Liên Hợp Quốc yêu cầu Việt Nam phản hồi về các vụ bắt giữ ‘tuỳ tiện’
18/01/2022
VOA Tiếng ViệtCông an Việt Nam áp giải những người bị bắt ở Bình Thuận sau khi bị kết tội vì tham gia biểu tình phản đối dự luật đặc khu kinh tế năm 2018.
Cao uỷ nhân quyền LHQ đã yêu cầu Việt Nam giải trình về các vụ bắt và giam giữ "tuỳ tiện" những nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ nhân quyền.
Các Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hợp Quốc đã yêu cầu chính phủ Việt Nam phản hồi về các vụ bắt và giam giữ được cho là “tuỳ tiện” đối với một loạt các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền.
Trong một bức thư gửi cho chính phủ Việt Nam từ tháng 11 năm ngoái mới được công bố, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ (OHCHR) kêu gọi sự chú ý đối với “việc bắt giam và truy tố pháp lý một cách tuỳ tiện các nhà hoạt động trên mạng xã hội và những người bảo vệ nhân quyền.”
Những nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền được nhắc đến trong báo cáo gồm có Chung Văn Chương, Nguyễn Văn Nghiêm, Lê Văn Dũng, Đinh Thị Thu Thuỷ, Đỗ Nam Trung và Đinh Văn Hải. Giải thích về mối quan ngại đối với những nhà hoạt động này, các báo cáo viên cho rằng họ bị bắt, giam giữ và truy tố liên quan đến những phát ngôn mang tính chỉ trích về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Trong bức thư đề ngày 1/11/2021, các Báo cáo viên Đặc biệt viết rằng họ đã nhận được những quan ngại về hàng loạt các vụ bắt giữ vào thời điểm đó và bày tỏ sự quan ngại không kém của họ đối với việc bắt và giam giữ một số ứng cử viên độc lập đồng thời là các nhà hoạt động, những người công bố ý định hoặc ứng cử tranh ghế trong Quốc hội tại cuộc bầu cử giữa năm ngoái, gồm Lê Trọng Hùng, Lê Chí Thành và Trần Quốc Khánh.
Trong một loạt các phiên toà xét xử vào tháng cuối cùng của năm ngoái, nhà hoạt động Đỗ Nam Trung và nhà báo tự do Lê Trọng Hùng đều nhận án tù nhiều năm với các cáo buộc mà tổ chức nhân quyền của LHQ coi là “mơ hồ.”
Ông Trung bị kết án 10 năm tù trong khi ông Hùng bị tuyên 5 năm tù, cùng tội danh “tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88, sau này chuyển thành 117, của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Các báo cáo viên của LHQ cũng nêu quan ngại của họ về “những điều khoản mơ hồ của Bộ luật Hình sự” và cho rằng điều này dường như “không phù hợp với các nghĩa vụ của (Việt Nam) theo luật nhân quyền quốc tế.” Họ nhắc đến các điều “tuyên truyền chống Nhà nước” (117 của BLHS) và “lợi dụng quyền tự do dân chủ” (331 của BLHS) được dùng để chống lại những cá nhân “chỉ đơn giản thực hành quyền tự do biểu đạt và truyền đạt thông tin.”
Họ cũng lo ngại sâu sắc về việc Việt Nam bị cáo buộc là “nỗ lực có chủ ý và có hệ thống nhằm đe doạ và bịt miệng những người bảo vệ nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự, nhà báo và các nhà hoạt động chính trị” với “việc truy tố pháp lý dường như vô căn cứ, giam giữ tuỳ tiện và, trong một số trường hợp, là mất tích do bị cưỡng chế.”
Các Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ yêu cầu chính phủ Việt Nam cung cấp các thông tin về cơ sở pháp lý cho việc bắt, giam giữ và khởi tố pháp lý các nhà hoạt động và người bảo vệ nhân quyền được nêu trong bức thư. Họ cũng yêu cầu được biết xem những người họ đề cập trong bức thư có được giao tiếp trực tiếp và thăm nuôi từ gia đình hay không.
Các báo cáo viên còn yêu cầu phía Việt Nam giải thích về những biện pháp đã được thực hiện để sửa đổi các điều 117 và 331 của BLHS cũng như đảm bảo tương thích với Điều 19 về tự do quan điểm biểu đại trong Công ước Quốc tế về Các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR). Chính phủ Việt Nam còn bị yêu cầu phản hồi chi tiết trước cáo buộc về hành vi “quấy rối, đe doạ và trả thù có hệ thống những người bạo vệ nhân quyền, các tổ chức xã hội, các nhà báo, các blogger.”
Gần hai tháng sau khi thư được gửi, chính quyền Việt Nam, thông qua phái đoàn Thường trực tại LHQ và các tổ chức quốc tế ở Geneva của Thuỵ Sỹ, hôm 21/12 đã gửi thư phản hồi. Tuy nhiên trong thư này, phía Việt Nam xin được kéo dài thời hạn thêm gần 2 tháng nữa, tới ngày 28/2, để trả lời những yêu cầu của nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ. Theo quy định của OHCRH, sau 60 ngày thư được gửi đi mà phía Việt Nam không trả lời thì họ sẽ công bố bức thư đó, như đã làm vừa qua.
Tổ chức Nhân quyền (HRW) thống kê được ít nhất 63 người bị chính quyền Việt Nam tống giam trong năm qua chỉ vì bày tỏ chính kiến hoặc tham gia các nhóm bị coi là chống chính quyền. Trong khi đó, tổ chức Phóng viên Không Biên giới xếp Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Myanmar, về số lượng nhà báo bị giam giữ với 43 người tính đến giữa tháng 12 vừa qua. Tuy nhiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội hồi tháng 11 nói rằng Việt Nam luôn “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận và tự do báo chí.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét