Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 16 tháng 12, 2021

Vì vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá Phương 10 năm tù, Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù

 

Vì vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá Phương 10 năm tù, Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù

BBC

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương

Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên sơ thẩm xét xử hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm hôm 15/12.

Cáo trạng nói hai người phát tán nhiều video, chia sẻ bài viết "có nội dung xuyên tạc về tình hình trật tự" ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức.

Ông Phương và bà Tâm bị bắt vào ngày 25 tháng 6 năm 2020.

Cùng bị bắt khi đó còn có hai nhà hoạt động Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư là mẹ và em trai ruột của ông Phương.

Bị cáo Cấn Thị Thêu và Trịnh Bá Tư đã bị xét xử trong một phiên toà riêng biệt hồi tháng 5 năm 2021, mỗi người bị xử tám năm tù giam.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng – một trong các luật sư bào chữa cho Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm – cho hay:

"Chắc VKS và tòa muốn xử nhanh nên xử từ sáng đến 11:15 là xong".

"Trong phiên tòa hôm nay, VKS đề nghị Phương 8-9 năm tù, và bà Tâm 6-7 năm tù. Tuy nhiên tòa lại tuyên cao hơn mức VKS đề nghị: Phương 10 năm tù, 5 năm quản chế".

Luật sư này nói: "Cả Phương và Tâm đều là nông dân, dân oan Dương Nội, nguyên nhân đều xuất phát từ đất đai nên án 10 năm cho Phương là quá nặng".

"Với bà Tâm, bà từng có tiền án rồi, xét về mặt luật pháp, 6 năm là phù hợp. Nhưng xét về tình cảm của những người nông dân mất đất thì bỏ tù 1 ngày cũng là quá nặng, vì họ tranh đấu hợp pháp".

"Trong cáo trạng có ghi cả hai người liên quan vụ Đồng Tâm. Về mặt từ ngữ, có thể nói đây là vụ án hậu Đồng Tâm".

"Vì 9/1/2020 (thời điểm xảy ra vụ việc Đồng Tâm), Phương đăng 2 clip về Đồng Tâm, và Tâm chia sẻ trên Facebook. Do đó mới có vụ án ngày hôm nay. Tòa xử họ tội tuyên truyền chống nhà nước, đưa clip lên như vậy thì thế giới nhìn Việt Nam không đẹp, gây hoang mang dư luận. Do đó, tòa mới xử nặng".

Luật sư Nguyễn Văn Miếng tiết lộ: "Khi ra tòa ngày hôm nay, cả Phương và Tâm có độ chừng mực, Phương ra tòa có khả năng hùng biện tốt. Tâm cũng vậy, nhưng bình dân hơn".

"Đánh giá về vụ án này, tôi thấy bản án như vậy mà bị cáo cúi đầu nhận tội như tòa nói thì sẽ được giảm án đôi chút. Nhưng giống như Đoan Trang hôm qua, cả Phương và Tâm đều không cúi đầu nhận tội. Ở họ, có sự kiên cường, khí phách trong phiên tòa. Và tòa không chấp nhận thái độ đó".

Phiên xử ngày 15/12, diễn ra một ngày sau khi nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù hôm 14/12.

Phiên tòa sơ thẩm xét xử nhà báo Phạm Đoan Trang kết thúc cuối giờ chiều ngày 14/12 với mức án tù 9 năm dành cho bà về tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại điều 88 Bộ luật Hình sự 1999.

Một luật sư khác, Đặng Đình Mạnh cho rằng bản án của ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đều nặng.

Ông nói: "Đề nghị đã nặng, tuyên còn nặng hơn. Đối với bà Tâm, mức án 6 năm đối với hành vi nói không chuẩn thì cũng hết sức là nặng nề. Vì thế giới, các quốc gia, việc lên án một chính sách hay xúc phạm lãnh đạo chỉ là lỗi dân sự chứ không phải hình sự".

Đồng thời, ông Mạnh cũng cho rằng, dưới góc độ luật sư, điều 117 không nên có trong Bộ Luật hình sự: "Vì vậy những người bị kết án với tội danh này tôi cho rằng nó thể hiện thái độ quá khắt khe của chính quyền đối với những người nói lên những điều nghịch nhĩ với chính quyền".

Luật sư này khẳng định hai thân chủ là ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đều mong muốn kháng cáo ngay sau khi nhận được bản án của tòa.

Luật sư Mạnh cũng chia sẻ ông ấn tượng với tinh thần của ông Trịnh Bá Phương vì ông Phương có bài bào chữa riêng và tự phát biểu trước cả phần của các luật sư.

"Trước tiên Trịnh Bá Phương khẳng định mình vô tội và ông ấy cho rằng chính quyền kết án ông là không chính đáng. Ông Phương cho rằng nguồn gốc của mọi sự là ở đảng Cộng sản".

"Trong phiên tòa, ông Phương rất điềm tĩnh và ung dung. Hầu như những gì ông ấy muốn nói, ông đã trình bày hết", ông cho hay.

Hôm 14/12, từ Hoa Kỳ, tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói Việt Nam cần trả tự do cho ông Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm.

"Chính quyền Việt Nam đang vận dụng luật hình sự để dọa nạt và cấm đoán những người biểu tình ôn hòa phản đối trưng thu đất đai", ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. "Chính quyền nên phóng thích hai nhà hoạt động nói trên và tất cả những người đang bị giam giữ theo điều 117, và hủy bỏ điều luật lạm quyền này".

Gia đình Trịnh Bá Phương 'sẽ kháng cáo'

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt ngay sau khi tòa tuyên án 10 năm tù, 5 năm quản chế đối với Trịnh Bá Phương, Trịnh Thị Thảo, em gái Phương, nói:

"Chúng tôi rất bức xúc, phẫn uất, trước bản án này. Anh Phương không có tội".

"Anh Phương có ngồi tù 1 ngày cũng là bất công. Án thế nào cũng là án oan sai".

"Gia đình tôi không nản chí. Chúng tôi sẽ mạnh mẽ kiên cường đấu tranh cho những người trong tù, làm những việc giống anh phương làm, sẽ là hậu phương vững chắc cho anh. Chúng tôi không bao giờ sợ hãi".

Thảo cũng cho hay vợ ông Phương là Đỗ Thị Thu cùng một số người thân của bà Nguyễn Thị Tâm đã được thả sau khi bị đưa vào công an phường Dương Nội sáng 15/12.

Trước đó, trao đổi với BBC News Tiếng Việt, Đỗ Thị Thu, vợ Trịnh Bá Phương cho hay từ sáng tinh mơ công an đã canh gác trước cửa nhà khiến cả gia đình không thể đi đâu.

Sau đó, vào khoảng 9:30, Trịnh Thị Thảo, em gái Trịnh Bá Phương cho BBC hay Thu và bố chồng là Trịnh Bá Khiêm cùng người nhà Nguyễn Thị Tâm đã bị công an đưa lên xe chở đi đâu không rõ.

Cáo trạng nói gì?

Tòa án nhân dân TP. Hà Nội hôm 15/12 đã mở phiên tòa xét xử ông Trịnh Bá Phương (SN 1985), bà Nguyễn Thị Tâm (SN 1972), cả 2 đều trú tại Dương Nội (Hà Đông, TP.Hà Nội) về tội "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", theo quy định tại Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Hội đồng xét xử đã tuyên phạt hai người, Trịnh Bá Phương 10 năm tù; Nguyễn Thị Tâm 6 năm tù về cùng tội danh nêu trên.

Hội đồng xét xử sơ thẩm còn tuyên phạt quản chế ông Trịnh Bá Phương 5 năm, bà Nguyễn Thị Tâm 3 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.

Cáo trạng nói vào các ngày 9, 10, 11/1/2020, lực lượng quân đội thực hiện xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn và Công an TP. Hà Nội thực hiện công tác bảo vệ an ninh trật tự tại địa bàn xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Hai bị cáo Phương, Tâm bị cho là đã thực hiện việc phát trực tiếp các video, đăng tải các bài viết, trạng thái, chia sẻ trên tài khoản cá nhân "xuyên tạc, bịa đặt tình hình diễn ra tại Đồng Tâm, phỉ báng chính quyền nhân dân, kích động nhân dân chống đối chính quyền".

Trang VietnamNet cho hay: "Cáo trạng xác định, Trịnh Bá Phương còn có hành vi tàng trữ 1 tài liệu dạng sách gồm 278 trang, có nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, gây hoang mang trong nhân dân; nội dung truyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý; xuyên tạc, vụ khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân".

Trang Quân đội Nhân dân ngày 15/12 viết: "Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Thị Tâm đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Bị cáo Trịnh Bá Phương không khai nhận hành vi phạm tội, không thành khẩn, chống đối. Ngoài hình phạt chính, căn cứ quy định tại các Điều 43 và Điều 122 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, Hội đồng xét xử quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là quản chế các bị cáo một thời gian sau khi chấp hành xong hình phạt tù".

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét