Việt Nam và 5G
22-1-2022
Nhân dịp nhà báo Huy Đức bàn về Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và công nghệ 5G, tôi muốn cung cấp một số thông tin để rộng đường dư luận. Tôi đã gửi bài này cho nhà báo Huy Đức và ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu, người đã từng chất vấn Bộ trưởng Hùng về 5G.
3GPP là tổ chức chịu trách nhiệm nghiên cứu phát triển công nghệ viễn thông cho cả thế giới. 3G, 4G, 5G cũng từ đây mà ra. Dữ liệu từ 3GPP cho thấy đóng góp của Việt Nam cho quá trình nghiên cứu phát triển 5G là con số không tròn trĩnh.
754 công ty thành viên của 3GPP từ 45 quốc gia bắt đầu xây dựng chuẩn 5G từ cuối năm 2016. Các tập đoàn hàng đầu như Huawei, Qualcomm, Ericsson, Nokia, v.v. đã chi hàng tỉ USD đầu tư nghiên cứu. Họ cạnh tranh với nhau bằng những đóng góp kỹ thuật gọi là TDoc. 3GPP công bố đầy đủ ai đóng góp cái gì.
Tôi không tìm thấy đóng góp nào của Việt Nam. Cũng đúng thôi, muốn đóng góp phải là thành viên chính thức, nhưng tôi không thấy có tổ chức hay doanh nghiệp Việt Nam nào là thành viên của 3GPP. Trong các thống kê về bằng phát minh công nghệ 5G, tôi cũng không thấy công ty, tổ chức nào đến từ Việt Nam.
Ở Việt Nam người ta hay dùng từ “làm chủ công nghệ”. Tôi hiểu làm chủ là có đủ sức ảnh hưởng để thay đổi công nghệ phát triển theo ý đồ của mình. Đó là lý do các hãng tập trung đóng góp qua TDoc, vì đây là cách họ tạo ảnh hưởng để điều chỉnh công nghệ theo hướng có lợi cho họ nhất.
Vì không có đóng góp vào công nghệ lõi 5G, Việt Nam hoàn toàn không có khả năng này, tức là thế giới làm ra sao mình sẽ xài vậy, có thể sẽ thay đổi chút xíu cho đúng với “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng hoàn toàn không có quyền quyết định gì đối với sự phát triển của công nghệ lõi.
Ngoài 3GPP, còn có một tổ chức liên quan đến 5G là O-RAN Alliance. Viettel, VinSmart (đã giải thể), Mobifone và VNPT là thành viên của tổ chức này. O-RAN Alliance được thành lập năm 2018 để tạo ra một thiết kế mở cho RAN (Radio Access Network).
Trong kiến trúc mạng di động, RAN là phần quan trọng, kết nối thiết bị của người dùng vào mạng lưới của nhà mạng. RAN bao gồm rất nhiều phần cứng, phần mềm phức tạp. Trước đây, muốn xây dựng RAN nhà mạng phải mua giải pháp trọn gói của Nokia, Ericsson hay Huawei. Thiết bị của hãng này không chạy được với hãng kia, khiến các nhà mạng hoàn toàn phụ thuộc vào các công ty cung cấp giải pháp.
O-RAN Alliance đặt mục tiêu thay đổi tình trạng này bằng cách tạo ra tiêu chuẩn mở, giao diện mở, phần mềm, phần cứng mở. Các nhà mạng sẽ có nhiều lựa chọn hơn, từ đó giảm lệ thuộc và chi phí vận hành đầu tư. Do đó việc các nhà mạng Việt Nam tham gia O-RAN Alliance là một chiến lược đúng, nhất là trong bối cảnh giải pháp của Huawei tuy rẻ nhưng đem lại nhiều lo ngại về an ninh.
Nhưng tham gia O-RAN không có nghĩa Việt Nam dẫn đầu thế giới về 5G. Ngoài Việt Nam, O-RAN Alliance đã có hơn 200 thành viên. Trong các báo cáo và tiêu chuẩn đã công bố của O-RAN, tôi không tìm thấy tên người Việt hay công ty Việt trong danh sách tác giả. Việt Nam cũng không có đại diện trong Board of Directors của O-RAN.
Tức là nhiều khả năng, cũng như 3GPP, Việt Nam chỉ dùng lại những gì O-RAN Alliance cung cấp sẵn, có rất ít hoặc không có ảnh hưởng gì đến những tiêu chuẩn công nghệ do tổ chức này tạo ra. Tôi hi vọng tôi sai và có ai đó sẽ chỉ ra đóng góp lớn của Việt Nam.
Trong số các nhà mạng Việt Nam, Viettel có nhiều tuyên bố nhất về 5G. Tháng 1/2020, Viettel trình diễn cuộc gọi 5G “Make in Vietnam” đầu tiên, tuyên bố chỉ sau sáu tháng nghiên cứu đã sản xuất thành công thiết bị 5G, trở thành công ty thứ sáu trên thế giới có khả năng này, ngang hàng với những Nokia, Ericsson, Huawei, Samsung, ZTE. Báo chí nước nhà hoan hỉ loan tin Việt Nam đã trở thành cường quốc đứng thứ năm thế giới về 5G, trong khi chuyên gia bày tỏ nghi ngờ.
Viettel nói họ đã chế tạo thành công trạm thu phát sóng 5G gNodeB. Tôi không biết họ đã làm gì, tôi chỉ biết là ai cũng có thể tự “sản xuất” gNodeB, sử dụng phần mềm mã nguồn mở và phần cứng mua ở chợ. Bạn hoàn toàn có thể trình diễn cuộc gọi 5G như Viettel đã làm và trở thành quốc gia thứ sáu sản xuất thành công thiết bị 5G.
Thành viên sáng lập của O-RAN Alliances là năm nhà mạng viễn thông thuộc hàng lớn nhất thế giới: AT&T của Mỹ, China Mobile của Trung Quốc, Deutsche Telekom của Đức, NTT DOCOMO của Nhật và Orange của Pháp. Câu hỏi tự nhiên là sao họ không sản xuất thiết bị như Viettel? Phải chăng Viettel quá siêu, làm được những điều thần kỳ mà các tập đoàn này không thể làm?
Nói vậy không có nghĩa Viettel không có đầu tư nghiên cứu gì. Trong một báo cáo nhan đề “Xu hướng 5G Open-RAN @ Thiết bị mạng 5G MAKE-IN-VIETNAM” ghi ngày 18/11/2020, Viettel cho biết họ đã bắt đầu nghiên cứu gNodeB từ đầu năm 2018. Họ không ghi phiên bản trình diễn vào tháng 1/2020 sử dụng giải pháp gì, kế hoạch đến tháng 6/2021 sẽ dùng O-RAN.
Bộ giao thức 5G bao gồm 3 lớp. Trong một trình diễn vào tháng 1/2021 ở Mobile World Congress Thượng Hải, Viettel cho biết họ tự chế tạo phần mềm cho lớp 2, lớp 3 chạy trên Linux x86 và phần cứng cho lớp 1 theo chuẩn của O-RAN.
Rất khó để biết chính xác Viettel làm được gì. Như tôi đã nói ở trên, có nhiều phần mềm mã nguồn mở cho 5G, ai cũng có thể tải về xài. Về phần cứng, cũng có nhiều nhà cung cấp. Muốn đạt tốc độ cao, 5G cần công nghệ thiết kế và sản xuất chip mà Việt Nam hoàn toàn không có. Demo của Viettel ở Thượng Hải chỉ đạt tốc độ download 572Mbps, bằng 1/8 so với trình diễn sử dụng thiết bị của Ericsson.
Cuối cùng, có một nhập nhằng trong câu chuyện thương mại hóa 5G. Việt Nam có thể thương mại hóa 5G sử dụng thiết bị nước ngoài. Ngoài Ericsson, Viettel cũng đang thử nghiệm ở Đà Nẵng với Samsung. Cái này dễ làm, vì chỉ cần bỏ tiền ra mua. Câu hỏi là có nên làm 5G ngay bây giờ không? Tôi sẽ quay lại vấn đề này vào một dịp khác.
Còn câu chuyện mà Viettel nói là thương mại hóa bằng thiết bị do họ tự nghiên cứu sản xuất. Nếu họ làm được thì cũng đáng mừng, nhưng ngay cả như vậy cũng không cho thấy Việt Nam thuộc nhóm quốc gia dẫn đầu thế giới về 5G, một công nghệ chúng ta không có đóng góp gì.
Không tìm thấy đóng góp của Việt Nam. Bà con có thể tự tìm ở đây.
Đóng góp của Huawei
Thống kê bằng phát minh liên quan đến 5G đến tháng 11/2021 của IPLytics, dựa vào dữ liệu của ETSI.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét