Chính sách của Biden đối với Việt Nam: Mềm dẻo, linh hoạt hơn
Thanh Phương
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris (T) hội kiến thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 25/08/2021. AP - Evelyn Hockstein
Ngày 20/1/2022 đánh dấu một năm tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden lên cầm quyền. Đây là dịp để tổng kết một năm quan hệ Mỹ - Việt dưới thời vị tổng thống Dân Chủ này. Nhìn chung, trong một năm qua, quan hệ giữa Hà Nội và Washington vẫn tiếp tục phát triển. Tổng thống Biden đã không thay đổi một cách căn bản chính sách của người tiền nhiệm Donald Trump đối với Việt Nam, kể từ nay được xem là đối tác chiến lược quan trọng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á.
Quan hệ Việt - Mỹ một năm qua đã được đánh dấu bằng hai chuyến viếng thăm quan trọng đến Việt Nam: Chuyến thăm của Phó tổng thống Kamala Harris trong tháng 8/2021 và chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin trước đó một tháng.
Như nhận định của Chander Shekhar, trong một bài viết đề ngày 20/09/2021 trên trang web của Hội Chính sách Châu Á - Thái Bình Dương của Úc, hai chuyến thăm này, cùng với việc ngoại trưởng Antony Blinken dự hội nghị trực tuyến các ngoại trưởng Thượng đỉnh Đông Á trong tháng 8 cho thấy tầm quan trọng chiến lược ngày càng tăng của khu vực Đông Nam Á trong chính sách ngoại giao của Mỹ kể từ khi Tổng thống Biden lên cầm quyền.
Riêng đối với Việt Nam, chính sách của Tổng thống Joe Biden tuy không có nhiều thay đổi so với thời Donald Trump, nhưng chính quyền của ông có cách tiếp cận mềm dẻo, linh hoạt hơn, bớt gay gắt hơn. Đó là nhận định chung của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 10/01/2022.
RFI: Xin kính chào nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp. Theo anh, nhìn chung, trong năm cầm quyền đầu tiên, Tổng thống Joe Biden đã đưa ra những bước gì mới trong chính sách đối với Việt Nam, hay là trước mắt, ông vẫn theo chính sách của chính quyền tiền nhiệm Donald Trump?
Lê Hồng Hiệp: Nhìn tổng thể, trong một năm cầm quyền vừa qua của ông Joe Biden, ta có thể chia ra thành hai giai đoạn. Giai đoạn từ tháng 1 cho đến khoảng tháng 6, 7. Trong giai đoạn đầu này, chính quyền Biden có quá nhiều vấn đề đối nội phải giải quyết, từ đối phó với dịch Covid-19 đến phục hồi kinh tế, cho nên họ không có nhiều thời gian và sức lực cho mặt trận đối ngoại. Chính vì vậy đã có một số trục trặc trong chính sách đối ngoại của Mỹ, cũng như là trong quan hệ giữa Mỹ với một số đối tác, trong đó có các đối tác Đông Nam Á. Ví dụ như ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã không dự hội nghị trực tuyến với các ngoai trưởng ASEAN. Điều này đã bị chỉ trích, coi như là một sự không nghiêm túc hay là sự lơ là của chính quyền Biden đối với các nước ASEAN nói riêng và khu vực Châu Á nói chung.
Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, có lẽ là sau khi đã giải quyết ổn thỏa bước đầu các vấn đề đối nội, chính quyền Biden mới dành nhiều nguồn lực hơn, nhiều sự quan tâm hơn cho các vấn đề đối ngoại, trong đó có quan hệ với các nước ASEAN và Việt Nam. Trong bối cảnh như vậy, quan hệ Việt - Mỹ cũng đã bắt đầu có những chuyển động kể từ khoảng giữa năm vừa qua. Cho tới nay, chính quyền Biden nhìn chung vẫn giữ đường lối cơ bản đối với Việt Nam của chính quyền Trump, tiêu biểu là coi trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương và ở khu vực Đông Nam Á nói riêng.
Hồi đầu năm 2021, chính quyền Mỹ có giải mật chiến lược của Mỹ đối với vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, đề cập đến một số đối tác chủ chốt của Mỹ ở khu vực. Riêng ở Đông Nam Á, có một điều thú vị là tài liệu này không hề nhắc đến Thái Lan và Philippines, hai đồng minh hiệp ước của Mỹ trong khu vực, mà chỉ nhắc tới Indonesia và Việt Nam. Đây được coi là chỉ dấu cho thấy chính quyền Trump thời bấy giờ đã coi trọng vai trò của Việt Nam trong chiến lược khu vực.
Sang chính quyền Biden thì xu hướng đấy vẫn được duy trì, tiêu biểu là phát biểu tại một sự kiện của Viện Hòa bình Hoa Kỳ tổ chức vào ngày 19/11 vừa rồi, ông Kurt Campbell, điều phối viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ về vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, cũng nói rằng Ấn Độ, Việt Nam và một vài nước khác sẽ là các quốc gia trọng yếu, sẽ định hình cho tương lai Châu Á. Do vậy, Hoa Kỳ sẽ coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam. Điều đó cho thấy vai trò của Việt Nam trong chính sách của Mỹ đối với khu vực dưới thời Biden không có thay đổi nhiều. Tuy nhiên, chính quyền Biden có một sự điều chỉnh nhất định, giảm mức độ căng thẳng, gay gắt, đối đầu trong một số vấn đề, thay vào đó là cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn.”
RFI: Thưa anh Lê Hồng Hiệp, điểm lại một năm quan hệ Mỹ Việt dưới thời tổng thống Biden, có những sự kiện nào nổi bật, đánh dấu mối quan hệ này?
Lê Hồng Hiệp: Thứ nhất là có một số chuyến thăm cấp cao của giới chức hai bên: Chuyến thăm của bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin và của Phó tổng thống Kamala Harris tới Việt Nam mùa hè vừa rồi. Về phía Việt Nam thì có chuyến đi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự phiên họp của Liên Hiệp Quốc, dù không đi thăm song phương, nhưng trong thời gian dự họp Liên Hiệp Quốc, ông cũng đã có một số hoạt động bên lề nhằm tăng cường quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Việc thứ hai cho thấy sự quan tâm của Mỹ đối với Việt Nam, đó là Mỹ viện trợ vac-xin ngừa Covid-19 quy mô lớn cho Việt Nam. Cho tới nay, Mỹ là nước viện trợ vac-xin nhiều nhất cho Việt Nam, với hơn 20 triệu liều. Đó là sự hỗ trợ rất kịp thời, giúp Việt Nam có được tốc độ phủ vac-xin nhanh hơn, đối phó tốt hơn với đại dịch này.
Thứ ba là Mỹ và Việt Nam tiếp tục tăng cường quan hệ chiến lược, đặc biệt là an ninh biển. Mỹ đã tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực an ninh hàng hải. Tháng sáu vừa rồi, Mỹ đã chuyển cho Việt Nam tàu cảnh sát biển 8021, tàu tuần duyên lớn thứ hai mà Mỹ chuyển giao cho Việt Nam. Điều này là một ví dụ mới cho thấy tầm quan trọng của hợp tác an ninh biển trong quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên có chung các mối lo ngại về an ninh trên biển, đặc biệt là ở Biển Đông.
Điểm thứ tư là vào tháng 04/2021, bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã thông báo là không có đủ bằng chứng để kết luận Việt Nam thao túng tiền tệ và như vậy là Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia mà chính quyền Donald Trump cho là thao túng tỷ giá hối đoái để làm lợi cho các hoạt động thương mại. Điều này cũng cho thấy là dưới thời tổng thống Biden, Mỹ áp dụng một cách tiếp cận ít gay gắt hơn so với chính quyền Trump, một cách tiếp cận linh hoạt, mềm dẻo hơn với các đối tác, trong đó có Việt Nam.
Có lẽ nhờ sự điều chỉnh như vậy và nhờ áp lực trong quan hệ song phương tuy không còn lớn như trước nhưng một điều đáng ghi nhận là trong năm 2021, Việt Nam tiếp tục có mức xuất siêu lớn sang Mỹ. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước tính là 95,6 tỷ đôla. Quan hệ song phương, đặc biệt là về mặt kinh tế, thương mại, tiếp tục có những bước phát triển vững chắc.
RFI: Mặc dù quan hệ Mỹ-Việt trong năm đầu tiên dưới thời tổng thống Biden vẫn tiếp tục được thắt chặt như anh vừa trình bày, nhưng Việt Nam có vẻ như vẫn cố duy trì thế cân bằng trong quan hệ với Hoa Kỳ và với Trung Quốc. Vì sao Việt Nam cho tới nay vẫn không đáp ứng yêu cầu của Mỹ nâng cấp quan hệ song phương lên thành đối tác chiến lược?
Lê Hồng Hiệp: Thứ nhất, đối với Việt Nam, Mỹ là quan trọng, nhưng Trung Quốc cũng quan trọng không kém. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn. Trung Quốc lâu nay vẫn là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Việt Nam cũng rất muốn duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc để giúp phát triển kinh tế trong nước. Việt Nam rất muốn thúc đẩy quan hệ với Mỹ, nhưng đồng thời không muốn làm ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc.
Thứ hai, trong bối cảnh căng thẳng chiến lược giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc ngày càng tăng, Việt Nam cũng muốn duy trì một sự cân bằng để làm sao có thể duy trì sự tự chủ về chiến lược, mà không bị lôi kéo vào sự cạnh tranh giữa hai cường quốc. Việt Nam cũng có thể muốn có một đòn bẩy để mặc cả hay đàm phán với Mỹ trên một số vấn đề khác.
Thứ ba, cũng có nhiều người cho rằng danh xưng không quan trọng. Cho dù quan hệ giữa hai nước hiện chỉ là đối tác toàn diện, nhưng nhiều người ở phía Mỹ cũng như ở phía Việt Nam nghĩ rằng trên thực tế đó đã là quan hệ đối tác chiến lược rồi.
Vừa rồi tôi có tổ chức một cuộc tọa đàm với sự tham gia của ông Ted Osius, cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam và ông Osius cũng đã nhấn mạnh điều này. Quan điểm này cũng được một số quan chức hay cựu quan chức của Việt Nam chia sẻ, ví dụ như cựu thứ trưởng Ngoại Giao Phạm Quang Vinh cũng cho rằng quan hệ Việt Nam thực chất đã là đối tác chiến lược rồi, nên không nhất thiết đưa lên danh nghĩa chiến lược.
Nhưng quan điểm của tôi là mặc dù đúng là danh xưng không quan trọng bằng chuyển động thực chất trong quan hệ song phương, tuy nhiên vẫn cần khuôn khổ pháp lý, danh chính ngôn thuận cho quan hệ song phương, tại vì có một số hoạt động vẫn cần có khuôn khổ pháp lý làm nền tảng. Ví như các ngân sách cho quan hệ song phương muốn được Quốc hội Mỹ thông qua thì cũng cần phải có một cơ sở nào đấy để lý giải cho ngân sách đó. Như vậy, nếu có một khuôn khổ đối tác chiến lược thì vấn đề đó sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa hơn. Chính vì vậy, tôi cũng nghe một số quan điểm cho rằng, việc nâng cấp đối tác chiến lược không phải là Việt Nam không muốn thực hiện, mà là chỉ chọn một thời điểm thích hợp để thực hiện.
Cũng có ý kiến cho rằng, thời điểm thích hợp là năm 2023, khi Việt Nam và Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố Quan hệ Đối tác Toàn diện. Tôi cũng tin rằng đó là thời điểm thích hợp và Việt Nam không nên bỏ lỡ dịp ký đối tác chiến lược với Mỹ trước
khi mọi thứ trở nên phức tạp hơn và bất lợi hơn cho Việt Nam.
RFI: Thưa anh Lê Hồng Hiệp, tuy rằng Việt Nam chưa thể là đồng minh của Mỹ giống như một số nước khác, nhưng trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam có thể trông chờ những gì từ phía Hoa Kỳ?
Lê Hồng Hiệp: Mối lo ngại chung về sự đối địch của Trung Quốc cũng như sự lấn lướt ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông có thể được coi là một trong những động lực chính cho sự phát triển quan hệ Mỹ-Việt trong thời gian qua.
Trong thời gian tới, tôi nghĩ là vấn đề Biển Đông sẽ vẫn là một trong những động lực quan trọng cho quan hệ song phương. Phía Việt Nam thì muốn có một sự cân bằng chiến lược trong khu vực và có sự can dự của các cường quốc bên ngoài để cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc, trong bối cảnh mà các nước trong khu vực có sự chênh lệch quá lớn về sức mạnh với Trung Quốc. Chính vì vậy sự tham gia của những nước như Hoa Kỳ hay các đồng minh của Hoa Kỳ ở bên ngoài vào khu vực Biển Đông thì sẽ có lợi cho Việt Nam.
Việt Nam trông chờ:
- Thứ nhất là sự tiếp tục hiện diện của Hoa Kỳ ở khu vực, đặc biệt là về mặt quân sự;
- Thứ hai là Việt Nam trông chờ việc duy trì trật tự khu vực dựa trên luật lệ mà Hoa Kỳ và các nước đồng minh rất muốn, đặc biệt là bảo đảm luật pháp quốc tế ở Biển Đông, tại vì điều này có lợi cho Việt Nam;
- Thứ ba là Việt Nam mong chờ Hoa Kỳ ủng hộ Việt Nam trong các diễn đàn quốc tế, để nâng cao vị thế của Việt Nam trong việc ứng phó với sức ép của Trung Quốc;
- Thứ tư, Việt Nam cũng trông chờ Hoa Kỳ giúp Việt Nam tăng cường năng vực hàng hải;
- Thứ năm, cũng rất là quan trọng, Việt Nam muốn Hoa Kỳ duy trì các hoạt động trên thực địa để có thể kiểm soát các hành vi của Trung Quốc. Một trong những hoạt động đó có thể là tiếp tục duy trì các chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông.
T.P.
Nguồn: RFI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét