Đôi lời với TBT Nguyễn Phú Trọng Về văn hóa Việt hôm nay
Nguyễn Hữu Liêm
Hôm 24/11/2021 tại Hội nghị Văn hóa ở Hà Nội, GS Nguyễn Phú Trọng tuyên bố rằng, “Văn hoá chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, (và đang) thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người.”
Dù rằng GS Trọng chỉ phát biểu quan điểm cá nhân, nhưng ta hiểu đó cũng là nhận xét chung từ góc độ chính trị của Đảng CSVN. Đối với ông Trọng, văn hóa là một thành quả chính trị có định hướng, phát xuất từ ý chí và mệnh lệnh ý thức hệ của Đảng. Vì vậy, khi ông cho rằng văn hóa Việt Nam đang thiếu những tác phẩm văn học lớn ngang tầm với thời đại và sự nghiệp chính trị đổi mới của Đảng, thì chúng ta phải hiểu rằng GS Trọng đang chờ đợi một trước tác về chính trị học tầm cỡ mang nội dung ý thức hệ cách mạng cho thời thế.
CŨNG LẠI KIỀU, MARX, MÀ KHÔNG CÓ MILL
Đối với một tín đồ của giáo điều Mác xít, GS Trọng chắc là phải công nhận rằng tác phẩm tầm cỡ nhất phải là bản “Tuyên ngôn Đảng Cộng sản” của Marx-Engels – vốn đã có mặt từ gần hai thế kỷ trước. Nếu thế, thì GS Trọng khó có thể nhận ra bất cứ tác phẩm chính trị hay văn học nào lớn lao dưới chiếc bóng lớn và đậm của bản tuyên ngôn này.
Khi nhìn về văn hóa Việt, mỗi khi phát biểu, GS Trọng cũng chỉ thấy Truyện Kiều là tác phẩm văn hóa lớn lao, bao trùm tất cả lịch sử văn học dân tộc, không thể bị thay thế, hoán chuyển thứ bậc. Hình như ông đang trong cơn say của Kiều khi nhìn vào thời thế và vận nước. Ông đứng yên dưới hai chiếc bóng lớn của thời xưa cũ – của Karl Marx và của Nguyễn Du – và nhìn ra thế gian để cố tìm một chiếc bóng lớn hơn cho Đảng của ông được an toàn đứng núp. Và ông đã thất vọng. Niềm thất vọng ấy nay đang biến thành mệnh lệnh văn hóa cho Đảng như là một nghị quyết chính trị.
Nhưng GS Trọng chắc là không để ý đến rằng, mười năm sau khi Tuyên ngôn Cộng sản ra đời năm 1848, thì đã có một tác phẩm văn hóa chính trị tầm cỡ cho thời đại cũng đã ra đời (1859). Đó là cuốn On Liberty (Luận về Tự do) của triết gia người Anh John Stuart Mill. Cuốn của Mill như là một tuyên ngôn về Tự do Cá nhân, nó đã là chiếc bóng tri thức và tư tưởng khá dài và đậm nét cho quần chúng Tây Âu. Luận về Tự do đứng đối diện về tầm vóc và đối trọng trên cơ sở tư tưởng với bản Tuyên Ngôn của Marx- Engels.
Cả hai tác phẩm này đều nói về Tự do như là một thiết yếu tính đối với nhân loại. Trong khi Marx và Engels hướng đến chủ đề Tự do bằng trái tim, thì Mill dùng đầu óc để biện luận về nó. Trong khi Marx-Engels tuyên bố về Tự do qua mô thức Cộng sản như là một đấng tiên tri tuyên phán về một viễn cảnh kinh hoàng đang xuất hiện ở chân trời Âu châu, thì Mill nhẹ nhàng thong thả đi vào vấn đề như một giáo sư chính trị học. Khi Marx-Engels nói về Lịch sử như là một chuỗi dài đấu tranh giai cấp; Mill nói về cuộc vật lộn giữa Tự do và Quyền lực. Marx-Engels hô hào cho cứu cánh Đại thể; Mill lý luận về vị trí con người Cá nhân. Marx-Engels cổ võ cho một năng lực Cách mạng dựa trên giá trị tập thể; Mill biện hộ cho quyền hạn cá thể độc lập và đặc thù.
GS Trọng dĩ nhiên đã nằm lòng và quán triệt Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, thì thiết nghĩ ông – xin phép nếu chưa – cũng phải đọc Bàn về Tự do của Mill. Hai đại tác phẩm này cùng là một thể loại văn chương chính trị trong một Thời quán chuyển hóa Ý thức con người sang một nấc thang Tiến hóa mới.
Trong khi ngôn ngữ Cộng sản của Marx-Engels là tiếng kèn xung trận cho Đại thể tính; văn chương trí thức Anh quốc của Mill là tiếng còi cảnh tỉnh xã hội về vai trò và giá trị Cá nhân. Hai bộ chữ này đại diện cho hai khuynh hướng Ý chí: Ngôn từ Cộng sản là năng lực hướng ngoại, chủ động giao hoán Ngã thức cá thể cho nhu cầu Sử lý; văn chương của Mill thuộc dạng thụ động, muốn bảo toàn cho cá nhân một không gian làm người trong phạm vi riêng tư và tự chủ, sáng tạo.
Trong khi đó, ở Việt Nam, truyện Kiều nhấn chìm dân tộc vào một thể loại giáo điều văn hóa mang nặng chất tín ngưỡng – niềm tin chắc mãn vào Số phận. Trong khi Marx-Engels nâng ý chí làm lịch sử lên tầm mức Thượng đế, đối với Nguyễn Du thì Số phận là tất cả. Chủ nghĩa Mác đã phá vỡ vòng dây xích thụ động của Kiều và thúc dục đất nước đứng lên, vung tay kiến tạo lịch sử và số phận cho dân tộc. Có thể nói rằng, chủ nghĩa Mác là thang thuốc huyền nhiệm cho số phận nô lệ Việt Nam. Cũng nhờ vì có một tầng lớp tiên phong dân tộc Việt có can đảm đứng lên phá vòng xích nô lệ văn hóa của Kiều để theo chân Marx làm cách mạng, mà Đảng CSVN xuất hiện và hoàn tất sứ mệnh lịch sử cho đến gần đây.
Tuy nhiên, thang thuốc được coi như là huyền diệu cho lịch sử Việt Nam đã biến chất và trở nên liều thuốc độc. Chủ nghĩa Mác-xít và hiện thân của nó là Đảng CSVN, với tất cả những thành công ngoạn mục, đã là một phản đề của Kiều, nay đang là mầm bệnh cho văn hóa và con người Việt Nam. Khi chủ quan duy ý chí trở nên ngọn cờ duy tập thể đầy hãnh tiến và độc tôn, nó đã vi phạm tất cả những nguyên lý bất biến của lịch sử.
Nguyên nhân chính yếu và quan trọng nhất là chủ nghĩa Mác và Đảng đã bỏ quên cái vế quan trọng – điều mà tác phẩm Bàn về Tự do của Mill làm cột trụ tư tưởng chính trị cho nhân loại – đó là Tự do Cá nhân. Khi lấy Mác-xít làm kim chỉ nam cho tư tưởng chính trị quốc gia mà quên không đặt nền tảng và thiết yếu tính Tự do cho cá thể công dân thì cũng như đọc Kiều thuộc lòng từng câu mà lại quên đi nguyên lý “nhân định thắng thiên.” Sự mất quân bình như thế trong tư duy văn hóa chính trị Việt Nam, ít nhất là đối với người Cộng sản, đã biến sử Việt thành một cuộc mệnh đầy bi kịch.
Thang thuốc Mác-xít cuối cùng không chữa được bệnh lý Kiều cho dân tộc, mà trái lại, nó biến dân tộc ta thành nên những nàng Kiều thụ động, chấp nhận số phận dưới sự cai chế khắc nghiệt và chuyên chế của Đảng. Dưới bàn tay sắt cứng ngắt của thể chế, dân ta mất hết cảm hứng và khả năng sáng tạo. GS Trọng phải biết rằng, đây chính là nguyên nhân chính – và gần như duy nhất – cho sự thiếu vắng những tác phẩm văn hóa lớn của Việt Nam từ khi Đảng lên nắm quyền cho tới hôm nay.
Hãy nhìn lại miền Nam từ 1960 đến 1975, chỉ trong vòng 15 năm, trong một thể chế chính trị tự do cá nhân – dù non nớt và khập khễnh – nhưng ở đó đã không thiếu những công trình và tác phẩm văn hóa lớn, đủ trên mọi phuơng diện – kể cả những bản nhạc rất hay – điều mà GS Trọng nay đang than vãn. Nếu không có Tự do trên cơ bản cá thể, thì ngay cả ca nhạc cũng chẳng ra hồn. Hãy nhìn nhạc sĩ Văn Cao dưới chế độ miền Bắc thì sẽ rõ. Điều này xin được nhắc nhở GS Trọng.
LƯƠNG TÂM TRONG SÁNG
GS Trọng cũng nhắc nhở nhiều lần đến cán bộ cao cấp của Đảng rằng hãy nuôi dưỡng và hành dộng bằng cái Tâm trong sáng. Điều này thì không ai chối cãi.
Nhưng nhân dân xin hỏi là GS Trọng có lấy cái Tâm trong sáng của mình để nhìn thế cuộc một cách công tâm, vừa phải, hợp lý, không thiên vị Đảng, không giáo điều, nhằm đáp ứng theo nhịp bước thời đại cho dân tộc?
Vâng, mời GS Trọng hãy nhìn với cái Tâm. Rằng khi một thể chế lấy lý lịch cách mạng của tầng lớp thấp nhất trong xã hội làm cột sườn chính trị và công quyền cho quốc gia thì Đảng đang nuôi dưỡng một năng động văn hóa hạ cấp. Mà đã là phường hạ cấp thì dù có được đào tạo bao nhiêu, dù trau dồi tư tưởng chính trị bao nhiêu, thì những tâm chất mang tính tập thể ngây ngô và kệch cỡm không thể có cái tâm trong sáng được. Hệ quả là thối nát và vô minh. Để cố chữa bệnh thối nát từ trên xuống, ông không thể chỉ dằn mặt bằng các bản án và liên tục kêu gọi cán bộ có tâm trong sáng được. Dầu gió xoa ngoài da không thể chữa lành khối ung thư tim óc – thưa GS Trọng.
GS Trọng hãy lấy cái Tâm trong sáng của mình để tự hỏi rằng, khi những công dân, hay phụ nữ trí thức trẻ chỉ lên tiếng đòi hỏi những quyền chính trị và công lý cơ bản nhất cho nhân dân – mà Hiến pháp bảo đảm – lập tức bị chế độ trừng phạt với những bản án vô lý và khắc nghiệt mang tính thuần đe dọa và áp chế, thì làm sao mà văn hóa có được những tác phẩm văn chương tầm cỡ, những ca khúc hay, cao đẹp?
Lần tới, khi GS Trọng lại trích Kiều, xin hãy nhớ cho rằng, không những ông “nghĩ mình phương diện quốc gia” – mà cả thiên hạ và cộng đồng thế giới, cả nhân loại và lịch sử Việt đang nhìn ông và Đảng để mà đánh giá nghiêm khắc.
GS TRỌNG HÃY KIẾN TẠO MỘT TÁC PHẨM LỚN ĐỂ ĐỜI
Với những thành đạt ngoạn mục gần đây trên trường quốc tế, từ kinh tế đến ngoại giao, Đảng CSVN dưới sự lãnh đạo của GS Trọng phải có quyền hãnh diện.
Khi lần đầu tiên trong lịch sử Việt, hãng xe Vinfast mang chuông đi đánh xứ người tận Hoa Kỳ, cạnh tranh trực diện với các anh chàng tư bản khổng lồ thế giới; khi hai hãng máy bay Việt Nam và Bamboo Airlines bay thẳng, không ngừng, nối kết hai bờ California và Việt Nam, thì tất cả chúng ta, làm người Việt, đều phải hãnh diện – điều không những chỉ cho những người Cộng sản hay giới tư bản thân hữu. Đó là công tâm – với tấm lòng trong sáng và khách quan.
Nhưng TBT Trọng có thể bước một bước xa hơn – thiết yếu và khẩn cấp hơn. Đó là hãy mở tung cái chuỗi xiềng xích chuyên chính ý thức hệ, thuần lý lịch, với guồng máy công an cai trị bằng bạo lực vốn đã kìm hãm năng lực sáng tạo và sức bật nhảy vọt của nhân dân cả hơn nửa thế ký qua. Đây chính mới là tác phẩm lớn mà nhân dân đang chờ nơi GS Trọng. Hãy đừng mong chờ gì ở nhân dân, trí thức, văn nghệ sĩ cho những tác phẩm tầm cỡ – khi mà guồng máy chuyên quyền vẫn kìm kẹp và lộng hành như hiện nay.
GS Trọng hãy lấy cái Tâm trong sáng của mình để quyết tâm và can đảm kiến tạo và hoàn tất cho dân tộc một tác phẩm văn hóa, một cơ đồ chính trị lớn lao, mà dân tộc và lịch sử sẽ phải ghi công. Đó là tác phẩm TỰ DO CHO VIỆT NAM.
N. H. L.
Tác giả gửi BVN.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét