Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2022

Một bài báo lưu manh

 

Một bài báo lưu manh

Động cơ xấu gì? Lương không tương xứng với công sức bỏ ra thì công nhân phải đấu tranh, trước khi đình công, họ cũng phải cân nhắc hơn thiệt. Không đấu tranh tập thể mà đấu tranh đơn lẻ thì làm sao có được sức mạnh chung?

Công đoàn đáng nhẽ là do công nhân bầu ra, nhưng ở Việt Nam công đoàn là do giới chủ và chính quyền đặt ra, thay vì đấu tranh cho quyền lợi công nhân thì cũng vào hùa với giới chủ để đặt gông lên người lao động.

Báo Lao Động là báo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đáng nhẽ phải bênh quyền lợi của công nhân nhưng đăng một bài báo như thế này thì cũng chỉ là một công cụ để bắt nạt công nhân mà thôi.

Nói như cậu phóng viên này thì đơn giản quá: “Nếu doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật, nhà nước sẽ xử lý. Trường hợp doanh nghiệp vi phạm hợp đồng lao động, công nhân có thể phản ánh, kiến nghị, khởi kiện. Hoặc đơn giản nếu thấy không thích, có nơi làm việc khác tốt hơn, thì công nhân có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.”

Thử hỏi người công nhân lấy tiền đâu, thời gian đâu để phản ánh hay khởi kiện cái sai của doanh nghiệp. Khởi kiện được hay đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động để tìm công ty khác thì con cái của họ chắc chết đói cả rồi.

Cậu phóng viên viết thế này là có ý chụp mũ cho những người vận động đình công là vi phạm pháp luật, như vậy là không công bằng. Đình công là một hình thức đấu tranh dân sự rất phổ biến, tại sao lại nâng lên thành một hành động vi phạm pháp luật?

Một bài báo tử tế là phải phỏng vấn hai chiều, hỏi công nhân tại sao đình công? Rồi phỏng vấn chủ doanh nghiệp để có hướng giải quyết, có câu trả lời cho công luận. Đằng này chỉ phán mấy câu chụp mũ xanh rờn, không hề có thông tin gì. Nói đúng thì cả bài báo chỉ là một câu doạ dẫm.

Hãy tự vấn lương tâm của mình trước khi viết. Viết để làm gì, viết có đúng không? Viết thế có ảnh hưởng đến quyền lợi của ai không? Có công bằng không? Có tác dụng khai trí cho người dân không?

Và không chỉ là vấn đề của một phóng viên, của một bài báo. Xin hỏi vị tổng biên tập của báo Lao Động có cảm thấy bài báo này đúng đắn không?

***

P.S:

Đây là phần bình luận của bạn Cam Ha: Chương 19 của Hiệp đinh CPTPP mà Việt Nam tham gia quy định rõ: Mỗi Bên (gồm Việt Nam) sẽ thông qua, duy trì và thực hiện các đạo luật và quy định những quyền sau đây:

(a) tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể;

(b) chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc;

(c) loại bỏ một cách hiệu quả lao động trẻ em và cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất;

(d) chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp;

Các cuộc đình công gần đây là một biểu hiện cụ thể của quyền thương lượng tập thể (quyền a) mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện. Tác giả bài báo chưa tìm hiểu kỹ nên đã chụp mũ việc thương lượng tập thể là có động cơ xấu, đi ngược lại với những cam kết do Chính phủ đưa ra. Người bị tổn hại thanh danh là Chính phủ ạ, chứ người lao động vất vả lắm, họ chẳng có thời gian đọc báo.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét