Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2021

Chỉ trong 14 năm, Bắc Kinh đã ba lần xâm lược nước ta – Ba mùa xuân đau thương, mất mát

 

Chỉ trong 14 năm, Bắc Kinh đã ba lần xâm lược nước ta – Ba mùa xuân đau thương, mất mát

Cù Mai Công

17-2-2021

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố Tổng bí thư Lê Duẩn).

Sáng 17-2-1979, 21 tháng Giêng năm Kỷ Mùi, Trung Quốc đưa 600.000 quân và 550 xe tăng, 480 khẩu pháo, 1.260 súng cối mở cuộc tấn công xâm lược nước ta dọc theo biên giới phía Bắc – từ Móng Cái (Quảng Ninh) đến Phong Thổ (Lai Châu) hơn ngàn cây số.

Dựa vào số quân đông nhất trong tất cả lịch sử các cuộc xâm lược Việt Nam từ xưa tới nay, quân xâm lược Trung Quốc đã cùng lúc tấn công trên nhiều hướng, với 3 mũi trọng điểm: Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Các hướng đều tập trung lực lượng rất lớn, kết hợp bộ binh, pháo binh với xe tăng, tiến công ồ ạt theo chiến thuật “biển người”.

Họ muốn mau chóng đánh phủ đầu, phá vỡ các trận địa phòng thủ, đập tan kháng cự của quân ta, đánh chiếm nhanh trong một, hai ngày các mục tiêu, đặc biệt các thị xã Cao Bằng, Lào Cai và Lạng Sơn.

Đối mặt với 600.000 quân Trung Quốc xâm lược lúc ấy, ta có 130.000 quân – gần 2/3 là dân quân. Nhưng dù chỉ bằng 1/4 quân số địch, chúng ta đã phản kháng quyết liệt, chặn đứng ý đồ “đánh nhanh thắng nhanh” của quân xâm lược phương Bắc.

Các đội quân tinh nhuệ của ta từ chiến trường Campuchia cũng được không vận, xa vận, hải vận liên tục về Hà Nội; chuẩn bị tiến lên biên giới phía Bắc và lập tuyến bảo vệ Thủ đô. Nhất là khi Trung Quốc tuyên bố đã chiếm được Cao Bằng, Lào Cai.

Sáng 5-3, Trung Quốc tuyên bố đã chiếm thêm được Lạng Sơn, “mở toang cánh cổng tiến về Hà Nội”. Họ tuyên bố vậy, nhưng cũng nắm được tin lệnh tổng động viên + một số sư đoàn của ta ở các nơi, nhất là Campuchia đã tập trung đủ ở Hà Nội chuẩn bị tiến lên biên giới quyết liệt phản công nên ngay lập tức tuyên bố rút quân.

Cũng sáng 5-3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. (…). Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ tổ quốc”.

Cuộc chiến này chúng ta thắng, nhưng cũng bao nhiêu mất mát: hàng vạn người Việt, quân cũng như dân đã ngã xuống. Ngay giữa mùa xuân.

* Trước đó 5 năm, ngày 19-1-1974, 27 tháng Chạp năm Quý Sửu, chỉ còn vài ngày nữa là Tết, Bắc Kinh đã xâm lược, cưỡng chiếm Hoàng Sa của chúng ta. 75 người lính Việt đã hy sinh, xác thân vùi trong biển quê hương.

* Sau đó 9 năm, 14-3-1988, 27 tháng Giêng năm Mậu Thìn, họ lại chiếm một số đảo, bãi đá của chúng ta cho tới giờ. 64 lính Việt đã ngã xuống, máu hòa vào biển Tổ quốc.

ĐÃ LÀ NGƯỜI VIỆT, DÙ KHÁC CHIẾN TUYẾN, KHÔNG AI MƠ HỒ VỚI CÁI GỌI LÀ “HỮU NGHỊ VIỂN VÔNG” CỦA CÁC THẾ LỰC CẦM QUYỀN TRUNG HOA

Trước 1975, ở miền Bắc, Tổng bí thư Lê Duẩn nổi tiếng là một người có thái độ cứng rắn, quyết liệt theo hướng không chấp nhận lệ thuộc giới lãnh đạo Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Chúng ta ở bên cạnh một đất nước mà lịch sử của nước đó chưa bao giờ từ bỏ dã tâm xâm lược đất nước ta”.

Ngay lịch sử VN ở thế kỷ 20 đã chứng minh nhiều lần cái dã tâm ấy: “Hoa quân nhập Việt” 1945, Hoàng Sa 1974, Chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc 1979, Trường Sa 1988… Và gần đây là hàng loạt hành vi xâm lấn Biển Đông. Người láng giềng “4 tốt, 16 chữ vàng” ấy càng lúc càng trơ trẽn – đến mức thô bỉ khi nói “VN không có quyền” nói đến Hoàng Sa, Trường Sa. Dã tâm của họ ngày càng lộ liễu đến mức trắng trợn.

Ở miền Nam trước 1975, ngay từ thời Đệ nhất cộng hòa, Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm cũng là một người có thái độ và hành động cứng rắn, quyết liệt với những thế lực Trung Hoa (từ Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch đến Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa của Mao Trạch Đông) không khác Tổng bí thư Lê Duẩn.

Hễ là người Việt Nam, dù khác chiến tuyến, thậm chí đối lập nhau về chính trị, có lẽ không ai mơ hồ với những âm mưu, thủ đoạn “tằm ăn lá” của các thế lực Trung Hoa. Tới giờ vẫn vậy, thậm chí con tằm này hôm nay ăn còn táo tợn, công khai hơn trước.

PHẢI CÓ TÂM THẾ, QUYẾT TÂM LẤY LẠI HOÀNG SA, TRƯỜNG SA NGAY TỪ ĐỜI NÀY CHỨ KHÔNG ĐẨY CHO ĐỜI CON CHÁU!

Không được sợ Trung Quốc!” (Cố TBT Lê Duẩn).

Hiện nay, sau nhiều tháng, nhiều năm kình địch, cục diện Mỹ – Trung đã lật bài ngửa với nhau.

Trước một loạt thái độ, hành xử phải nói là bất chấp của nhà cầm quyền Bắc Kinh ở khắp nơi, trên mọi mặt từ chính trị, kinh tế, quân sự đến Covid và sau bao nhiêu lần máy bay, tàu chiến Trung – Mỹ vờn nhau, đã đến lúc Mỹ không thể lịch sự, tế nhị với Bắc Kinh nổi.

Đúng là Mỹ chỉ nói tự do hàng hải ở Biển Đông. Nhưng đó là mâu thuẫn đối kháng với tham vọng – “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc. Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn một mất một còn. Có lợi cho ta, có lợi cho Hoàng Sa – Trường Sa của ta.

Ngay trong nước họ, chuyện Tân Cương, Tây Tạng, Hồng Kông… cũng là mâu thuẫn đối kháng quyết liệt, chỉ chờ cơ hội bùng nổ. Đài Loan thì luôn luôn mật phục chờ cơ hội và chắc chắn không cam chịu cho Bắc Kinh thôn tính bằng vũ lực.

Bắc Kinh càng lúc càng lộ ra bộ mặt ghê tởm của mình; đang bị toàn bộ các nước xung quanh, nhiều nước lớn trên thế giới nhìn như một con quái vật.

Năm nay, họ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (1921-2021) nên càng hung hãn hơn. Mới đây, họ ra luật Hải cảnh, cho phép bắn tàu nước ngoài đi vào vùng lãnh hải mà họ tự tiện cho là của họ. Nhiều vùng biển thuộc về Việt Nam bị họ cưỡng chiếm lâu nay.

Chế độ Bắc Kinh độc tài, tàn bạo, dối trá, dơ bẩn và tham lam vô độ… bậc nhất trong lịch sử loài người tưởng chừng “trơ trơ như đá, vững như đồng” có thể sẽ sụp đổ rất nhanh khi có sự biến quốc tế + lòng dân trong nước họ, tất yếu sẽ đến. Vấn đề thuộc về thời gian.

Nên nhớ Trung Quốc không chỉ bị nhất diện mai phục mà thực tế đang bị thập diện mai phục, từ trong ra ngoài nước họ.

Dù cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn nhưng phải có tâm thế, quyết tâm lấy lại Hoàng Sa, Trường Sa ngay từ đời này chứ không đẩy cho con cháu lấy.

Bao đời nay, có cuộc chiến chống xâm lược phương Bắc nào không cực kỳ khó khăn, muôn trùng khó khăn. Nhưng chúng ta đều đã chiến thắng.

Cục diện mới, cơ hội mới đang diễn ra rất nhanh, có lợi cho ta. Đã là người Việt phải có niềm tin này nếu thật sự muốn thu phục giang sơn, biển đảo của ta về một mối.

Cho những mùa xuân vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét