Việt Nam: Sau hai năm chìm trong Covid, ước vọng gì cho năm mới?
Trần Việt
Đại dịch Covid 19 và các biến thể làm đảo lộn thế giới và gây tổn thất khủng khiếp. Con người giật mình, ngộ ra nhiều thứ, tự điều chỉnh và thích nghi.
Chỉ lo, mai này hết dịch, con người chóng quên, lại quay cuồng với nhịp sống cũ. Bên cạnh thiệt hại, đại dịch cũng có những mặt tích cực nhãn tiền.
Cuộc sống dường như đang chậm lại. Mọi người quan tâm đến nhau hơn; trân quí sức khỏe bản thân, cộng đồng và môi trường; bớt cao ngạo; biết tiết kiệm…Đại dịch đã thay đổi nhiều thói tật văn hóa, kinh tế của đất nước.
Tản mạn cuối năm ta
Tết Việt Nam thường hay rơi vào dịp tháng 2 dương dịch. Đây là mùa bận rộn và chi tiêu nhiều nhất của người Việt. Một tháng bằng cả năm. Từ mua sắm, đi lại, ăn uống, tai nạn và tệ nạn. Nhiều người xem đó là dịp kích cầu tiêu dùng. Tôi cứ mãi băn khoăn về những việc đó. Sao không kích cầu rải đều quanh năm mà cứ thích văn hóa đám giỗ nhà quê, kiểu "no dồn, đói góp".
Năm nay, Tết chậm và đơn giản. Không còn cảnh xô bồ, chen chúc về quê bằng mọi giá. Thậm chí có đạo diễn nổi tiếng từng phán "Về quê hay là chết!". Chết không dễ, không về quê, chỉ buồn chứ không chết. Ùn ùn về quê, có khi chết thật vì tai nạn giao thông, vì nhậu nhẹt đánh nhau. Tết Việt là dịp hành hạ sức khỏe bản thân bởi ngày nào cũng như đám giỗ…
Cận tết, các cơ quan nhà nước đồng khởi nhiều điệp khúc. Từ đào đường đến các hội thảo, hội nghị giải ngân, cố dùng cho hết kinh phí, bởi không, phải trả lại và năm sau bị cắt bớt. Rồi các buổi tiệc tùng, tổng kết hoành tráng, dày đặc. Tết cũng là dịp các doanh nghiệp được gợi ý, vòi vĩnh hỗ trợ, cả tự nguyện và không tự nguyện. Rồi chuyện quà cáp cho các cấp quản lý để xây dựng mối quan hệ cộng sinh bền vững…
Các địa phương đua nhau tổ chức sự kiện. Từ bắn pháo hoa, làm đường hoa đến cổng chào, tượng đài… Tỉnh ta không thể kém tỉnh bạn, dù là những tỉnh nghèo, quanh năm ngửa tay xin trung ương bao cấp. Tết cũng là dịp lãnh đạo thể hiện sự quan tâm với người nghèo, người có công với nhà nước. Sao không thể hiện quanh năm nhỉ? Hoặc chia nhau, mỗi ngành, mỗi đoàn thể quan tâm một tháng thay vì dồn vào dịp tết.
Tết cũng là mùa làm ăn của báo chí. Báo nào cũng có số Xuân đặc biệt với biểu giá quảng cáo đặc biệt. Báo Tết phát hành trước mấy tuần, vẫn có thư chúc Tết của lãnh đạo và nhiều bài viết đúng dịp giao thừa. Cứ xem như Tết đến trước và tưởng tượng ra vậy. Tết là dịp nghỉ ngơi, mọi người rảnh rỗi nên có thời gian đọc nhiều hơn nhưng các báo in đều đồng khởi nghỉ tết, từ mươi ngày đến nửa tháng. Bạn đọc đói thông tin ráng chịu. Chỉ có truyền hình và phát thanh, bắt buộc phải hoạt động.
Có lẽ được bao cấp, các báo xem việc đó là đương nhiên, dù cấp trên không chỉ đạo. Chẳng báo nào biết chớp thời cơ, tranh thủ bạn đọc của các báo khác để tăng lượng phát hành. Gần đây, nhờ internet cứu bồ. Báo in nghỉ nhưng báo in nào giờ cũng có online, vẫn chạy nên thông tin không gián đoạn. Nếu nghỉ như báo in, số bạn đọc vốn đã khiêm tốn sẽ chuyển sang các mạng xã hội.
Việc sửa sang nhà cửa và mua sắm tết năm nay cũng đủng đỉnh. Gần giống nhịp độ đón tết Tây của Tây. Chỉ tội nông dân, quanh năm chờ mỗi dịp Tết. Đã khổ vì hàng dồn ứ các cửa khẩu cả tháng, nông sản xuống giá thê thảm. Lớp đổ bỏ, để thối; lớp bán vỉa hè vớt vát. Giờ người mua sắm tết dửng dưng, nông dân càng điêu đứng.
Ước vọng xuân 2022
Tôi không dám kỳ vọng vì sợ thất vọng. Việc thay đổi quá khó. Não trạng bao cấp, xin - cho đã trở thành máu thịt của các cấp quản lý và không ít doanh nghiệp lẫn người dân. Chỉ mong sao mọi người đừng bao giờ quên những bài học từ đại dịch.
Sợ lắm rồi, điệp khúc hội nghị, hội thảo; đào đường giải ngân cuối năm và những tổng kết hoành tráng ăn nhậu, quà cáp. Ngán lắm rồi, cảnh tết với biến tượng nhậu nhẹt, đua đòi, xa dần những nét văn hóa thuần Việt. Truyền thống cũng cần được cách tân để thích ứng với thời đại.
Với 65% dân số, nông thôn Việt cần được ưu tiên. Thủ tướng và toàn bộ hệ thống chính trị phải vào cuộc quyết liệt, vận động và bắt buộc nông dân nuôi, trồng, đánh bắt theo tiêu chuẩn VietGAP. Có kế hoạch hành động để không lặp lại việc giải cứu nông sản. Tìm thị trường mới, bớt lệ thuộc vào Trung Quốc. Làm được vậy, mỗi năm nhà nước tiết kiệm được mấy tỉ đô la hàng nông sản nhập khẩu và có thêm mấy tỉ đô la hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch qua các thị trường khác.
Bớt dần việc xuất khẩu thô và gia công (nói trắng ra là làm thuê). Công nghiệp chế biến và sản xuất phải được xem là mũi đột phá, gia tăng giá trị sản phẩm, đưa đất nước thoát khỏi vòng kim cô lạc hậu và lệ thuộc nước ngoài, nhất là lệ thuộc Trung Quốc. Những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị và nóng hổi thời sự.
Phân bổ lại ngân sách hợp lý cho từng địa phương. Việc TPHCM chỉ được giữ lại 18% ngân sách thu được là cực kỳ vô lý. Trong khi Hải Phòng được giữ lại 78%, Đà Nẵng 68%, Quảng Ninh 65%, Bà Rịa Vũng tàu 64%… Có 47/63 tỉnh thành không phải nộp ngân sách. Sau nhiều lần kiến nghị quyết liệt, năm 2022, dự kiến TPHCM được giữ lại thêm 3%, tức 21% ngân sách, vẫn quá ít.
Muốn chi tiêu nhiều hơn, các tỉnh phải tự lực kinh phí và đóng góp ngân sách. Cách phân bổ hiện nay chỉ tạo thêm sự ỷ lại. Chấm dứt mọi biến dạng, núp bóng dưới nhiều chiêu bài kiểu nhà nghèo mà xài sang vì sĩ diện và quan hệ. Năm 2018, tại kỳ họp 12 Hội đồng Nhân dân TP HCM, Phó đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phan Nguyễn Như Khuê (hiện là Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy) đã bức xúc phát biểu: "Đừng xem TP.HCM là con bò sữa. Bò muốn có sữa nhiều cũng phải được chăm chút, bồi dưỡng".
Tỉ lệ % ngân sách địa phương được giữ lại năm 2019 của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.
Quan trọng nhất là minh định trách nhiệm cá nhân, nhất là người đứng đầu. Đoạn tuyệt với khái niệm viển vông "Làm chủ tập thể", "Trách nhiệm tập thể". Đảng lãnh đạo toàn diện thì phải chịu trách nhiệm toàn điện, cả thành tựu lẫn sai phạm. Mọi cá nhân, đoàn thể đều bình đẳng trước pháp luật. Tác giả của những chính sách bất cập, đề bạt người yếu kém phải liên đới trách nhiệm và xử lý nghiêm minh.
Ước mong đầu Xuân 2022 là giải cứu ngay tư duy quản lý các cấp, trước khi giải cứu nông sản và nhiều thứ khác. Nông sản không giải cứu được thì đổ bỏ. Quản lý cũng vậy. Dân Việt không thiếu người tài năng và tâm huyết.
Vấn đề là có thật lòng muốn làm và dám làm tới cùng hay không?
T.V.
Nguồn: BBC Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét