Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Việt – Nga: Nhuệ khí, Dầu khí và Vũ khí

 

Việt – Nga: Nhuệ khí, Dầu khí và Vũ khí

VOA

Đinh Hoàng Thắng

2-12-2021

Cuộc gặp Cấp cao Việt – Nga cùng lúc giải quyết được ba điểm nghẽn: tạo nhuệ khí mới cho bang giao song phương, giảm một phần sức ép của thoả thuận Nga – Trung (nếu có) trên hồ sơ Biển Đông và nới rộng “khung cửa hẹp” cho Nga đến với ASEAN. Xem ra chủ nghĩa thực dụng Nga – Việt đã hoá giải được một bước cái lá bùa “cộng đồng chung vận mệnh trên biển”của Trung Quốc.

Phục hoạt quan hệ một thời

Trong chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn đến Matxcơva vào cuối tháng 9/2021 chuẩn bị cho Cuộc gặp Cấp cao Nguyễn Xuân Phúc – Vladimir Putin lần này, khi hội đàm với người đồng cấp Sergey Lavrov, ông Sơn đã được TASS dẫn lời nói rằng: “Có những lĩnh vực hợp tác rất quan trọng, đặc biệt là an ninh và phát triển của Việt Nam. Chúng tôi không hợp tác trong những lĩnh vực này với các quốc gia khác, chỉ với Liênbang Nga”. Ông Sơn cũng lưu ý rằng cả hai nước “cần cập nhật các đường lối hợp tác để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.” Chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Matxcơva là sự tái khẳng định ưu tiên mà Việt Nam dành cho LB Nga và duy trì liên lạc cấp cao giữa hai nước theo quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Nga”.

Sau cuộc họp Thượng đỉnh tại Matxcơva hôm 30/11/2021, trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Vladimir Putin đã ra một Tuyên bố chung về “Tầm nhìn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – LB Nga đến năm 2030”. Riêng về Biển Đông, bản Tuyên bố chung cho biết hai nước ủng hộ việc thực hiện “đầy đủ và hiệu quả” Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 (DOC) và “hoan nghênh” các nỗ lực sớm thông qua Bộ quy tắc về ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Việt Nam và Nga cũng sẽ “phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, để các hoạt động thương mại không bị cản trở”, chủ trương “không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực” và giải quyết các tranh chấp giữa các bên liên quan bằng các biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, như Hiến chương Liên Hợp Quốc, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

Chuyến thăm của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc, qua Tuyên bố chung, đã phục hoạt một nhuệ khí mới, một vị thế mạnh mẽ hơn cho mối quan hệ Việt – Nga trong những năm tới đây. Tuyên bố giải toả được phần nào quan ngại lâu nay từ phía Việt Nam, liên quan đến các phi vụ làm ăn giữa Nga và Trung Quốc. Nay ông Putin và ông Phúc cam kết “tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng hoạt động của doanh nghiệp dầu khí Việt Nam tại LB Nga và doanh nghiệp dầu khí Nga tại thềm lục địa Việt Nam, cũng như triển khai các dự án chung tại các nước thứ ba, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và pháp luật Việt Nam và LB Nga”. Hai vị lãnh đạo tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực năng lượng và dầu khí, hợp tác được xem là “trụ cột quan trọng hàng đầu” của quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện”. Các công ty dầu khí lớn của Nga như Rosneft, Zarubezhneft và Gazprom đều có các dự án đang hoạt động ngoài khơi bờ biển Việt Nam. Chỉ tính riêng liên doanh Vietsovpetro đã chiếm khoảng 1/3 sản lượng khai thác dầu khí của Việt Nam.

Zarubezhneft vốn là công ty nhà nước của LB Nga. Hồi tháng 5/2021, công ty này đã mua lại toàn bộ 35% cổ phần của công ty Rosneft trong liên doanh Rosneft Vietnam BV từng hoạt động tại lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn của Việt Nam. Đây là khu vực từng bị tàu hải cảnh của Trung Quốc quấy nhiễu nhiều lần hồi năm 2019. Theo Giáo sư Carl Thayer thuộc trường Đại học New South Wales (Úc), vào tháng 8/2019, bên lề Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ở Bangkok, đề nghị Nga ngăn công ty Rosneft và cho dừng các hoạt động khai thác ở Việt Nam, nhưng Ngoại trưởng Lavrov đã từ chối đề nghị vô thiên vô pháp ấy. Nga từ trước đến nay vẫn giữ lập trường trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước láng giềng, trong đó có Việt Nam. Tại Tuyên bố chung lần này, hai bên khẳng định: “Ủng hộ hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và thế giới, tính đến lợi ích của nhau trong hợp tác song phương và trong khuôn khổ các tổ chức khu vực và quốc tế. Không liên minh hoặc thỏa thuận với bên thứ ba làm phương hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích của nhau”. Đây là điểm tựa để hoá giải một phần cái bùa ngải “cộng đồng chung vận mệnh trên biển” mà Trung Quốc vẫn trưng ra với các nước.

Kinh tế, quốc phòng và ASEAN

Quan hệ kinh tế, thương mại Việt – Nga gần đây đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, cho dù giữa mùa đại dịch COVID-19. Thời gian qua, Việt Nam và LB Nga đã hợp tác hết sức hiệu quả trong lĩnh vực phòng, chống dịch COVID-19. Kim ngạch thương mại song phương năm 2020 đạt 5,7 tỷ USD, tăng 15,2% so với năm 2019. Trong đó, xuất khẩu từ LB Nga sang Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD, tăng 42,9%; nhập khẩu hàng hóa của LB Nga từ Việt Nam tăng đạt xấp xỉ 4 tỷ USD, tăng 6,9%. Năm 2021, thương mại Việt Nam – LB Nga tiếp tục tăng mạnh. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước 7 tháng đầu năm đạt gần 3,6 tỷ USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Nga đạt 924 triệu USD, tăng 13,3%; xuất khẩu của Việt Nam đạt 28,1%. Dự kiến trong năm nay, thương mại song phương Việt Nam – LB Nga sẽ cán đích 6,5 tỷ USD.

Chiều 1/12 theo giờ địa phương, Chủ tịch nước đã dự và phát biểu tại Tọa đàm doanh nghiệp Nga – Việt Nam. Chủ tịch cho rằng không gian hợp tác của từng ngành kinh tế còn rất lớn. Việt Nam có thể tiếp tục nhập khẩu lúa mì hay thịt lợn nhưng cần đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm và sản phẩm khác mà Việt Nam sản xuất được. Theo Chủ tịch, sự tin cậy trong quan hệ chính trị, ngoại giao, quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ mở ra những chương mới trong thời gian tới. Mục tiêu của hai nước là phải tăng gấp 15 đến 20 lần kim ngạch thương mại, đầu tư song phương tăng gấp 3 lần trong thời gian tới. Cơ quan chức năng hai nước cần phối hợp giải quyết vướng mắc để quan hệ kinh tế, thương mại tương xứng với quan hệ hai nước. Phía Việt Nam đã đề nghị với Chính phủ Nga sửa đổi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư song phương.

LB Nga hiện đang là một trong những nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Đông Nam Á. Việt Nam cũng là một khách hàng lớn của Nga về vũ khí. Từng có ước tính rằng trong suốt những năm 1980, Matxcơva đã cung cấp cho Việt Nam trung bình một tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm và một tỷ USD hỗ trợ kinh tế hàng năm. Mặc dầu vậy, sau khi Liên Xô sụp đổ, Điện Kremlin đã mất đi ảnh hưởng đáng kể tại quốc gia này. Và giờ đây, LB Nga đang tìm cách lấy lại vị thế đã mất ấy. Về phần mình, Việt Nam cũng tìm thấy ở Nga và các nước lớn khác những “đối lực” quan trọng. Triển khai các hợp đồng dầu khí với Nga, Mỹ và các cường quốc khác là cách đối trọng lại các quấy nhiễu của Trung Quốc trên Biển Đông. Ngoài vũ khí, các công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước hoặc bán nhà nước của Nga còn vận hành các công ty con ở nước ngoài tại những nơi mà Trung Quốc tự tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn”.

Tuyên bố chung hai nước khẳng định hai bên “sẽ tiếp tục làm sâu thêm hợp tác trên lĩnh vực an ninh và quốc phòng, trên cơ sở luật quốc tế, vì hoà bình và ổn định ở khu vực và thế giới”. Liên quan đến việc bán vũ khí, đặc biệt là tên lửa hành trình BrahMos, Trung Quốc được cho là đã nhiều lần gây sức ép để Nga không chuyển loại vũ khí này cho Việt Nam, nhưng Nga đã hành động theo cách riêng của mình. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực này, “Nga hướng đến mục tiêu gia tăng việc bán vũ khí trong khu vực, có thể thậm chí xây dựng một cơ sở sửa chữa, bảo hành ở Việt Nam để duy tu các thiết bị đã bán cho các quốc gia Đông Nam Á như máy bay trực thăng”. Theo số liệu thống kê từ năm 1998 đến 2018, vũ khí của Nga bán cho khu vực ĐNA chiếm 26%.

Hợp tác quốc phòng dường như là một trụ cột chính trong nỗ lực của Nga nhằm tăng cường quan hệ quân sự với Hà Nội và đảm bảo Matxcơva có một ảnh hưởng đáng kể ở Đông Nam Á. Tổng thống Vladimir Putin đã có cuộc gặp với hầu hết những người đồng cấp ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN – Nga lần thứ tư vào ngày 28/10/2021 vừa qua. Cuối Hội nghị, hai bên nhất trí “Kế hoạch hành động toàn diện” cùng với các sáng kiến khác nhằm tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác trên nhiều lĩnh vực, gồm hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội và phát triển. Sự tham gia của Tổng thống Putin tại Thượng đỉnh cho thấy Nga đặt ưu tiên tương đối cao vào việc mở rộng dấu ấn của Matxcơva trong khu vực. Với các mối quan hệ truyền thống đã có từ thời Liên Xô, từ nay, Việt Nam càng được coi là cầu nối quan trọng giữa Nga với các thị trường – từ kinh tế đến các hợp đồng mua bán vực khí – của nhiều nước khu vực Đông Nam Á này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét