Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 27 tháng 2, 2021

Những khoảnh khắc kỳ lạ (Phần 1)

 

Những khoảnh khắc kỳ lạ (Phần 1)

Trong đời cầm bút, tôi đã trải qua khá nhiều khoảnh khắc kỳ lạ. Sau mỗi khoảnh khắc ấy thường là một ý tưởng nào đó bỗng nhiên hiện ra để rồi bắt đầu quá trình hình thành một tác phẩm. Một vài tác phẩm suýt gây họa cho tôi. Tuy nhiên, khi nghiệm lại thì thấy đa phần những khoảnh khắc như vậy giống như ân sủng! Tôi không biết dùng từ nào khác.

Tôi xin kể một vài khoảnh khắc như vậy, những khoảnh khắc thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi, chỉ để mua vui bạn đọc và thay cho hy vọng về một năm mới không có những thảm họa động trời (cả thiên tai và nhân tai); thay cho lời cầu mong mưa thuận gió hòa, lòng người bình yên, để chúng ta có đủ sự thanh thản bàn chuyện văn chương chữ nghĩa. Tất cả có 5 phần, phần cuối là nói về khoảnh khắc hình thành nên tiểu thuyết Đất mồ côi.

1- TRONG MỘT ĐÊM ĐEN KỊT

Vì mâu thuẫn, chủ yếu về quan điểm, bố và tôi biệt nhau gần mười năm. Từ Hòa Bình, tôi vào bộ đội, đóng ở Lào Cai mà ông không hề biết. Nhưng rồi trong thời gian tôi tại ngũ thì ở nhà bố bị tai nạn lớn, bắt buộc tôi phải trở về để một mình chống lại mafia và tôi đã thắng. (Nếu tôi không trở về, chắc chắn bố tôi bị đẩy ra tòa và chắc chắn ông sẽ vỡ tim ngay trong phiên xử).

Nhưng trong đại họa có đại phúc: Chính vì tai họa trời giáng đó mà bố và tôi làm cuộc đại hòa giải và sau chục năm biền biệt, tôi lại trở về cái làng đầy thù hận của mình. Kẻ đáng chết nhất với tôi hồi trẻ, giờ đây là một ông già bệnh tật, bị con cái ruồng bỏ. Hẳn ông đã nhìn thấy tất cả sự đáng sợ hiện hình ngày một rõ ngay trước mắt, mỗi khi màn đêm đen kịt buông xuống. Thêm vào cái hình ảnh của tôi, kẻ đã từng thề nếu không giết được ông khi quay về làng sẽ không đáng làm người, càng khiến ông cứ như bẹp gí xuống mỗi khi lê lết ra ngoài vì nhu cầu cá nhân.

Tôi đã gặp ông trong cái hình ảnh thê lương và đầy tính nhân quả ấy: Ông vừa lết vừa nhấc theo gầu nước, trên đường về nhà. Nó bỗng khiến tôi nghĩ về kiếp con người, về làng quê, về đất nước và rộng hơn, về thế giới này, cũng bằng những ý nghĩ thê thảm. Mấy chục năm hoá ra chẳng nhiều như ta vẫn tưởng.

Hình ảnh gã đội trưởng đểu cáng, độc ác, thù hận, đầy kiêu ngạo, hống hách, phách lối tự cho phép mình làm bất cứ việc gì và làm tình làm tội gia đình tôi hơn chục năm trước, bỗng trở nên hài hước hơn là đáng ghét. Cũng là do sự vô minh mà ra.

Và trong những hành động tàn bạo của ông ta với chúng tôi, thì gần một nửa có nguyên nhân từ bố tôi. Tôi bỗng muốn cười phá lên bởi cái lời thề độc năm nào, khi tôi còn bé, gầy còm, ốm yếu vừa khóc thầm vừa bóp muốn gẫy những ngón tay xoắn vào nhau vì bất lực, trong khi ông ta giống như một gã khổng lồ vũ khí đầy mình. Giờ đây ông đang nhìn tôi từ phía dưới lên. Hình bóng tôi lờ mờ trong ký ức của ông. Cho đến khi ông nhoẻn cười, nụ cười của người biết mình cùng đường còn kẻ thù thì hùng mạnh gấp bội.

Tôi biết trong đầu ông, cái đầu óc chỉ mải thù hận mà thành u tối, đang nghĩ gì. Tôi không muốn ông bị hành hạ lâu hơn, bèn cúi xuống nhấc bổng cái gầu nước ấy lên, bằng sức lực của gã trai còn trẻ, đi về đặt vào túp lều của ông dựng cạnh ngôi nhà một thời giống như sào huyệt của quỷ sứ, nay thuộc về gã con trai bạc ác. Ông không nói gì, chỉ nhìn, bằng ánh mắt cầu xin sự tha thứ. Tôi cũng bỏ đi ngay, vì không chịu nổi sự van xin kiểu ấy. Giá như mấy chục năm trước, ông ta biết, bố tôi biết, những người đã nằm dưới mồ biết điều gì quan trọng với mỗi đời người, hẳn chúng tôi đã không ghét bỏ nơi chôn nhau cắt rốn của mình lâu đến thế.

Tuy nhiên, bố tôi thì không nghĩ thế. Ông có lý do để không tha thứ cho kẻ thù của mình. Vì thế, những việc làm của tôi không lọt qua mắt bố và ông phản ứng không cần giữ kẽ: “Tôi cấm anh bôi gio trát trấu vào mặt tôi. Ở cái làng này, sự tử tế là cách tự sát nhanh nhất”.

Tôi không muốn lại gây ra thêm một cuộc chiến tranh với bố. Nhưng tôi cũng muốn mọi thứ phải hạ màn. Vở kịch có quá nhiều màn giả tạo với toàn vai quỷ sứ diễn thế đủ chết khiếp rồi. Lần đầu tiên tôi nói với bố: “Họ cũng đáng thương như bố con mình. Họ rất đáng thương bố ạ.” Dĩ nhiên tôi nói thì cứ việc nghe. Nhưng tôi không chỉ nói. Tôi đã nghĩ đúng như thế.

Một buổi tối trời đen kịt, tôi nằm nghe ếch nhái kêu uôm uôm. Tôi bỗng có liên tưởng hình như đó là tiếng kêu buồn bã của những hồn ma, suốt từ khi có cái làng này, có cái dòng họ này. Nó biến tôi tức khắc thành cái gạch nối: Giữa bóng tối và ánh sáng; giữa thù hận và yêu thương; giữa khổ đau và khổ đau tột cùng; giữa những người đã chết-đúng ra là biến mất-với những người sắp chết, đang chết, chưa sinh ra. Tôi sẽ phải hàn gắn mọi sự nham nhở mà cuộc tương tàn để lại. Chính là tôi sẽ phải bước những bước đầu tiên vượt qua thù hận.

Những gì mà số phận sắp đặt, chính là cho tôi có một đêm bừng ngộ để cảm nhận thấy tất cả những điều đó. Trời ạ! Đúng là tôi đã kêu lên, đau đớn và sung sướng – vậy mà mình cứ mò mẫm đi tìm ở tận đâu. Những gì mà một vũ trụ tạo ra, để từ đó tôi có thể tạo ra một vũ trụ theo cách của mình, đã có sẵn với tôi từ khi tôi chưa chui ra khỏi bụng mẹ.

Tôi không thể mô tả lại cảm giác tất cả “bỗng rực sáng” trong tâm trí tôi. Chỉ biết rằng tôi đã bật trở dậy, như hành động không thể kìm hãm hơn nữa, vớ cái vỏ bao thuốc lá, viết lên đó mấy chữ tóm tắt chủ đề của một truyện ngắn vừa nảy ra trong đầu. Sau hơn một năm không viết dòng nào, tôi bỗng tìm lại được cảm hứng viết lách, với một tư duy và chiều sâu hoàn toàn khác. Tôi tiếp tục triển khai ý tưởng về truyện ngắn đó trên vỏ bao thuốc thứ hai, bằng cái bút chì. Rồi vỏ bao thứ ba. Những chữ viết ngang, viết dọc kín đặc khiến tôi phải sử dụng thêm cả một tờ lịch nhỏ. Có những đoạn đối thoại rồi sẽ được tôi sử dụng nguyên xi. Sau đó tôi cứ nằm nghe tiếng nỉ non của đêm đen mà không sao ngủ được. Tâm hồn tôi vừa đón nhận một cái gì đó vô cùng to lớn, vô cùng sống động, vô cùng sâu sắc, vô cùng nhân hậu.

Tôi muốn ngồi xuống bàn để có thể viết ra những cảm xúc của mình. Nhưng tôi đành chỉ nằm chờ sáng. Cả một ký ức dằng dặc sống lại khiến có lúc tôi ngộp thở. Tôi biết là mình sắp lao vào một cuộc đời mới, đầy ân sủng. Tôi thấy lại sự dào dạt của biết bao nỗi niềm tưởng đã bị vùi kín xuống đáy lòng. Sau này trong một bài trả lời phỏng vấn tôi đã nói, đại ý tôi có một cái làng đủ là một quốc gia, một thế giới và một vũ trụ! Tôi đã bỏ rơi nó, nhưng may thay, ở đúng thời điểm quan trọng nhất trong cuộc đời, tôi đã tìm lại được.

Truyện ngắn đó sau này khi đăng báo Văn Nghệ có cái tên là “Lũ vịt trời”, với nhân vật LÃO KHỔ mà rồi sẽ tiếp tục làm nhân vật chính của tiểu thuyết cùng tên xuất bản năm 1992. Đó cũng là truyện ngắn mở đầu giai đoạn viết mới của tôi. Tôi hoàn toàn bỏ lại những gì dày công viết trước đó, về Thủy điện Hòa Bình, kể cả cuốn tiểu thuyết 300 trang tôi viết dưới căn hầm dã chiến ngay sát bờ biên, tại thị xã Lào Cai năm 1986.

(Còn nữa)

_______

Bìa Lão Khổ, in lần đầu do cố họa sỹ Hoàng Hồng Cẩm vẽ. Ông đã về nhà tôi, đã ngồi uống rượu với bố tôi. Khi vẽ bìa, ông đã cố gắng bám sát khuôn mặt bố tôi ở những nét khổ đau. Cuốn tiểu thuyết này bị cấm tái bản 12 năm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét