Hạn sử dụng (Phần 1)
4-12-2021
Nhân chuyện Bộ Y tế và mấy ông bà “giết người không dao” khẳng định vắc xin hết hạn sử dụng vẫn dùng tốt, vẫn hiệu quả, không bị ảnh hưởng đến chất lượng, tôi thấy phải có mấy dòng.
Chả biết từ năm nào, những người nhà tôi khi đi mua đồ ăn thức uống đều dặn nhau nhớ coi “đát” (date), coi cái hạn sử dụng của nó tới ngày tháng năm được nhà sản xuất ghi trên bao bì. Nhưng có lẽ đó là thói quen mới sau mốc lịch sử 1975 bởi trước đó chính tôi và những người cùng thời ở miền Bắc chả bao giờ lưu ý về điều này.
Miền Bắc những năm dài thiếu thốn, thứ gì cũng thiếu, thì quan tâm đến hạn sử dụng làm gì. Mà có lẽ không có loại sản phẩm nào ghi “đát”, bởi hình như nhà sản xuất không quan tâm, hoặc thấy không cần thiết. Hạt gạo, ký bột mì, cái bánh cái kẹo, cho tới viên thuốc cảm thuốc ho, tất tật đều do cửa hàng quốc doanh phân phối bán lẻ, nhiều thứ phải mua bằng bìa bằng sổ, có được là may, chứ ở đó mà săm soi hạn dùng. Gạo mọt thì đãi mọt, bột mì ẩm thì đem phơi, bánh mốc thì nướng lại, đường bị kiến thì hòa nước vớt ra, thuốc lá mốc sấy lại…, không bỏ bất cứ thứ hư hỏng nào.
Năm 1980 ông anh tôi đi học ở Liên Xô về mua làm quà cho thầy bu và các em thùng sữa đặc Liên Xô hiệu Moloko. Lần đầu tiên nhà tôi, một gia đình nông dân giàu sữa ngoại đến thế. Theo thói quen dè sẻn cũ, cứ cất kỹ để dành, kỹ quá đến nỗi… quên. Khi phát hiện ra hơn chục hộp hàng quý tồn kho thì chúng đã quá hạn cả năm trời. Hàng Việt Nam không có thời hạn, chứ hàng CCCP có. Bỏ đi thì tiếc, phí phạm của giời. Đó là chưa kể nhỡ ai trong làng mà biết nhà tôi đổ bỏ sữa thì họ chửi cho vuốt mặt chả kịp. Đục thử đôi hộp thấy vàng khè đông đặc, hơi mông mốc, dốc ngược cũng không rớt giọt nào. Ông anh tôi nếm, xua tay bảo không sao không sao, còn dùng được. Tuy nhiên phải cẩn thận. Người già, đối tượng phục vụ chính của sữa, bị loại. Sữa quá đát này chỉ dành cho bọn trẻ, khỏe và liều.
Nấu sôi sùng sục cho chết hết vi trùng. Anh tôi còn sáng kiến đem nấu chè, dùng sữa thay đường. Ăn cứ ghê ghê miệng, nhưng ráng. Bỏ thì tiếc, nhất là sữa, lại sữa Liên Xô. Cuối cùng hơn chục hộp sữa Moloko quá hạn cả năm cũng được xử lý xong. May mà không ai bị đau bụng đau bão, bị tào tháo đuổi. Có nhẽ mấy anh em tôi cao số, trời còn thương kẻ khó.
Năm 1977 tôi vào Sài Gòn nhận việc. Một trong những phát hiện về cuộc sống văn minh là thấy hàng hóa trong này có ghi ngày sản xuất và thời hạn sử dụng. Ấy là khi được phụ huynh trò lớp tôi dạy biếu thầy lọ cà phê bột và hộp bánh quy nhân dịp tết. Hàng do nhà máy ở Sài Gòn sản xuất. Tôi săm soi ngắm nghía, nói với thầy Vy người cùng quê, có nhẽ đây là sự khác biệt giữa văn minh và man rợ. Thầy Vy cười bảo, mày đã từng ăn cơm bằng cái bát mẻ, có những cái còn dính nguyên cả mảnh vỡ của chiếc khác, do nhà nước phân phối, thì nhận thức này có thể coi là cuộc cách mạng trong tư duy. Chỉ có điều man rợ, trong đó có chúng ta, đã chiến thắng. Đó là sự trớ trêu và bi kịch của lịch sử.
Sự chiến thắng ấy đã được chứng thực ngay sau đó. Những gì mà thày bu tôi, anh chị em tôi trải qua ở miền Bắc suốt bao năm, lại lặp y nguyên ở Sài Gòn, ở miền Nam, ở nơi đã từng văn minh. Chính quyền mới đã làm được điều vĩ đại theo cách của họ: Bắt văn minh phải trở thành man rợ. Gần hai thập niên sau cột mốc lịch sử 1975, hàng hóa của miền Nam không cần phải ghi đát, ghi hạn sử dụng nữa.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét