Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2021

Một góc nhìn về tranh luận trên mạng tại Việt Nam

 

Một góc nhìn về tranh luận trên mạng tại Việt Nam

Luật Khoa

Lê Nguyễn Duy Hậu

24-2-2021

Để tranh luận có chất lượng, các bên tham gia phải cùng nhau bóc tách vàng thau đang trộn lẫn.

Các cuộc thảo luận trên mạng xã hội tại Việt Nam có vẻ đang vướng phải một vấn đề: sự đa dạng của các tranh luận không đáp ứng đủ sự đa dạng của quan điểm.

Nói đơn giản hơn, những cá nhân với các mục đích, tư tưởng khác nhau thường phải lựa chọn một tranh luận, bài viết nào đó có kết luận gần giống như điều họ tin tưởng để ủng hộ.

Điều này dẫn đến tình trạng những tranh luận có thể sẽ bị lái theo một hướng rất khác với mục đích ban đầu của người phát ngôn. Tệ hơn, hiện tượng vàng thau lẫn lộn này có thể cực đoan hóa các bên tranh luận, xuất phát chủ yếu từ việc đánh đồng quan điểm của người khởi tạo và người ủng hộ.

Lâu dần, tranh luận ở Việt Nam sẽ chỉ còn là nơi để các bên chửi bới nhau và củng cố những gì mình có sẵn trong đầu, đồng thời dán cho những người nói nghịch nhĩ mình những cái nhãn vô đạo đức.

Trải nghiệm cá nhân

Tác giả đã từng có trải nghiệm trực tiếp về vấn đề này, qua một bài viết được đăng gần đây trên Luật Khoa.

Khi viết bài phê bình các nhà mạng xã hội cấm tài khoản (deplatform) của Donald Trump sau sự kiện bạo loạn ngày 6/1 tại Mỹ, tác giả nhận được những sự ủng hộ và phản đối hoàn toàn trái mong đợi.

Cụ thể, rất nhiều người đồng tình là những người ủng hộ toàn bộ những gì mà Donald Trump làm. Họ xem việc mạng xã hội cấm tài khoản của ông là hành vi chính trị của cánh tả chống lại giá trị cánh hữu.

Trong khi đó, rất nhiều người phản đối thì lại dựa trên một quan điểm rằng bài viết của tác giả góp phần biện minh cho cái sai của Trump, gỡ bỏ trách nhiệm của ông trong cuộc bạo loạn ngày 6/1, hoặc thậm chí cho tác giả là “cuồng Trump”.

Kỳ thực, nếu xem xét kỹ, tác giả không đưa ra một biện hộ nào cho Trump trong bài viết trên.

Việc các mạng xã hội đồng loạt cấm cửa Donald Trump dẫn đến tranh luận sôi nổi khắp nơi. Ảnh: Washington Post

Bài viết thuần túy dùng một chuyện thời sự để thảo luận về vấn đề mở rộng trách nhiệm bảo vệ tự do ngôn luận trên không gian mạng xã hội. Mục đích là nhằm thúc đẩy thị trường tư tưởng (marketplace of ideas), vốn là một trong hai mục tiêu chính của quyền tự do ngôn luận, bên cạnh việc bảo vệ ngôn luận của người dân trước bạo quyền của chính phủ.

Hoàn toàn có khả năng những phản ứng trái chiều này là do bài viết không truyền tải được thông điệp kể trên đến với bạn đọc, và do đó trách nhiệm thuộc về tác giả.

Nhưng cũng không loại trừ việc một sự kiện như ngày 6/1 quá nóng bỏng và liên quan đến một nhân vật quá gây tranh cãi, khiến người đọc nhanh chóng chọn phe trước khi lắng nghe lập luận của tác giả, dẫn đến ngộ nhận về ý tưởng thực sự của bài viết.

Trong cả hai trường hợp, mục tiêu tranh luận của bài viết đã không đạt được, dù rằng nó được đón nhận khá nồng nhiệt.

“Chính trị hóa” các cuộc tranh luận

Có thể phần nào giải thích sự việc trên qua hiện tượng (tạm gọi là) “chính trị hóa” các cuộc tranh luận.

Đó là việc người tham gia tranh luận đã lựa chọn một vị trí, một phe trong cuộc tranh luận từ trước và ra sức sử dụng tất cả các lập luận có thể để bảo vệ nó đến cùng, không cần quan tâm đến ý nghĩa thực sự của lập luận mình vừa chọn. Cách tiếp cận này triệt tiêu sự cởi mở và cơ hội tiếp xúc kiến thức mới.

Nhưng còn một nạn nhân khác, mà theo tác giả là cần được bảo vệ hơn. Đó chính là tính trung lập, thuần khiết của các khái niệm, các lập luận. Các đặc tính này bị mất đi khi người tham gia sử dụng chúng cho quá trình chính trị hóa cuộc tranh luận.

Biểu hiện cụ thể thế nào? Đó là việc người tranh luận dùng một lập luận nghe chừng khách quan, khoa học để biện minh cho lập trường của mình, trong khi vốn dĩ mục đích thật của họ là hoàn toàn khác.

Nó làm méo mó cách hiểu của công chúng đối với lập luận được lấy làm phương tiện đó.

Ta có thể cùng xem xét hai ví dụ gần đây trong cộng đồng mạng Việt Nam để làm rõ hơn.

Ví dụ 1 – Sử dụng thuật ngữ “virus Trung Quốc”, “cúm Tàu” thay cho “COVID-19”

Nguồn gốc của cuộc tranh luận này xuất phát từ việc có nhiều người cho rằng cần sử dụng thuật ngữ COVID-19 để chỉ đại dịch đang diễn ra, thay cho các tên gọi như “cúm Tàu” hay “virus Trung Quốc”.

Quan điểm này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ, và theo khảo sát của tác giả, chưa có một lý do dịch tễ, y học nào để phản bác lại.

Về mặt chính trị, việc từ chối sử dụng cách gọi “virus Trung Quốc”, “cúm Tàu” cũng giúp loại bỏ các nguy cơ về kỳ thị chủng tộc chống lại người châu Á, đồng thời mở ra một hướng điều tra khách quan hơn về nguồn gốc căn bệnh này.

Tuy nhiên, tranh luận kể trên bị rất nhiều người chỉ trích nặng nề. Họ cho rằng việc từ chối dùng các tên “virus Trung Quốc”, “cúm Tàu” là một hành vi nhằm lấy lòng Trung Quốc, một quốc gia gây tranh cãi. Một số người còn cho rằng việc cấm sử dụng hai cách gọi trên là vi phạm quyền tự do ngôn luận của họ.

Lấy lý do bảo vệ tự do ngôn luận để phản đối việc khuyến cáo không sử dụng hai cách gọi “virus Trung Quốc”, “cúm Tàu” là một tranh luận hợp lý và thỏa đáng. Bởi lẽ, quyền tự do ngôn luận là trung lập tương đối với đạo đức và luân lý.

Tuy nhiên, những người sử dụng lập luận tự do ngôn luận cũng phải chấp nhận việc họ bị người khác khác chỉ ra rằng các cách gọi này là phân biệt chủng tộc, kỳ thị người châu Á…

Vào tháng 3/2020, hai cô gái người Úc gốc Việt bị một người Úc bất ngờ chặn giữa đường chửi bới nhục mạ, gọi là “đồ đĩ châu Á”, “con chó châu Á”, đổ lỗi họ đã “đem con virus tới đây”. Một cô bị người này phun nước bọt trúng mắt. Các trường hợp kỳ thị tấn công người gốc Á tăng lên trong giai đoạn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Facebook của Sophie Do, một trong hai nhân vật bị tấn công

Về mặt chính trị, đây không phải là một cáo buộc dễ chịu. Nó đòi hỏi cần có sự hóa giải.

Để đáp lại cáo buộc này, rất nhiều người ủng hộ cách gọi “cúm Tàu” đã lựa chọn một lập luận ngụy khoa học. Họ cho rằng việc gọi như vậy là phù hợp với thông lệ đặt tên căn bệnh xuất phát từ nguồn gốc của nó. Họ chỉ ra cách gọi hai căn bệnh “viêm não Nhật Bản” và “cúm Tây Ban Nha” như để bảo chứng cho suy diễn của mình.

Lý lẽ của họ như sau: tôi gọi “cúm Tàu” thuần túy là vì khoa học, vì thông lệ trong bộ môn dịch tễ, chứ không hề có ý kỳ thị chủng tộc, không hề có ý chia rẽ. Họ vừa muốn thắng cuộc tranh luận, lại vừa muốn bản thân mình được công nhận là đạo đức.

Không bàn đến những người gọi tên “cúm Tàu” một cách vô thức vì dễ nhớ, nếu nhìn nhận thẳng thắn và không che giấu thì ai cũng có thể thấy rằng những người ủng hộ nhiệt thành nhất cho lối gọi này là những người có tư tưởng chống Trung Quốc, bài xích Trung Quốc. Họ là những chính trị gia đang có vấn đề trong nước và cần dùng Trung Quốc để đánh lạc hướng, là những blogger vốn căm thù sự bành trướng của Trung Quốc, hay là những nhà kinh tế đang muốn đổ lỗi cho Trung Quốc không kiềm chế được dịch bệnh khiến đất nước họ lâm nguy. Mục đích nhìn chung hoàn toàn không liên quan gì đến dịch tễ, nhưng họ không ngần ngại ủng hộ hay thậm chí sử dụng các lập luận mang hơi hướng khoa học dịch tễ để biện minh cho bản thân.

Chính sự không trong sáng, lợi dụng khoa học này đã khiến cho một tranh luận thuần túy về cách đặt tên căn bệnh bị chính trị hóa không cần thiết.

Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể tranh luận một cách khoa học về việc gọi tên căn bệnh này, cả về mặt khoa học lẫn chính trị (như cách BBC tóm tắt lịch sử phức tạp các tên gọi căn bệnh ở đây). Còn nếu chỉ cố gắng gọi “cúm Tàu” như một hình thức để miệt thị thì xin đừng dùng cái cớ “khoa học” để ngụy biện.

Ví dụ 2 – Tranh luận về “nữ quyền cực đoan”, “nữ quyền tân tự do”

Ví dụ khác là về một tranh luận nảy lửa xảy ra gần đây trên mạng xã hội Việt Nam.

Nó xuất phát từ bài viết phê phán cái mà người viết, một sinh viên theo học tại Hà Nội, gọi là “nữ quyền tân tự do” đang được nhiều người có tầm ảnh hưởng (vô tình hoặc cố ý) thúc đẩy.

Theo bài viết và những gì sinh viên này bộc bạch sau đó, quan điểm chính của cô là chỉ trích “nữ quyền tân tự do”. Cô cho rằng nó xa rời khỏi “tính Marxist” của “nữ quyền”, đó là “đấu tranh theo nhóm, theo cộng đồng”.

Nói cách khác, theo người viết trên, sẽ không có nữ quyền đúng nghĩa nếu chỉ gói gọn trong việc kêu gọi không mặc áo ngực, hay độc lập tài chính, vươn lên trong cuộc sống… nhưng vẫn sa đà vào cung đấu giành nam giới, hay sử dụng tiền mình kiếm được để mua lại lao động của phụ nữ khác bằng cái giá rẻ mạt. “Nữ quyền” thật sự theo ý của cô là không đòi hỏi ngồi lên đầu đàn ông và phải thúc đẩy địa vị của người phụ nữ nói chung.

Một cuộc tuần hành ủng hộ nữ quyền tại Washington, D.C. vào tháng 1/2017. Những người tham gia mang theo nhiều poster khẩu hiệu thể hiện nhiều vấn đề khác nhau. Ảnh: Paul Morigi/ WireImage

Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể đồng tình hoặc phản đối với lập luận, cách phân loại này, và thậm chí có thể phê phán thái độ của cô. Riêng tác giả xin giữ vị trí trung lập vì không có quá nhiều kiến thức đối với chủ đề này.

Tuy nhiên, trong gần 10.000 lượt tương tác đối với bài viết gốc và cả ngàn phản hồi, lượt chia sẻ, có không ít các quan điểm ủng hộ lẫn phản đối đã làm cô sinh viên bất ngờ, đến mức cô phải bày tỏ sự không đồng tính với rất nhiều ý kiến ủng hộ mình.

Cụ thể, rất nhiều ý kiến ủng hộ đến từ những người dè bỉu nữ quyền, đánh đồng việc đấu tranh vì tiến bộ của phụ nữ là hành động “ngồi lên đầu nam giới” nói chung, hay đòi hỏi đặc quyền về sau…

Trong khi đó, cũng không ít ý kiến phản đối có lập luận cho rằng cô chống lại nữ quyền (dù sinh viên này liên tục khẳng định mình ủng hộ nữ quyền theo tư tưởng Marxist), làm bất lợi cho phong trào nữ quyền nói chung, hoặc đi đến kết luận là không có nữ quyền cực đoan trong xã hội hiện nay… Một bộ phận khác thì ủng hộ hay phản đối đơn thuần vì cô có nhắc đến một vài nhân vật cũng gây tranh cãi trong bài.

Theo quan điểm của tác giả, những hiện tượng trong tranh luận kể trên làm biến chất các thuật ngữ và làm hỏng các thảo luận nghiêm túc.

Việc một phong trào mang tính toàn cầu như nữ quyền bị phân nhỏ thành các trường phái khác nhau là chuyện bình thường, và việc tồn tại các quan điểm có tính cực đoan (tuy nhiên, cực đoan cũng là một phép so sánh tương đối) cũng là chuyện bình thường.

Một thảo luận có tính xây dựng không nên phóng đại hiện tượng (chẳng hạn nói rằng nữ quyền cực đoan có ở muôn nơi), nhưng cũng không nên lấp liếm triệu chứng (gọi nữ quyền cực đoan toàn là lũ coi thường tính nữ).

Nhưng trên hết, một thảo luận chân chính không được phép đánh lận con đen giữa phương tiện và mục đích.

Chủ nhân của bài viết gây tranh cãi trong ví dụ này đã làm một việc rất đúng, đó là có thái độ rạch ròi với rất nhiều người ủng hộ mình khi thấy rõ họ ủng hộ cô chủ yếu như một phương tiện cho mục đích mà chính cô lên án (ví dụ như dè bỉu phụ nữ nói chung).

Tất nhiên, sẽ tiện lợi hơn cho người sinh viên này nếu cô giữ im lặng và để cho các bên “đánh nhau”, còn bản thân mình sẽ không cảm thấy như đang bị công kích “hội đồng” và không có ai giúp đỡ. Nhưng nếu làm vậy, sự thuần khiết của cuộc tranh luận sẽ không còn nữa. Khi đó, một bài viết có nhiều tương tác đến đâu cũng là vô giá trị, thậm chí có thể gây hại về sau.

***

Tác giả thừa nhận rằng hai ví dụ kể trên không thể đại diện cho sự phức tạp của không gian mạng Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, những hiện tượng mà hai trường hợp này đem lại thì không hiếm gặp. Những người lợi dụng lập luận khoa học, hoặc cái mác khoa học, để tuyên bố một quan điểm chính trị của mình đều có một điểm chung. Đó là họ rất khó chịu với những ý kiến trái chiều, hoặc ý kiến chỉ ra việc họ đang lấp liếm thế nào. Đây thực chất là thái độ phản khoa học nhất.

Những hiện tượng đó có thể sẽ phần nào được hóa giải nếu thị trường ý tưởng ở Việt Nam đủ lớn. Khi đó, người dè bỉu nữ quyền không cần phải mượn danh bài viết ủng hộ “nữ quyền Marxist” nhưng phê bình “nữ quyền tân tự do” để nương nhờ.

Trên thực tế, trong bối cảnh thị trường nhỏ hẹp hiện nay, giải pháp tốt nhất chỉ có thể là chính người mua và người bán ý tưởng bóc tách vàng thau đang trộn lẫn cùng nhau.

Tranh luận là một kỹ năng cần được đào tạo và rèn luyện. Trong ảnh, đại diện các hội nhóm sinh viên tại Đại học California San Diego, Mỹ, được yêu cầu tham gia khóa đào tạo về văn hóa và kỹ năng thảo luận. Nguồn: UC San Diego Center for Student Involvement

Với tư cách là một người đã tham gia các tranh luận trên mạng xã hội Việt Nam từ rất lâu, tác giả tin vào tiềm năng của trí tuệ tập thể và khả năng khơi gợi kiến thức mới từ những cuộc tranh luận trên mạng.

Đây là quan điểm trái với rất nhiều người hiện nay cho rằng tranh luận thực chất chỉ nên gói gọn trong một nhóm nhỏ tinh hoa, còn bài viết trên mạng xã hội chỉ có mục đích tuyên truyền, định hướng dư luận…

Tuy nhiên, để đạt được chất lượng, tranh luận trên mạng đòi hỏi sự tỉnh táo của người khởi tạo tranh luận và tham gia tranh luận.

Một kinh nghiệm của tác giả đó là tranh luận càng được đào sâu bằng thái độ nghiêm túc và tôn trọng, nội dung tranh luận càng trở nên thực chất và tập trung.

Cái quan trọng của tranh luận chẳng phải là để giải quyết vấn đề và trao đổi ý tưởng sao? Rốt cuộc, việc cho rằng một bài viết chỉ ra một hai điểm không tốt của một phong trào sẽ làm ảnh hưởng đến phong trào nói chung cũng là một sự phóng đại cần tránh. Trái lại, cần thẳng thắn nhìn nhận và tranh luận để giải quyết được những vấn đề không tốt đó, thay vì chọn một thái độ chính trị là chụp mũ người khơi mào. Nếu phong trào, ý tưởng đủ mạnh, nó sẽ vượt qua những chỉ trích.

Người khởi tạo tranh luận cũng nên có thái độ rạch ròi với chính những người ủng hộ và phản đối mình. Tất nhiên, để giữ được thái độ ôn hòa trong tranh luận trên cõi mạng là rất khó, và không ít trường hợp người tranh luận bị cực đoan hóa sau những lần bị chỉ trích thấu xương. Nhưng đây là một trong những bài kiểm tra cần thiết mà một cá nhân nói riêng, và cộng đồng nói chung phải vượt qua, trên con đường khẳng định rằng xã hội đã đủ trưởng thành để có thể thảo luận và đưa ra những quyết định hợp lý.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét