Sao Tổng thống lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng?
1. Sao Tổng thống lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng?
Tổng thống Nga Putin hôm 5/5/2022 đã phải xin lỗi Thủ tướng Israel Naftali Bennett vì phát biểu của Ngoại trưởng Lavrov nói rằng “Hitler có gốc Do Thái”(https://zingnews.vn/israel-tong-thong-putin-xin-loi-vi...).
Một người thường xuyên “phô trương sức mạnh” như ông Putin, lại đứng đầu cường quốc quân sự thứ 2 thế giới là Nga, mà phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng một nước nhỏ như Israel - đã nói lên rất nhiều về tình thế của Nga và vị thế của Israel. Nếu Nga ở thế “thượng phong” trong cuộc chiến Nga - Ukraine thì ông Putin đã không “hạ mình” xin lỗi, cho dù Israel là một quốc gia mạnh, vì ông Putin đã coi thường cả NATO lẫn Châu Âu khi ngang ngược tiến đánh Ukraine. Ở mặt khác, nếu Israel là quốc gia “không có trọng lượng” thì dù ở tình thế nào, ông Putin cũng không cất lời xin lỗi. Trên tất cả, nếu Ngoại trưởng Lavrov có sai thì Ngoại trưởng Lavrov xin lỗi là đủ, sao Tổng thống Nga lại phải xin lỗi thay cho Ngoại trưởng Nga?
Tất cả đã nói lên rằng, tình thế của ông Putin rất khó khăn, và Israel là một quốc gia “có trọng lượng lớn”, cho dù diện tích Israel (22 145 km2) rất bé, còn nhỏ hơn tỉnh Gia Lai-Kon Tum (25 000 km2) của Việt Nam trước đây, và dân số Israel rất ít (9,61 triệu người), còn ít hơn dân số TP HCM (11 triệu người).
Việc Ngoại trưởng Nga Lavrov cố tình khoác chiếc áo “tân phát xít” cho ông Zelensky”, không chỉ thất bại, mà còn làm cho Nga có thêm kẻ thù mạnh, đẩy Nga vào tình thế đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Đó là lý do tại sao Tổng thống Putin phải "hạ mình" xin lỗi Thủ tướng Bennett để giải cứu tình thế.
2. Không chỉ chiếm đất mà “ở lại vĩnh viễn”
Khác với Ngoại trưởng Lavrov đeo bám lý do “tân phát xít” đến mức mù quáng gán cho Hitler có nguồn gốc Do thái, thì các tướng lĩnh Nga tuyên bố rõ ràng mục tiêu giai đoạ 2 là chiếm toàn bộ miền Đông và miền Nam Ukraine. Còn rõ ràng hơn cả các tướng lĩnh Nga chỉ nói về chiếm đóng, các quan chức Kremlin tuyên bố sẽ “vĩnh viễn” ở lại miền Nam Ukraine.
Ngày 05/5/2022, khi đến thăm Kherson, thành phố gần 30 vạn dân của Ukraine đang bị quân Nga mới chiếm được, nghị sĩ Nga Andrey Turchak đã thẳng thừng tuyên bố:
"Nga sẽ hiện diện ở đây mãi mãi. Không nghi ngờ gì về điều này. Sẽ không có chuyện quay lại như trước đây"; "Chúng ta sẽ cùng chung sống, phát triển vùng đất giàu có này, giàu cả về di sản lịch sử lẫn con người ở đây" (https://dantri.com.vn/.../quan-chuc-nga-noi-nga-se-hien...).
Với tuyên bố của các quan chức Nga, “trưng cầu dân ý về độc lập” của các vùng ly khai như Luhansk, Donetsk trong quá khứ và Kherson nếu có trong tương lai – chỉ là các màn kịch. Các mặt nạ nối nhau bị gỡ bỏ, để lộ ra mục tiêu cốt lõi là chiếm đất của Ukraine rồi biến thành lãnh thổ của Nga.
3. Nga có giữ được Kherson?
Liên Xô chiếm đóng Afghanistan 10 năm rồi phải rút quân. Quân đội Mỹ chiếm đóng Afghnistan 20 năm rồi cũng phải về nước. Các quan chức Kremlin hiện nay sống được bao lâu mà tuyên bố “ở lại Kherson vĩnh viễn”?
Tổng thống Nga Putin đã phải “hạ mình” xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov đã nói lên tình thế “chật hẹp” của Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine. Tên lửa tầm xa thì dần cạn kiệt. Sản xuất thì không kịp và không đủ linh kiện vì bị cấm vận. Quân số thì chưa thể huy động được quân dự bị và chưa thể tổng động viên. Không thể dốc toàn lực kho vũ khí tên lửa tầm xa và huy động toàn bộ quân chủ lực vì còn phải đối phó với thế giới còn lại và canh giữ toàn bộ lãnh thổ rộng hơn 17 triệu km2. Không quân thì không chiếm lĩnh được bầu trời, bắn từ xa thì không đủ tên lửa, dội bom ở tầm thấp thì sợ hoả tiễn của đối phương. Dựa vào pháo binh thì quân đội Ukraine bắt đầu có pháo chính xác tầm xa. Cậy vào số đông xe tăng thì không thể tiến quân vì nhiều xe tăng bị bắn cháy khi đối phương có ưu thế bội phần về số lượng tên lửa diệt tăng. Sĩ khí của quân đội thì bạc nhược vì phi nghĩa. Tổn thất trên chiến trường rất nặng nề. Tiến thì mất nhiều nhân mạng và khí tài mà vẫn không thể. Lui thì không còn thể diện. Đó là một tình thế thật sự tiến thoái lưỡng nan cho bất cứ ai ngồi vào vị thế của Kremlin lúc này. Đồng minh thân cận nhất của Kremlin là Lukashenko cũng phải thất vọng mà thừa nhận “chiến dịch” đã bị kéo dài, vì được thông báo và tin tưởng rằng Ukraine sẽ đầu hàng sau 4,5 ngày Nga tấn công.
Dự báo Quân đội Ukraine sẽ phản công trong thời gian rất gần. Kherson sẽ được giải phóng. Các quan chức Kremlin có thể ở lại Kremlin chứ không thể ở Kherson.
4. Vị thế nước Việt
Nêu chuyện chiến sự Nga - Ukraine là để liên hệ đến Việt Nam. Từ chuyện Tổng thống Nga Putin phải xin lỗi Thủ tướng Israel Bennett thay cho Ngoại trưởng Nga Lavrov mà nghĩ đến tầm nhìn 2045 của nước ta. Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ vị thế của Israel?
Israel là quốc gia nhỏ về dân số và diện tích, nhưng lại là quốc gia sở hữu lực lượng quốc phòng hùng mạnh đến mức các cường quốc quân sự khác phải nể trọng. Tiềm lực quân sự hùng mạnh của Israel không phải dựa trên mua nhiều vũ khí hiện đại của nước ngoài, chẳng hạn như Ả Rập Xê Út, mà do chính Israel tự chế tạo ra. Israel là 1 trong 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân của Israel hiện có 90 đầu đạn. Israel tự xây dựng hệ thống chống tên lửa “vòm sắt” hiệu quả nổi tiếng. Ngoài ra Israel còn sở hữu nhiều sáng chế vũ khí rất hiện đại hiệu quả được nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam, quan tâm và trở thành khách hàng. Trong lĩnh vực sản xuất, Israel là một quốc gia có nền sản xuất công nghiệp và nông nghiệp tiên tiến, do chính tự Israel tạo lập.
Các chỉ tiêu kinh tế của chúng ta lập cho các năm 2030 và 2045 là dựa trên lối mòn truyền thống. Còn nếu đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ sở hữu các công nghệ tiên tiến để có một phần vị thế như Israel thì phải đi con đường khác.
Có ai chăng ở cấp lãnh đạo quốc gia đã từng âm thầm đặt cho Việt Nam một mục tiêu về vị thế để các cường quốc phải nể trọng, dè chừng?
N.N.C.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét