Phong bì bôi trơn việc mới trôi: Vấn nạn nhức nhối, nỗi sợ kinh niên
Trần Thủy
Khả năng đoán trước được kết quả công việc khi có phí bôi trơn tăng lên đáng kể. Song hệ quả của nó là việc chi trả chi phí không chính thức ngày càng có hệ thống và có tính chất giao dịch, khó ngăn chặn. Vấn nạn nhức nhối Kết quả điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021, do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố ngày 27/4 cho thấy, chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm trong hầu hết các lĩnh vực thủ tục liên quan đến DN. Tuy nhiên, vẫn tồn tại khá phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước. Cụ thể, theo kết quả điều tra, tỷ lệ DN phải trả chi phí không chính thức năm 2021 là 41,4%, giảm so với con số 44,9% của năm 2020. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 16 năm qua. Quy mô khoản chi phí không chính thức cũng đã giảm đáng kể, tỷ lệ DN dành hơn 10% doanh thu để chi trả loại chi phí này năm 2021 4,1%, thấp hơn đáng kể so với con số 9,1% của năm 2016.
Chi phí không chính thức vẫn tồn tại phổ biến trong một số lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Tỷ lệ DN cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra năm 2021 là 20,9%, giảm đáng kể từ con số 27,7% năm 2020. Tỷ lệ DN đồng ý với nhận định “chi trả hoa hồng” là cần thiết để có cơ hội thắng thầu đã giảm từ mức 40% năm 2020 xuống còn 36,8% năm 2021. Tỷ lệ DN lo ngại tình trạng “chạy án” nên không đưa vụ việc tranh chấp qua tòa án cũng đã giảm 1,6%, từ con số 23% của năm 2020. Tỷ lệ DN có chi trả chi phí không chính thức để đẩy nhanh thủ tục đất đai năm 2021 giảm còn 29,4%, so với 32% của năm 2020.
Các DN FDI tham gia khảo sát cũng cho hay, năm 2021 có 41,9% không phải chi trả chi phí không chính thức. Đây là con số tích cực nhất kể từ năm 2010 trở lại đây.
Tuy vậy, ở một số lĩnh vực chi phí không chính thức, DN phải trả vẫn rất cao. Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp là phổ biến” là 57,4% trong năm 2021, cao hơn con số 54,1% của năm 2019-2020. Tỷ lệ trung bình DN trả chi phí không chính thức trong hoạt động thanh tra xây dựng là 67,22% và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện là 61,36%.
Xét theo tính chất tương tác giữa DN và cơ quan Nhà nước, chi phí không chính thức quy mô nhỏ, hay còn gọi là “tham nhũng vặt”, vẫn khá phổ biến dưới hai hình thức: Thứ nhất, đó là chi phí “bôi trơn” ở những dịch vụ công thiết yếu với hoạt động như đăng ký DN hoặc tiếp cận đất đai; Thứ hai là chi phí không chính thức ở các thủ tục hoặc nghiệp vụ như quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy, thanh tra kiểm tra về đất đai và đăng ký kinh doanh.
Với DN FDI, năm 2021 có 5% cho biết phải dành 5-10% doanh thu cho chi phí không chính thức, trong khi năm trước đó con số này chỉ là 2,1%. Một số lĩnh vực có chi trả chi phí không chính thức còn cao như: thủ tục xuất nhập khẩu 38,9%; thanh, kiểm tra 25,4% và thủ tục đất đai 21,1%.
Đáng quan tâm là chi phí không chính thức trong giải quyết thủ tục đất đai dành cho DN FDI năm 2021 tăng mạnh so với 10,3% của năm 2020. Con số này nhất quán với sự gia tăng tỷ lệ DN phản ánh gặp phiền hà trong thực hiện thủ tục hành chính đất đai tại báo cáo PCI.
Một điểm quan trọng nữa là có tới 60,4% DN chia sẻ, công việc được giải quyết như mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức. Như vậy, khả năng đoán trước được kết quả công việc khi có “lót tay” tăng lên đáng kể. Lợi ích của việc này là DN có thể dự đoán khoản chi phí phải bỏ ra, để chi trả chi phí không chính thức. Song hệ quả của nó sẽ là việc chi trả chi phí không chính thức ngày càng có hệ thống và có tính chất giao dịch.
Cơ hội để nhũng nhiễu DN
Theo các chuyên gia kinh tế, chi phí không chính thức được cho là gánh nặng và làm giảm sức cạnh tranh của DN tại Việt Nam. Chi phí này được hạch toán vào giá thành sản phẩm, đẩy giá sản phẩm lên cao, hậu quả là làm giảm sức cạnh tranh. Đây là vấn đề gây khó khăn và tốn kém cho DN nhiều nhất. Chưa kể còn làm phát sinh thêm chi phí khác. Chẳng hạn, để hợp pháp hóa chi phí không chính thức, DN sẽ phải chi thêm tiền, dẫn đến hiện tượng gian dối trong kinh doanh như buôn bán hóa đơn; báo cáo tài chính, thuế không trung thực...
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho rằng, chi phí sản xuất hàng hóa của DN Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với DN các nước. Nhưng chi phí không chính thức phải trả trong quá trình thực hiện các thủ tục hành chính có liên quan khiến sản phẩm của Việt Nam kém cạnh tranh hơn hẳn. Như vậy, tác động của nó là rất rõ, rất hiển nhiên và rất lớn.
Cần tiếp tục có những nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho các DN.
Chi phí không chính thức không chỉ làm gia tăng chi phí tuân thủ mà đang làm cho môi trường kinh doanh trở nên thiếu lành mạnh, kém cạnh tranh và gây e ngại cho các DN muốn kinh doanh và cạnh tranh công bằng tại Việt Nam. Nguyên nhân cơ bản, theo ông Đậu Anh Tuấn, là do chất lượng yếu kém của hệ thống thể chế, quy định pháp luật. Hệ thống quy định pháp luật, thủ tục hành chính không rõ ràng, không hợp lý, phức tạp và không tiên liệu được đã tạo thành cơ hội cho cơ quan, cán bộ liên quan nhũng nhiễu doanh nghiệp và đòi hỏi chi phí không chính thức. Cùng với đó là thực thi pháp luật không nghiêm, không công bằng, minh bạch hoặc lợi dụng địa vị của cán bộ giao nhiệm vụ để sách nhiễu DN. Kết quả điều tra về chi phí không chính thức trên cho thấy, không gian cải cách vẫn còn rất nhiều. Giảm thiểu chi phí không chính thức vẫn là một “hành trình dài” đối với các chính quyền địa phương. Cần tiếp tục nỗ lực mạnh mẽ hơn để cắt giảm gánh nặng chi phí không chính thức cho các DN. Để xóa bỏ chi phí không chính thức, cần công khai minh bạch mọi thủ tục, sớm đưa chính quyền điện tử vào hoạt động. Thực tế cho thấy, những nhóm thủ tục hành chính nào có sự tiến bộ đáng kể các năm qua đều nhờ vào việc áp dụng công nghệ thông tin, thực hiện trên môi trường điện tử.
T.T.
Nguồn: vietnamnet.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét