Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

Chứng khoán Việt Nam vì sao yếu?

 

Chứng khoán Việt Nam vì sao yếu?

Đỗ Ngà

19-5-2022

Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) được thành lập từ ngày 28-11-1996, và từ đó ông Vũ Bằng nắm chức Chủ tịch Ủy ban này cho đến ngày 24-5-2017 rồi nhường ghế lại cho ông Trần Văn Dũng. Như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam từ khi lập cho đến nay chỉ trải qua 2 đời chủ tịch. 

Ông Vũ Bằng là người đặt nền tảng, ông Trần Văn Dũng là người phát triển. Tuy nhiên, cả người đặt nền tảng và người phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giờ đây đều bị kỷ luật khai trừ khỏi đảng. Nghĩa là, thị trường chứng khoán Việt Nam sai từ khi đặt nền tảng cho tới giai đoạn phát triển.

Lê Hải Trà (trái) và Trần Văn Dũng. Nguồn: VietnamBiz

Lê Hải Trà là người được Vũ Bằng nâng đỡ và đào tạo. Vũ Bằng đưa Lê Hải Trà vào UBCKNN từ năm 1997 và đến năm 1999, ông đưa Lê Hải Trà vào Tp.HCM tham gia thiết lập thị trường chứng khoán, huấn luyện đội ngũ quản lý, chuẩn bị cho việc khai trương thị trường vào tháng 7-2000.

Năm 2006, ông Vũ Bằng lại đưa Lê Hải Trà vào TP. HCM và ông Trà gắn bó với Sở Giao Dịch Chứng Khoán TP. HCM (HoSE) từ đó đến nay. Có thể nói, Lê Hải Trà là nhân sự cốt lõi được Vũ Bằng đào tạo và trao tay Trần Văn Dũng. Tháng 7-2017, ông Trần Văn Dũng bổ nhiệm ông Lê Hải Trà và Nguyễn Vũ Quang Trung (phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội – HNX) cùng giữ chức phó Tổng Giám Đốc HoSE.

Lê Hải Trà là con người có học, học thạc sỹ quản lý công (MPA), với chuyên ngành kép lãnh đạo và phân tích thị trường tài chính từ đại học Harvard Kennedy. Phải thừa nhận ông Trà là con người có năng lực hiếm có. Ở vị trí Phó tổng rồi đến Tổng giám đốc HoSE lẽ ra Lê Hải Trà xây dựng một thị trường chứng khoán bền vững, thì ngược lại, ông này lại tìm cách trục lợi. Cũng như bao quan chức khác, Lê Hải Trà cũng làm vì lòng tham chứ không vì một thị trường chứng khoán phát triển vững mạnh. Cái học cao của ông Lê Hải Trà thực sự vô nghĩa với xã hội với đất nước.

Ngày 14/8/2017, ông Trịnh Văn Quyết có một status trên facebook cá nhân khen công Trà và ông Trung như sau: “Những gương mặt được đào tạo bài bản, gắn bó lâu năm với nhiều kinh nghiệm như anh Trà, anh Trung luôn là vốn quý cho thị trường dù trong giai đoạn phát triển nào. Một tin vui cho chứng khoán Việt Nam”.

Sau lời khen đó thì ngày 1-10-2017, ông Trịnh Văn Quyết được Lê Hải Trà và Nguyễn Vũ Quang Trung giúp bán chui trót lọt 57 triệu cổ phiếu FLC thu lợi ít nhất 400 tỉ đồng theo giá thị trường, song số tiền bị phạt chỉ 65 triệu đồng. Đến ngày 29-3-2022, ngựa quen đường cũ, Lê Hải Trà giúp Trịnh Văn Quyết bán chui 74 triệu cổ phiếu FLC, nhưng bị mắc nghẹn. Một con người như vậy mà điều hành HoSE thì đấy là mối nguy khôn lường.

Như vậy là câu khen của Trịnh Văn Quyết đối với ông Trà và ông Trung rằng “tin vui cho chứng khoán Việt Nam” nên hiểu là “tin vui cho những gian thương trên sàn chứng khoán Việt” mới đúng. Bản chất của nhân sự cấp cao trong ngành chứng khoán của nhà nước là cấu kết và trục lợi. Nó là loại lợi ích nhóm ngành chứng khoán y hệt như lợi ích nhóm các lĩnh vực khác. Mà vốn hóa của HoSE là rất lớn, khoảng trên 5 triệu tỷ đồng, tương đương 217 tỷ đô la Mỹ. Một thị trường vốn lớn như vậy mà do con người như Lê Hải Trà điều hành thì có thể nói, rất rủi ro.

Như tôi đã nói, thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu minh bạch lẫn thiếu chuyên nghiệp. Mà để có tính chuyên nghiệp thì phải có trách nhiệm, trình độ chuyên môn cao, và đạo đức nghề nghiệp tốt. Ông Lê Hải Trà, Trần Văn Dũng chỉ là có trình độ chuyên môn cao, ngoài ra các đức tính còn lại không có. Vậy thì làm sao mấy ông này xây dựng cho Việt Nam một thị trường chứng khoán chuyên nghiệp được? Rất khó.

Điều quan trọng nhất là yếu tố con người, dù cho anh có học cao tới đâu nhưng đạo đức, trách nhiệm anh thấp thì anh cũng chỉ là thằng phá hoại. Trí thức càng cao, phá hoại càng khủng.

Năm nhân vật trong ngành chứng khoán bị khai trừ khoải đảng gồm: Ông Vũ Bằng, cựu Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà, Tổng Giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh; Nguyễn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam.

Danh sách chỉ năm người nhưng trải dài từ Trung ương đến hai sở giao dịch chứng khoán lớn. Xem như ngành chứng khoán Việt Nam nát như tương. Tôi thấy còn thiếu ông Nguyễn Vũ Quang Trung, một cách tay đắc lực của Lê Hải Trà không được gọi tên, chắc là gốc ông này lớn. Ông này có triển vọng thay Lê Hải Trà.

Hiện nay, thị trường chứng khoán Việt Nam đang rối như nồi canh hẹ, chính quyền Cộng sản đang cố vá. Nó nguy đến mức ông Phạm Minh Chính sang Mỹ cũng tranh thủ cầu cứu rất nhiều nhân vật quyền lực trong chính phủ Hoa Kỳ và lãnh đạo IMF để giúp vá lại chiếc áo “thị trường chứng khoán” đang rách tươm. Tuy nhiên, dù Mỹ có giúp thật nhưng những con người dính chàm còn đó để trám vào thì việc chắp vá ấy cũng rất hạn chế mà thôi. Vá xong thì nó lại rách.

Vấn đề của chính quyền Cộng sản Việt Nam là vấn đề con người, cho người đi học chuyên môn cao thì được, chứ đào tạo ra con người có trách nhiệm và có đạo đức thì đảng Cộng sản Việt Nam không thể.

_______

Mời đọc thêm: Kỷ luật Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng và Tổng Giám đốc HoSE Lê Hải Trà (NLĐ). – Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng bị cách tất cả chức vụ trong Đảng, ông Lê Hải Trà bị khai trừ Đảng (VNF). – Kỷ luật ông Trần Văn Dũng, Lê Hải Trà: Thứ trưởng Bộ Tài chính ra thông điệp “nóng” (DV). – Chứng khoán giảm sau khi ông Trần Văn Dũng và ông Lê Hải Trà bị kỷ luật — Ông Trần Văn Dũng, Lê Hải Trà và gói thầu hơn 600 tỉ ‘treo’ 10 năm(TN).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét