Thư giãn Chủ nhật: Vẫn chỉ là chùm cước chú cho Kiều
Nhân dịp Nhạc sĩ Trần Quảng Nam cuối tuần 30 tháng 4 này tổ chức gặp gỡ HỘI NGỘ KIỀU ở California, TS Nguyễn Hữu Liêm có gửi một trích đoạn bài viết về Kiều của ông đến BVN nhờ đăng lên cho bạn đọc thưởng lãm. Chúng tôi vui lòng nhận lời ông mặc dù biết rằng thưởng ngoạn văn chương Kiều qua ngòi bút của nhà triết gia trong mục “Thư giãn Chủ nhật” không dễ “thư giãn” một chút nào.
Bauxite Việt Nam
Có lẽ gia sản chính từ Truyện Kiều của Nguyễn Du là vậy: Văn chương chỉ diễn tả được bi kịch cá nhân trong hoàn cảnh – situational tragedy – chứ không khai phá được một tầng nhân cách trên cơ sở Ý chí – the tragic consequences of the individual Will.
Tác giả văn chương Việt bắt buộc từng nhân vật phải mang cho mình một số phận nạn nhân, hoàn toàn thụ động, bất lực. Thế gian chỉ là một bóng tối bao trùm mà ta không thể khai sáng, không muốn thắp một ngọn nến xua tan màn vô minh. Thực tại như là một con quỷ xé nát cuộc đời mà ta chỉ còn van xin ân huệ.
Từ đó, hầu hết văn chương tiếng Việt - và sau này di cư qua Mỹ, Pháp, văn tiếng Anh, Pháp bởi người gốc Việt – vẫn chỉ là những chùm cước chú cho Truyện Kiều. Từ trong quặng mỏ chứa thuần các lớp thân phận, ta cứ thấy hoài một chuyện – những biến hóa chữ nghĩa được mãi khai thác từ cái cuốc mòn văn chương nhà ta. Văn chương Việt – Việt hay Anh, Pháp ngữ - chỉ là những tuyển tập thú tội.
Ở đó, bi đát không vươn lên được tầm bi tráng; số phận cá nhân chỉ là một lát mỏng cắt ngang khúc cây từ hoàn cảnh tập thể dân tộc trong sự trống vắng về ý chí tác hành bằng ý thức sử tính và thời đại.
Đọc văn Việt thì như là nghe vọng cổ, hay nhạc bolero – cũng như cha ông ta đọc Kiều. Nó chỉ làm cho ý chí hành động bị tê liệt. Nói hơi đại ngôn một tí rằng, thể loại văn chương, thi phú nầy chính là nguồn gốc sâu xa cho hầu hết những thảm kịch lịch sử Việt Nam cho đến hôm nay - một lịch sử chỉ hoàn toàn chứa đựng những năng động thuần tình cờ, ngẫu nhiên – mà không mang một tinh yếu ý chí cá thể.
Trong khi thi ca Tây phương biến bi kịch cá nhân thành là một nguồn kích khởi ý chí hành động; thì ngược lại, văn thơ Việt nhấn chìm người đọc vào số phận bi đát của nhân vật. Càng đọc thi ca Việt ta càng bị đắm mình vào cái đập nước ngôn từ do chính chúng ta tự kiến lập lên.
Vươn vào Nietszche
Trong tác phẩm kinh điển “Sự suy tàn của văn minh Tây phương” Oswald Spengler so sánh thi kịch Hy Lạp với Tây Âu, rằng, “Thiết yếu tính bi kịch Tây Âu là hành động tối đa, của Hy Lạp là thụ động đến cùng…
Chủ đề (theme) thi ca Hy lạp không phải là của một tác nhân Hành động mang ý chí dâng trào muốn phá vỡ bối cảnh khách quan hay là chinh phục con quỷ ác ôn ngay trong lồng ngực mình - nhưng mà là của một Nạn nhân bất lực không có ý chí khi đời sống bị hủy hoại bởi hoàn cảnh… Cái điên loạn của Vua Lear (Shakespeare) phát xuất từ hành động bi tráng của ông ta, trong khi cơn điên của Ajax (Sophocles) thì đã bị bối cảnh thị quốc Athens tạo tác ngay trước khi bi kịch bắt đầu.”
Một đằng, bi kịch con người Hy Lạp là nạn nhân hoàn cảnh, trong khi ở Tây Âu là từ khí chất và ý chí cá nhân. Tức là con quỷ ác ôn đối với Tây Âu nằm trong lồng ngực, đối với Hy Lạp lại là thế gian quanh ta.
Có thể nói theo ở đây rằng, phải chăng tinh thần văn thơ Việt cho đến hôm nay – chỉ ở trên bình diện luân thường và bản sắc ý chí mà thôi – một gia sản chính thống từ Truyện Kiều ở nơi chiều kích thụ động trước thế gian, tức là, bản sắc nội dung bất lực và chấp nhận số phận khổ đau – the will-less suffering - vẫn còn nằm ngủ quên trong Thời quán Thượng cổ Hy Lạp từ hơn hai ngàn năm trước!
Chính vì thâm nhiễm Kiều với chủ nghĩa số phận bi thương, thụ động mà Việt Nam đã phải bị Thực dân Pháp đem cho một linh hồn mới. Tiếp theo ta cầu cứu đến Marx với lời sấm Ý chí, “Ta sẽ dẫm lên đống gạch vụn từ quá khứ để tái tạo lại lịch sử như là một Thượng đế mới.” Nhưng, tai họa không thể rời nàng Kiều. Uống liều Marx vào hồn Kiều đã trở nên một thang thuốc tự vận. Cuối cùng, “Tướng về Hưu” của Nguyễn Huy Thiệp vực linh hồn Kiều sống lại trên nghĩa trang Marx.
Từ “Phận đành chi dám kêu oan”(Kiều) đến “Mẹ khỉ, cái thằng đểu này là điềm gở nhất của số phận mình” (NHT) ta mới thấy rằng: Cái ác, cái xấu đều ở bên ngoài ta, là từ xã hội, nơi tha nhân. Khi sự yếu đuối ý chí được lấy làm biện minh cho thụ động trong oán hờn liệt kháng thì thơ văn Việt chính là một lời nguyền tự phát – a self-fulfilling prophecy.
Rất có thế vì thế mà ở Việt Nam hiện nay phong trào dịch và đọc Nietzsche – với những khẩu hiệu tung hô mẫu người “Siêu nhân,” “Ý chí Quyền lực,” “Vượt qua Thiện-Ác,” “Phủ quyết tâm thức Nô lệ,” “Lên án tinh thần Bầy đàn” - đang khá thịnh hành.
“Cuộc đời không chỉ là sự đáp ứng nội tâm theo nhu cầu ngoại thân, nhưng mà là của Ý chí Quyền lực, phát khởi từ trong ta nhằm chinh phục và làm chủ ngoại cảnh,” Nietzsche viết. Ta có thể nói rằng những khái niệm “Siêu nhân”, “Ý chí Quyền lực” rất có thể là những câu sấm mới thay cho lời nguyền văn học VN - gia sản Kiều hiện nay.
Phải chăng, hiện tượng nửa triết nửa văn với Nietzsche nầy chính là một nỗ lực từ vô thức đi tìm một năng lực Ý chí mới nhằm thoát Kiều - khi văn học Việt đang thiếu những món ăn tinh thần cho một dân tộc đang muốn vươn ra khỏi tình trạng độc tài, thiếu tự do hiện nay.
N.H.L.
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét