Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 19 tháng 12, 2021

Những cơn ác mộng của cụ Định

 

Những cơn ác mộng của cụ Định

Mạc Văn Trang

17-12-2021

Nhân nói những người kết tội Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương… rồi sẽ bị ám ảnh tội lỗi cả đời, nếu họ còn là con người, còn lương tri, nhớ lại chuyện một ông già bảo, làm sao giúp ông thoát khỏi những cơn ác mộng, vì ông từng làm đội viên Đội Cải cách ruộng đất (CCRĐ). Vậy là có mấy bạn bảo tôi kể lại rõ hơn câu chuyện.

Vâng! Xin Cụ Định tha lỗi, để tôi kể lại vắn tắt câu chuyện mà Cụ vẫn muốn giữ kín. Và thực lòng, tôi cũng không muốn nhắc lại những chuyện nhục nhã, rất xấu hổ của một dân tộc tự xưng là có nền văn hiến đã lâu. Nhưng bản chất của những vụ án hồi CCRĐ hay Nhân Văn – Giai phẩm vẫn hiện nguyên hình trong những vụ đấu tố, vu khống, quy chụp những người bất đồng chính kiến và nhất là kết án những Dân oan, những Tù nhân lương tâm hiện nay.

***

Vào đầu những năm 2000, tôi chơi cầu lông ở Công viên Thủ Lệ. Tôi thường thấy một ông già dáng người nhỏ, gầy guộc, đi lòng khòng, bước đi lặng lẽ, một mình trong công viên. Ông đi lòng vòng một lúc rồi ngồi trên ghế đá, cách xa chừng chục mét, xem chúng tôi đánh cầu. Ngày nào cũng thế, ông cụ ngồi một mình như vậy rất lâu.

Tính tôi hay tò mò bắt chuyện, nên một hôm, lúc thay phiên, tôi ra ngồi bên ông cụ chuyện trò. Cụ bảo tên là Định, 82 tuổi, bà cụ mất lâu rồi, giờ ở với gia đình con trai, con dâu và 2 đứa cháu. Cụ bảo chúng nó đi suốt ngày, chả bao giờ tâm sự với cụ điều gì. Buồn lắm.

Ông cụ mặc đồ cũ, đi đôi giày da bạc thếch, tất cả những thứ đó dường như lại rất phù hợp với mái tóc bạc bơ phờ và khuôn mặt khổ hạnh, nhăn nhúm của ông cụ. Duy có đôi mắt đầy u buồn, nhưng lại thẳm sâu vẻ trí tuệ.

Cụ hỏi tôi làm gì? Tôi bảo làm nhà giáo, rồi nghiên cứu Tâm lý học.

Cụ bảo, ngày xưa có đọc sách dịch của Pháp về đốc tờ tâm lý phơrớt (chắc là S. Freud) mà Vũ Trọng Phụng có nói đến trong truyện bà Phó Đoan.

Như vậy là cụ có học đàng hoàng đây. Tôi nghĩ vậy nên càng muốn trò chuyện với cụ.

Mấy lần gặp cụ sau khi đánh cầu lông; cụ vẫn ngồi đợi trên cái ghế đá đó.

Cụ hỏi nghiên cứu tâm lý thì nghiên cứu những gì? Tôi nói, chủ yếu nghiên cứu tâm lý học sinh để giảng dạy, giáo dục cho phù hợp. Nhưng nay tệ nạn xã hội nhiều quá, nên nghiên cứu cả vấn đề tâm lý trẻ hư, gái mại dâm, người nghiện ma tuý, tội phạm…

Cụ hỏi rất tỉ mỉ về các vấn đề tôi nghiên cứu. Tôi nói, chính quyền cứ tuyên truyền “cải tạo”, “phục hồi nhân phẩm” gái mại dâm, chả ăn thua gì đâu. Chỉ khi các cô gái ấy có việc làm không vất vả lắm mà thu nhập khá; lập gia đình, đời sống dễ chịu, thì mới bỏ “nghề” được. Còn các con nghiện vào trại cai nghiện mấy năm, khi về tái nghiện tới 95%… Tội phạm thì có nhiều loại, nhưng tội phạm chuyên nghiệp thì khó thay đổi lắm. Cho nên thay đổi được lầm lỗi của con người khó lắm, chỉ khi bản thân họ tự ý thức được và có quyết tâm, kiên trì ghê gớm lắm mới thay đổi được.

Một hôm cụ bảo, trước cách mạng tôi học lớp Đệ thất, rồi đi bộ đội làm quân giới. Sau hoà bình 1954 chuyển sang xây dựng xí nghiệp cơ khí. Nhưng 1955, được điều đi học tập, làm Đội CCRĐ. Trong đội, đội trưởng, đội phó là mấy anh bần cố nông, tôi thuộc “tiểu tư sản” nên chỉ làm đội viên, nhưng có chữ, nên chuyên làm thư ký. Làm thư ký khủng khiếp lắm, nhục lắm. Lúc đầu đội nó hỏi, người ta khai, mình ghi rồi, lúc sau nó tra tấn, bắt khai theo ý nó, mình phải xóa lời khai cũ, ghi lại những lời khai mới theo ý của đội trưởng, đội phó, dã man lắm, khốn nạn lắm.

Tôi bảo, cụ có thể kể một vài chuyện cụ thể được không?

Cụ bần thần một lúc rồi bảo, ừ. Có mấy vụ ám ảnh tôi suốt đời. Ví dụ vụ nhà ông Đ.

***

Đội trưởng hỏi người địa chủ tên Đ., 60 tuổi:

– Mày đánh nông dân bao nhiêu lần?

– Dạ, thưa đội, con chỉ đánh ông B. một lần, vì ông ấy lấy trộm gạo.

– Mày dám vu khống nông dân ăn trộm gạo à? Thế là đội lấy cái dép đập vào mồm ông ta mấy cái, gãy cả răng, chảy máu mồm. Ông B. tố mày đánh ông ấy 6-7 lần, có lần trời rét, dìm ông ấy xuống ao.

– Dạ, thưa đội, không có đâu ạ.

– Mày ngoan cố này! Và cứ thế đội lấy dép đập vào mặt người địa chủ và đá vào bụng. Trong khi đó, người địa chủ bị trói tay, quỳ dưới đất, không sao đỡ đòn được.

Sau đó đội hỏi, mày có nhận tội đánh ông B. 7 lần không, hay còn ngoan cố?

Người địa chủ gật đầu. Đội bảo, thư ký ghi vào, nó đã cúi đầu nhận tội, đánh ông B. 7 lần.

– Mày hiếp dâm bà C. bao nhiêu lần?

– Dạ, thưa đội, con không hiếp dâm ạ. Chả là nhà con có bể nước mưa, mỗi khi nhà bà ấy có khách, bố bà ấy lại sai bà sang xin ấm nước mưa về pha trà. Khi bà ấy 16 – 17 tuổi con mới nảy sinh ý xấu. Lần đầu có dụ dỗ bà ấy, nhưng mấy lần sau là bà ấy ưng thuận, mà lần nào con cũng cho tiền bà ấy.

– Như thế mày mắc 2 tội. Một là cậy giàu, đem tiền mua chuộc nông dân; hai là cưỡng hiếp nông dân. Bà C. tố, bị mày hãm hiếp hơn 10 lần, có lần trong bếp, có lần ở chân đống rơm. Cách đây mấy năm, bà ấy đã có chồng con, mày vẫn gọi bà ấy vào nhà và hãm hiếp, đúng không?

– Thưa Đội oan cho con. Ngày trước thì cỉ có 3, 4 lần. Còn chuyện gần đây là bà ấy qua cổng, đánh tiếng vào chơi, con mời vào. Thực tình bấy giờ bà ấy mấy con, xồ xề, con không có ý, nhưng bà ấy chủ động, bảo “tình cũ, nghĩa xưa”, rồi thì…

– Mày ngoan cố hử? Mày láo, dám bảo bà nông dân chúng tao, chủ động ngửa ra cho hiếp hả? Và đội giơ chiếc dép lên đập.

– Dạ, con xin nhận tội.

– Thư ký ghi vào. Nó cưỡng hiếp bà C. hơn 10 lần rất dã man, gần đây dù bà C. đã có chồng, có con, vẫn bị tên địa chủ Đ. có hành động hãm hiếp man rợ.

– Các đồng chí dân quân, cho nó đứng dậy, tụt quần nó ra, xem b… nó thế nào mà chuyên hiếp nông dân. Đồng chí D. bật lửa đốt cho nó chừa cái tội hiếp nông dân đi!

Người địa chủ kêu thét lên giãy dụa. Còn bọn họ cười sằng sặc.

Sau khi đem người bố đi, dân quân dong người con gái ông ta vào.

Đội bảo:

– Nông dân thì đói, còn bố con nhà mày ăn cháo gà hàng ngày, đúng không?

– Bẩm đội, chỉ khi bố, mẹ con ốm đau, con mới nấu bát cháo cho bố, mẹ ăn thôi ạ.

– Thế thì cởi trói cho nó. Các đồng chí dân quân bảo nó nấu nồi cháo gà thật ngon lên hầu đội làm việc tối nay.

Khi cô gái bưng nồi cháo gà lên, cô nói:

– Bẩm đội, thiếu rau răm và hạt tiêu, nên cháo cũng chưa được như ý ạ.

– Mẹ kiếp, địa chủ nhà chúng mày bóc lột, quen ăn uống cầu kỳ. Nông dân chúng ông không cần hạt tiêu, rau răm!… Trói nó vào cột, cho nó nhịn đói, nhìn các ông bà nông dân ăn cháo gà, để nó biết nông dân chúng tao đã từng đói khổ, thèm khát nhìn bọn địa chủ chúng mày ngồi mát ăn bát vàng thế nào.

Ăn xong đã khuya. Nhìn cô gái tội nghiệp lắm. Cô chừng 18 – 20 tuổi, gầy, xanh xao, nhưng dáng vẻ rất đẹp, trắng trẻo, mảnh mai. Tay đội phó bảo, mày có biết, bố mày chuyên hãm hiếp nông dân không? Cô gái cúi đầu im lặng. Bây giờ thì mày phải đền tội thay cho bố mày. Cô gái run rẩy, sợ hãi.

Tôi bảo, các đồng chí không được vi phạm vào quy định tư cách đội cải cách.

Sau một lúc hội ý, đội trưởng bảo, các đồng chí dân quân cho nó về nhà để nó suy nghĩ, giác ngộ. Tối mai, mày phải tố cáo tội ác của bố mẹ mày, như bóc lột, đánh nông dân ra sao; hãm hiếp bà C. bao nhiêu lần mày trông thấy thế nào… Tố như thế là mày đứng về phía nông dân đấu tranh với giai cấp địa chủ; như vậy mày sẽ là người giác ngộ giai cấp, không mắc tội che giấu tội ác của địa chủ.

Anh biết không? Sáng hôm sau thấy cô gái đã treo cổ chết trên cây vối, bên bờ ao rồi!

Nói đến đây, ông cụ ngửa mặt lên trời, nấc lên, hai dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt nhăn nhúm, tội nghiệp.

Tôi nắm lấy đôi vai gầy guộc, run rẩy của ông cụ mà không kìm được xúc động, cũng ứa nước mắt.

Ông cụ bảo, tôi chỉ kể cho anh một trường hợp. Mà tôi phải chứng kiến hàng chục trường hợp dã man như thế. Không! Không phải chỉ chứng kiến. Phải nói cho đúng là tôi đã tham gia vào hàng chục vụ tội ác khốn nạn như thế, còn khủng khiếp hơn thế. Nhất là khi đem xử bắn người ta vì những tội hoàn toàn vu khống, bịa đặt, chỉ là do lập thành tích để báo cáo lên trên.

– Đội của cụ đã kết tội, xử bắn mấy người?

– Hai người. Một người bị quy kết là “địa chủ, cường hào ác bá, đầu sỏ”, nhưng thực ra tài sản của ông ấy đã ủng hộ cho cách mạng hết rồi; một người là địa chủ kháng chiến, bị Pháp bắt cùng với 3 người nữa. Ông này biết tiếng Pháp, sau được tha về mở lớp dạy học cho trẻ ở làng tề. Còn 3 người kia, một người bị đánh chết, hai người tù mấy năm mới được tha.

Cuộc sống bình thường thì chả làm sao. Lúc tố nhau, mới bới móc ra, vu cho ông ấy biết tiếng Tây, làm tay sai, chỉ điểm cho Pháp, nên không bị tù như mấy người kia. Hai người đều bị kết án bởi những lời tố điêu; toà tuyên án như đã hội ý nhất trí, báo cáo trên duyệt trước rồi. Tổ chức đấu tố, ra toà để cho nông dân có uy thế mà thôi. Toà tuyên án tử hình đã định sẵn và lôi ra trói vào cột, bắn ngay lập tức, không hề cho người ta được kêu oan. Thực ra họ có công, chứ không có tội gì đâu.

***

Một hôm ông cụ nắm lấy tay tôi, nhìn vào mắt tôi như cầu khẩn: Này nhà Tâm lý học, giúp tôi làm sao thoát ra khỏi những giấc mơ khủng khiếp, những cơn ác mộng, ám ảnh từ hồi sau CCRĐ, cứ xuất hiện thường xuyên vào lúc nửa đêm về sáng.

– Những cơn ác mộng diễn ra như thế nào?

– Lúc thì tôi thấy mặt người địa chủ bê bết máu, trừng mắt nhìn tôi; lúc thấy người địa chủ bị bắn, máu phun ra đầy mặt tôi; nhưng sợ nhất là lúc cô gái hiện ra treo lủng lẳng trên cây vối, lưỡi thè ra, mắt lồi ra nhìn tôi trừng trừng. Lúc đó tôi uất nghẹn không thở được, nước mắt giàn dụa, rồi nấc lên mãi, đau đớn vô cùng, sợ hãi vô cùng. Cũng có lúc nhìn thấy mắt của tay đội trưởng, đội phó nhìn tôi chằm chằm, đe dọa, bảo viết đi! Tôi sợ hãi, run rẩy viết. Tỉnh ra, hai tay tê cứng như chết rồi, mồ hôi ướt đầm.

– Sau này cụ có về thăm lại cái làng CCRĐ ngày xưa và gặp con cháu mấy gia đình địa chủ ấy không?

– Không! Tôi sợ hãi, chạy trốn, giấu kín mình từng là đội CCRĐ. Con cháu không được biết.

Tôi không phải nhà Tâm bệnh học, nhưng với chút hiểu biết của mình, tôi khuyên cụ:

Một là, đừng đấu tranh là mình có tội hay không, và tìm cách trốn tội. Hãy thành khẩn nhìn thẳng vào sự thật, nhận là mình có tội, đã đồng lõa với lũ ác ôn để làm hại cho bao nhiêu người.

Hai là, hãy nhớ lại tất cả những gì ẩn chứa, ám ảnh, ở trong vô thức, viết hết ra, kể ra cho hết, như những chuyện cụ đã kể cho tôi nghe. Cụ viết hết ra, giải toả nó khỏi vô thức và tự mình nhìn thẳng vào, phân tích rõ những sự việc đó. Đây là sai lầm. Đây là tội ác. Rồi tự trừng phạt mình, tát vào mặt mình! Rồi khóc đi, cho nước mắt tuôn trào ra. gào thét lên cũng được!…

Ba là, bình tĩnh trở lại, thành tâm sám hối. Tự mình tĩnh tâm suy ngẫm, chỉ ra nguyên nhân của những tội ác mà mình u mê tăm tối đã đồng loã thi hành, không dám dũng cảm thoát ra. Mình đã có tội rồi, xin Trời, Phật và những oan hồn tha thứ. Xin Tổ tiên xá tôi và thương xót cứu vớt tha thứ cho tội lỗi.

Bốn là, hãy về thăm làng CCRĐ ngày xưa, thăm hỏi con cháu mấy người địa chủ, thắp hương khấn người chết oan tha thứ cho mình. Nếu có thể nên ra mộ người chết oan, quỳ xuống xin tha tội; Nói với những người thân của những người bị oan ức rằng, họ vô tội, chỉ những đội CCRĐ là có tội.

Cụ cứ làm như thế sẽ thấy nhẹ lòng, và có thể thoát khỏi những cơn ác mộng. Rồi có gì Cụ kể tôi nghe và sẽ tính tiếp.

***

Năm 2005, vợ chồng tôi đi thăm con ở Pháp và Ba Lan gần một năm. Khi trở về, ra công viên Thủ Lệ đánh cầu lông thì mãi không còn gặp cụ Định nữa. Nhưng hình ảnh tội nghiệp của ông già và những câu chuyện mà ông cụ kể, cứ ám ảnh tôi mãi. Rồi liên hệ đến những vụ án dã man với Dân oan, với các Tù nhân lương tâm, nhất là vụ giết hại tàn ác cụ Lê Đình Kình, triệt hạ các con cháu của Cụ vẫn ám ảnh tôi như thể vẫn đang ở thời CCRĐ cách đây hơn 60 năm!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét