Hun Sen tố Hà Nội độc tài: Ngậm bồ hòn làm ngọt?
Hoàng Thành
21-12-2021
Các trò ngỗ ngược vừa qua của Hun Sen chưa thực sự “đốt đ*t” Hà Nội vốn đang trong cơn tự huyễn hoặc. Tuy nhiên, Bảy Phúc (nickname của Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc) lần này có mang thông điệp răn đe sang Phnom Penh hay không hay lại tiếp tục “ngậm bồ hòn làm ngọt” một thời gian nữa?
Ngày 13/12/2021, báo Khmer Times có bài viết nhận định: “Mỹ là nước đòi dân chủ từ Campuchia nhưng lại có quan hệ cực kỳ thân thiết với Việt Nam cộng sản… Mỹ thúc giục Campuchia giảm quan hệ với Trung Quốc, nhưng không đưa ra phương án thay thế tương xứng nào”. Sự chỉ trích tại sao Mỹ cấm vận vũ khí nước này, vì những vi phạm nhân quyền và thiếu dân chủ, trong khi Việt Nam còn thiếu dân chủ hơn CPC nhiều, mà Mỹ vẫn o bế, thực sự gây sốc.
Tác động đối với Campuchia
Rất có thể người dân Campuchia quên một thực tế, sự can thiệp ngấm ngầm và công khai của Trung Quốc đã tác động tiêu cực đến nền chính trị CPC như thế nào, theo các nhà quan sát nước ngoài. Khi chủ nghĩa phi-tự do bùng phát ở đất nước chùa tháp, thì nước này ngày càng bị cô lập với cộng đồng quốc tế. Điều đó khiến nó càng thêm phụ thuộc vào Trung Quốc và khó có thể thoát khỏi “bóng đè” của Bắc Kinh trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn.
Quyết định cấm vận vũ khí đối với CPC được đưa ra một tháng sau khi ba cơ quan, bao gồm: Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã công bố một bản Khuyến cáo các doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện đang hoạt động hoặc đang cân nhắc hoạt động tại CPC cần lưu ý đến các tương tác với các tổ chức và lĩnh vực có khả năng liên quan đến vi phạm nhân quyền, các tội phạm, các hoạt động và các phương thức kinh doanh tham nhũng”.
Điều đặc biệt là lệnh trừng phạt các quan chức CPC có liên quan đến việc thu thập thông tin tình báo quân sự đối với CPC, khi quyết định trừng phạt này chỉ đích danh một trong các cơ quan bị trừng phạt, đó là Tổng cục Nghiên cứu và Tình báo của Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) do chính con trai của Hun Sen, Hun Manith đứng đầu. Mặc dù báo chí CPC chỉ cho biết ông Tea Vinh là quan chức của RCAF, nhưng Đài phát thanh Dân chủ lại tiết lộ thêm thông tin là tuyên bố của Bộ Thương mại Mỹ còn ám chỉ tới người đứng đầu RCAF, chính là con trai thứ của Hun Sen. Hun Manith đã giữ chức vụ này từ năm 2017.
Trên thực tế, CPC sử dụng rất ít các khí tài và các phương tiện quân sự khác từ Mỹ. Chính vì vậy, việc đưa ra lệnh cấm vận vũ khí đối với CPC được hiểu, chỉ là một cách bày tỏ thái độ của Mỹ đối với quốc gia này. Lệnh này sẽ ngăn cản việc hợp tác quân sự và quốc phòng của CPC với Mỹ và toàn bộ các quốc gia phương Tây. Các nước này sẽ không thể phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng với CPC. Các thông tin tình báo là lĩnh vực Mỹ có thế mạnh thì đất nước chùa tháp sẽ không có cơ hội tiếp cận. Điều này Mỹ từng đưa ra cảnh báo từ cách đây khá lâu.
Lệnh cấm vận được áp dụng là do các vi phạm nhân quyền, các hoạt động tội phạm và tình trạng tham nhũng của chính quyền, sẽ làm ảnh hưởng hình ảnh CPC, đặc biệt trước cuộc bầu cử sắp tới. Nó cũng thúc đẩy tâm lý hoài nghi đối với Hun Sen và tác động đến các phong trào chống lại chính quyền hiện nay ở CPC. Tuy nhiên, trừng phạt và cấm vận chỉ là “màn dạo đầu”. Nếu Hun Sen tiếp tục các cuộc “đi đêm” với Trung Quốc, Mỹ sẽ gây áp lực lên Phnom Penh đối với khoản nợ gần 500 triệu USD bắt nguồn từ các khoản vay của chính quyền Lon Nol từ những năm 1970.
Tác động đối với Việt Nam
CPC tố cáo VN thiếu dân chủ là bước leo thang mới, sau scandal Hun Sen đòi Thứ trưởng Quốc phòng VN trực tiếp xin lỗi ông, với sự có mặt của Đại sứ TQ tại Phnom Penh. Liệu Hun Sen có biết rằng, sau khi ông đòi cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và cho báo chí “bới móc” VN, sáng 14/12, Bộ Chính trị ĐCSVN đã có một Hội nghị Đối ngoại toàn quốc. Tại đấy, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố về ba cặp “quan hệ đặc biệt” giữa VN với các nước. Một trong ba cặp ấy, tuy không nói ra công khai, là với CPC.
Phải chăng, quan hệ VN – CPC “đặc biệt” còn ở chỗ, cả hai đều cùng thể chế chuyên quyền và toàn trị giống nhau? Việc cho báo chí “bới móc” VN độc tài hơn CPC thật là khập khiểng! “Lươn ngắn chê Chạch dài”. Khmer Times có thể an tâm, vì thời điểm tờ báo này phê phán Hà Nội lại rơi đúng vào lúc Liên Hiệp Quốc và hàng loạt các quốc gia phương Tây cũng lên án Việt Nam về các phiên toà xử và bỏ tù những nhà hoạt động. ĐSQ của Mỹ, Canada, Liên hiệp Châu Âu, Anh Quốc, và New Zealand… đều lên tiếng phản đối các bản án phi nhân mà Hà Nội vừa đưa ra đối với những nhà bất đồng chính kiến trong các phiên tòa “bỏ túi” gần đây.
Dù sao, một câu hỏi nữa cũng được giới nghiên cứu đặt ra lúc này là tác động của sự trừng phạt nói trên của Mỹ đối với CPC có ảnh hưởng gì đến VN hay không? Câu trả lời chỉ có thể đặt ra ở thì tương lai. Hay ít nhất, cũng phải chờ sau khi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước Campuchia từ ngày 21 đến 22/12. Bảy Phúc có đủ tài ngoại giao và thuyết khách để ngăn Hun Sen bớt “trượt dốc” hay không? Vào thời điểm hiện nay, chúng ta chưa có câu trả lời chắc chắn. Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc có đủ bản lĩnh vận hết nội công để đưa ra lời khuyên, rằng nếu CPC tiếp tục leo thang như vừa qua, thì đúng như bài học dân gian từng đúc kết: “Trai Cò chấp nhau, ngư ông đắc lợi”.
Một tác động trung hạn khác nhưng mong manh. Nếu các căn cứ hải quân Hun Sen cho Trung Quốc xây dựng ở CPC ảnh hưởng đến quân bình lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc, thì biết đâu, một lúc nào đó, VN và các nước, đặc biệt là những nước VN có quan hệ “đối tác chiến lược” hay “toàn diện”, sẽ cùng nhau bàn thảo để mở cảng Cam Ranh cho tàu hải quân nước ngoài và xây dựng cơ sở này thành Trung tâm cảng dịch vụ tổng hợp. Mở cửa Cam Ranh là bài toán “tối ưu hoá toàn cục”, có thể là chiến lược mới dưới vỏ bọc thương mại. Căn cứ Hải quân ở Ream đe doạ Mỹ một thì đe doạ VN hai, ba. VN “án binh bất động”, “ngậm bồ hòn làm ngọt” đến bao giờ?
Nếu Mỹ kéo dài trừng phạt CPC mà vẫn “o bế” VN thì có thể là cơ hội để ĐCSVN suy nghĩ theo hướng quyết tâm xây dựng nhà nước pháp quyền (kể cả là pháp quyền XHCN), nhằm giảm bớt chất độc tài/toàn trị trong quản lý xã hội, kinh tế và người dân? Dân chủ hoá thực ra là nhu cầu tự thân để có an ninh và phát triển giữa gọng kìm của chủ nghĩa Đại Hán trong khu vực. Nếu Mỹ tiếp tục trừng phạt kinh tế, đánh vào “dạ dày” đối với những quốc gia có hồ sơ bất hảo về dân chủ và nhân quyền, thiệt hại sẽ không tránh khỏi, nhất là trong bối cảnh do covid-19 Việt Nam đã mất khoảng 847.000 tỉ đồng, tương đương 37 tỉ USD.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét