Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 21 tháng 5, 2022

Cấm MV Sơn Tùng: Một cái nhìn khác về kiểm duyệt của Việt Nam

 


Cấm MV Sơn Tùng: Một cái nhìn khác về kiểm duyệt của Việt Nam

Tuấn Khanh

MV Tùng Sơn và câu chuyện về nhận thức

Nay, rảnh, có cô em gửi cho xem MV của cu cậu Tùng Sơn cùng quê và xem thử. May quá, cu cậu hát bằng tiếng Anh, chứ hát tiếng Việt là mình ghét. Hát tiếng Anh thì mình đếch hiểu gì, chứ tiếng Việt câu được câu chăng thì càng cáu. Quả thực, xem video, không hiểu gì nội dung lời bài hát, nhưng hình ảnh thì mình hiểu hết. Thực sự rất xúc động. Đó là câu chuyện về một cậu bé, nuôi dưỡng trong cô đơn nơi tu viện, lớn lên nơi bãi rác, không có người thân. Hình ảnh đó đại diện cho cả vạn đứa trẻ mồ côi, cha mẹ bỏ rơi, ăn mày, nhặt rác... đầy rẫy xã hội. Chúng thiếu tình thương bố mẹ, thiếu sự đồng cảm xã hội, chúng tổn thương và lệch lạc khi lớn lên. Đã có những nghiên cứu tâm lý, phần lớn trẻ lớn lên thiếu cha mẹ, môi trường, giáo dục tốt, đều tổn thương và lệch lạc như vậy. Đứa trẻ, hay cậu thanh niên đó cần chỗ dựa, nhưng chúng ta hắt hủi, bỏ rơi chúng. Và, chúng nổi loạn, chứng tỏ mình. Nhưng, rốt cuộc vẫn là nỗi cô đơn và tuyệt vọng. Chẳng ai quan tâm đến chúng cả. Và, kết cục là chúng tìm đến cái chết.

Cái chết với chúng không phải sự đớn hèn, mà, đó là cách kết thúc sự đau khổ, cô đơn trong sâu thẳm tâm hồn đã vụn vỡ. Đó là lời cảnh tỉnh rất chính xác, rất chuẩn và thực tế. Đó là hiện thực không thể chối bỏ. Hiện thực đó nó vả vào sự vô tâm của con người, của xã hội này. Nhìn vào đó, để chúng ta có bài học, chúng ta hiểu về tâm sinh lý con người. Chỉ có vài hình ảnh, mà nó rất sinh động ám ảnh. 

Khán giả chúng ta, các nhà bình luận, quản lý điện ảnh... khuôn phép trong nhận thức điện ảnh, thông điệp, nên chỉ thích môtip có hậu. Kiểu như, đứa trẻ đó, từ đói khát, cô đơn, sẽ có nghị lực vươn lên, thành công, hạnh phúc... Rồi thì, đứa bé ngồi khóc, Bụt hiện lên cho cục vàng. Toàn tào lao cổ tích, chỉ kích thích trí tưởng bở, không mang lại bài học giá trị gì, không giáo dục được cái gì sất. Cuối cùng, quan điểm cá nhân, của người nghiên cứu khá kỹ tâm hồn con trẻ, tôi nhận thấy video này chả có tác động tiêu cực gì đến bọn trẻ, mà nó cảnh tỉnh các bậc phụ huynh một cách ám ảnh, giật mình.

Phạm Dương Ngọc

Ca sĩ Sơn Tùng trong MV mới vừa bị cấm ở Việt Nam.Hình chụp video từ YouTube

Trong sự kiện MV bài hát mới của Sơn Tùng, lệnh cấm từ Cục Nghệ thuật Biểu diễn được phát đi hối hả dựa trên khoản 4, điều 3, theo điều 144/2020 NĐ-CP, đã bộc lộ tính mơ hồ của luật pháp, và cả ấu trĩ trong nhận định.

Nguyên văn theo căn cứ này, là cấm bởi “Sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”.

Những gì được viện dẫn từ điều luật này đều hết sức chủ quan và duy ý chí. Hay nói một cách khác, là nếu yêu thì sẽ cho qua, còn ghét thì cái gì cũng có thể thành tội. Còn đáng sợ hơn, là cụm từ “trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” – đây là điều có thể diễn giải vô tội vạ, bởi cái chuẩn mực thuần phong, mỹ tục thuộc về “dân tộc” khó mà nhận biết được biên giới của nó, và những tiêu chuẩn đó, sẽ co giãn ra sao theo thời gian.

Nói vậy mới thấy, hàng rào kẽm gai kiểm duyệt tư tưởng là vô hình nhưng bất cẩn, vẫn có thể nhận một vết thương, lớn hay nhỏ thì tùy vào thời thế.

Hơn 10 năm trước, quy định của văn hóa Nhà nước là lên truyền hình không được mặc quần jean, không được nhuộm tóc, không được nói chêm trong phát biểu những từ ngoại quốc. Nhưng giờ thì trên truyền hình, mọi thứ trang phục mới mẻ nhất, gây ấn tượng nhất được trình bày. Những kiểu tóc khác thường nhất được chủ trương để tạo cá tính. Còn nhớ trong một lần quay hình, người ngồi cạnh tôi buột miệng nói “OK”, lập tức đạo diễn cho ngừng quay và bắt nói lại bằng tiếng Việt.

Hôm nay thì thế nào, ai xem truyền hình Việt Nam cũng thấy rõ.

Hơn 10 năm trước, đọc rap và nhảy hip-hop bị coi là bọn lố lăng. Đã có những bạn trẻ buồn tay vẽ Graffiti trên những bức tường bỏ hoang, cũng bị rượt đuổi như kẻ phá hoại. Nay thì có cả những game show lộng lẫy, và có cả những người học theo phong cách phương Tây để trình bày.

Những người bị chê bai và kết tội trước đây, họ không sai, và họ nhìn thấy trước những gì sẽ đến ở Việt Nam bằng sự hiếu động tiếp nhận cái mới và cả tính hiện thực.

Và cũng thấy rõ là cái gọi là “thuần phong, mỹ tục của dân tộc” có sự "giãn nở" của nó. Nhưng nói trắng ra, những từ ngữ đó là cái khung để kiểm soát theo ý chí của nhà cầm quyền. Và nó được mở ra thêm, khi họ cảm thấy đó là an toàn.

Và bởi tính mơ hồ và ấu trĩ đó, mà văn hóa Việt đôi khi phải gánh chịu những thứ bất thường từ những người đương nhiệm kiểm soát văn hóa, mà cũng tùy vào trình độ và nhận thức thực tế của họ.

Năm 2013, phim Bụi đời Chợ Lớn bị cấm chiếu vĩnh viễn ở Việt Nam, vì cũng bị phê phán tương tự như là “tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”. Nhưng phim nhập từ Hồng Kông, Đại Hàn hay chính Trung Quốc anh em, với đầy dẫy hình ảnh tương tự thì được lưu hành rộng rãi trong nước. Cho đến giờ này, các tập phim đánh đấm, giang hồ dữ dội của người Việt sản xuất (mà tôi không muốn nêu tên, vì thật lòng vẫn ủng hộ cảm hứng sáng tác tự do của họ) xuất hiện nhiều và được quảng cáo liên tục ở các ứng dụng xem phim do công ty Việt Nam tổ chức.

Ai nói xã hội không im lặng thay đổi, dù những điều luật kiểm duyệt vẫn tiếp tục mơ hồ và ấu trĩ như thời năm 80 vẫn bao vây, đặc biệt khéo che đậy chữ nghĩa hơn cho những sự mơ hồ và ấu trĩ?

Năm 2012, phim Hunger Games, một tác phẩm viễn tưởng thuần giải trí được đưa đến Việt Nam, bất ngờ là khi nghe tin Trung Quốc cấm chiếu phim đó, vì có những “tư tưởng nổi loạn”, thế là những người duyệt phim ở Việt Nam cũng lật đật làm theo, mà khi đó họ cũng không giải thích được điểm nào là nguy hiểm hay không thích hợp. Một năm sau, phần 2 của bộ phim này lại được chiếu ở các rạp tại Việt Nam, đơn giản vì các quan chức kiểm duyệt đã có thời gian coi, và kiểm nghiệm rằng xã hội Việt Nam không có ai nổi loạn hay hư hỏng gì theo phim cả.

Như vậy đó, kiểm duyệt văn hóa của Việt Nam rất vô chừng. Cảm tính và có xu hướng chạy theo cảm xúc đám đông. Và chỉ vậy mà thôi chứ không có giá trị thực tiễn gì cho tương lai.

Sau sự kiện em học sinh nhảy lầu vì trầm cảm, những hình ảnh tiêu cực của giới trẻ bị kiểm duyệt chặt chẽ. Nhưng chỉ cấm vậy thôi, mà không có những hội thảo để tìm giải pháp cho một đất nước có vẻ vui nhộn như Việt Nam lại có đế hơn 26% thanh thiếu niên trầm cảm và nghĩ đến chuyện tự tử. Tương tự như vậy, sau hai năm đại dịch, những hình ảnh khốn khó và đau thương đang bị im lặng gỡ dần trên các trang mạng để không có những “tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội”, nhưng lại không thấy có những nghiên cứu cần thiết công bố rộng rãi số người biến chứng vì tiêm chủng hoặc chết, mà nguyên nhân khoa học là vì sao? Thậm chí cũng không có những báo cáo khoa học đầy đủ về dự đoán các tình huống tiêm ngừa COVID-19 cho trẻ em sẽ như thế nào, đối phó về sau ra sao?

Trong cuộc phỏng vấn nhanh với một số bạn trẻ đã xem MV của Sơn Tùng, nhiều bạn đã nói những hình ảnh mô phỏng, là thực tế phần nào cuộc đời bên ngoài của chính họ. Nó là hiện thực. Loại hiện thực ở Việt Nam mà những người lớn không dám nhìn thẳng vào sự thật như vẫn phản đối giáo dục giới tính cho trẻ em nữ về chuyện mang thai ngoài ý muốn, và hướng dẫn các thiếu niên về bổn phận an toàn tình dục ra sao.

MV của Sơn Tùng có thể nhìn thấy đó như là một thông điệp mang tính cảnh báo từ giới trẻ - cần được chỉnh sửa để không quá nhiều màu sắc tiêu cực - hoặc là một loại sản phẩm đồi trụy cần phải hủy bỏ ngay lập tức như cái kiểu gom đốt sách báo sau năm 1975. Tất cả những điều đó phụ thuộc vào tri thức và độ trưởng thành của những người làm cái nghề kiểm duyệt tại Việt Nam.

Bởi đơn giản thôi, những cú sốc văn hóa sẽ không bao giờ là cuối cùng về hướng tương lai, và cách hành xử đơn giản là chỉ cần xóa hay cấm, nó cũng không bảo vệ mãi được cái gọi là “thuần phong, mỹ tục của dân tộc” hay bất kỳ điều gì khác được vẽ ra tương tự.

T.K.

Nguồn: RFA Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét