‘Cô gái vót chông’ không chỉ là hoa hậu và… ‘chông’!
Trân Văn
3-12-2021
Sự kiện cô Đỗ Thị Hà – Hoa hậu Việt Nam 2020 – biểu diễn nhạc phẩm “Cô gái vót chông” trên đàn T’rưng tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới 2021 đang diễn ra ở Puerto Rico đã trở thành một trong những chủ đề nóng của tuần này. Có một điểm đáng chú ý là đa số người sử dụng mạng xã hội không chỉ trích Hà vì gần như ai cũng biết, ở quốc gia XHCN như Việt Nam, Đỗ Thị Hà không thể tự chọn nhạc phẩm như “Cô gái vót chông”…
Đó cũng là lý do Trần Quốc Quân bình về chính – tà, quân tử – tiểu nhân, văn minh – man rợ (1): Trong phần thi tài năng, Hoa hậu Đỗ Thị Hà đại diện Việt Nam dự thi Hoa hậu Thế giới đang diễn ra tại đảo Puerto Rico, lãnh thổ hải ngoại thuộc Mỹ đã chơi đàn T’rưng bản nhạc “Cô gái vót chông” được sáng tác từ thời Việt Nam “chống Đế quốc Mỹ xâm lược”. Tuy Hoa hậu Việt Nam chỉ biểu diễn nhạc cụ nhưng bản gốc bài hát tuyền những lời “hờn căm”, “đanh thép” như:
“… Mỗi mũi chông nhọn sắc căm thù,
Xiên thây quân cướp nào vô đây,
Xiên thây quân cướp nào vô đây,
Còn giặc Mỹ cọp beo, khi còn giặc Mỹ cọp beo,
Em chưa ngừng tay vót chông và bủa vây,
… Ê quân xâm lăng gian ác bay muốn vào
Mũi chông sẵn sàng đây chờ bọn bay, diệt bọn bay…”
Với việc trình diễn bản nhạc “hào hùng” này, Hoa hậu Việt Nam đã lọt vào bán kết phần thi tài năng cùng Hoa hậu 26 nước khác. Tôi dẫn bản nhạc này trong bài viết hoàn toàn không có ý khen chê cô Hoa hậu Đỗ Thị Hà đã chọn “Cô gái vót chông”” trong phần thi tài năng mà tôi chỉ bày tỏ quan điểm:
Một là, nước Mỹ bao dung, vị tha, chả đếm xỉa gì đến nội dung bài hát “khát máu” trong quá khứ chiến tranh. Không một tờ báo nào, tổ chức nào, cá nhân nào của nước Mỹ lên tiếng về việc này. Quyền tự do cá nhân được tôn trọng tuyệt đối trên đất Mỹ, tất nhiên trong khuôn khổ pháp luật.
Hai là, nếu cuộc thi Hoa hậu Thế giới tổ chức ở Trung Quốc, thay vì chọn bản nhạc “Cô gái vót chông”, Hoa hậu Việt Nam lại chọn bản nhạc “Chiến đấu vì độc lập tự do” được phát sóng ngày 20/2/1979, bốn ngày sau khi Trung Quốc phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam để thể hiện trên cây đàn T’rưng ở phần thi tài năng, trong đó có những lời cũng “hào hùng” không kém:
“Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới. Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ, trên khắp dải biên cương… ” thì dư luận, báo chí nước chủ nhà Trung Quốc sẽ phản ứng quyết liệt như thế nào và sự can thiệp trắng trợn của nước chủ nhà vào việc trao giải ra sao? Tôi không cần viết trắng ra hậu quả thì ai cũng biết.
Ba là, nếu cuộc thi Hoa hậu thế giới diễn ra ở Trung Quốc, các nhà quản lý văn hóa Việt Nam có dám duyệt bản nhạc không lời “Chiến đấu vì độc lập tự do” cho Hoa hậu nước ta biểu diễn trong phần thi tài năng không?
Qua việc nho nhỏ này mới thấy: Đâu chính đâu tà, đâu quân tử đâu tiểu nhân, đâu văn minh đâu man rợ, nhỉ.
Từ sự kiện Đỗ Thị Hà biểu diễn “Cô gái vót chông”, nếu Trần Quốc Quân đem Mỹ so với Trung Quốc thì Nguyễn Tuấn đem Mỹ so với Việt Nam (2): Phải tìm hiểu một lúc tôi mới biết tại sao người ta bàn tán việc cô hoa hậu đánh đàn T’rưng bài “Cô gái vót chông” ở Mỹ trong lúc Mỹ tài trợ cho Việt Nam hơn 25 triều liều vaccine.
Các bạn có thể nghĩ ra một chữ tiếng Anh để mô tả hành vi của cô ấy? Tôi nghĩ chữ ‘tasteless’ có lẽ thích hợp nhứt. Tasteless có nghĩa là vô vị nhưng tôi nghĩ, hiểu theo nghĩa “nhạt nhẽo” thì đúng với văn cảnh hơn. Một danh từ khác liên quan với tasteless là vulgar, có thể hiểu là vụng về. Hành vi của cô Đỗ Thị Hà có thể xem là nhạt nhẽo và vụng về về văn hoá.
Dĩ nhiên, nhạt nhẽo và vụng về ở đây không phải là cách cô ấy chơi đàn, có người khen là cô ấy đã luyện tập khá lâu. Nói cách khác, cô ấy chơi đàn chỉ là một cách trình diễn thôi, chớ không phải thực tài hay sở trường của cô ấy. Điều đáng nói là người ta chọn một bài ca man rợ thời chống Mỹ cho một màn trình diễn mang tính văn hoá! Lựa chọn đó, ngay cả những người chỉ đạo cho cô ấy diễn cũng không thấy thoải mái khi giải thích trong lúc Mỹ là nước tài trợ nhiều vaccine nhứt cho Việt Nam.
Có lẽ những người đằng sau cô ấy nghĩ rằng đó chỉ là màn chơi đàn (vì cô ấy không ca hát gì cả) nên khán giả Mỹ chắc chẳng ai biết hay để ý. Hi vọng họ không nghĩ vậy. Nếu họ nghĩ vậy là họ xem thường người Mỹ quá. Họ tưởng rằng ở Mỹ không có người biết nói tiếng Việt? Họ có nghĩ đến cộng đồng hai triệu người Việt ở Mỹ đóng thuế để chánh phủ Mĩ có tiền đem tặng vaccine cho Việt Nam, để rồi bị cho “thưởng thức” một bài ca… chửi Mỹ. Đó là tasteless vậy.
Mà, cô ấy không phải là người đầu tiên đem một tác phẩm văn nghệ để chửi Mỹ. Trước cô ấy có ông Phạm Quang Nghị (lúc đó là một ứng viên sáng giá cho chức Tổng bí thư) cũng từng có hành vi như thế với ông John McCain. Trong một lần viếng thăm chánh thức Mĩ, ông Nghị tặng cho ông McCain bức hình chụp tấm bia ghi lại sự kiện máy bay ông McCain bị bắn rơi và ông bị bắt sống tại hồ Trúc Bạch. Điều đáng kinh ngạc là trong tấm bia/hình đó có câu: “NGÀY 26 10 1967 TẠI HỒ TRÚC BẠCH QUÂN VÀ DÂN THỦ ĐÔ HÀ NỘI BẮT SỐNG TÊN JOHN SNEY MA CAN THIẾU TÁ KHÔNG QUÂN MỸ LÁI CHIẾC MÁY BAY A4 BỊ BẮN RƠI TẠI NHÀ MÁY ĐIỆN YÊN PHỦ […]”
Bỏ qua những cái sai hiển nhiên về tên ông McCain và sai quân chủng, tấm bia đó dùng chữ “TÊN”! Đó là một cách dùng chữ miệt thị. Thật không hiểu sao ông ấy lại đi tặng một bức hình như thế! Khi nhận tấm hình, ông McCain nói: “Tôi cảm thấy không thể hài lòng (người phiên dịch đã dùng một từ khá mạnh là “bị xúc phạm”). Ngài có biết không, tôi là thiếu tá hải quân chứ không phải là thiếu tá không quân. Tôi thuộc lực lượng không quân của hải quân. Các ngài đã ghi vào tấm bia này không đúng”.
Nên nhớ rằng ông John McCain là một tù binh ở Hà Nội nhưng ông cũng là người tích cực vận động Chánh phủ Clinton bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Có thể nói ông McCain là một người bạn của Việt Nam. Thế nhưng Việt Nam lại đối xử với một người bạn bằng bức hình sỉ nhục như thế! Hành vi tasteless của cô Hà và những người dàn dựng cho cô ấy chửi Mỹ chỉ là một hình thức của lịch sử lặp lại. Người Mỹ có câu “With friends like you, who needs enemies” (với bạn bè như anh, ai cần kẻ thù).
***
Bên cạnh rất nhiều những ý kiến tương tự như nhận định của những Trần Quốc Quân, Nguyễn Tuấn trên mạng xã hội, còn có một số người cố gắng lý giải tại sao lại thế. Theo Tuấn Khanh, sự kiện tréo ngoe này là ví dụ minh họa rõ nét nhất cho… mối quan hệ vật vã của chính quyền Việt Nam với Mỹ: Thích nhích lại gần Mỹ nhưng miệng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận nước Mỹ. Vừa chạy tới với Mỹ, ngợi ca sự phát triển quan hệ ngoại giao giữa hai bên, vừa chửi bới chống Mỹ ở trong nước (3).
Vương Liễu Hằng thì cho rằng: Nếu nhìn tổng thể, ta sẽ thấy đang tồn tại kiểu “cư xử vót chông”, ngây ngô, kệch cỡm và đầy tính hình thức. Chẳng hạn người đứng đầu TP.HCM đã khiến dân chúng hết hồn khi kêu gọi… thi đua kéo giảm F0 lúc dịch đang lan rộng. Ví dụ khi dây đang giăng khắp chốn, bộ đội và đoàn viên vẫn rần rần kéo nhau vào các khu lao động để rủ thiếu nhi rước đèn mừng… Trung Thu. Mới đây, khi tổ chức tưởng niệm những người mất vì COVID-19 vẫn ráng phân định “đồng bào và chiến sĩ”, “hi sinh và tử vong”, vô hình chung khiến người “tử vong” thấy tủi. Khi nào căn bệnh thành tích và những hô hào giả tạo còn ngự trị thì chúng ta sẽ vẫn còn thấy nhan nhản kiểu ” cư xử vót chông”, không việc gì phải ngạc nhiên hay đặt vấn đề về não trạng(4).
Chú thích
(1) https://facebook.com/story.php?story_fbid=679176283047666&id=100028659014107
(2) https://facebook.com/story.php?story_fbid=1369516860162294&id=100013119784675
(3) https://nhacsituankhanh.com/2021/12/02/co-gai-vot-chong-hay-la-hoi-chung-kho-dam-viet-my/
(4) https://www.facebook.com/lieuhang.vuong.9/posts/620661185641788
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét