Ngành nông nghiệp: Đã đến lúc tìm đường về nhà!
Tấn Đức
Khi người Việt Nam đang đếm ngược để cùng với thế giới chào đón năm mới, thì ở các cửa khẩu biên giới phía Bắc còn hơn 5.000 container hàng nông sản vẫn đang mỏi mòn chờ đợi để được vào thị trường Trung Quốc.
Với hàng chục ngàn, thậm chí là hàng trăm ngàn gia đình nông dân Việt Nam, không khí lễ hội chào năm mới có lẽ vẫn còn rất xa, thay vào đó là tâm trạng âu lo, không chỉ cho số phận của hàng ngàn container nông sản tại khu vực cửa khẩu biên giới, mà cả một mùa vụ thất bại đang hiển hiện trước mắt.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn, nhưng cũng đầy bất trắc. Điều đáng buồn là rất nhiều loại nông sản hàng hóa của Việt Nam lại phụ thuộc gần như hoàn toàn vào đầu ra đầy bất trắc này mà đôi khi không chỉ thuần túy vì lý do thị trường, mà còn từ các nguyên nhân bất thường khác. Tắc đường “sang” Trung Quốc là đồng nghĩa với nông sản của hàng trăm ngàn gia đình nông dân cũng tắc luôn đầu ra.
Từ hàng chục năm nay, chúng ta đã biết rằng chừng nào nông sản hàng hóa của Việt Nam còn đi thẳng từ đồng ruộng tới bàn ăn của người tiêu dùng Trung Quốc thì chừng ấy nông dẫn vẫn còn phải sống trong thấp thỏm lo âu.
Chế biến nông sản là con đường phát triển bền vững, là giải pháp tốt nhất để ổn định đầu ra cho nông sản. Hẳn điều này ai cũng biết, nhưng vì sao Việt Nam vẫn không làm được?
Không ít ý kiến cho rằng ngành công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam còn kém phát triển, và rằng cần đầu tư để thúc đẩy ngành này phát triển để làm chỗ dựa về đầu ra cho hàng hóa của nông dân. Nhưng điều này không hẳn đúng, vì hàng năm ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam vẫn phải bỏ ra hàng chục tỉ đô la Mỹ để nhập nông sản nguyên liệu.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15-12-2021, các doanh nghiệp Việt Nam đã chi ra gần 13 tỉ đô la để nhập khẩu hạt điều, bắp, đậu nành và nguyên liệu thức ăn gia súc. Nếu tính theo số lượng, chỉ riêng ba loại là hạt điều, bắp và đậu nành đã lên đến gần 14,5 triệu tấn.
Một vài con số kể trên cũng đủ cho thấy không phải ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam không đủ lớn để “gánh vác” trách nhiệm tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân, mà thậm chí nhu cầu nguyên liệu của ngành này có khi còn lớn hơn cả khả năng cung ứng của ngành nông nghiệp trong nước. Vì vậy, vấn đề của ngành nông nghiệp Việt Nam không phải là thiếu thị trường mà là không sản xuất được cái thị trường cần.
Nghịch lý này chắc hẳn Chính phủ cũng như các lãnh đạo ngành nông nghiệp Việt Nam và cả nông dân đều biết. Khó khăn là ở chỗ giá thành của nông sản phẩm trong nước quá cao. Từ số liệu của Tổng cục Hải quan có thể tính ra giá bắp nhập khẩu về tới Việt Nam trong năm qua bình quân chỉ có 286 đô la/tấn, tương tự giá đậu nành là 584 đô la và hạt điều 1.483 đô la/tấn.
Rõ ràng, với mức giá nhập khẩu “tốt” như vậy, yêu cầu nông dân Việt Nam chuyển đổi sang trồng bắp, đậu nành hay mở rộng các vườn điều… để cạnh tranh với nông sản nhập khẩu nhằm cung cấp nguyên liệu cho ngành chế biến trong nước là điều không tưởng.
Để ngành nông nghiệp có thể từng bước tìm về thị trường nội địa, tránh phụ thuộc hết vào một thị trường dù lớn, nhưng đầy bấp bênh như Trung Quốc, thì không thể không có sự can thiệp của Nhà nước. Trước hết là cần đầu tư mạnh hơn cho nghiên cứu giống cây trồng và kỹ thuật canh tác để cải thiện năng suất và chất lượng nông sản; nghiên cứu và phát triển các loại nông sản có khả năng thay thế dần nguồn nguyên liệu nhập khẩu để làm thức ăn chăn nuôi; và sau cùng là chính sách đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp chế biến sử dụng nông sản trong nước làm nguyên liệu đầu vào thay cho hàng nhập khẩu.
Chắc chắn rằng đây là một bài toán khó, không thể tìm ra đáp án trong một sớm một chiều. Nhưng nếu Nhà nước thực sự muốn giúp cho người nông dân thoát khỏi cảnh bấp bênh thì hãy có hành động ngay từ bây giờ, để chúng ta còn có hy vọng là trong 5 hay 10 năm tới nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn. Bằng không thì người nông dân sẽ mãi phụ thuộc vào chỗ bấp bênh ở bên ngoài, trong khi thị trường lớn và ổn định ngay ở trong nước thì cứ nằm ngoài tầm với.
T.Đ.
Nguồn: Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét