Ngày này 42 năm trước
17-2-2021
Ngày này tức là ngày 17 tháng 2. Còn 42 năm trước, tức vào buổi chiều 17.2.1979. Khi ấy tôi dạy tại Trường dự bị đại học TP.HCM. Mới gần 2 tuổi nghề, hăng lắm, trường giao việc gì cũng nhận, thậm chí chưa giao cũng xung phong. Hồi ấy không biết, hoặc chưa có bài vè “Tiến lên ta quyết tiến lên/Tiến lên ta lại xông lên hàng đầu”, hăng bởi đang là đoàn viên.
Sáng 17.2.1979, cả trường vẫn hoạt động bình thường, thầy trò lên lớp, học hành theo lịch, chả có gì thay đổi. Chị Nguyễn Thị Huệ, giáo viên hóa, Bí thư Đoàn trường còn dặn tôi sáng mai nhớ bám chiếc xe Reo của ông Thi già tài xế xuống cơ sở 2 dưới Tiền Giang để bồi dưỡng lớp đối tượng đoàn. Thầy Nghiệp, thầy Chi, anh Dương dưới ấy đã chuẩn bị xong cả rồi, lên lớp 2 buổi trong ngày, tới chiều tối sẽ quá giang xe đưa rước giáo viên về lại Sài Gòn.
Suốt buổi sáng 17.2, không có thông tin gì. Trưa, nghe thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Năm thông báo họp đột xuất các trưởng bộ môn, trưởng phòng ban, bí thư đoàn, chủ tịch công đoàn. Hình như có chuyện chi ghê gớm lắm. Tan họp, ai cũng căng thẳng. Chú Dương Cao Thăng, Chủ tịch Công đoàn trường thông báo Trung Quốc nó đánh ta rồi. Có khi nó thốc xuống tận Hà Nội. Đánh từ sáng sớm nhưng hồi đó thông tin liên lạc kém nên tới trưa nghe đài Tiếng nói Việt Nam mới biết. Đài phát liên tục những thông tin mới nhất, nào là bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh trở mặt, nào là quân ta đang chiến đấu anh dũng cản bước tiến của quân thù, nào là sắp có lệnh tổng động viên trên cả nước, v.v..
Buổi chiều thầy hiệu trưởng cho cả trường nghỉ học. Ngày mai sẽ tổ chức mít tinh phản đối bọn bành trướng bá quyền Bắc Kinh. Chị Huệ bảo tôi thôi không phải xuống Tiền Giang nữa, hoãn lớp đối tượng đoàn, để lo việc trên này đã. Mấy anh em Bắc kỳ chúng tôi, các thầy Nguyễn Văn Vy, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Tài Hoạt, Lưu Văn Trường, Nguyễn Đức Tuấn, tôi, và các thầy người Nam mới được kết nạp đoàn như Nguyễn Cương, Lê Thành Thượng, Nguyễn Hữu Nghiệp, Chu Đức Khánh… sốt sắng lo công việc ngày mai. Ai cũng căng thẳng. Lại chiến tranh.
Tuần trước, tôi đi với thầy Thượng và nhiều sinh viên tới quân y viện 175 ở Gò Vấp thăm hỏi thương binh từ mặt trận Campuchia về, thấy nằm la liệt cả ngoài sân ngoài vườn, mỗi ngày đưa về cả trăm người cụt chân cụt tay, mù mắt…, thương lắm. Lại nhớ ông Lê Duẩn năm 1975 hớn hở bảo từ nay đất nước ta sạch bóng quân thù, hóa ra không phải vậy. Thầy Vy và tôi nhờ đám học sinh khệ nệ khiêng một tấm bảng gỗ rộng mấy mét vuông dựng ngay lối đi chính, kẻ phấn rõ to lên bảng hàng chữ “Tổ quốc lâm nguy, tuổi trẻ trường DBĐH sẵn sàng lên đường nhập ngũ”. Thầy Năm đi ngang qua, nhìn vậy có vẻ hài lòng lắm.
Chiều tối, thầy Trần Mộng Lang trong đảng ủy trường và chú Thăng thông báo tiếp rằng từ tối nay tăng cường trực ban, canh gác cẩn mật. Chú Thăng nói nhỏ trường ta nằm ngay địa bàn chính của người Hoa, phường 9 quận 5 là thủ phủ của người Hoa, mặc dù họ đã bỏ đi nhiều trong vụ nạn kiều năm ngoái (1978) nhưng vẫn phải cảnh giác. Tôi được phát một khẩu súng trường K44, 2 kẹp đạn, mỗi kẹp 10 viên, cứ hết ca trực khoác luôn về nhà. Khẩu súng này mãi tới năm 1988 tôi mới trả lại cho thầy Trần Minh Chưởng phụ trách đội tự vệ, từng có vài năm cứ đêm giao thừa lại đứng trên hành lang lầu 4, lôi súng ra chĩa lên giời làm 2 viên trong tiếng pháo nổ đì đùng. Không bắn được bọn bành trướng bá quyền thì làm pháo nổ giao thừa vậy.
Sáng 18.2, nhà trường mít tinh, đăng ký tình nguyện sẵn sàng lên đường bảo vệ tổ quốc. Rất đông thanh niên trai tráng ghi tên, chả biết bộ phận lưu trữ của trường có còn giữ lại được những hồ sơ quý báu ấy. Từ bấy giờ, nhắc tới Trung Quốc là bao giờ cũng liền với cụm từ “bọn bành trướng bá quyền”, “bọn phản động Bắc Kinh”. Tivi chiếu phim “Mây đen bao phủ bầu trời Bắc Kinh”.
Người ta chuyền tay nhau bản photo cuốn sách trắng “Sự thật mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” của Nhà xuất bản Sự Thật, trong đó đảng vạch trần bản chất dối trá không thay đổi hàng nghìn năm của Trung Quốc, nhất là đám cộng sản Tàu, chửi không tiếc lời, thề không đội trời chung, quyết không môi răng gì nữa. Từ nay thì anh đi đường anh tôi đường tôi, tình nghĩa đôi ta có thế thôi. Chỉ có điều, tôi nhớ một hôm đang gác đêm, thầy Hùng thắc mắc, Trung Quốc lâu nay đối với mình tốt thế, nó cho mình không thiếu thứ gì, ngay cái áo Tô Châu tao đang mặc đây (thầy Hùng xoa lên áo giơ ra), của thằng em đi bộ đội cho, cũng do Tàu viện trợ, thế mà tự dưng nó giở mặt ngay được.
“Mối tình hữu nghị Việt – Hoa/Vừa là đồng chí vừa là anh em”, anh em đồng chí thế chó nào mà lại ra nông nỗi này? Hay là bởi mình với nó cũng cùng một duộc, duộc cộng sản, cùng bản chất, mà bấy lâu mình cứ nghĩ là tốt đẹp?
Câu hỏi ấy của thầy Hùng tới giờ vẫn chưa có sự giả nhời chính thức, mà thầy Hùng thầy Vy thầy Tuấn thầy Nghiệp chú Thăng… đều đã lần lượt về cõi tiên cả rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét