Những khoảnh khắc kỳ lạ (Phần 2)
Sau khi tìm lại được MẢNH ĐẤT CỦA MÌNH và sau khi đăng truyện ngắn “Lũ vịt trời”, tôi bắt đầu nuôi ý định viết một truyện ngắn về sự thù hận mà chúng tôi bị dìm vào từ khi lọt lòng. Sự thù hận có từ bao giờ, chúng tôi không biết.
Nhưng nó lên đến đỉnh điểm khi bố tôi, vốn là thằng ở chăn trâu cho chánh tổng, từng phải tận mắt chứng kiến hai đứa em mình chết đói, bí mật theo Việt Minh đúng vào khi xã Hoàng Diệu hoàn toàn thuộc vùng tề, chi bộ cộng sản bị xóa trắng. Người ra đầu thú cuối cùng là ông bí thư tên Lân. Ông Vũ Xuân Lan, người cùng xã, huyện ủy viên, được cử về bí mật xây dựng lại phong trào và ông đã bắt liên lạc với bố tôi.
Năm 1950, bố tôi mới 24 tuổi, chưa là đảng viên, được cử làm chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã, bí thư là ông Vũ Xuân Lan. Khi Đội cải cách kéo về, người bị bắt đầu tiên là ông Vũ Xuân Lan. Người tiếp theo là bố tôi. Ông Vũ Xuân Lan bị Đội cải cách xử tử, còn bố tôi, bị giam tám tháng, chỉ một chút nữa là bị bắn. Ông nội tôi sau đó cũng bị bắt và chỉ được thả khi đã hấp hối.
Nhưng nỗi đau của gia đình tôi chả thấm gì so với nỗi đau của hàng trăm gia đình bị quy là địa chủ. Suốt cả thời bé con tôi đã nghe bố kể về những pha đấu tố rùng rợn mà ông chứng kiến. Mặc dù nói ra miệng là ông ghê sợ cuộc Cải cách ruộng đất, vì nó quá bất nhân, nhưng khi được trả lại mọi quyền chức, ông tiếp tục điên cuồng lao vào thực hiện lý tưởng xóa bỏ giai cấp mà ông tôn thờ, đồng thời trả thù khốc liệt những kẻ từng áp bức ông, trả thù luôn cả con cháu họ.
Sự thù hận quả là có lý do lịch sử của nó. Nhưng nó không có lý do để kéo dài đời này sang đời khác, gây nên biết bao cảnh thê thảm, phá tan mọi thứ tốt đẹp tích tụ qua thời gian. Tôi cần phải tìm một điểm tựa thật vững chắc cho chủ đề mà mình sẽ triển khai. Nó được gợi ý từ những thành tựu tư tưởng mang tinh thần nhân văn mà chúng tôi lần đầu tiếp xúc, dù còn rất hạn chế. Thêm vào đó là những thay đổi trong nhận thức về lịch sử, về con người được kích thích bởi cuộc cải tổ từ Liên Xô, khiến tôi phải tự hỏi và tự tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề.
Chẳng hạn như câu hỏi sau đây cứ lởn vởn trong đầu tôi: “Những gì bố mình làm, mà mình chứng kiến, với những địa chủ cũ và con cái họ, là đúng hay sai? Họ cùng thời với tôi, vô can với quá khứ, nhưng tại sao không được phép có một chỗ nào xứng đáng trong cuộc đời mới luôn đề cao mục tiêu công bằng, bác ái?”. Những ý nghĩ như vậy cứ dần dần trở thành lời cật vấn xoáy sâu và tâm can tôi. Tuổi thơ chả ai có tội. Tôi biết như vậy nhưng vẫn cứ thấy hối hận bởi những gì mình làm với những đứa con cháu của ông địa chủ một thời.
Chúng tôi, tất thảy, đều là trẻ con, đều vô tội, tâm hồn đều lấp lánh, y như những ngôi sao trên trời. Tôi nảy ra ý tưởng coi lũ trẻ là những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi quyết định đặt tên cho cái truyện ngắn mình ấp ủ bấy lâu như vậy: Những ngôi sao trên đồng cỏ. Tôi ý thức rõ ràng đó là truyện ngắn quan trọng, nên việc ngồi xuống bàn, viết những chữ đầu tiên là vô cùng hệ trọng, bởi nó sẽ quyết định sự thành bại của truyện ngắn đó.
Và một buổi sáng đầu năm 1989, hoàn toàn không chủ định, tôi ngồi xuống bàn từ sớm, viết một mạch hàng chục trang giấy có dòng kẻ, thứ chữ nhỏ li ti. Chữ nghĩa cứ như vọt ra, không thể ngăn lại, khiến ngòi bút tôi cuống lên mới kịp. Tôi dừng lại ăn qua loa bữa trưa, rồi lại ngồi ngay vào bàn. Khoảng 5 giờ chiều thì tôi không biết viết thêm bất cứ điều gì nữa, ngoại trừ việc gạch đi cái tên cũ, quả quyết viết xuống dưới dòng chữ Bước qua lời nguyền. Bởi vì cái tên đó hợp với nội dung truyện hơn. Sau đó tôi gần như rơi vào trạng thái hoảng loạn, không biết mình đang làm điều vớ vẩn hay một việc to tát.
Thông thường tôi sẽ cất đi một thời gian, rồi mới viết lại lần hai. Sau đó ngâm tiếp một thời gian, mới hoàn chỉnh bằng lần viết thứ ba. Truyện nào tối thiểu tôi cũng viết ba lần. Sau này thì cả tiểu thuyết tôi cũng vẫn tôn trọng thói quen đó, nghĩa là cứ phải viết lần thứ ba mới yên tâm. Nhưng với truyện ngắn Bước qua lời nguyền hồi ấy, có cảm giác nếu cứ để nguyên bản thảo lần một, tôi sẽ không làm được việc gì với nó. Vì thế, chỉ hai ngày sau tôi đã viết lại. Lần này tôi viết trang trọng tên truyện là Bước qua lời nguyền ngay từ đầu. Tôi chép, sửa chữa như mê sảng. Có cảm giác cơ thể tôi bị moi rỗng, hết sạch. Mạch chảy đang tuôn dào dạt liền hẫng lại, như đến đó là cùng đường. Không thể viết thêm từ nào nhưng truyện thì chưa kết thúc.
Khác với lần viết nháp, lần thứ hai này khi đọc lại, tôi thấy chả còn gì hay ho. Nói đúng hơn thì những gì hai hôm trước tôi thấy hay, giờ không còn hay nữa. Nó cứ rời rạc, chả đâu vào đâu. Tôi như người bị rút mất hồn, đầu óc rỗng ra, chỉ muốn tung hê hết. Chỉ chút nữa là tôi xé tan rồi cho một mồi lửa. Nhưng tôi cứ thấy tiếc công sức cả mấy ngày trời. Tôi cố gắng tìm ra một cái kết thúc và nó chỉ khiến tôi thêm bực mình. Không thể nghĩ được gì hơn, tôi đành ghi hàng ngày tháng 26-4-1989 xuống bên dưới, coi như kết thúc. Tôi đứng dậy, quyết rời khỏi bàn và quên đi những gì vừa xảy ra. Tôi tự nhủ, cứ coi như mình viết thêm một truyện hỏng. Hôm sau thì tôi nhét 17 trang viết tay đó xuống đáy một chồng giấy. Tôi không muốn nhìn thấy nó nữa.
Nửa năm sau, tôi có giấy báo trúng tuyển Trường Viết văn Nguyễn Du. Tôi có thói quen, mỗi lần chuyển địa bàn, thì đầu tiên phải hỏa thiêu toàn bộ đám bản thảo, không để rơi một chữ ra ngoài. Lần này rời Hòa Bình về học tại Trường viết văn Nguyễn Du, tôi cũng giữ nguyên thói quen ấy. Cả một tập giấy dày kín đặc chữ lần lượt bị ném vào lửa. Khi cầm bản thảo “Bước qua lời nguyền” trên tay, thấy nó bị dây nước chè nhem nhuốc, tôi đã đưa nó vào sát ngọn lửa. Chỉ cần buông tay ra là mọi chuyện kết thúc. Nhưng chẳng hiểu sao, vào KHOẢNH KHẮC ẤY, tay tôi vội rụt lại. Thay vì đốt, tôi bèn ngồi bệt xuống, đọc nhanh lại những gì mình viết cách đó sáu tháng và… hú hồn!
Nhưng phải khi về học tại trường viết văn Nguyễn Du, một hôm tôi đang lơ mơ ngủ trưa thì bỗng chồm dậy, lục lọi lôi ra bản thảo còn bỏ dở và ngồi viết rất nhanh nốt đoạn cuối, khoảng 600 chữ.
Cho đến nay, truyện ngắn “Bước qua lời nguyền” được in lại khoảng 30 lần trong những ấn bản khác nhau, được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung Quốc, tiếng Thái Lan…
Thế mới biết, không chỉ sáng tác khó, mà thẩm văn cũng khó vô cùng. Ngay cả tác giả còn không biết tác phẩm của mình hay hay dở, nói chi bạn đọc. Đó là lý do ít khi tôi chê văn của đồng nghiệp. Mình thấy hay thì khen, không hay thì im lặng. Bởi dù thấy hay hay dở, thì cũng chỉ là theo mình, chỉ vừa đủ đại diện cho mình. Vả lại cũng còn phải để việc cho các nhà phê bình chuyên nghiệp.
(Còn nữa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét