Sự nông cạn của những kẻ không cầm súng
28-2-2022
Câu chuyện của chúng ta được kể bằng mồm của những kẻ vấy máu. Có lẽ bạn không để ý điều đó, bởi chúng ta sống trong hòa bình và những thành phần như tôi lớn lên trong buổi không có cuộc chiến nào lướt qua sống mũi mình.
Vì vậy, chúng ta nghe chuyện kể, như đứa bé ngồi quanh đống lửa nghe ông bà kể chuyện cô Tấm cô Cám ngày xưa. Tôi biết về chiến tranh trong bài học sử ở trường, nơi cô giáo dạy sử nói thật to rằng, mấy em tưởng tượng một ngày kia đi học về, thấy khu phố mình có khói bùng lên và nhà mình ở đã tan nát ra sao.
Tôi đi bảo tàng chứng tích chiến tranh. Tôi ngồi quanh bàn nhậu nghe cha mình kể chuyện hồi chiến tranh, cha cõng bà nội chạy loạn ra sao. Tôi nghe mẹ kể về ngày mẹ theo ông ngoại về nước, xách dao đi học vì những đứa cùng trường chửi mẹ là “Tàu lai”, vì mẹ lỡ đẻ ra ở bên kia biên giới.
Không có trải nghiệm với chiến tranh có lẽ là một đặc ân trên đời. Nhưng đi kèm với nó, tôi luôn luôn phải nỗ lực cố gắng hiểu câu chuyện chiến tranh mình nghe kể từ mồm người khác có nghĩa là gì. Ví dụ như mấy bữa nay các bạn trên mạng rất nồng nàn với cảm hứng nước Nga, và diễn ngôn nước Nga với nước Ukraine là anh em mà, thằng em mất dạy thì thằng anh vả cho mấy cái, chuyện nhà người ta có gì mình phải làm to tát.
Chuyện kể kiểu dân gian này đa phần thoát ra từ mồm các anh làm tướng lãnh quân đội, những anh có quyền lợi trực tiếp với chính quyền đang không dám mở mồm nhổ nước bọt qua miệng anh Putin.
Nhóm người này có quyền lợi trực tiếp với anh Putin. Quân đội mà họ đang phục vụ có mua bán nhiều vũ khí từ Nga, tàu ngầm, máy móc, công nghệ. Sếp họ bảo chúng mày không được ghét Nga thì không ai sẽ hó hé. Cơ bản các anh tuy đeo quân hàm rất to nhưng thiếu sự can đảm làm đàn ông. Các anh được cho mở mồm nói gì thì nói đó. Tuy nhiên, quân hàm làm các anh có vẻ sáng sủa.
Chuyện này cũng giống như Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục vậy. Tuy quấy rối tình dục là việc hạ tiện, nhưng vì anh là nhà khoa học có đóng góp cho xã hội, nên Forbes vinh danh anh. Lý luận tương tự, tuy anh mở mồm nói chuyện rất hèn hạ ti tiện, nhưng vì anh là thiếu tướng, chuẩn tướng, có quân hàm, chắc anh biết mình đang nói gì.
Tất nhiên, các anh ấy biết đang nói gì, vì huân, huy hiệu chói lòa của các anh có chói được không đều nhờ đống nước bọt ấy, nhưng làm độc giả, chúng ta mà ngu đến nỗi đi ca hát theo các anh lại là chuyện khác.
Phần ca ngợi cuộc chiến của Nga khác đến từ các bạn trai yếu sinh lý cuồng Nga. Các bạn này ngày xưa đi du học ở Nga hồi xã nghĩa, thấy Lenin thì sì sụp khấn lạy như anh Kim Yong Un bên Bắc Hàn, có thể mấy anh xăm hình Stalin trên mông cũng không chừng.
Niềm tin này lớn như máu thịt, cơ thể, lớn đến nỗi các anh không có đủ não để suy nghĩ bất cứ họng súng nhắm vào cơ thể người nào cũng là giết người. Với các anh, người chỉ là vật thể. Ukraine là vật thể, là cái tên xa lạ chả liên quan đến quần lót của các anh. Vì yêu Putin, các anh hung hãn tháo cởi ngôn từ cổ võ cuộc chiến. Nếu lỡ đây là ngày xưa, các anh này sẽ làm thơ như anh Tố Hữu đẻ con ra hai tiếng Stalin gọi thật ngọt ngào máu lửa.
Chú thích ở đây, các bạn trẻ nào xem phim Hàn Quốc nhiều như tôi sẽ biết loại đàn ông này xếp hạng gì, đó là loại đi theo thằng trai hung hãn trong đám chuyên bắt nạt học trò, chùi đít cho nó hoặc vuốt mông nó, nhờ vậy cảm thấy thêm phần có động lực làm đàn ông trên đời, và nghĩ mình có giá trị.
Facebook các anh này đa phần để râu mõm chuột, nói chuyện dâm đãng, khề khà whisky và không bao giờ tập thể dục, nhưng rất tin tưởng cần có chiến tranh. Mấy anh này tất nhiên không biết nếu có chiến tranh thì mỗi người cần biết chạy, ít nhất 10km để thoát khỏi quân thù ném bom trên đầu hoặc sắp hãm hiếp các anh.
Sáng nay bạn chủ nhà của tôi người Mexico nói: “Phương ơi, tôi coi hình ảnh chụp hôm qua mà rùng mình. Thử tưởng tượng xem con tôi sáng ngủ dậy phải mặc quần áo ấm cả nhà phải lái xe đến biên giới xong ngồi cả đêm giữa hàng ngàn người. Từ xa bom nổ.”
Vậy đó, bạn tôi đã tưởng tượng về chiến tranh Ukraine bằng hình ảnh con gái của anh, trong một ngày không được đến trường. Đó là thấu cảm gần nhất mà một người ở rất xa có thể hiểu về chiến tranh. Sự thấu cảm của chúng ta có được nhờ những hiểu biết thật giản dị trong đời. Ta biết sợ căn bếp của mẹ mình với một quả pháo rơi xuống vỡ toang. Ta thấy đau xót khi nhìn cô gái trẻ đứng khóc giữa đường khi cả chung cư của cô trở thành đống đổ nát. Ta biết tưởng tượng nếu anh trai mình phải đi lính và ngoài xa có kẻ đang lê xe tăng vào thành phố mà anh đang đứng.
Hiểu biết về chiến tranh có thể cơ bản, gần gũi và bản năng như vậy. Như nhà thơ Naomi Shihab Nye viết trong bài thơ “Bức Tường Chia Cắt” về dải Gaza và cuộc chiến Israel – Palestine:
“Tôi hỏi nội liệu có bao giờ
nội cảm thấy được sống bình thường mỗi ngày,
không hiểm nguy, và nội nghĩ rất lung
đến khi mặt trời lặn và nội nói, có
nội luôn cảm thấy là người bình thường.
Chỉ là chúng không coi nội là người.”
“I ask my grandmother if there was ever a time
she felt like a normal person every day,
not in danger, and she thinks for as long
as it takes a sun to set and says, Yes.
I always feel like a normal person.
They just don’t see me as one.”
(Separation Wall – Naomi Shihab Nye)
Tôi biết chúng ta có quyền nhìn cuộc chiến Nga – Ukraine chính nghĩa như những anh thiếu tướng, chuẩn tướng ti tiện, hoặc có quyền coi đó là các trò vuôi và đơn giản như những người nói đây là chuyện anh em trong nhà.
Và tôi cũng biết chúng ta có quyền nhìn nó trên gương mặt hàng chục ngàn người Ukraine đứng xếp hàng ở biên giới, những đứa bé ôm gấu bông đứng ngơ ngác giữa hỗn loạn, những người đàn ông gương mặt hốc hác đổ xăng vào bình cocktail Molotov giữa Kiev, những người đàn bà ôm đầu máu òa khóc khi con phố trước mặt họ sụp đổ.
Hàng triệu người đó – là người. Và cho dù ta có bao nhiêu vỏ bọc xa xỉ và ngôn từ thượng thừa, ta cũng không thể nào chối bỏ sự thật rằng, nước Nga vĩ đại của anh Putin đang bắn vào ngực của những người bình thường và vô tội đó.
Hãy nhớ, mỗi người Việt Nam chúng ta chưa bao giờ gọi tên chiến tranh biên giới năm 1979 là anh cả Trung Quốc dạy cho đứa em hỗn láo bài học. Rất nhiều người ta biết đã mất người thân trong cuộc chiến ấy.
Ký ức người dân ta không gọi Trung Quốc là anh cả, và chúng ta không phải em. Người Ukraine cũng vậy, ký ức dân tộc họ không phải làm cậu em trai nhỏ được Nga Xô bảo bọc, họ bị hãm hiếp, họ bị bỏ đói trong nạn đói Holodomor chết 3,5 triệu người, họ liên tục bị nước Nga của anh Putin tấn công và giết chóc.
Họ không phải anh em.
_____
PS: Hình trong bài trích từ FB của anh Đại tá Lê Thế Mẫu, không biết anh làm đại tá bàn phím ra sao mà có cái tên Trung Quốc cũng éo dám viết ra mà để là “nước ngoài”. Đúng là mấy anh quen liếm a*** nước ngoài, a*** nào cũng liếm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét