Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 6)
III) MỘT QUÃNG ĐỜI RIÊNG
2) ĐIỀU BẤT NGỜ TRONG CUỘC SỐNG
Nỗi lo sợ lớn nhất của người tù cải tạo trở về là bị bứng ra khỏi thành phố, kết thúc những dự định tạo dựng lại cuộc sống mới cho gia đình. Thời đó có một quy định “không thể hiểu nổi” liên quan đến tờ hộ khẩu, đó là: muốn được nhập hộ khẩu (trở lại) tại thành phố thì phải có việc làm ổn định; còn muốn có việc làm ổn định thì phải có hộ khẩu tại thành phố! Một sự đánh đố không hề nhẹ. “Việc làm ổn định” ở đây được hiểu là một việc làm chính thức trong cơ quan nhà nước, việc làm tại các hợp tác xã, tổ hợp tư nhân không được xem là việc làm ổn định.
Trong những ngày đầu tạm trú ở thành phố, được nghe kể rằng tại các tỉnh, huyện, nhiều chính quyền sở tại áp dụng với những người tù cải tạo trở về nhiều biện pháp thật “cứng rắn”, có khi ban đêm gõ cửa lôi họ đi đến một vùng kinh tế mới xa tăm tắp nào, một thời gian sau thân nhân mới biết là họ ở đâu.
Ở TP.HCM, không khí “dễ thở” hơn, song trong thời gian quản chế (từ 1 đến 3 năm), họ phải thường xuyên trình diện Công an phường và Ban quản lý người cải tạo trở về của quận. Tại phường, họ được yêu cầu viết tờ kiểm điểm khai báo là trong tuần qua, hay nửa tháng qua, họ đã làm những việc gì, đã tiếp xúc với những ai; ở quận thì họ cầm theo tờ đơn xin tiếp tục tạm trú tại địa phương có sự bảo lãnh của người chủ hộ là vợ hay con của chính họ. Dòng bảo lãnh ghi đại khái “tôi là Trần Thị Ổi đồng ý cho ông Lê Văn Xoài tạm trú trong ngôi nhà của tôi và tôi hoàn toàn chịu mọi trách nhiệm”. Cụm từ “phó thường dân” áp dụng trong trường hợp này không có chi là quá đáng.
Phải hiểu được quan hệ gia đình cùng cơ chế lương bổng và phụ cấp của công chức, quân nhân miền Nam trước 1975 thì mới cảm nhận được hết sự nhục nhằn của những người tù cải tạo trở về với đời sống bình thường. Thời đó, ở hầu hết các gia đình quân nhân, công chức, người phụ nữ không phải đi làm, chỉ lo việc nội trợ và nuôi dạy con cái, vì người chồng, từ anh binh nhì hay bác tùy phái trở lên, đều có phụ cấp gia đình kèm theo lương bổng. Khoản phụ cấp hàng tháng trước thập niên 1970 là 800 đồng cho vợ và 500 đồng cho mỗi đứa con, bất luận là bao nhiêu con.
Từ thập niên 1970, khoản phụ cấp này được tăng gấp đôi để đối phó với vật giá gia tăng. Tiền cơm tháng cho một sinh viên ở trọ vào thập niên 1960 khoảng 600 đồng, nên riêng phần phụ cấp gia đình cũng gần đủ để người quân nhân, công chức nuôi vợ, nuôi con. Vào thời này, lương một ông hạ sĩ đông con cao hơn rất nhiều so với lương một ông trung úy độc thân là chuyện bình thường. Nhắc lại như thế để hiểu được hết nỗi nhục nhằn của những người từng là trụ cột gia đình, một tay gánh vác mọi thứ, nay trắng tay, sống dưới “sự bảo lãnh và chịu mọi trách nhiệm” của những người là vợ, là con mình!
Được biết không lâu sau tháng 4.1975, chính quyền Sài Gòn-TPHCM thành lập “Hội trí thức yêu nước” trụ sở đặt tại đường Nguyễn Thông. Như cái tên đã chỉ rõ, đây là tổ chức kết hợp giới trí thức lại để cùng sinh hoạt dưới sự dẫn dắt của các tổ chức chính quyền. Nghe kể rằng khi tiếp quản trường Quốc gia Hành chánh, có người lên án mạnh mẽ các giáo sư, giảng sư ở đây, cho rằng họ đã đào tạo một thành phần phản động chuyên “kìm kẹp” người dân trên cả nước. Cũng vì thế, những người có thẩm quyền lúc ấy không công nhận bằng tốt nghiệp Học viện QGHC là bằng đại học, và tất nhiên những ai có bằng này không được sinh hoạt trong Hội trí thức yêu nước.
May sao, người giữ chức vụ Tổng thư ký của hội này, anh Huỳnh Kim Báu (1944-2020), từng là một sinh viên miền Nam thoát ly ra chiến khu, bằng sự hiểu biết của mình, anh giải thích cho những người có trách nhiệm biết rằng Học viện QGHC như một trường Đại học luật thứ hai, sinh viên được học nhiều bộ luật khác nhau, bởi vì công việc hành chánh mà họ sẽ làm là chặng cuối cùng của việc thi hành các bộ luật.
Nhờ sự can thiệp của anh Báu mà văn bằng tốt nghiệp Học viện QGHC mới được công nhận là bằng đại học, và khi một người tù cải tạo được trở về xã hội, việc đầu tiên anh ta sẽ làm là đi ra hai nơi, một là Hội trí thức yêu nước, hai là Trung tâm nghiên cứu và dịch thuật thuộc Sở Văn hóa-Thông tin thành phố. Tại những nơi này, họ xuất trình giấy ra trại và bằng tốt nghiệp đại học để được ghi tên vào sổ, được mời tham dự các buổi nói chuyện tại Hội hay nhận các tài liệu về dịch thuật.
Về thực chất, những động thái trên chẳng cải thiện được gì đời sống vật chất của người tù cải tạo trở về, các buổi nói chuyện diễn ra vài tuần một lần, còn tài liệu dịch thuật thì chẳng thấy mặt mũi ở đâu. Song điều họ trông mong là những tờ chứng nhận của hai cơ quan trên giúp cho họ được dễ thở hơn tại địa phương, nhất là khi xin gia hạn tạm trú trong chính ngôi nhà của mình.
Chỉ mấy ngày sau khi trở về nhà, tôi được biết người anh bạn rể (anh em đồng hao) của tôi tên Trần KM (1928-2004) là em vợ ông Ba Nam, Trưởng ban liên lạc công thương thành phố, cơ quan đã đẻ ra Công ty XNK trực dụng Ficonimex. Anh M. thúc giục tôi lập hồ sơ xin việc để anh tự tay mang ra cho ông Ba Nam. Với một “phó thường dân” chưa có hộ khẩu, chưa có quyền công dân, đây là việc câu trăng đáy nước, song với sự nhắc nhở thường xuyên của anh M, tôi cũng cứ thử một phen xem sao.
Hôm anh M mang hồ sơ xin việc của tôi đến nhà ông Ba Nam thì ông đã đi đâu đó với ông Nguyễn Xuân Hòe, Trợ lý Giám đốc kiêm Chánh văn phòng Công ty Ficonimex. Hỏi ra thì đúng là ông Hòe, nhân vật số 3 trong vụ án Huỳnh Văn Trọng – Vũ Ngọc Nhạ, bị tù chung thân tại Côn Sơn (Côn Đảo), được ra làm “công nhân văn phòng” ở Ty Ngân khố Côn Sơn, và trong loạt hồi ức về Côn Đảo, tôi có kể rằng vào mỗi sáng chủ nhật, ông Hòe vẫn thường đến thăm tôi và ngồi trao đổi với nhau những vấn đề thời sự thế giới. Đó bất ngờ đầu tiên khi tôi trở về với cuộc sống bình thường!
Biết được mối quan hệ sẵn có giữa tôi và ông Hòe, ông Ba Nam đưa hồ sơ xin việc của tôi cho ông Hòe để trình cho ông Giám đốc Đinh Xáng.
Ngày nọ, ông Hòe nhắn tôi ra gặp ông. Tay bắt mặt mừng sau 10 năm không gặp, sau một hồi nhắc nhở kỷ niệm cũ đã qua, ông Hòe nói: “tôi mời anh cộng tác với tôi”.
Về sau, tôi được biết khi chuyển đơn của tôi cho ông Xáng, ông Hòe có nêu hai nhận xét:
– Trong thời gian làm việc ở Côn Đảo, tôi từng giúp đỡ anh em tù chính trị (trên thực tế, tôi chả có tiền bạc dư dả gì để giúp họ về mặt vật chất, chỉ có đối xử với họ trên tinh thần những người có tri thức và lòng tự trọng)
– Văn phòng của ông đang cần người phụ việc.
Và cuối cùng ông Đinh Xáng phê “thuận”. Dễ dàng như thế, bất cần hộ khẩu hay quyền công dân, vì Ficonimex là một công ty công tư hợp doanh, theo nội quy hoạt động, vị giám đốc có toàn quyền trong việc tuyển dụng người.
Đó là một khúc quanh thật bất ngờ, không những đối với riêng tôi, mà còn trong con mắt mọi người, kể cơ quan công an địa phương là đơn vị quản chế tôi.
Một buổi sáng, ông Đỗ N.C., Phó Giám đốc Tổ chức của công ty Ficonimex nhắn gặp tôi và câu hỏi đầu tiên ông đưa ra là tôi đã sẵn sàng làm việc chưa. Tôi đáp rằng tôi đã sẵn sàng.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét