc thi mà tác giả phải gửi công trình dự giải. Với tôi, đây là vinh dự, là vòng nguyệt quế cho lao động bút mực của mình – một người không phải là thành viên của Văn Việt. Tuy nhiên, đây cũng là vòng nguyệt quế phủ đầy gai mà người nhận không dễ dàng sở hữu, dù nó vốn phải thế. Tôi không từ chối giải thưởng, bởi vì đây là giải thưởng có giá trị về học thuật, như bao giải thưởng như thế trên thế giới này. Tôi cũng không thể nhận giải thưởng, bởi nếu nhận, thì sẽ chuốc lấy rất nhiều phiền phức. Xin cảm ơn Ban Xét giải đã lựa chọn trên cơ sở ghi nhận thành quả khoa học của tôi; đồng thời, cũng xin Văn Việt giữ giùm giải thưởng này. Hiện tại, tôi chưa thể nhận giải, cũng không muốn và không thể từ chối. Để giải thích cho tình trạng tiến thoái lưỡng nan này, tôi xin giãi bày với quý vị những suy nghĩ như sau:
Trước hết, xin khẳng định, tôi tôn trọng Văn Việt và giải thưởng của Văn Việt. Muốn chứng minh cho chất lượng và uy tín của giải thường này, xin quý vị hãy đọc tác phẩm cũng như phát biểu nhận giải của nhà thơ Thái Hạo. Theo tôi, bài phát biểu này là một trong những diễn từ hay nhất, xứng đáng được trích dẫn trong nhiều văn bản khác; đủ để xem là một tuyên ngôn thơ, một quan điểm sáng tác và tư duy nghệ thuật sâu sắc và đặc sắc.
Tôi gửi nhiều bài sáng tác và phê bình văn học đăng trên http//:vanviet.info của Văn Việt, bởi vì, đây là một trang báo có chất lượng chuyên môn cao, bài vở được biên tập và chọn lựa kỹ lưỡng. Những người chủ trương trang báo này là các trí thức đáng nể trọng về trí tuệ lẫn nhân cách. Bài tôi đăng trên Văn Việt, đa phần đã được đăng ở báo chí chính thống trong nước; những cuốn sách nghiên cứu của tôi đều được cấp phép bởi các nhà xuất bản uy tín. Nghĩa là, xét về phương diện khách quan lẫn chủ quan, tôi cảm thấy việc mình gửi bài ở Văn Việt, được Văn Việt trao giải thưởng là việc rất đỗi bình thường.
Vậy mà, khi biết mình được Văn Việt trao giải thưởng, tôi phải chuẩn bị để đón nhận những điều bất bình thường.
Đã có người nhận giải của Văn Việt xong, bị các cơ quan nhà nước, “người nhà nước” gây phiền nhiễu quá mức, khiến cuộc sống của họ luôn trong trạng thái bất an, bản thân họ bị người xung quanh xem như kẻ phạm tội. Đã có người bị ngăn cản trên đường đi nhận giải, buộc phải vứt vé tàu xe để quay về nhà. Gần đây nhất, nhà thơ Thái Hạo bị đánh bầm mặt trên đường ra sân bay để đến với Văn Việt. Và tôi, thông tin về giải thưởng chưa đến tai, tôi đã được người của cơ quan an ninh đề nghị không nên nhận giải. Khi tôi hỏi rằng, nếu tôi vẫn muốn nhận thì sao? Câu trả lời khá nhã nhặn, nhưng nội dung là: “Để tránh ảnh hưởng đến tình hình an ninh chung, chị không nên đi nhận giải… Cũng như Thái Hạo, cơ quan an ninh cũng đã tác động là anh không đi được đâu”; “Dẫu cách ứng xử mỗi nơi mỗi khác, nhưng dù sao đi nữa, chị cũng không nên nhận giải”; “Nếu nhận, thì không nên tổ chức trao, quay phim, chụp hình rồi công bố trên mạng xã hội để tránh những phiền phức không đáng có”. Và tiếp theo đó là những tìm hiểu tứ phương tám hướng để dò xét xem tôi sẽ tiếp xúc với người của Văn Việt ở đâu, lúc nào… để nhận giải.
Tôi là một trí thức, một nhà khoa học. Đứng về mặt chuyên môn, tôi đủ trí tuệ và kinh nghiệm để biết nên gửi bài ở đâu, của tổ chức học thuật nào. Tôi là một công dân tôn trọng pháp luật, tôi đủ hiểu biết để không làm gì phạm pháp. Việc tôi gửi bài đăng ở Văn Việt, việc tôi nhận giải thưởng của Văn Việt là không hề phạm pháp. Vậy thì, tại sao tôi (và nhiều người nữa) bị ngăn cản, thậm chí có người đã bị hành hung về thể xác và uy hiếp, hành hạ về tinh thần? Xin thưa với “người nhà nước”, nếu các anh chị đủ can đảm, đủ bản lĩnh, đủ minh bạch thì hãy đề nghị cấp trên của các anh chị ra lệnh cấm các tổ chức văn học nghệ thuật phi nhà nước đi. Nếu không dám cấm, để tỏ ra là mình vẫn dân chủ; nếu muốn chứng tỏ rằng công dân nước Việt vẫn tự do lập hội đoàn thì hãy cứ để cho các hội đoàn ấy tồn tại một cách yên ổn. Xin đừng dân chủ giả tạo, ngoài mặt không cấm nhưng bên trong thì dùng biện pháp cứng rắn để ngăn cản và trừng phạt. Xin đừng sử dụng bàn tay sắt bọc nhung, đừng vừa đấm vừa thoa, đừng giả danh lưu manh để thực thi nhiệm vụ chính trị; vì như thế là giả dối, là ném đá giấu tay trước những đối tượng chân yếu tay mềm, trói gà không chặt vốn chỉ có trái tim nghệ sĩ, tâm hồn yêu văn chương nghệ thuật và khát khao truy cầu tự do sáng tạo mà thôi.
Xin đừng đóng bộ mặt nguỵ quân tử cho chính quyền, vì như thế, chính quyền đã đích thực trở thành “nguỵ quyền” – điều mà quý vị từng không tiếc máu xương để lật đổ!
Tôi phải suy nghĩ rất nhiều trước quyết định nhờ giữ giùm giải thưởng. Bởi vì, nếu từ chối, tôi sẽ làm tổn thương giải thưởng. Đó là điều tôi trăm ngàn lần không muốn. Nếu bí mật nhận giải, bí mật cất giấu để được yên thân, lâu lâu lén lút mở ra xem, “một mình mình biết, một mình mình hay”, thì phỏng có vui gì. Làm như thế, tôi cảm thấy mình ngôn hành bất nhất, không xứng đáng với Văn Việt, không xứng đáng với chính tôi. Nếu công khai nhận giải, tôi sẽ bị cản trở, bị gây sự, bị khủng bố tinh thần, và có thể còn bị hành hung. Điều này, tôi cũng ngàn vạn lần không muốn. Tôi không hèn nhát, nhưng nếu để xảy ra điều gì không hay cho mình và cho người thân, đơn giản chỉ vì một giải thưởng, thì có đáng không?
Giải thưởng, cho dù là giải thưởng trò chơi hay giải thưởng chuyên môn, đều là niềm vui và vinh dự cho người nhận. Vậy mà, giải thưởng tôi được trao lại khiến cha mẹ âu lo, anh em phấp phỏng, cơ quan căng thẳng, đồng nghiệp ái ngại. Vinh quang cho mình, nhưng gây phiền hà cho những người xung quanh, thì có nên không? Việc nhận giải lại khiến các cán bộ an ninh vốn là đại nhân nhưng không được hành đại lộ khi phải quan tâm săn sóc một người như mình, trong khi họ cần phải dành trí tuệ, thời gian và tâm huyết để ngăn chặn tội phạm, để đối phó với kẻ thù đích thực và đáng sợ của dân tộc, để làm những việc ích nước lợi nhà hơn, thì có nên không?
Cùng dưới một gầm trời xã hội chủ nghĩa được cho là dân chủ, công bằng và văn minh này, giải thưởng của Hội Nhà văn từ trung ương đến địa phương, của Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật trung ương và rất nhiều giải thưởng nhà nước khác thì luôn được tiền hô hậu ủng, muôn hồng ngàn tía, trống giong cờ mở, lên xe xuống ngựa, cơm đưa rượu rước; còn giải thưởng của Văn Việt thì bị ngăn trở, bị vùi dập, bị quấy nhiễu, bị hành hạ, bị cưỡng bức…, như thế có công bằng không? Nhà nước không nuôi Văn Việt, thì cứ để nó tự sinh tự trưởng và tự diệt nếu như nó không đủ mạnh; không hà hơi tiếp sức thì cũng xin đừng chặn hầu bóp mũi nó. Một tổ chức văn học nghệ thuật cỏn con mà được coi là liên quan đến sự an nguy của một chính thể, thì chính thể ấy phải tự xem lại thực lực của chính mình. Nếu nhà nước đánh giá quá cao tầm ảnh hưởng và độ nguy hiểm của Văn Việt như thế, thì cần phải xem lại năng lực nhận thức, năng lực nhận định và phân định bạn – thù của đội ngũ tham mưu.
Đầu thế kỷ XX, nhà văn Nguyễn Vỹ từng có câu nói đầy cay đắng: “Nhà văn An-nam khổ như chó”. Bây giờ, đã một trăm năm trôi qua với bao nhiêu cuộc cách mạng và giải phóng, nhà văn An-nam vẫn còn “khổ như chó”. Thử hỏi như vậy có ưu việt không? Có buồn không? Có đau không? Có nhục không?
“Nhà văn An-nam khổ như chó”. Đó phải chăng là lời nguyền cho văn chương Việt? Nếu không, thì tại sao ở thế kỷ XXI này, đến chó cũng không còn khổ nữa, chó ghẻ bị vứt còn được cộng đồng nháo nhác thức suốt đêm tìm về chăm sóc, cưng chiều hết mực; còn nhà văn Việt Nam lại bị săm soi, săn sóc ngược đời. Bao giờ, nhà văn mới “bước qua lời nguyền”?
Cuối tháng 3 vừa qua, gặp nhà thơ Thái Hạo ở Huế, nhìn thấy vết sẹo còn mới trên má của anh, tôi chợt nghẹn. Khi chia tay, nói lời “Bảo trọng” với Thái Hạo, tôi vội quay đi và bật khóc. Ba năm COVID-19 hoành hành, tôi đã không biết bao nhiêu lần nói hai từ “Bảo trọng” với bạn bè, với người thân, nhưng chưa bao giờ thấy uất ức và buồn tủi như lần này. Đến lúc nào và làm thế nào Văn Việt mới được yên, các nhà văn phi nhà nước mới được yên?
Tôi vẫn muốn tiếp tục viết những bài bình luận, nghiên cứu văn học và đăng trên Văn Việt. Tôi vẫn muốn “độc lập” trong nguyên nghĩa của từ này, nghĩa là đứng một mình, chấp nhận cô đơn trong sáng tạo. Tôi vẫn mơ giấc mơ Nobel cho văn chương Việt Nam một cách nghiêm túc dù văn chương vẫn còn bị tung hô nhầm, cấm đoán nhầm, hãm hại nhầm. Tôi vẫn tâm đắc câu nói của nhà văn Diêm Liên Khoa: “Đừng oán trách hoàn cảnh sáng tác hay hoàn cảnh chính trị,… điều quan trọng là bạn có năng lực và nhân cách để viết hay không. Không viết nổi một tác phẩm lớn là lỗi của nhà văn chứ không phải lỗi của thời đại, đừng lấy những danh nghĩa đẹp đẽ để che đậy trách nhiệm và năng lực của nhà văn”.
Tôi vẫn mong có ngày mình được đường đường chính chính nhận giải thưởng của Văn Việt mà không bị chấn thương, tổn thương và áp lực. Tôi vẫn hy vọng có ngày đó. Còn bây giờ, xin Văn Việt hãy giữ giùm tấm huy chương này; chờ một ngày mưa thuận gió hoà, ngày bình yên thật sự, ngày mà chính thể đủ mạnh để không còn xem những người sáng tạo độc lập là thù nghịch, tôi sẽ trân trọng đón nhận nó cho châu về hợp phố. Nhược bằng, Văn Việt chết trước khi ngày ấy đến mà không phải vì nguyên nhân tự thân, thì đó là thất bại của dân chủ và tự do sáng tạo trong nghệ thuật – học thuật nhân văn nước nhà, cũng là điều thiếu may mắn của tôi.
Mới đây, một nhà văn lớn của Việt Nam có viết: “Vô phúc cho vị nào được Hội Nhà văn đề cử tranh giải Nobel sắp tới. Bởi nó sẽ là khởi đầu vĩnh viễn cho những cuộc đàm tiếu, nhạo báng…”. Giả định này còn xa lắm.
Còn bây giờ, ở đây, tôi chắc chắn rằng, vô phúc cho vị nào được các giải thưởng văn chương phi nhà nước gọi tên, bởi họ sẽ phải trả giá rất đắt cho vinh quang này.
Và, đối với quý độc giả của bài viết này, “Phúc cho ai không thấy mà tin”!
“Nhà văn An-nam khổ như chó”, còn khổ bao lâu nữa?
Huế, ngày 01/05/2022
Nguồn: Văn Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét