Hết cát – Thử thách sống còn cho đồng bằng sông Cửu Long
Đình Tuyển
Khi nhu cầu về cát ở ĐBSCL càng lớn, dự báo lên tới hàng trăm triệu mét khối/năm thì việc quản lý, khai thác cát bền vững, hạn chế tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân là bài toán vô cùng nan giải.
Xáng cạp khai thác cát trên đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Vĩnh Long và Cần Thơ
Phía đuôi Cồn Sơn, người dân đã đóng một hàng cọc dài để ngăn sạt lở
“QUÁI VẬT” CẠP CÁT TRƯỚC SỰ PHẪN NỘ CỦA CỘNG ĐỒNG
Nhìn con đê bao quanh cồn Sơn nhiều đoạn bị nứt toác, bà Phan Kim Ngân, 57 tuổi, người dân cồn Sơn cho biết sạt lở đã khiến người dân phải đắp đê lui vào trong mấy lần. “Người dân phản đối rất nhiều nhưng rồi đâu vẫn hoàn đấy, Cần Thơ không cho khai thác nữa thì Vĩnh Long vẫn cho 3-4 xáng cạp móc cát, thậm chí có thời điểm họ dùng cả ống lớn thả xuống đáy sông hút cát”, bà Ngân nói. Giống như bao cù lao khác, cồn Sơn được phù sa sông Mê Kông bồi đắp hình thành, địa chất yếu nên cũng là nơi dễ bị tổn thương bởi sạt lở.
Bà Phan Kim Ngân, người dân cồn Sơn, cho biết sạt lở đã khiến người dân phải đắp đê lui vào trong mấy lần
Nhiều năm nay, người dân cồn Sơn luôn đấu tranh phản đối khai thác cát nhất là trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri ở địa phương. Thậm chí nhiều lần xô xát xảy ra. “Dân không muốn vi phạm pháp luật, không muốn dùng bạo lực nhưng quá bức xúc thì phải chạy xuồng ra đuổi. Có lần một người dân bị tụi khai thác cát đánh đổ máu, chúng tôi kéo nhau lên gặp chính quyền địa phương thưa, yêu cầu xử lý. Người dân ở đây không sợ”, ông Phạm Hải Đảo, 65 tuổi, một người cố cựu ở cồn Sơn nói.
Gia đình ông Đảo về cồn Sơn lập nghiệp từ năm 1968, mua được hơn 1,5 ha đất để trồng trọt. Khi đó ông Đảo cất nhà cách bờ sông 300m. Vậy mà tới nay, ông đã phải dời nhà 5 lần vì sạt lở. Đất đai vườn tược bị sạt lở cuốn trôi chỉ còn hơn 4,6 công (hơn 4.600 m2-PV), tức đã mất 2/3 diện tích đất. “Nó giống như cái bồ chứa lúa vậy, khi móc chính giữa, xung quanh sẽ sụp xuống. Ở đây ngày ngày họ móc cát giữa sông thì hai bên bờ sớm muộn gì cũng bị sụp”, ông Đảo ví.
Ông Phạm Hải Đảo rất bức xúc các xáng cạp khai thác cát khi đã mất 2/3 đất vì sạt lở
Mặc dù mỗi mỏ cát phải đăng ký số lượng phương tiện khai thác cát với Sở TN-MT địa phương nhưng có rất ít dữ liệu công khai cho phép cộng đồng dân cư giám sát. Người dân không thể tiếp cận, giám sát trữ lượng khai thác cát của các mỏ, càng không thể biết được lợi nhuận của họ. “Cách duy nhất để người dân giám sát là bằng mắt của mình. Khi thấy xáng cạp lại gần bờ thì ra hét lên đuổi. Nhưng đa số lại không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù”, ông L.V.B, người dân sống ven sông Hậu ở P. Bùi Hữu Nghĩa, Q. Bình Thủy, Cần Thơ thổ lộ.
Khi sạt lở xảy ra, người dân không chỉ thiệt hại tài sản mà những hệ lụy mất sinh kế luôn đeo bám họ dai dẳng. Ngày qua ngày, người dân cồn Sơn bất lực nhìn các xáng cạp khai thác cát phía bờ Vĩnh Long.
DOANH NGHIỆP KHAI THÁC NÓI GÌ?
Đối với các doanh nghiệp khai thác cát, những quy định thắt chặt về bảo vệ môi trường và các khiếu nại của cộng đồng luôn là trở ngại. Ông Hà Thanh Giang, chủ hai mỏ cát An Lạc rộng 90 ha và mỏ Minh Khang rộng 35,82 ha ở Cần Thơ nói với PV Thanh Niên: “Người dân luôn suy nghĩ cảm tính rằng khai thác cát sẽ gây ra sạt lở. Vì thế họ luôn phản đối và yêu cầu các xáng cạp phải hoạt động xa bờ”. Chủ mỏ cát này cũng phân trần, có những trường hợp rất khó cho doanh nghiệp khai thác cát. Chẳng hạn như theo quy định mỏ cát được khai thác từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Nhưng có những lúc xáng cạp múc tới 5 giờ chiều vẫn thiếu vài gầu cát nữa mới đủ số lượng. “Nếu dừng lại thì xà lan phải chờ đến sáng hôm sau. Còn tiếp tục khai thác quá giờ 15 -20 phút cho xong thì người dân khiếu nại với chính quyền địa phương”.
Ông Giang than rằng, kể cả khi đã trúng thầu thì doanh nghiệp cũng rất khó khăn mới được phép khai thác cát. Riêng mỏ An Lạc của ông trước đó, mỗi năm phải đóng thuế, phí hơn 10 tỷ đồng. Trong khi đó, mỗi mét khối cát bán tại mỏ có giá 45.000 đồng trừ đi các khoản thuế, phí, doanh nghiệp chỉ còn hơn một nửa, chưa tính tiền nhân công, nhiên liệu…
Nguồn cát ở ĐBSCL ngày càng khan hiếm trong khi nhu cầu không ngừng gia tăng
Hàng ngày, cát được vận chuyển nườm nượp trên các tuyến sông Hậu, sông Tiền
Nhu cầu cát càng cao thì hoạt động khai thác cát càng rầm rộ
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV Thanh Niên, khung giá tính thuế tài nguyên của Bộ Tài chính quy định giá cát san lấp từ 56.000 - 80.000 đồng/m3; nhưng trên thực tế, tại các vựa vật liệu xây dựng hiện nay, giá cát san lấp không dưới 280.000 đồng/m3. Chính vì vậy, sức hút của ngành công nghiệp khai thác cát vẫn rất khó cưỡng dù nguồn cát ở ĐBSCL đang cạn dần.
“Hiện nay tỉnh nào cũng cần cả triệu mét khối mỗi năm. Nếu không cho khai thác cát thì lấy đâu ra nguồn cung ứng nhu cầu đó”, chủ mỏ cát An Lạc nói, và cho biết ông đang phải ngừng khai thác mỏ cát An Lạc vì tháng 11.2021, UBND TP.Cần Thơ bất ngờ ra thông báo yêu cầu đóng cửa mỏ và không nói rõ lý do. “Tôi phải khiếu nại xin gia hạn thêm vì đã ký hợp đồng cung cấp 700.000m3 cho một công trình ngoài tỉnh. Nếu giờ đóng cửa mỏ, tôi sẽ phải bồi thường hợp đồng”, ông Giang nói.
urrent Time
0KHÔNG CÒN CÁT BỒI ĐẮP ĐỒNG BẰNG
Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, trong 6.000 năm qua, ĐBSCL được phù sa và cát bồi đắp hình thành. Giờ đây, sạt lở xảy ra khắp đồng bằng là bởi thiếu phù sa và cát. Đó là hậu quả của việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn và khai thác cát trên sông Mê Kông, nhiều nhất là ở Campuchia và Việt Nam.
Số liệu của Ủy hội sông Mê Kông so sánh giữa năm 1992 và 2014 cho thấy, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Khi có thêm 11 đập dòng chính Mê Kông ở Lào và Campuchia thì tải lượng phù sa mịn ước tính sẽ giảm còn khoảng 42 triệu tấn/năm. “Đáng lo là gần như toàn bộ cát sẽ bị thủy điện chặn lại, không còn về ĐBSCL nữa. Điều này có nghĩa là lượng cát hiện nay có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai”, ông Thiện nói.
Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ nhiều lo ngại đối với hoạt động cấp phép khai thác cát
Phân tích thêm về tình trạng sạt lở do khai thác cát, chuyên gia này cho biết: “Sông Mê Kông tại Việt Nam là một hệ thống, khi khai thác cát trên nhánh chính sông Tiền, sông Hậu sẽ tạo ra những hố sâu. Dòng chảy sẽ khỏa lấp và tái phân phối đáy sông làm hạ thấp toàn bộ đáy sông Tiền, sông Hậu. Khi đáy dòng nhánh chính bị hạ sâu sẽ rút bùn cát từ đáy các sông nhánh ra. Sông nhánh bị sâu lại tiếp tục rút từ đáy các sông nhỏ hơn ra. Cứ thế nó gây sạt lở lan tỏa khắp đồng bằng, kể cả kênh rạch nhỏ, nơi không có khai thác cát”.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống Thiên tai (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Văn Tiến cũng nhận định, khai thác cát, sỏi không bền vững là một trong những nguyên nhân chính gây ra sạt lở bờ sông, bờ biển, thúc đẩy quá trình sụt lún ở ĐBSCL nhanh hơn. Ông Tiến cho biết: “Tính từ năm 2016 đến nay, Chính phủ đã phải bố trí nguồn vốn riêng phòng chống sạt lở cho các địa phương ĐBSCL trực tiếp quản lý lên tới trên 13.000 tỷ đồng”.ch thức triển liên tục gia tăng
Khai thác cát nhộn nhịp trên sông Hậu, đoạn thuộc TP. Long Xuyên, An Giang
Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho rằng cần giải pháp cân bằng thay vì cấm khai thác cát có thể giải quyết được mặt này nhưng không giải quyết được mặt kia
Trên quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Anh Thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng cần nhìn nhận ĐBSCL là vùng đất trũng đang lún dần; các công trình về hạ tầng, giao thông, xây dựng luôn cần nâng cao độ nền để chống ngập. Do vậy nhu cầu cát san lấp rất lớn, trong khi các nguồn vật liệu san lấp thay thế hiện không có.
“Theo tôi quan trọng là khai thác cát ở đâu, khai thác như thế nào. Cách thức khai thác ra sao để hạn chế những tác động tiêu cực chứ không phải thấy phù sa, cát giảm rồi cấm khai thác cát. Vì khi cấm có thể giải quyết được mặt này nhưng lại không giải quyết được mặt kia”, ông Thư nói.
Hiện ở An Giang có 11 mỏ cát được cấp phép khai thác với khoảng 5,3 triệu m3/năm. Nhưng có 7 khu vực nạo vét, chỉnh trị dòng chảy cung cấp tới 80% lượng cát cho tỉnh này.
NAN GIẢI BÀI TOÁN CÂN BẰNG LỢI ÍCH, THIỆT HẠI
0:1
Trả lời phỏng vấn của PV Thanh Niên, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN-MT) nhận định, khó có thể dừng khai thác cát ở ĐBSCL khi nhu cầu cho xây dựng và san lấp các công trình giao thông, dân dụng là rất lớn… Nhưng trong bối cảnh phù sa, cát từ thượng nguồn sông Mê Kông bồi đắp cho ĐBSCL giảm mạnh, không đủ bù đắp cho nhu cầu dự báo lên tới 100 triệu m3 cát/năm thì việc khai thác cát cần phải tính toán ở từng mỏ.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Lại Hồng Thanh cho biết, cùng với việc dừng xuất khẩu cát, nhà nước cũng đã có nhiều quy định tăng cường quản lý việc khai thác. Căn cơ nhất là Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 24.2.2020 về quản lý thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông đang triển khai thực hiện. Ở đó, việc định hướng quy hoạch thăm dò, khai thác cát, sỏi lòng sông sẽ đảm bảo tác động thấp nhất đến cân bằng tự nhiên của lưu vực.
Đặc biệt, Chỉ thị số 38/CT-TTg ngày 29.9.2020 của Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ thị rõ nhiệm vụ của từng bộ, ngành và các tỉnh, thành trong quản lý các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, gồm có cát. Cụ thể, Bộ TN-MT phải chủ động đề xuất, điều tra, đánh giá các loại khoáng sản để sản xuất cát nhân tạo nhằm bổ sung lượng cát, sỏi lòng sông ngày càng cạn kiệt; phải nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt các dự án khai thác khoáng sản, giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường... Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, xuất khẩu lậu qua biên giới; ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về khai thác khoáng sản, đặc biệt là cát, sỏi lòng sông… Lãnh đạo các tỉnh, thành sẽ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép hay lợi dụng việc nạo vét, khơi thông luồng để khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn.
Người dân như ông Đảo, bà Ngân luôn phải sống trong nỗi lo sạt lở và mối xung đột với khai thác cát
Có thể thấy, quy định pháp luật về khoáng sản đã cơ bản hoàn thiện nhưng trên thực tế, khi nhu cầu về cát càng lớn thì việc quản lý, khai thác cát bền vững, hạn chế tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân là bài toán vô cùng nan giải. Ngay ở ĐBSCL, cùng một dòng sông, nhưng các địa phương chưa có tiếng nói chung. Mỗi nơi đều xem cát là nguồn lợi tài nguyên và cấp phép tận thu dù tác động môi trường ảnh hưởng đến cả hệ thống sông ở đồng bằng. Chẳng hạn trong cấp phép khai thác, Cần Thơ hiện chỉ còn 3 mỏ khai thác, thì Vĩnh Long có 37 mỏ, Đồng Tháp 19 mỏ, An Giang 11 mỏ và 7 khu vực nạo vét… Chưa kể hoạt động khai thác cát lậu diễn ra khắp các tỉnh, thành.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện bày tỏ lo ngại: hiện nay, cát chỉ được xem là vật liệu xây dựng và cấp phép theo địa giới hành chính là cách nhìn hạn hẹp. Theo ông, cát còn có vai trò duy trì lãnh thổ. Việc quản lý khai thác cát nên theo tinh thần “liên kết vùng”, xem xét ảnh hưởng trên bình diện toàn đồng bằng, kể cả bờ sông và bờ biển. “Nếu mỗi địa phương cứ tiếp tục khai thác cát tận thu như hiện nay thì tương lai bản đồ địa lý ĐBSCL có thể thay đổi bởi bờ sông sạt lở biến dạng, bờ biển sạt lở thụt lùi”, ông Thiện nói.
Sinh kế của hàng triệu người dân ĐBSCL gắn liền với sông Hậu, sông Tiền và luôn chịu tác động nặng nề khi sạt lở xảy ra.
Ngồi trên đê cồn Sơn nhìn những xáng cạp múc cát không ngừng, ông Phạm Hải Đảo nói: “Chúng tôi không thể khoanh tay nhìn họ múc cát bán mỗi ngày còn mình thì bị sạt lở cuốn trôi đất đai, nhà cửa”. Người dân vùng sạt lở như ông Đảo không có nhiều lựa chọn. Họ luôn sống bất an trong cuộc xung đột với khai thác cát và mối đe dọa sạt lở thường trực. Những hệ lụy mất đất, mất nhà, mất sinh kế luôn đeo bám họ dai dẳng.
Đ.T.
Nguồn: Thanh Niên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét