Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 12 tháng 1, 2022

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 3)

 

Chính đề Việt Nam của Ngô Đình Nhu: Cái nhìn tinh tế và sắc bén về hiểm họa Trung Hoa (Phần 3)

Lê Thiên

12-1-2022

Tiếp theo phần 1 và phần 2

III. Chuyên chế độc tài là lợi khí cho giặc ngoại xâm

Phát huy ý chí quật cường chống chủ nghĩa chuyên chế

Biện pháp nào có thể sử dụng để cuộc chiến đấu chống ngoại xâm được hữu hiệu? Trong Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong chỉ rõ: “Biện pháp cần thiết nhất, hữu hiệu nhất và hoàn toàn thuộc chủ động của chúng ta, là nuôi dưỡng tinh thần độc lập và tự do của nhân dân, và phát huy ý thức quốc gia và dân tộc” – (Trang170).

Tác giả triển khai quan điểm của mình: “Nếu ý thức quốc gia và dân tộc được ăn sâu vào tâm não của toàn dân, và độc lập, tự do được mọi người mến chuộng, thì các cường quốc xâm lăng, dù có đánh tan được tất cả đạo quân của chúng ta và có thắng chúng ta trong cuộc ngoại giao đi nữa, cũng không làm sao diệt được ý chí quật cường của cả một dân tộc” –(Trang 170).

Trong khi bày tỏ niềm lạc quan đối với ý chí quật cường của toàn dân Việt Nam, ông Ngô Đình Nhu thoáng một chút ưu tư, lo ngại về vai trò lãnh đạo quốc gia. Ông viết: “Ý chí quật cường đó đến cao độ, mà không người lãnh đạo thì cũng không làm gì được đối với kẻ xâm lăng” – (Trang 170).

Tác giả viết tiếp: “… Một nước nhỏ như chúng ta, họa xâm lăng là một đe dọa thường xuyên… Sự thể đã như vậy, thì đương nhiên một chính thể chuyên chế và độc tài không làm sao đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm được” – (Trang 170).

Về cái lý do khiến cho chính thể chuyên chế và độc tài không đủ điều kiện để bảo vệ quốc gia chống ngoại xâm, Tùng Phong minh giải: “Bởi vì bản chất của một chính thể chuyên chế và độc tài là tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập trong tâm não của mọi người, để biến mọi người thành động cơ không có ý chí, dễ điều khiển, dễ đặt để, và dễ sử dụng như một khí cụ” – (Trang 171).

Tác giả Chính Đề Việt Nam cũng chỉ rõ động cơ chính thúc đẩy nhà cầm quyền độc đảng, độc tài, tiêu diệt tận gốc rễ tinh thần tự do và độc lập của người dân là để “giữ độc quyền lãnh đạo quốc gia cho một người hay một số rất ít người, để cho sự thấu triệt các vấn đề căn bản của quốc gia trở thành, trong tay họ, những lợi khí sắc bén, để củng cố địa vị của nhà cầm quyền” – (Trang 171). Việc nhà cầm quyền CSVN đối xử thô bạo với các trí thức trong nước và với những người dám đứng lên nói tiếng nói bảo vệ quyền làm người, đã chứng minh điều đó.

Tác giả Tùng Phong – Ngô Đình Nhu luôn luôn ưu tư và nhấn mạnh về mối nguy mà quốc gia dân tộc sẽ phải gánh chịu trước nạn ngoại xâm do chính thể chuyên chế và độc tài CSVN gây ra. Ông viết: “Giả sử mà chính thể chuyên chế và độc tài chưa tiêu diệt được hẳn tinh thần tự do và độc lập trong ý thức của mọi người, thì, tự nó, một chính thể chuyên chế hay độc tài cũng là một lợi khí cho kẻ ngoại xâm” – (Trang 171).

Tác giả minh giải: “Bởi vì dưới một chế độ như vậy, nhân dân bị áp bức, sẽ đâm ra oán ghét người lãnh đạo họ, và hướng về bất cứ ai đánh đổ người họ oán ghét…” – (Trang 171).

Theo những lý lẽ trên, chính thể chuyên chế và độc tài không thể tồn tại trên đất nước chúng ta. Nhưng chọn chính thể nào để thay thế chính thể xấu xa ấy? Theo Chính Đề Việt Nam, một “chính thể thích nghi cho dân tộc chúng ta không phải định đoạt do một sự lựa chọn căn cứ trên những lý thuyết chính trị, hay là những nguyên nhân triết lý, mà sẽ được qui định một cách rõ rệt bởi hoàn cảnh địa dư và lịch sử của chúng ta, cùng với trình độ phát triển của dân tộc” – (Trang 172).

Tác giả Tùng Phong nhấn mạnh, hiện tại có thể chúng ta chưa hình dung được rõ ràng chính thể đó sẽ như thế nào, nhưng dứt khoát “chính thể đó không thể là một chính thể chuyên chính hay độc tài được” – (Trang 172). Như vậy, theo tác giả Chính Đề Việt Nam, chỉ có một giải pháp duy nhất cứu vãn đất nước thoát nạn ngoại xâm từ phương bắc là triệt tiêu chế độ độc tài chuyên chính, thay thế bằng một chính thể tự do, dân chủ, thì người dân Việt Nam mới có điều kiện tập hợp thành một khối quần chúng yêu nước thống nhất vững mạnh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ biên cương.

Giả định của gần 50 năm về trước nay trở thành khẳng định

Cuốn Chính Đề Việt Nam tiên báo: “Giả sử, sự thống nhất do Bắc Việt thực hiện, thì với sự chi phối nặng nề của Trung Cộng đối với Bắc Việt, sự phát triển dân tộc Việt Nam chắc chắn sẽ không thực hiện được…” (Trang 171), bởi vì căn cứ vào lịch sử một ngàn năm bắc thuộc, ta có thể dự đoán chính phủ Bắc Việt – và hậu thân của nó là chính phủ CHXHCN Việt Nam – lệ thuộc Tàu trên mọi phương diện. Dân tộc Việt Nam lại bị “tròng vào cổ cái ách nô lệ mà tổ tiên chúng ta, trong một ngàn năm đã đổ nhiều xương máu để loại trừ” – (Trang 209).

Dường như ông cố vấn Ngô Đình Nhu không ngừng bị ám ảnh bởi cái viễn tượng về sự mất Miền Nam VN vào tay CSVN và về một nước Việt Nam “thống nhất” do CSVN thực hiện, khiến cho Trung Cộng có cơ hội thôn tính Việt Nam. Cho nên nơi trang 212, tác giả nhắc lại viễn kiến của mình: “Giả sử mà Nam Việt bị Bắc Việt thôn tính, thì sự Trung Cộng thôn tính Việt Nam chỉ là một vấn đề thời gian”.

Theo tác giả, bao lâu Miền Nam Việt Nam còn tồn tại, bấy lâu cả hai miền Nam Bắc còn được lợi thế trước Trung Cộng. Ông viết: “Trong hoàn cảnh hiện tại [thời kỳ trước 1963], sự tồn tại của Nam Việt Nam vừa là một bảo đảm cho dân tộc thoát khỏi ách thống trị của Trung Cộng, vừa là một bảo đảm một lối thoát cho các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt, khi họ ý thức nguy cơ họ đang tạo cho dân tộc”.

Rồi ông lại cảnh báo: “Nhưng ngày nào họ [các nhà lãnh đạo Cộng sản Bắc Việt] vẫn tiếp tục ý định xâm chiếm miền Nam thì họ vẫn còn chịu sự chi phối của chính sách chiến tranh xâm lăng của Trung Cộng, thay vì chính sách sống chung hòa bình của Nga Sô” – (Trang 212).

Từ viễn kiến trên, Tùng Phong – Ngô Đình Nhu xác quyết: “Sự mất còn của miền Nam ngày nay lại trở thành một sự kiện quyết liệt, sự mất còn trong tương lai của dân tộc”.

Nên ông thiết tha kêu gọi: “Tất cả nỗ lực của chúng ta trong giai đoạn này [đầu thập niên 1960] phải dồn vào sự bảo vệ tự do và độc lập, và sự phát triển cho miền Nam để duy trì lối thoát cho miền Bắc và cứu dân tộc khỏi ách thống trị một lần nữa” – (Trang 212).

Mộng không thành

Tiếc thay! Cái tâm huyết của ông Ngô Đình Nhu bị chôn vùi khi ông và bào huynh của ông, Tổng Thống VNCH Ngô Đình Diệm, bị sát hại dã man ngày 1/11/1963! Hoài bão của ông và những người đồng tâm huyết với ông cũng tiêu tan ngay sau đó.

Ngày 1974, Trung Cộng đem quân tàn sát 74 chiến sĩ Hải quân VNCH rồi xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Chưa đầy bốn năm (1979) sau ngày 30/4/1975 (ngày Cộng sản Miền Bắc cưỡng đoạt miền Nam), Trung Cộng xua quân thực hiện “chính sách chiến tranh xâm lăng”, đánh thẳng vào Việt Nam dưới danh nghĩa ngạo mạn “dạy cho Việt Nam một bài học”. Rồi năm 1988, Tàu cộng lại xua quân đánh lấy một phần của quần đảo Trường Sa mà Quân đội CSVN đang trấn thủ, khiến nhiều chiến sĩ Hải quân CSVN hy sinh.

Kể từ năm 1979, có một thời gian ngắn, CSVN ồn ào cái khẩu hiệu “chống bọn bá quyền bành trướng Bắc Kinh xâm lược”. Nhưng rồi chẳng bao lâu sau, nhà cầm quyền CSVN lại ôm chân Trung Cộng, lại “anh anh em em răng liền răng, môi liền môi” tạo cơ hội cho Tàu Cộng tiếp tục chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam khi lãnh đạo CSVN mang từ Trung Quốc về Việt Nam những mảnh vụn của mấy cái bánh vẽ “made in China”: 16 chữ vàng và 4 tốt!

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét