Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Ai vì tiền?

 

Ai vì tiền?

Mạc Văn Trang

24-2-2021

Chuyện dư luận viên (DLV) bịa đặt bôi nhọ, vu khống những người phản biện xã hội là “kiếm tiền”, “kiếm thẻ ra nước ngoài”, “phá hoại đất nước”… không nói làm gì, vì họ ăn lương để làm việc đó. Đáng trách là nhiều người dân thường cũng nghe theo DLV, tưởng đó là thật.

Hồi tháng 3/2020, tôi dẫn Kim Chi về quê giỗ họ, vừa bước vào nhà, bà chị dâu hớt hải: Chú về không sợ công an bắt à? Nó về phổ biến ông Mạc Văn Trang viết báo, trả lời đài nước ngoài, nói xấu dân làng Vũ La chống chính sách thu hồi đất của Đảng và Nhà nước để kiếm đô la…

– Thế dân làng có tin không? Chị có tin không?

– Thì trên tỉnh người ta về phổ biến, dân biết gì mà không tin. Dân làng cứ xì xầm lan truyền như thế, nhiều người cũng tin đấy…

Một ông bạn từ thời chăn trâu gặp tôi, nhìn trước nhìn sau, rồi bảo: Chết chết! Bài báo ông viết về Cướp đất ở làng Vũ La, bọn trẻ nó phô tô, lan truyền ra khắp làng… Ông lại còn trả lời đài địch nữa…

– Đài địch là đài nào?

– Đài BBC chứ còn đài nào! Tôi hỏi thật, được nhiều tiền không mà dám làm những chuyện đó?

(Quả thật hôm đó có một ô tô và 2 xe máy của công an về đỗ ở ngoài sân Đình, mấy nhân viên an ninh mặc thường phục đứng ngồi, lố nhố, đi đi lại lại bên ngoài, trong khi cả họ nhà tôi ăn cỗ trong nhà.

Cả ngày hôm đó, tôi dẫn Kim Chi đi đâu họ cũng bám theo ở khoảng cách có thể theo dõi, nhưng không đến gần hỏi chuyện. Thì ra công an về không phải để kiểm soát tôi và Kim Chi mà chỉ để dọa nạt dân làng).

Rồi hôm 27 Tết vừa rồi, thằng cháu vẫn đọc Facebook của tôi, đến chúc Tết, cũng hỏi, bài của bác đăng trên Facebook, báo nước ngoài lấy đăng có được trả tiền không?

Cái tâm lý của dân ta bây giờ đặc sệt một thứ suy nghĩ: AI LÀM BẤT CỨ VIỆC GÌ CŨNG CHỈ VÌ TIỀN! Quả là phương thức đào luyện “con người XHCN” của Đảng Cộng sản và toàn hệ thống chính trị bao năm qua đã thành công mỹ mãn. Nguyên lý CHÍNH QUYỀN NÀO THÌ NGƯỜI DÂN ẤY đã được minh chứng!

Người dân nhìn vào các quan chức từ thôn, xã, đến trung ương thì rõ: Lương ba cọc ba đồng, TIỀN đâu ra mà quan chức nào cũng xe hơi nhà lầu, cuộc sống xa hoa? Chỉ có cách “Ăn của dân không chừa thứ gì”, như lời bà Nguyễn Thị Doan, lúc làm Phó Chủ tịch nước đã khái quát. Hay như lời một cựu chiến binh quê tôi nói: Xã này bây giờ chả ai lãnh đạo cả, TIỀN nó lãnh đạo tuốt!

Còn người dân muốn bất kỳ một dịch vụ nào cũng cứ phải sẵn phong bao: Khai sinh, khai tử, xin hộ khẩu, đưa con đến trường, đưa con vào bệnh viện, gặp cảnh sát giao thông, xin việc … Và hàng ngày họ phải chứng kiến biết bao nhiêu cảnh “Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”!

Hình như từ những năm 2000 đã nghe tấu hài: “TIỀN là Tiên là Phật, là sức bật của tuổi trẻ, là sức khoẻ của người già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng của vua quan, là cán cân của công lý, ôi! Tiền là hết ý“!

Tiền rất quý, nếu làm ra từ lao động lương thiện chứ không phải làm bất cứ việc gì để có tiền, nhất là những việc hại dân, hại nước.

Tài thật, lý thuyết xây dựng CNXH là: Một xã hội không còn người bóc lột người, người với người là bạn, con người bình đẳng, tự do, nhân ái vươn tới lý tưởng cao đẹp… cuối cùng lại tạo ra rặt những con người chỉ nghĩ đến TIỀN, chỉ biết VÌ TIỀN!

Nhưng mặt khác lại phải thấy, một xã hội bị các tà thuyết và cái cơ chế quái đản làm đảo lộn, nhào nặn, chà xát khủng khiếp bao nhiêu năm như thế mà bản năng yêu nước, thương dân, TÌNH NGƯỜI của dân ta vẫn ngầm chảy trong lòng dân tộc; mỗi khi gặp phải tai hoạ thì nguồn năng lượng tiềm ẩn đó lại tự phát bùng lên, đem đến sự an ủi và niềm hy vọng…

Cũng như đất nước mình, bị chiến tranh rồi các loại tặc tàn phá thảm khốc bao nhiêu năm mà vẫn còn rất đẹp; đạo lý của xã hội này bị đào bới, tẩy xóa, tàn phá mấy thế hệ mà vẫn còn gốc gác từ trong lòng dân. Đó mới là hồng phúc của dân tộc!

Trên nền tảng của mạch nguồn dân tộc đó bao giờ cũng xuất hiện một tầng lớp hay những cá nhân vượt lên trên lẽ sống của “phường giá áo túi cơm”, trên bản năng sinh tồn cơm áo của số đông và trên lối sống an phận của một bộ phận xã hội không nhỏ. Không có những người lên tiếng “phản biện” thì “xã hội chết lâm sàng”, như nhiều người đã nói.

Lịch sử cận đại cho ta thấy những Nguyễn Trường Tộ, Phan Bội châu, Phan Chu Trinh và bao nhiêu nhân sĩ, trí thức đã dấn thân vào con đường thức tỉnh dân tộc, con đường cách mạng. “Con hơn cha, nhà có phúc”. Những thế hệ sau này và ngày nay xã hội đã hoà vào thế giới văn minh, con người đã phát triển mọi mặt hơn các thế hệ trước, tất yếu sẽ có nhiều “Nguyễn Trường Tộ”, nhiều “Phan Bội Châu”, “Phan Chu Trinh” … hơn chứ? Đó là những người yêu nước, thương dân, khát khao canh tân đất nước. Phần lớn họ đã vượt qua được sự cám dỗ của tiền bạc, danh vọng, sự sợ hãi cường quyền, chỉ muốn đóng góp cho đất nước những điều nung nấu trong tâm can.

Tôi may mắn đã được gặp gỡ, chia sẻ suy tư với nhiều người như thế: Phạm Toàn, Nguyễn Quang A, Chu Hảo, Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan, Lê Đăng Doanh, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Đình Cống, Nguyễn Huệ Chi, Nguyễn Khắc Mai, Trần Văn Thuỷ, Tương Lai, Hoàng Hưng, Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm) … Gần đây tôi mới gặp gỡ với anh Lê Thân và các anh chị trong CLB Lê Hiếu Đằng, tôi thấy họ cũng vậy. Đặc biệt phải nói đến tấm gương tiêu biểu, Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 104 tuổi, Cụ vẫn viết bài phản biện cuối cùng: Không thể để cho Trung quốc làm đường cao tốc Bắc – Nam, đúng với phương châm sống của Cụ: “Còn hơi còn sức còn lên tiếng/ Là muốn quyền uy bớt lỗi lầm“…

Năm 2017, lần đầu tiên tôi có tham dự cuộc Gặp gỡ Mùa hè của nhóm trí thức trong nước và ở nước ngoài, họp tại Budapest Hungary với chủ đề: Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay và những khuyến nghị… Những người tham gia Hội thảo đến từ trong nước, từ Mỹ, Úc và nhiều nước châu Âu. Tất cả họ đều tự bỏ tiền túi ra và các báo cáo không có tiền. Nhưng những bài trình bày, những vấn đề tranh luận, toàn là việc bàn thảo ích nước lợi dân…

Tôi có hỏi, sao Hội thảo hay thế này mà không làm ở trong nước cho đông đảo trí thức và quan chức tham gia? Anh Chu Hảo cho biết, trước đây đã 2 lần tổ chức ở trong nước, nhưng sau đó “trên” sợ vấn đề “nhạy cảm” nên không cho tổ chức nữa.

Hỏi chuyện, tôi được biết anh Nguyễn Ngọc Giao từng làm phiên dịch tình nguyện không công cho phái đoàn ông Xuân Thuỷ, Lê Đức Thọ ở Paris năm 1972 là một trong những người chủ chốt tổ chức Hội thảo, đã không được về Việt Nam mấy năm. Anh bảo năm nay họ đồng ý cho về, nhưng yêu cầu không được gặp người này, người nọ… Họ làm mất tự do như vậy, mình về làm gì!

Anh Vũ Quang Việt, chuyên gia kinh tế từng làm Vụ trưởng Vụ Tài khoản Quốc gia thuộc Cục Thống kê Liên Hợp Quốc, khi anh hết nhiệm kỳ ở đó, Trung Quốc mời anh làm chuyên gia, nhưng anh từ chối. Anh có nhiều bài viết đóng góp về phát triển kinh tế Việt Nam, nhưng lại không được mời làm tư vấn cho chính phủ Việt Nam…

Tất cả những người tôi nêu tên ở trên và rất nhiều người nữa đã ở vào tuổi U80 – U90, lực bất tòng tâm rồi. Nhưng lại xuất hiện thế hệ U40, U50, U60 họ có tư duy mới, kiến thức sâu rộng, ngoại ngữ giỏi, IT thành thạo đầy nhiệt tình yêu nước trong sáng, sức sống mạnh mẽ và lòng can đảm. Họ là những Trần Huỳnh Duy Thức, những Phạm Đoan Trang … Họ thực sự là vốn quý của dân tộc.

Một chính quyền nếu thực sự đặt quyền lợi của đất nước, của nhân dân trên hết thì phải coi lực lượng đó là nguồn lực quan trọng, cần trọng dụng khai thác…; một chính quyền coi lực lượng ấy là “bất hảo”, là “Thế lực thù địch” thì hẳn là họ coi quyền lợi của phe nhóm trên hết, chẳng khác gì băng đảng mafia!

Ví dụ trường hợp cá nhân mình, thực sự tôi không dám so sánh với những người nói trên, vì tôi “giác ngộ” muộn và nhát. Nhưng xin nói mấy điều để bà con trong xóm làng và mọi người hiểu rõ.

1. Việc trả lời đài, báo vốn là “nghiệp” của tôi từ những năm 70 – 80 thế kỷ trước cho đến nay. Trước đây mục “Giáo dục”, “Thanh Tâm” của báo Phụ nữ VN hay mục “Tâm giao” của báo Phụ nữ Hà Nội thường gửi cho những câu hỏi và yêu cầu tôi viết trả lời. Có khi được tiền, có khi không. Sau này phóng viên các báo, đài hay phỏng vấn, trước còn đôi khi có tiền, sau này không tiền. Tôi luôn vui vẻ trả lời.

Bây giờ vẫn trả lời thường xuyên những cầu hỏi đủ loại từ người nghiện ma tuý, cha mẹ HS, HS chọn nghề, PV hỏi về các hiện tượng tiêu cực trong giáo dục, chuyện muốn ra đảng, chuyện thời sự, xã hội… Ai hỏi gì, không biết thì không nói, cái gì biết thì đều trả lời, mà không quan tâm họ là ai… Tôi nhớ Đức Phật có nói, người có của thì thí TÀI, ta không có tiền của thì thí PHÁP. Đó cũng là gieo phước. Tôi làm việc đó như “thí pháp” một cách hoan hỉ, không bao giờ nghĩ đến tiền.

2. Tôi có thẻ định cư ở Ba Lan từ 2010 do con rể làm cho. Nhưng hai vợ chồng ở mấy tháng thì về nước, rồi bỏ hết hạn. Năm 2017 tôi sang Ba Lan, con lại làm cho thẻ định cư. Người già ở Ba Lan được hưởng nhiều quyền lợi lắm. Con muốn tôi ở BaLan để khi ốm đau, chữa bệnh không mất tiền và tiện chăm sóc, nhưng tôi ở một năm lại về. Tôi thích được sống cùng đất nước và nhân dân mình, dù có khó khăn, nguy hiểm…

3. Tôi có 2 lần gặp Đại sứ EU tại Việt Nam. Gặp Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Bruno Angelet vào giữa năm 2019 tại nhà riêng. Lúc đó đang có chuyện “Thẻ vàng” với xuất khẩu hải sản của VN sang EU. Tôi có nói, nên bỏ “thẻ vàng” đi, hãy thương ngư dân VN. Ven biển VN thì ô nhiễm do Forrmosa; ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa bị Trung quốc quấy phá. Họ phải đánh bắt xa hơn và dễ bị xâm phạm hải phận mấy nước lân cận… Nên thương ngư dân…

Về Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), tôi có nói, cái này hay quá, cần lắm, giúp Việt Nam phát triển kinh tế và càng bớt phụ thuộc vào Trung quốc chừng nào tốt chừng ấy…

Hồi tháng 10/2020 ông Giorgio Aliberti – Đại sứ EU tại Việt Nam có gặp tôi tại Sài Gòn. Về vấn đề xuất khẩu hải sản và Hiệp định EVFTA tôi cũng nói như nói với Đại sứ Bruno Angelet. Tôi có nói thêm, các điều kiện của Hiệp Định, VN sẵn sàng OK, nhưng ký rồi phải giám sát thật chẽ, vì VN rất hay nói một đằng làm một nẻo, chẳng hạn vấn đề đảm bảo môi trường, vấn đề nghiệp đoàn độc lập… Nhưng nếu họ thực hiện chưa đúng thì cần phát hiện ngay và cho “thẻ VÀNG” cảnh cáo kịp thời. Đừng để mắc lỗi lớn rồi cho “thẻ ĐỎ”, vì “thẻ đỏ” dừng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống của hàng vạn người lao động, ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế nói chung.

Ảnh: Đại sứ Giorgio Aliberti gặp Mạc Văn Trang tại Sài Gòn ngày 30/10/2020

Về vấn đề Dân chủ, Nhân quyền tôi cũng nói: Các ông chả can thiệp trực tiếp vào nội bộ Việt Nam được, nhưng lên tiếng mạnh mẽ cũng rất tốt. Các ông nên có Luật gì đó như áp dụng Luật Magnitsky đối với các cá nhân nào gây tội ác về Dân chủ, Nhân quyền, như đàn áp dân oan, tra tấn tù nhân, chủ doanh nghiệp đàn áp công nhân… Trừng phạt CÁ NHÂN thì không ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội nói chung mà cũng có tác dụng tích cực…

Tất nhiên tôi cũng biết những cuộc tiếp xúc như vậy chả có tác dụng trực tiếp gì đâu, nhưng họ có nhu cầu mà mình cũng có nhu cầu hiểu biết lẫn nhau thì trao đổi vô tư hướng đến những điều tốt đẹp là cần thiết.

4. Gặp các vị Đại sứ này cũng như nhiều lần gặp công an tôi đều nói: Tôi không phải nhà hoạt động, nhà dân chủ, nhà đối lập… gì cả. Tôi chỉ là một nhà giáo, một công dân yêu nước, có trách nhiệm xã hội, muốn được tự do suy nghĩ, tự do biểu đạt, thực hiện những quyền con người đã được long trọng ghi trong Tuyên ngôn Độc lập 1945 và Hiến Pháp Việt Nam (2013).

Lương tri, Danh dự của một Công dân chân chính, một trí thức còn cao hơn tiền bạc, Thẻ định cư và nỗi sợ hãi đê hèn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét