Toà án muốn độc lập cần có ngay LUẬT CẤM bất cứ ai, kể cả cấp cao nhất, can dự vào cán cân công lý
Lưu Trọng Văn
17.1.2022 tại Đà Nẵng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chánh án Toà Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng và Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng chủ trì hội thảo có chủ đề “Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả cải cách tư pháp”.
Chưa từng có một hội thảo về cải cách ngành tư pháp nào lại có sự tham dự của hầu hết lãnh đạo nhà nước, chính phủ, quốc hội, đảng... như vậy.
Thật ra chuyện cải cách tư pháp luôn là khúc xương khó gặm nhất của thể chế một đảng từ... gần 70 năm nay. Khó gặm vì mâu thuẫn cơ bản ai cũng biết nhưng không ai bén mảng động chạm vào nó, đó là: Đảng chỉ đạo, chi phối toà án hay toà án độc lập?
Đụng đến vấn đề này tức là đụng đến thể chế tam quyền phân lập hay thể chế nhất... nguyên - đảng túm tư pháp, hành pháp, lập pháp trong một rọ.
Mọi mắc mớ của ngành tư pháp - toà án đều từ mâu thuẫn này mà ra cả.
Rất mừng là, trong hội thảo mà cả ba nhà lãnh đạo cao nhất Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều xuất thân học về kinh tế, có xu hướng kỹ trị, cùng tỏ ra rất quan tâm tới xu hướng chủ trương cải cách:
"Tiếp tục thúc đẩy nhận thức thống nhất, khẳng định vị trí của tòa án là cơ quan duy nhất thực hiện quyền tư pháp. Ở đó, nguyên tắc tư pháp độc lập và chỉ tuân theo pháp luật cần tiếp tục được nhận thức, khẳng định như một vấn đề nguyên tắc…".
Vấn đề cần làm ngay để thúc đẩy xu hướng mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đã thực hiện từ lâu này là: Quốc hội phải có ngay Luật cấm bất cứ cá nhân, tổ chức nào can thiệp vào việc xét xử của toà án. Luật cũng chế tài nghiêm những quan toà nào để cho các cá nhân, tổ chức can dự vào cán cân công lý.
Bước đầu cứ thế đã. Cứ thế đã mới có niềm tin của Dân rằng "Cải cách tư pháp là câu chuyện hội thảo không phải cho vui giữa mùa đại dịch".
Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét