Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Thử nhìn nước Nga một cách độ lượng

 

Thử nhìn nước Nga một cách độ lượng

Joaquin Nguyễn Hòa

27-2-2022

Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga trả lời phỏng vấn tại dinh thự ở bang Gorki bên ngoài Moscow, Nga, hôm 25/2/2022. Nguồn: Sputnik / Yulia Zyryanova / Pool via REUTERS

Ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, tuyên bố nước Nga không cần quan hệ ngoại giao với phương Tây.

Câu tuyên bố của ông làm tôi nhớ một đoạn trong quyển tiểu thuyết cách mạng cộng sản Liên Xô, “Thép đã tôi thế đấy”. Nhân vật “chính diện cách mạng” của cuốn tiểu thuyết, Pavel Corsaghin, nói với người yêu cũ Tonia, rằng nhà nước cách mạng không cần cái kiểu cách tiểu tư sản ngoại giao, nhưng chẳng qua là phải có quan hệ với các nhà nước tư sản.

Tonia lúc đó là vợ một nhà ngoại giao Ba Lan, quốc gia thắng thế trong cuộc chiến Nga Soviet – Ba Lan, sau khi Nga hoàng sụp đổ.

Thời điểm mà Pavel thốt ra câu nói đó vào thập niên 1920. Tròn một thế kỷ sau, người Nga có vẻ vẫn không thay đổi mấy.

Tôi có một cô bạn người Nga lai Mông Cổ, tên là Elena. Cô làm chung cơ quan với tôi, khi tôi còn ở Việt Nam.

Cha của cô ấy là một viên chức cao cấp ở Liên Xô, mẹ từng làm trong tòa Đại sứ Mông Cổ tại Hà Nội. Elena cho rằng, cha bạn ấy biết quá nhiều về những tài sản của ông tổng bí thư Brezhnev, nên đã bị thủ tiêu. Bạn bè của ông làm hôn nhân giả cho Elena đào tẩu qua Pháp.

Khoảng thập niên 1990, ở Pháp có xuất bản quyển sách Le Livre Noire du Communisme(tạm dịch “Sổ đen chủ nghĩa cộng sản”). Tôi tò mò, muốn một số bạn bè người Việt ở Pháp mang về Việt Nam quyển sách này. Lúc đó internet chưa thịnh như ngày nay, nhưng ai cũng ngại qua cửa hải quan, nên đều thoái thác.

Elena nói với tôi: Tôi sẽ mang sang cho anh, tôi biết cái hệ thống này, anh yên tâm.

Không rõ Elena “xử lý” cái hệ thống đó ra sao, nhưng cuối cùng tôi có được quyển sách đó, và đọc nó ngay bên trong Việt Nam. Chính qua quyển sách đó mà tôi biết đến các gương mặt bất đồng chính kiến Việt Nam bị tù đày vào những năm sau 1975, mà báo chí nhà nước Việt Nam không bao giờ nói đến.

Nhưng qua Elena thì tôi chỉ biết nước Nga vào thời hoàng hôn Soviet và khởi đầu của nước Nga Putin ngày nay.

Nước Nga lớn hơn thế, tôi biết nó và những người Nga qua văn học của họ. Dĩ nhiên một kẻ ngoại đạo văn chương như tôi thì không thể bàn về một nền văn chương vĩ đại như văn chương Nga được. Nhưng qua nhiều thể loại văn học Nga mà tôi biết, từ loại cổ điển như Anna Karenina, Tội ác và trừng phạt, Chiến tranh và hòa bình, đến loại “hừng hực khí thế cách mạng” như Thép đã tôi thế đấy, từ loại lãng mạn cách mạng như Sông Đông êm đềm, Vỡ đất hoang, đến loại đối kháng với chế độ cộng sản như Tầng đầu địa ngục, Bác sĩ Zivago,… tôi thấy hầu như ta luôn gặp các nhân vật … trầm cảm, với những bức bối nội tâm vô cùng lớn.

Trong một bộ phim giải trí của Anh, tôi thấy người ta nói rằng văn học, cũng như âm nhạc Nga, là một cái gì đó có màu đen, tối.

Tôi nghĩ đến những cánh đồng Nga mênh mông, các cánh rừng Siberia thăm thẳm một màu xanh đen, và những người Nga là những nông dân trên đó, họ phải trải qua những chế độ cai trị vô cùng hà khắc. Từ những người Mông Cổ ở thế kỷ 13, cho đến đế chế Sa hoàng, rồi chế độ toàn trị hơn 70 năm của Liên Xô.

Cuộc cải tổ của Pierre Đại đế vào đầu thế kỷ 18, với chủ trương “Tây hóa” có vẻ không ảnh hưởng bao nhiêu đến tầng lớp nông dân đông đúc, mà chỉ tạo ra một nhóm trí thức Nga, vằn vặt nội tâm thì nhiều mà phản kháng thì ít. Cuộc sống của họ và cuộc sống của nông dân Nga giống như hai thế giới. Hãy đọc truyện ngắn của Tsekhov, Căn nhà có hoa phúc bồn tử, ta như lạc vào một không gian êm đềm, nhưng cô độc, mong manh và bất an.

Cuộc cách mạng cộng sản của Lenin thì đã rõ là hoàn toàn không đếm xỉa vì tới trí thức, tới phản biện xã hội. Đến cuối thời Liên Xô, bắt đầu xuất hiện những trí thức phản kháng như Sakharov, nhưng cũng không nhiều, không tạo nên những thay đổi gì lớn lao.

Cũng vào thời kỳ này, ở Việt Nam có dịch một tiểu thuyết tên là Thao thức, nói nhiều về giới trí thức Nga dưới chế độ cộng sản, họ dằn dặt khổ tâm, nhưng vẫn chịu đựng những kẻ độc tài học phiệt như Trofim Lysenko.

Quan sát nước Nga từ xa, tôi thấy những người nông dân và trí thức ấy, hao hao cái nét của những người “mugik” và nho sĩ ở đồng bằng sông… Hồng. Không biết nhận xét ấy có đúng hay chăng?!

***

Trở lại với ông Medvedev, tôi nghĩ, câu tuyên bố của ông thể hiện một sự tự cao, nhưng đầy mặc cảm của người Nga. Họ nghĩ rằng họ là một dân tộc giỏi giang, mà họ giỏi thật, chỉ cần kể một vài cái tên như là Mendeleev (cha đẻ bảng tuần hoàn hóa học), hay là Sergey Brin (đồng sáng lập Google) … nhưng dân tộc Nga cứ bị lấn lướt, bị bắt phải chơi theo luật chơi của kẻ khác.

Nhưng có lẽ điều quan trọng là những người Nga giỏi giang lại không tranh lại với những người Nga khác, dữ dằn hơn, như là Rasputin (sủng thần của Sa hoàng vào thế kỷ 18, gây xáo trộn lớn ở cung đình), Lenin, Stalin, và dĩ nhiên… Putin.

Cuộc chiến tranh Ukraine của ông Putin phát động đã làm dấy lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố lớn. Trong hai ngày đầu tiên, đã có gần 1000 người bị bắt. Nhưng những người Nga này có khác, và có đông hơn giới trí thức Nga mà cuộc cải cách của Pierre Đại đế gần 300 năm trước tạo ra hay không?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét