Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 16 tháng 5, 2022

Ai sẽ đảm bảo hạt nhân cho các quốc gia phi hạt nhân?

 

Ai sẽ đảm bảo hạt nhân cho các quốc gia phi hạt nhân?

Nguyễn Ngọc Chu

Trong suốt 22 năm cầm quyền, kể từ năm 2000, chưa lần nào thấy ông Putin khoe về sản phẩm công nghệ phục vụ dân sinh? Chỉ thấy ông khoe về tên lửa và vũ khí hạt nhân. Chỉ thấy ông đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. 

1. “CẢM TỬ HẠT NHÂN”

Bị cấm vận ngặt nghèo trong nhiều chục năm, dù cho đất nước và người dân Bắc Triều Tiên rơi vào hoàn cảnh cô lập, thiếu thốn, đói nghèo, thì dòng họ nhà Kim – Kim Il sung (Kim Nhật Thành), Kim Jong il (Kim Chính Nhật), Kim Jong Un (Kim Chính Ân) cũng cố sống cố chết sở hữu bằng được vũ khí hạt nhân, chế tạo cho được tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Lượng vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên (45) rất bé so với các cường quốc hạt nhân. Nhưng là thứ có thể mang ra đe doạ. Bởi ai cũng phải sợ kẻ “cảm tử hạt nhân”. Gọi là “cảm tử hạt nhân” vì khi sử dụng vũ khí hạt nhân cũng là lúc bị vũ khí hạt nhân khác huỷ diệt. 

Tưởng chỉ có một “cảm tử hạt nhân” là Bắc Triều Tiên, không ngờ đến cường quốc có kho vũ khí hạt nhân nhiều nhất thế giới là Nga, vào thời điểm này, lại có các lãnh đạo không ngừng nói về sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là “cảm tử hạt nhân” thứ hai mà nhân loại biết đến. Nhưng nếu “cảm tử hạt nhân” thứ nhất không làm cho mấy ai sợ hãi, thì “cảm tử hạt nhân” thứ hai làm cho cả thế giới phải run sợ, vì nó dẫn đến sự huỷ diệt nhân loại. 

Phát biểu từ Điện Kremlin ngày 24/2/2022 trước lúc phát động chiến tranh xâm lược Ukraine, Tổng thống Nga Putin đã đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả ngay lập tức nếu bất kỳ lực lượng bên ngoài nào cố gắng can thiệp vào hành động của Nga với “hậu quả khủng khiếp chưa từng chứng kiến trong lịch sử”. 

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Dri, trong cuộc trả lời phỏng vấn ngay sau đó, ngày 25/2/2022, đã nhắc nhở ông Putin “cũng nên hiểu rằng NATO là một liên minh có hạt nhân” (https://cand.com.vn/.../ngoai-truong-phap-canh-bao-nga.../). Nhưng cảnh báo của Putin vẫn ớn lạnh xương sống. Người ta, ai cũng sợ kẻ cố cùng liều thân. Nhất là liều thân bằng kho vũ khí hạt nhân đủ huỷ diệt cả thế giới.

Biết được nỗi sợ hãi hạt nhân của toàn nhân loại, ông Putin không ngừng lấn tới. Hai ngày sau cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, ông Putin tuyên bố đặt lực lượng hạt nhân Nga vào tình trạng "báo động cao". Còn Bộ trưởng Ngoại giao Nga Lavrov thì tuyên bố Chiến tranh thế giới 3 sẽ là chiến tranh hạt nhân tàn khốc (https://laodong.vn/.../nga-canh-bao-the-chien-3-se-la...). Không dừng lại tuyên bố, ông Lavrov liên tục đe doạ nguy cơ xảy ra Chiến tranh thế giới thứ 3 (https://tuoitre.vn/ong-lavrov-canh-bao-the-chien-thu-3...).

Không dừng ở đe doạ, cảnh báo, báo động cao, ngày 20/4/2022 Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã thử thành công ICBM RS-28 Sarmat. Khêu gợi niềm kiêu hãnh nước Nga vĩ đại, trấn an và lấy điểm của người dân Nga trước các thất bại tại Ukraine, phát biểu trên truyền hình hôm 20/4/2022, ông Putin lại một lần nữa khoe sức mạnh hạt nhân Nga “có thể bắn trung bất kỳ mục tiêu nào trên trái đất và không có đối thủ trong nhiều năm tới”: "Xin chúc mừng các bạn về vụ phóng thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat. Loại vũ khí thực sự độc đáo này sẽ tăng cường năng lực chiến đấu cho các lực lượng vũ trang của chúng ta, đảm bảo an ninh cho Nga khỏi các mối đe dọa bên ngoài và khiến những kẻ đang muốn đe dọa chúng ta phải suy nghĩ lại" (https://vnexpress.net/nga-thu-ten-lua-dan-dao-xuyen-luc...).

Ai đe doạ nước Nga bằng vũ khí hạt nhân? Không có nước nào lấy vũ khí hạt nhân đe doạ Nga. Chỉ có các nước sợ vũ khí hạt nhân của Nga. Chỉ có lãnh đạo Nga đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. 

Sau hàng loạt những lời đe doạ sử vũ khí hạt nhân liên tiếp của Nga, cuối cùng thì cũng có đáp trả.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, phát biểu với TalkTV, đã gửi lời cảnh báo đến Tống thống Nga Putin rằng “Nga sẽ biến mất” “nếu Mỹ giải phóng toàn bộ sức mạnh quân sự của mình”.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói: "Tổng thống Putin sử dụng từ 'hạt nhân' quá nhiều. Ông ấy luôn nói về nó mỗi ngày, khiến ai nấy đều sợ hãi… Khi thấy họ sợ hãi, ông ấy lại càng sử dụng từ đó nhiều hơn".

Ông Donald Trump nói tiếp: "Sức mạnh của chúng tôi lớn hơn Nga. Nếu Mỹ sử dụng toàn bộ năng lực quân sự của mình, nước Nga sẽ biến mất. Nhưng chúng tôi không muốn nói về điều đó" (https://danviet.vn/ong-donald-trump-gui-canh-bao-ran-toi...).

Những lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân của lãnh đạo Nga nhằm vào ai? Nhằm vào những quốc gia láng giềng không có vũ khí hạt nhân. Một nước có lực lượng hạt nhân mạnh như Mỹ, lãnh đạo Nga có dám sử dụng vũ khí hạt nhân không? Không bao giờ. Ông Donald Trump đi guốc trong bụng ông Putin.

Liên xô tan vỡ kéo theo sự tan vỡ của toàn xã hội. Đó là lúc ông Yeltsin phải đối mặt với hỗn loạn, tan rã, cát cứ và nghèo đói. Đó là lúc nước Nga suy yếu, đánh mất vai trò “cai trị thế giới” của Liên Xô. Vào thời mình, ông Putin đã xoáy vào niềm tự hào nước lớn của người Nga để gây uy tín. Ông dựng lại uy tín nước Nga không phải bằng cường quốc kinh tế mà bằng vũ khí hạt nhân và đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong suốt 22 năm cầm quyền, kể từ năm 2000, chưa lần nào thấy ông Putin khoe về sản phẩm công nghệ phục vụ dân sinh? Chỉ thấy ông khoe về tên lửa và vũ khí hạt nhân. Chỉ thấy ông đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân. 

2. CÂU HỎI SỐNG CÒN

Cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là Nga phải lấy vũ khí hạt nhân ra đe doạ để dành chiến thắng trước nước láng giềng phi hạt nhân Ukraine mà Nga cam kết bảo đảm an ninh khi Ukraine chuyển giao 1800 đầu đạn hạt nhân cho Nga – đã đặt ra câu hỏi sống còn cho các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Bắc Triều Tiên, dù có vũ khí hạt nhân cũng không dám sử dụng trước với Mỹ. Còn láng giềng của Bắc Triều Tiên là Nhật Bản và Hàn Quốc, tuy là hai cường quốc kinh tế nhưng lại không sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhật Bản và Hàn Quốc đương nhiên phải lo ngại về vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Có điều, cả Nhật Bản lẫn Hàn Quốc đều có đảm bảo hạt nhân của Hoa Kỳ.

Nếu ông Putin sử dụng vũ khí hạt nhân với Ukraine mà không bị đáp trả, thì ông Tập cũng có thể sử dụng vũ khí hạt nhân với các nước không sở hữu vũ khí hạt nhân khi ông ta không thể thắng trong một cuộc chiến tranh thông thường.

Điều gì sẽ xảy ra ở Đông Nam Á nếu Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân? 

Ông Vương Nghị đã từng nhắc nhở “không để thảm kịch Ukraine lặp lại xung quanh chúng ta”. Tuy dùng từ “chúng ta”, nhưng lời nhắc nhở chắc chắn không phải dành cho Trung Quốc. 

Nước có vũ khí hạt nhân không chịu thua. Nếu thua sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân. Thực tế bắt buộc những nhà lãnh đạo các quốc gia phi hạt nhân phải tìm ra lời giải. Trung lập hay ngoại giao đều không phải là đảm bảo hạt nhân. Không cổ vũ cho chạy đua hạt nhân. Thế giới đang chất đầy bom hạt nhân. 

Theo số liệu ước tính, Hoa kỳ có tổng số 5550 đầu đạn hạt nhân, trong đó đã triển khai 1800, dự trữ 2000, và không hoạt động là 1750. Số liệu của Nga tương ứng là 6257, 1600, 2897, 1760. Trung Quốc: 350. Pháp: 290. Anh: 225. Pakistan: 165. Ấn Độ: 160. Israel: 90. Bắc Triều Tiên: 45. Trung Quốc đang không ngừng tăng cường kho vũ khí hạt nhân, với mục tiêu dài hạn là đuổi kịp Nga, Mỹ.

Ai sẽ đảm bảo hạt nhân cho các quốc gia không có vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á? 

Câu hỏi không thể không đi tìm lời giải.

Có thể là hình ảnh về ngoài trời và văn bản

N.N.C.

Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét