Mặt Trời luôn toả sáng trên Việt Nam?
Nguyễn Đức Thắng
Việt Nam không có khoa học, không thể tự sản xuất ra được công nghệ, không thể tự sản xuất ra máy mẹ đẻ máy con. Chẳng nhẽ dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi là người lao động làm thuê, cam phận làm oshin?
Hiện nay đất nước ta đang có khoảng 0,5 triệu thanh niên trẻ xuất khẩu lao động (theo con đường hợp pháp) đi làm việc trong 30 ngành nghề khác nhau ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, bình quân hàng năm đem về 2,5 tỷ USD...
Năm 2018 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 245 tỷ USD (ngang bằng GDP), trong đó các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) đạt 176 tỷ USD, chiếm 72%, còn lại 28% dành cho các doanh nghiệp Việt Nam, đạt 69 tỷ USD. Điều đó chứng tỏ người Việt Nam làm thuê, là oshin ngay trên chính quê hương, đất nước của mình. Do vậy, những lợi ích do Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CP TPP) và Hiệp định Thương mại tự do EU - Việt Nam (EU-Vietnam FTA) v.v. mang lại các doanh nghiệp FDI thụ hưởng là chính.
85% các doanh nghiệp FDI có 100% là các ông chủ nước ngoài. Nhiều ông chủ còn vay vốn đầu tư của chính các ngân hàng thương mại quốc doanh Việt Nam. Các doanh nghiệp FDI tập trung vào hoạt động gia công, lắp ráp, nguyên vật liệu chủ yếu nhập ngoại nên giá trị gia tăng ở Việt Nam là rất thấp. Điển hình là các hoạt động lắp ráp ô tô, xe máy, điện - điện tử, may mặc, da giày sử dụng nhiều nhân công lao động giản đơn; tận dụng những qui định quản lý môi trường còn thấp và không nghiêm; tận hưởng những cơ chế, chính sách ưu đãi cao, miễn giảm thuế từ Trung ương đến cấp tỉnh. 15% doanh nghiệp FDI là liên doanh với đối tác Việt Nam, phía nước ngoài đóng góp bằng công nghệ cũ, lạc hậu, thải loại từ chính quốc. Từ năm 2013 các doanh nghiệp FDI đã đóng góp, tạo ra 20% GDP của Việt Nam.
Năm 2018 Việt Nam xuất khẩu gạo thu về 3,1 tỷ USD, trong đó có đến 85% là chi phí cho phân hóa học, thuốc trừ sâu, giống, xăng, dầu. Trong những sản phẩm dệt may xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam, khoảng 85% chi phí là cho nhập khẩu xơ, sợi, vải, phẩm nhuộm, chỉ, khuy, ốc, v.v. Vào một nhà máy dệt may, 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu.
Ô tô Vinfast, niềm tự hào của tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, tự hào là đại diện nền công nghiệp 4.0 của Việt Nam, được sản xuất trong một nhà máy 100% máy móc, thiết bị là nhập khẩu; công nghệ cũng nhập khẩu. Người nước ngoài đến tận nơi hướng dẫn lắp ráp máy móc, thiết bị, kiểm tra và hiệu chỉnh, hướng dẫn vận hành và bàn giao. Những chiếc điện thoại thông minh, máy tính xách tay, máy tính để bàn do các tập đoàn Viettel, FPT hay BKAV sản xuất, gần như 95% linh kiện là nhập khẩu, phần lớn là từ Trung Quốc. Chúng ta sản xuất được vỏ, nhưng bản thân thiết bị, dây chuyền sản xuất vỏ lại phải nhập khẩu.
Mạng 5G mà Viettel đang triển khai 95% thiết bị, linh kiện nhập khẩu. Chúng ta biết lắp ráp và vận hành, chuyên gia nước ngoài kiểm tra, tinh chỉnh và bàn giao.
Câu chuyện các nhà khoa học Việt Nam không thể tự sản xuất ra được con ốc vít đạt chuẩn quốc tế bắt nguồn từ các chuyên gia Nhật Bản sau đó lan rộng sang người Việt Nam, nói lại cho nhau nghe để biết. Trong khi đất nước Triều Tiên dân số chỉ có 25 triệu người, tài nguyên không có, bị cấm vận nhiều năm triền miên và nghiệt ngã, nhưng các nhà khoa học của họ tự sản xuất được nhiều thứ, từ A đến Z. Ví dụ bom nguyên tử, máy bay, tên lửa, tàu ngầm, xe tăng, đại bác… chưa kể Hàn Quốc những năm 60 nghèo khổ cũng như Việt Nam.
Khá nhiều các nhà khoa học Việt Nam đã quên những kiến thức cơ bản, chỉ nắm hiểu bề ngoài của vấn đề. Thay vì cần đưa ra những lập luận khoa học để phản biện lại những ý kiến khoa học, đã sử dụng những ngôn từ thóa mạ ngắn ngủi. Lịch sự hơn thì họ tung ra những thông tin chẳng liên quan đến bản chất vấn đề; hoặc những thông tin không thể kiểm chứng, làm cho người đọc bình thường hoa mắt, mất phương hướng (bịa đặt thông tin).
Chất lượng tham mưu, tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ngành thấp ở mức đáng báo động. Dẫn đến một số quyết định mà Thủ tướng và lãnh đạo Bộ, ngành ký ban hành là phản khoa học và rất có hại cho đất nước.
Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam là Bộ duy nhất trên Thế giới đã phủ định những chân lý khoa học trong Hóa học và Môi trường bằng việc cố tình bắt nhân dân cả nước, bắt cả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội phải nghe sai, nói sai và hiểu sai về nguyên nhân cá chết trong sự cố môi trường biển lịch sử tại 4 tỉnh Duyên hải miền Trung.
Việt Nam không có khoa học, không thể tự sản xuất ra được công nghệ, không thể tự sản xuất ra máy mẹ đẻ máy con; chẳng nhẽ dân tộc Việt Nam sẽ mãi mãi là người lao động làm thuê, cam phận làm oshin?
Các nhà khoa học Việt Nam đang có một món nợ rất lớn đối với đất nước, với dân tộc, trong đó Bộ KH&CN với bề dày lịch sử hơn 60 năm có vai trò chủ yếu. Nếu không làm cuộc cách mạng trong quản lý KH&CN, Việt Nam sẽ mãi là đất nước bán rẻ tài nguyên, gia công, lắp ráp và làm thuê.
N.Đ.T.
Nguồn: FB Trăng Chiều Oanh Bùi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét