Hồi tưởng về cưỡng chế Văn Giang
Đặng Bích Phượng
Điểm lại những cuộc chiến giữ đất ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm… không có cuộc chiến nào lại không có máu, nước mắt, và tù đày. Còn hàng trăm hàng ngàn cuộc cướp đất trên khắp đất nước này mà không ai biết đến nữa.
Cảnh sát cơ động được chính quyền huy động để tham gia cưỡng chế đất tại Văn Giang, Hưng Yên năm 2012. Ảnh: Nguyen Lan Thang
10 năm trước, vào lúc mờ sáng ngày 24/4/2012, hàng nghìn cảnh sát cơ động đã tiến hành cuộc cưỡng chế đất tại Văn Giang, làm chấn động dư luận trong và ngoài nước.
Đêm 23/4/2012, rất nhiều người ở cả Hà Nội và Văn Giang đều không ngủ. Có tin cuộc cưỡng chế sẽ tiến hành vào ban đêm. Vậy nên mọi người quan tâm đều thao thức, lo âu. Một số bà con đốt lửa ngoài đồng, thức đêm chờ "..." tới.
Và vụ cưỡng chế đã nổ ra. Như thường lệ, kết cục là chính quyền và chủ đầu tư thắng, nông dân thua. Mấy chục nông dân bị bắt. Hai nhà báo của Đài Tiếng nói Việt Nam xuống lấy tin tức, bị công an đánh cho mắt tím đen, mặt sưng vù. Sau đó công an xin lỗi nhà báo vì đánh nhầm (không biết đánh đúng thì là ai?).
Thực chất đây không phải là cuộc cưỡng chế đầu tiên ở Văn Giang, để giao cho Ecopark. Nguyễn Tấn Dũng khi đó là phó thủ tướng chính phủ, đã ký quyết định thu hồi 500 ha đất thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, giao cho Ecopark. Quy trình ra quyết định này được coi là thần tốc, chỉ mất 3 ngày.
Ngày 28/6/2004, UBND tỉnh Hưng Yên có tờ trình xin giao đất.
Ngày 29/6/2004, Bộ Tài nguyên - Môi trường trình tiếp gửi Thủ tướng Chính phủ.
Ngày 30/6/2004, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký quyết định giao đất.
Trích: Vì sao lại có những văn bản, tờ trình, quyết định thần tốc như vậy? 14 năm rồi nông dân mất đất ở Văn Giang chưa nhận được câu trả lời. Chỉ biết, là ngay sau thời điểm “3 ngày 3 văn bản” là thời điểm Luật Đất đai 2003 chính thức có hiệu lực vào ngày 1/7/2004 – hết trích.
Theo lời kể của một số bà con, năm 2004, khi người dân xã Cửu Cao (thuộc huyện Văn Giang) được gọi lên lấy tiền đền bù, họ mới té ngửa là đất canh tác của họ đã bị thu hồi. Cả Hội đồng Nhân dân xã cũng không biết luôn. Sau khi người dân không đồng ý nhận tiền, giao đất, chủ đầu tư không thèm báo trước, nửa đêm dùng máy ủi, ủi sạch ruộng vườn, trang trại nuôi gà/lợn của bà con. Không ai kịp chạy tài sản. Cây cối, lợn gà đều nằm dưới lòng đất.
Ngày đó, ba ngàn nông dân Văn Giang đã đi bộ từ Văn Giang lên vườn hoa Mai Xuân Thưởng để kêu cứu. Không một xe bus nào dám chở bà con, nên nhiều bà con phải đi bộ. Trong đoàn người có cả học sinh, cựu chiến binh, tay cầm cờ và biểu ngữ. Họ hô: Chính phủ lừa dân!
Cựu chiến binh Đàm Văn Đồng cầm máy ảnh giơ lên chụp đoàn biểu tình, bị bọn côn đồ cướp máy. Ngày đó không một ai biết làm truyền thông, nên bà con rất đơn độc.
Cuộc cưỡng chế thứ hai vào năm 2009, và cuộc thứ ba mới là 24/4/2012.
Trích: Đến tận hơn 10 năm sau khi những cánh đồng vàng ở các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao bị xóa sổ, những người nông dân mất đất ở xứ này dường như vẫn còn chưa hết bàng hoàng và không hiểu vì sao dự án lại có thể ụp xuống đồng ruộng của họ nhanh đến như vậy. 3 câu hỏi lớn của những người buộc phải bỏ ruộng đồng phục vụ cho chủ đầu tư thực hiện dự án cứ theo thời gian kéo dài đằng đẳng.
"Có ai ngờ được, họ vừa hô hào chúng tôi chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả, cây cảnh thì đã ngay lập tức ào ào lấy đất với giá rẻ mạt. Tiền của nhân dân đổ vào việc cải tạo chuyển đổi ruộng đồng không biết bao nhiêu mà kể. Mất ruộng thì đã đành, dân chúng tôi chỉ mong sáng tỏ vấn đề vì sao lại là Ecopark? Quyết định quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội định hướng đến năm 2020 mà không thấy nhắc gì đến Ecopark cả. Ai đã quy hoạch dự án này? Cơ sở nào để chuyển 500 ha đất sản xuất của người dân thành đô thị? – Hết trích
https://nongnghiep.vn/nhung-quyet-dinh-than-toc-giup....
04/24/2012 - một cuộc đối thoại ngắn về tin trên VnExpress về cưỡng chế ở Văn Giang.
Mình vừa unfriend thằng Nguyễn Hưng (tác giả bài báo trên VnExpress) trong danh sách bạn bè rồi.
Cũng khổ cho bọn bồi bút, vì miếng cơm, manh áo.
Thế anh em mình thì hít không khí à? Việc bọn báo chí viết sai sự thật hay bẻ cong sự thật còn khốn nạn hơn là chúng nó giả mù, giả điếc, giả câm.
Chúng nó chỉ có 2 lựa chọn khi vào nghề. Viết theo định hướng hoặc thôi việc.
Vậy chúng nó phải chấp nhận sự khinh bỉ của người khác vì lựa chọn của chúng nó.
Tuyệt!
Lúc này không chửi tục mới là không bằng con... gì đấy.
Làm cuộc khảo sát trên FB. Gần như 100% đều căm phẫn và văng một câu gì đó khi xem hình ảnh, clip về Văn giang. Các phóng viên tự do gây hiệu ứng thật mạnh mẽ. Như bác Nguyễn Thông hiền thế mà cũng phải văng ra.
Quá đúng! Từ hôm qua em hư mất.
Mình cũng văng, nhưng chỉ dám ị ẹ hoặc đồng cỏ mênh mông.
Bác Nguyễn Thông thì chửi thẳng toẹt luôn.
Không, là vì em chửi đích danh "địt mẹ thằng nhà báo VnExpress".
Xin lỗi vì đăng lại nguyên văn. Nhưng mình đến giờ vẫn còn sốc và ngẩn ngơ về những gì đã xảy ra ở Văn Giang.
*
Bà con Văn Giang lên Hà Nội khiếu kiện. Ảnh trên mạng
“Nhiều cuộc cưỡng chế để lại những dư âm rất xót xa” – Đấy là tiêu đề bài đăng trên báo Dân Trí ngày 13/5/2012.
Sau cuộc cưỡng chế năm 2012, truyền thông khi đó mới biết đến cuộc chiến giữ đất của bà con Văn Giang, nên đưa tin khá rầm rộ. Điều duy nhất truyền thông làm được, là để dư luận biết về cuộc cưỡng chế, và để bà con không còn cảm thấy cô độc. Bà con thường xuyên sang Hà Nội đi khiếu nại. Hết vườn hoa Mai Xuân Thưởng, đến 46 Tràng Thi (Mặt trận tổ quốc), số 1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông) – kéo dài hàng năm trời. Trong thời gian đó, chủ đầu tư thuê côn đồ vào tận làng, truy sát người dân.
Những năm đầu, bà con vẫn giữ vững khí thế. Còn ra đồng cấy lúa, trồng chuối để giữ đất.
Đường xa, đi mãi cũng mỏi. Những năm sau đó, nhiều sự kiện xảy ra, truyền thông không thể đưa tin mãi về một sự kiện. Cuộc đấu tranh lúc này chỉ dựa vào chính mình. Ba năm trước, bà con dựng rạp, tổ chức kỷ niệm 7 năm cuộc cưỡng chế, mời một số anh chị em ở Hà Nội sang dự mít tinh. Trời nắng như đổ lửa, điện bị cắt, bà con đã lường trước, đem ngay máy phát điện ra. An ninh ngồi vạ vật xung quanh, chẳng hiểu để làm gì. Bà con bảo, muốn vào ăn thì góp 150k/suất (bà con ai cũng đóng), thế là bọn nó chuồn. Bảy năm là một quãng đường dài, rất dài, đầy gian khổ.
Từ hơn một ngàn hộ không nhận tiền, giờ chỉ còn 300 hộ của cả 3 xã, kiên quyết không nhận tiền đền bù với giá rẻ mạt.
Bẵng đi mấy năm, có người hỏi về tình hình bà con Văn Giang, nhà em cùng thằng cháu TN sang Văn Giang, thăm và hỏi chuyện bà con. Gặp bác Lê Văn Dũng, bác ấy vẫn như ngày nào, ôn lại câu chuyện từ đầu, không cần nhìn văn bản, đọc vanh vách từng số văn bản, ngày tháng ra văn bản của từng cơ quan. Trong mấy năm qua, do Covid nên việc khiếu nại có phần gián đoạn. Nhưng hiện nay 300 hộ vẫn tiếp tục con đường của mình.
Thằng cháu TN hỏi: Vậy những người mất hết đất, làm gì để sống?
Bà con bảo, thì đi thuê đất của người khác để làm, mà phải thuê xa lắm. Có người chuyển nghề, sang việc chạy chợ, làm bánh, v.v.
Nhà em nói, muốn ra thăm lại những nơi xưa từng cùng bà con trồng lúa, trồng chuối. Bà con bảo: Làm gì còn mà ra? Ôi chao!
Bà con chỉ những tòa nhà lừng lững trước mặt, bảo đó chính là nơi xưa anh chị em ở Hà Nội sang, hay được bà con dẫn ra thăm đồng. Cảm giác thật cay đắng.
Hai cô cháu tạm biệt bà con để ra về. Một mình nhà em lộn lại chỗ nhà văn hóa, nghĩa trang liệt sỹ, nơi một số anh em Hà Nội quay được cảnh công an nhảy qua tường nghĩa trang liệt sĩ sang nhà văn hóa, để đuổi đánh nhà báo và người dân. Trước đây, từ nơi này có con đường dẫn ra cánh đồng, giờ đây đã bị bịt kín. Bên kia là Ecopark rồi. Không còn ruộng đồng nữa.
Trưa nắng, nhà em bâng khuâng đứng nhìn cảnh cũ, bần thần, nuối tiếc. Mình chỉ là người qua đường, đến đây vài ba bận, còn buồn thế, nói gì đến người dân gắn bó cả cuộc đời với mảnh đất này.
Điểm lại những cuộc chiến giữ đất ở Văn Giang, Dương Nội, Đồng Tâm… không có cuộc chiến nào lại không có máu, nước mắt, và tù đày. Còn hàng trăm hàng ngàn cuộc cướp đất trên khắp đất nước này mà không ai biết đến nữa. Viết đến đây lại muốn khóc quá.
Đ.P.B.
Nguồn: FB Đặng Bích Phượng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét