Rừng – Người – Và nước Việt
10-2-2021
Hai ngày cuối năm mưa như trút, tối cả nhà ngồi nấu bánh, nghe bố kể chuyện những năm 70-80 đi rừng đốn gỗ…
Khoảng 10 năm ròng, đói khổ quằn quại, từ lúc bố mẹ chưa lấy nhau đến khi chúng tôi còn bé xíu, những thanh niên trai tráng trong làng cứ ròng rắn lên rừng Yên Mỹ “đi gỗ”, đã biến một cánh rừng nguyên sinh, xưa gọi là Rừng lim, thành bãi đất hoang.
Bố nói, lên nhìn cánh rừng mênh mông với những cây lim, cây sến vài người ôm tưởng như không cách chi mà đốn hết được, thế mà loáng cái, mươi năm đã không còn thấy màu xanh nữa…
Người tứ phương, cơm đùm cơm nắm, đổ về rừng như đi hội, là hình ảnh của một đại công trường. Mỗi chuyến như vậy, từng đội 4-5 người, gần thì mươi cây số, xa thì phải tới 50 cây, đạp xe đạp thồ lên, ăn ngủ trong rừng và cưa, chặt, xẻ rồi chất lên xe, lên thuyền nan theo đường bộ đường sông xuôi về.
Bố nói, xưa, quãng sông trước cửa nhà tôi bây giờ là cả một bến thuyền bạt ngàn, gỗ củi được đưa về đây tập kết và bán đi. Mỗi chuyến đi rừng khoảng 5-7 ngày trở về với những phiến gỗ mặt rộng hơn sải tay chỉ bán đủ tiền mua mươi cân gạo. Rừng đã được đổi lấy gạo chống đói một cách rẻ mạt như thế.
Tôi hỏi bố, thế nhà nước có cấm không, mình có phải lén lút không? Bố cười, cấm gì, đi như đi hội, ai khỏe thì đốn được nhiều. Nhà nước thì khai thác ở cánh rừng bên cạnh, cây to và nhiều gỗ quý hơn..
Nóng ruột, tôi lên Google search “rừng Yên Mỹ”, không thấy kết quả gì, lại gõ “rừng Yên Mỹ những năm 80 / rừng Yên Mỹ sau giải phóng…”, một hồi càng không tìm thấy kết quả nào.
Đến nay, theo báo cáo, rừng ở VN vẫn tiếp tục giảm. Xưa là phá rừng tự phát hoang dã, nay núp dưới nhiều danh nghĩa hợp pháp mĩ miều.
Năm ngoái, giao thừa mưa đá, năm nay giáp tết mưa rào. Nhiều người nói đó là “điềm báo”, sự trừng phạt của thần thánh… Tôi thì không tin như vậy, những thiên tai liên miên làm trôi nhà mất mạng, gây tang tóc lầm than cho nhân dân chính là tạo tác từ bàn tay con người. Đó chỉ là “quả báo” từ sự “tạo nghiệp” của một nhân dân đói khổ vô minh và một chính quyền ngu dốt tham tàn.
Đây không phải là câu chuyện của quá khứ. Nó vẫn đang ở thì hiện tại. Không phải chỉ đối với rừng, mà là tất cả, từ sông ngòi, biển cả, ruộng đồng… Một bức tranh của sự “phát triển” bong bóng dưới hình thức “tự ăn mình” đang giúp 1 chính quyền lên đồng về sự “sáng suốt, thiên tài, ưu việt…” của nó.
***
Sáng nay trời đã tạnh, nắng vàng rực rỡ. Mong những ngày tết sẽ bình an đi qua. Mong vậy, dù biết đó cũng chỉ là một sự rủi may tình cờ. Nếu không có được một chính quyền được lập nên từ thể thức dân chủ để kiến thiết xã hội và kiến tạo văn hóa thì sự chờ mong ấy cũng chỉ là một loại mê tín dị đoan.
Mà muốn có dân chủ, trước tiên người dân phải có năng lực làm ông chủ đã. Để có năng lực ấy, Phan Châu Trinh đã cả quyết “Chi bằng học”…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét