Chiến tranh Ukraine và Nga, lịch sử và biên giới trong tay kẻ mạnh
Rạng sáng thứ Năm, tức đêm thứ Tư ngày 23 tháng 2 ở Hoa Kỳ, Putin đã tuyên bố mở màn chiến dịch quân sự đặc biệt, chính thức tấn công vào Ukraine. Không những vậy, Putin còn hăm dọa các quốc gia khác sẽ nhận những “hậu quả nặng nề” nếu can thiệp. Đây là một thách thức với cộng đồng quốc tế khi Nga chà đạp lên công ước quốc tế và sự phân định biên giới hợp pháp của một quốc gia có chủ quyền, đã được thế giới công nhận.
Cuộc tấn công này của Nga không phải là sự tranh chấp giữa hai quốc gia hay trong khu vực mà là giữa độc tài và dân chủ, giữa cái lý của kẻ mạnh và nước yếu, một sự báo động về chủ nghĩa toàn trị muốn dùng sức mạnh quân sự và vũ khí để viết lại lịch sử và vẽ lại đường biên giới theo ý mình, bất chấp những công pháp hay thỏa ước ký kết.
Putin đã chọn đúng thời điểm để chứng tỏ sức mạnh của mình sau khi nền dân chủ tại Hoa Kỳ bị thoái trào, chính phủ Hoa Kỳ đương nhiệm đang đối đầu với nhiều thử thách về dịch bịnh và kinh tế, lẫn sự chia rẽ đảng phái trầm trọng lan xuống sâu đậm trong người dân sau nhiệm kỳ của một tổng thống Mỹ muốn biến nền dân chủ Mỹ trở thành độc tài như Nga trong vài năm qua. Mặt khác, chính phủ tiền nhiệm đã xem Ukraine như một sân chơi, coi thường vai trò đồng minh cùng khối NATO và hết lòng ca tụng, vuốt ve Putin, để mặc cho Putin thao túng, bất kể Hoa Kỳ đã từng ký kết một hiến chương hợp tác chiến lược với Ukraine từ năm 2008 cho đến nay.
Điều đáng xấu hổ hơn là chính những giới lãnh đạo nước Mỹ tiền nhiệm và đảng Cộng Hòa hiện nay lại đang lên tiếng vỗ tay, tung hô kẻ thù của quốc gia mình, muốn ngăn chận các biện pháp đối phó của chính phủ đương nhiệm Joe Biden trước cơn khủng hoảng giữa Ukraine và Nga, không muốn thực hiện cam kết bảo vệ một đồng minh chiến lược của mình. Nước Mỹ đang ở trong một giai đoạn mà đảng phái chính trị và vai trò cá nhân được đặt cao hơn, hay có thể nói là phản bội lại vai trò và lợi ích quốc gia.
Với Ukraine, là một quốc gia độc lập có chủ quyền lãnh thổ, Ukraine toàn quyền tự quyết sự chọn lựa gia nhập liên minh nào và đồng minh với ai. Nga không thể viện dẫn lý do an ninh và có thẩm quyền ngăn cấm một quốc gia khác.
Bởi nếu cùng lý lẽ này, Trung Cộng cũng có thể tấn công Đài Loan hay ngăn cấm Việt Nam không được tham gia hợp tác chiến lược với các quốc gia khác không theo ý họ. Hay hơn nữa, chỉ cần mua chuộc những cấp lãnh đạo Việt Nam tại các tỉnh biên giới phía Bắc là Trung Cộng có thể đem quân vào Cao Bằng, Lạng Sơn… để tuyên bố ủng hộ và sát nhập các lãnh thổ tự trị hay tuyên bố từng là vùng đất của mình. Nếu Nga làm được và thành công, thậm chí được ủng hộ, tại sao không là Trung Cộng ngay tại Châu Á với cùng một sách lược này?
Thái độ của Nga như muốn định hình một trật tự thế giới mới, tái diễn những cuộc xâm chiếm của những đế chế hùng mạnh bất chấp chủ quyền cùng quyền tự quyết những dân tộc khác vào thời trung cổ. Những kẻ đang ủng hộ cuộc thôn tính này sẽ chẳng bao giờ tìm được sự bảo vệ một khi cái lý lẽ của kẻ mạnh diễn ra với chính mình trong tương lai.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét