Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 4 tháng 12, 2021

Rợn người khi nghe tin hoa hậu Việt Nam dám “xiên” Mỹ

 

Rợn người khi nghe tin hoa hậu Việt Nam dám “xiên” Mỹ

Dương Tự Lập

4-12-2021

Nhà thơ Mô Lô Y Choi là người dân tộc Ê Đê, sinh năm 1930, ở xã Ea Trol, huyện Sông Hinh, Phú Yên – Khánh Hòa. Mô Lô Y Choi là tác giả bài thơ “Cô gái vót chông” (năm 1965). Khi ông đang sống trên đất Bắc sau khi tập kết 1954, với những câu thơ như sau:

“Mỗi mũi chông em vót cắm sâu xuống đất
Lũ giặc Mỹ lao vào chết queo
Còn giặc Mỹ cọp beo
Lũ làng chưa yên bụng phát nương hát hò… “

Chân dung nhà thơ Mô Lô Y Choi, qua nét vẽ của họa sĩ Trần Trưởng

Nhạc sỹ Hoàng Hiệp, tên thật Lưu Trần Nghiệp, bút danh Lưu Nguyễn (1931 – 2013) sàn sàn tuổi với Mo Lô Y Choi, là người xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, cũng tập kết ra Bắc năm 1954. Dẫu cùng là người Nam nhưng hai ông chưa hề biết nhau cho tới lúc Hoàng Hiệp qua đời.

Khi bài thơ “Cô gái vót chông” được Mo Lô Y Choi gửi đăng trên báo Văn Nghệ năm 1965, cũng tình cờ Hoàng Hiệp đọc được rồi ngẫu hứng chỉnh sửa lời thơ và phổ nhạc thành bài hát cùng tên nghe hăng máu hơn.

Ai nhanh tay vót bằng tay em?
Chim hót không hay bằng tiếng hát em.
Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù,
xiên thây quân cướp nào vô đây,
xiên thây quân cướp nào vô đây.
Còn giặc Mỹ cọp beo,
khi còn giặc Mỹ cọp beo.
Em chưa ngừng tay vót chông rào buôn rẫy.
Ê… quân xâm lăng gian ác bay muốn vào,
mũi chông sẵn sàng đây,
chờ bọn bay diệt bọn bay.

Có thể nói, trước đó hai ông chưa từng trông thấy thằng “giặc Mỹ hung ác” thật ngoài đời, chắc chỉ là nghe nói thôi, vì sau năm 1954 cả hai ông sống dài dài trên đất Bắc Xã hội Chủ nghĩa thì làm sao biết được nó biến hóa hay biến thể thành con “Mỹ cọp beo” hề. Thậm chí Hoàng Hiệp sống lâu đến nỗi chỉ có “Nhớ về Hà Nội” mỗi khi xuân đến:

“Lắng nghe thơ Người
Hà Nội ơi”…

Chớ ông có nhớ chi tới quê hương An Giang nhà ông đâu? Tôi cũng đã vài ba bận gặp Hoàng Hiệp khi ông còn ở Hà Nội, chưa vào Sài gòn. Như một sự tình cờ, năm 1988 cô em ca sĩ Hồng Nhung (Nhung bống) lên nhà tặng tôi cuốn băng cassette cá nhân do Hồng Nhung thực hiện với chủ đề “Nhớ về Hà Nội” của Hoàng Hiệp. Ít lâu sau Nhung cũng rời Hà Nội vào Sài Gòn mở một phòng tranh Gallery nhỏ, Nhung khoe với tôi như vậy. Từ đó anh em không gặp lại nhau nữa.

Cuộc chiến Nam – Bắc tương tàn qua đi ngót nửa thế kỷ, những tưởng bài thơ trên của tác giả Mô Lô Y Choi, người Ê Đê, phần phổ nhạc của Hoàng Hiệp cũng theo năm tháng quện với mùi thuốc súng hòa tan trong không trung. Hừng khí “Cô gái vót chông” cũng theo mảnh bom miếng đạn vùi vào lòng đất. Thế nhưng ai ngờ có ngày nó lại bị bới lên tung tóe đến sầu muộn.

Phần thi tài năng cá nhân với màn trình diễn đánh đàn T’rưng của cô Hoa hậu Việt Nam Đỗ Thị Hà, với bài “Cô gái vót chông” ngày 29/11/2021 ở Puerto Rico, hòn đảo lớn nhất trong các lãnh thổ hải ngoại của Hoa Kỳ. Thật tình mà nói, cô chơi không điêu luyện, nhìn tay cô cầm bộ gõ, gõ vào các thanh nan tre thì biết ngay, chắc học cấp tốc mỗi bài tủ này để làm hành trang lên đường thi thố với thiên hạ. Dàn nhạc phụ họa nhiều khi phải chơi át đi những chỗ lỗi của cô.

Bài hát tới nay đã 56 năm, liệu Hà có hiểu biết gì về bài hát không? Bố mẹ đẻ Hà lúc đó chưa chắc đã ra đời, thì làm sao ở tuổi 20 non nớt như Hà lại biết hun đúc lòng căm thù mang theo lời ca đến đất Mỹ vừa thi sắc đẹp, vừa thể hiện sắc xú man rợ “xiên giặc Mỹ cọp beo”?

Tôi không tin bố mẹ Hà có đủ niềm kiêu hãnh khoác lên người con gái mình cả một va li đàn T’rưng cùng bài ca hung tợn đó theo vào cuộc thi. Hay là chính xác hơn Ban Tuyên giáo đã khơi nguồn cảm hứng giáo huấn, làm công tác tư tưởng, thổi bùng ngọn lửa hờn căm này vào Hà trước khi đi dự thi người đẹp thế giới Miss World Vietnam.

Sau cuộc thi chưa biết đoạt giải hay không nhưng trở về chắc chắn Hà sẽ được một suất đứng trong hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm thì không trượt rồi. Người Cộng sản Việt Nam leo lẻo không ngớt mồm kêu gào xóa bỏ hận thù, đoàn kết hướng tới tương lai nhưng kỳ thực không phải vậy. Nói một đường làm một nẻo là bản chất ngấm máu đã thành truyền thống của họ.

16 đời hoa hậu Việt Nam qua đi kể từ khi báo Tiền Phong tổ chức cuộc thi hoa hậu lần đầu vào năm 1988. Chỉ đến đời thứ 17 năm 2020 thuộc về Đỗ Thị Hà, cô nàng người Thanh Hóa này đã làm dậy sóng cho thiên hạ với bao lời đàm tiếu thị phi. Từ việc cô về thăm lại trường Đại học Kinh tế Quốc dân ngạo nghễ, đến khi cô trở về thăm quê và nay đòi “xiên Mỹ cọp beo” trên đất Huê Kỳ thì thật bạo gan to mật. Đến ngay cả đấng mày râu thần đồng thơ Trần Đăng Khoa khi tới Mỹ còn phải giấu nhẹm vứt bỏ 2 câu thơ trứ danh chửi Tổng thống:

“Ngu xuẩn nhất nhì
Là Tổng thống Mỹ”.

Tôi hãi cô tân hoa hậu này thực sự khi mà ông tân Thủ tướng cùng quê tỉnh Thanh Hóa nhà cô, Phạm Minh Chính đang lo tất tả ngược xuôi, trong ngoài, chạy thăm các quốc gia đồng minh thân cận với Mỹ như Anh, Pháp, Nhật… chỉ mong họ bố thí bất cứ gì đều mừng, đều mang về, thì cô hiện ở Mỹ đòi “xiên thây quân cướp Mỹ nào vô đây”!

Cô có biết người Mỹ khi đến Đà Nẵng vào ngày 5/3/2018 họ cũng chơi đàn và hát bài gì không? Cô lính thủy hạm đội 7 Emily Kershaw cùng các chiến binh hát: “Nối vòng tay lớn” ca khúc của Trịnh Công Sơn. Hữu nghị lắm, chứ không tàn ác như cô nghe lời Tuyên giáo đảng xúi bậy cô đâu.

Hàng chục triệu liều vaccine đã được Mỹ viện trợ cho chính phủ Việt chống dịch Covid Vũ Hán chắc cô đã nghe.

Trong vụ kiện do bà Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam cầm đầu tới Mỹ ngày 18/3/2004, dẫu Việt Nam thua cuộc nhưng Chính phủ Mỹ vẫn nhân đạo chi cho 173 triệu USD để tham gia khắc phục hậu quả ở Việt Nam, cô có biết không? Về chuyện giúp thì chúng ta không trả hết ơn người Mỹ đâu.

Tôi tưởng Ban Tuyên giáo trước đây lỡ một lần ngu dốt dại dột bố trí ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, tháng 7/2014 sang Mỹ, tặng cho Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh máy bay A4 do ông này lái bị bắn rơi ở hồ Trúc Bạch năm 1967 đã thật tệ hại. Nay cô lặp lại vết nhơ hiển hách mới này thì còn hại tệ hơn. Cô vượt trội các đời hoa hậu trước nhiều lắm.

Có một điều này tôi nghĩ phúc đức lớn cho dòng họ nhà cô nếu hôm đó vào phút chót, cô lại đổi ý chơi bài “Chiến đấu vì độc lập tự do” của nhạc sĩ Phạm Tuyên viết ngay trong ngày 17/2/1979 đánh quân Trung Quốc cướp nước với ca từ: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương…”

Không khéo khi xong cuộc thi trở về… người nhà, bạn bè vui vẻ tung tóe ùa ra đón cô ngoài cảng hàng không quốc tế Nội Bài – Hà Nội, nhưng chẳng thẳng thấy mặt hoa hậu đâu, do cô đã đột ngột quy tiên vì con virus lạ, bởi cô đã dám đụng tới “thiên triều”!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét