Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

Nỗi u hoài của ông Putin có nguồn gốc phương Đông

 

Nỗi u hoài của ông Putin có nguồn gốc phương Đông

Jackhammer Nguyễn

24-2-2022

Khuya ngày 21/2/2022, giờ nước Nga, tổng thống Nga, Vladimir Putin đọc một bài diễn văn rất dài, rất giận dữ, không chỉ nói về cuộc khủng hoảng Ukraine, trong đó ông là tác nhân chính, mà còn nói về điều mà ông cho là những bất công trong sự đối xử của phương Tây đối với nước Nga.

Các nhà phân tích phương Tây cho rằng, ngoài sự giận dữ, bài diễn văn còn mang tính “siêu thực”. Ông Paul Adams, chuyên về ngoại giao của BBC, viết rằng, dường như ông Putin sống trong một thế giới khác.

Thế giới khác này của ông Putin là một vùng lãnh thổ “của Nga” mang tên Ukraine, nơi chưa bao giờ là một quốc gia, theo ông Putin. Và ông ta tức giận khi những người “cùng gia đình” như thế mà phải bị chia lìa.

Đằng sau những lên án, giận dữ đó, người ta cũng thấy ông Putin mang một mối u hoài, tiếc nuối về một đế chế Nga ngày nào, nay sụp đổ cũng đã trên 100 năm. Nhiều lần ông nhắc đến các vị tiền bối như là thống chế Alexander Suvorov, nữ hoàng Catherine đệ nhị,… với công cuộc mở mang lãnh thổ (tức là xâm lăng) của đế chế Nga.

Khi đọc đến những chỗ u hoài đó của ông Putin, tôi chợt nhớ một triết gia người Pháp là Jean-Jacques Rousseau. Trong “Khế ước xã hội” (Du Contrat Social) ông có viết về công cuộc canh tân nước Nga của Peter đại đế (ở Việt Nam sau 1975 hay gọi là Piot đại đế) vào đầu thế kỷ 18, và nhận xét rằng: “Nước Nga sẽ không bao giờ được văn minh cả, vì nó được khai hóa quá sớm”.

Ý của ông Jean-Jacques Rousseau bảo rằng, vào giai đoạn mà Peter đại đế tiến hành cải cách, nước Nga chưa sẵn sàng cho việc đó, và nếu làm sớm sủa như vậy thì hỏng hết. Ông bảo rằng, thay vì Peter đại đế bảo họ trở thành như người Anh, người Đức, thì hãy bảo họ trở thành những người họ phải thành (không bắt chước được đâu).

Đối với người Việt Nam, khi nhắc đến nước Nga, chắc hẳn đại đa số nghĩ tới một quốc gia châu Âu, những con người châu Âu, nhưng thực tế có lẽ không phải như vậy. Nước Nga có phần châu Á nhiều hơn ta nghĩ, và lại là Đông Á, châu Á Trung Quốc, châu Á Việt Nam.

Vào thế kỷ thứ 13, Mông Cổ nổi lên ở châu Á như là một đế quốc lớn nhất mọi thời đại. Một viên tướng xuất sắc của họ là Bạt Đô (Batu), cháu nội người sáng lập đế quốc Mông Cổ là Thanh Cát Tư Hãn, kéo 200 ngàn quân chinh phục về hướng Tây, họ san thành bình địa nước Nga Kyiv (Kievan Rus) và nhiều công quốc Nga khác. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, chính cuộc chinh phục này của Bạt Đô đã làm cho những người nói tiếng Nga bị tan tác, và sau đó trở thành ba giống Nga khác nhau, Russia, Belarus và Ukraine.

Bạt Đô thiết lập đế quốc Tây Mông Cổ có tên là Kim Trướng Hãn quốc (Golden Horde Khanate), bao trùm lên gần như toàn bộ lãnh thổ châu Âu của nước Nga, Ukraine, Belarus ngày nay.

Sự cai trị của Kim Trướng Hãn quốc kéo dài đến hơn 200 năm, và để lại rất nhiều ảnh hưởng đến các sắc dân Nga dưới sự thống trị của họ. Những người ở về phía Đông bị người Mông Cổ (và đồng minh của họ là người Tarta) ảnh hưởng mạnh hơn những người ở phía Tây, bằng chứng là các nhà ngôn ngữ học thấy tiếng Nga có nhiều từ Mông Cổ hơn hẳn tiếng Ukraine.

Sự sụp đổ của các lãnh chúa Nga dưới vó ngựa Mông Cổ Tarta, tạo nên một khoảng trống quyền lực trung gian mà nhà thờ Chính thống giáo thay thế. Điều đó tạo nên một thế lực thần quyền rất lớn sau này của các giáo chủ Chính thống giáo.

Nhưng quan trọng hơn cả, trong gia tài Mông Cổ Tarta để lại là cơ cấu tập trung quyền lực được tổ chức theo đơn vị hành chính, với việc thống kê dân số được thực hiện thường xuyên, trước Tây Âu rất nhiều. Dân chúng được chia thành các đơn vị để quản lý, để thu thuế.

Đây chính là hệ thống mà người Mông Cổ học được từ Trung Quốc khi chinh phục nhà Tống. Đó chính là chế độ hộ khẩu nổi tiếng ngàn năm của xứ sở này.

Sau khi nước Nga lật đổ Kim Trướng Hãn quốc, hệ thống này vẫn được giữ, và đó chính là xương sống của đế chế Nga.

Đế chế Nga sụp đổ, Lenin thừa hưởng toàn bộ hệ thống đó, và tân trang nó lại thành hệ thống toàn trị cộng sản khét tiếng, còn tồn tại đến ngày nay. Theo con đường Đệ tam quốc tế, nó trở lại bản quán là Á châu của Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Hàn, và không có gì ngạc nhiên là nó tồn tại và thống trị một cách mạnh mẽ, hầu như chưa có mô hình nào đối phó lại được trên những mảnh đất này.

Hai khu vực từng thuộc ảnh hưởng của đế quốc Trung Hoa là Đài Loan và Nam Hàn thoát nạn nhờ vào may mắn của lịch sử là sự hiện diện của Hoa Kỳ (cơ cấu chi bộ đảng của Trung Hoa Quốc Dân Đảng, cũng hao hao các chi bộ cộng sản, hai vị tổng thống đầu tiên của Trung Hoa Dân quốc cũng từng đến nước Nga cộng sản nghiên cứu).

Vào thời Kim Trướng Hãn quốc, mỗi vùng có hai viên thống đốc, một viên quan hành chánh và một thủ lĩnh quân sự. Nó gợi nhớ hệ thống song trùng Đảng-Nhà nước sau này của Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Hàn.

Như thế có thể nói rằng, bài diễn văn siêu thực của ông Putin vào đêm 21/2/2022, với nỗi nhớ u hoài của ông về đế chế Nga, có nguồn gốc từ Đông Á vậy. Cũng không ngạc nhiên là ông Tập Cận Bình rất thân thiện với ông Putin và không ít người Việt lên tiếng ủng hộ cuộc xâm lăng của Putin đại đế vào Ukraine.

Có thể có điểm khác là các viên chức ngoại giao Hà Nội thì im lặng. Tôi nghĩ là họ biết chuyện gì đang thật sự xảy ra, và tôi hy vọng là họ không có nỗi u hoài như ông Putin.

________

Tài liệu tham khảo:

https://courses.lumenlearning.com/atd-herkimer-westerncivilization/chapter/the-mongol-threat/

https://geohistory.today/mongol-empire-effects-russia/

https://www.bbc.com/vietnamese/world-60480436

https://www.bbc.com/news/world-europe-60458300

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét