Tiên và tiền
18-2-2021
Ở đây chỉ bàn về nghĩa của vài từ Hán Việt có liên quan tới nội dung sẽ đề cập chứ không nói gì về tiên (người đẹp) hoặc tiền (tiền bạc, money), mặc dù đó là hai thứ ai cũng thích.
Hôm qua, nhân chuyện người đứng đầu đảng và nhà nước viếng tiền nhân tại khu Hoàng thành Thăng Long, báo chí, đài, tivi và các cơ quan truyền thông nhắc nhiều tới “tiên đế”. Chẳng hạn bản tin của TTXVN viết “Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đến dâng hương tưởng nhớ các bậc tiên đế, hiền tài, các anh hùng liệt sĩ có công với đất nước…”. Hầu như báo nào đăng tin về sự kiện này đều dùng chữ “tiên đế”.
Hình như sau nhiều năm tích cực chống phong kiến, đả thực bài phong, đây là lần đầu tiên những ông vua thời phong kiến được người cộng sản nhắc tới một cách long trọng kính cẩn thế. Thôi thì, như các cụ bảo “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, vua mới thờ vua cũ, dù khác triều đại, là chuyện dễ hiểu.
Có người thắc mắc sao lại tiên đế, bởi người ngoại tộc, không cùng triều đại, không phải đức vua kế vị thì không được dùng từ ấy. Thời xưa chỉ có con cháu, tử tôn trực hệ, dòng dõi của vua (đế hệ) mới được xài từ “tiên đế”. Hiểu thế có phần đúng nhưng máy móc, thực ra không hẳn vậy. Ai đã đọc truyện Tam quốc chắc nhớ đoạn Khổng Minh khi định tiến hành cuộc bắc phạt đã tâu với hậu chủ Lưu Thiện rằng “Tôi chịu việc thác cô của tiên đế rất trọng, ngày đêm không lúc nào dám lười.
Nay phương nam đã yên rồi, không phải lo mặt trong nữa, chẳng nhân dịp này mà đánh giặc khôi phục trung nguyên, còn đợi đến bao giờ”. Vị quân sư mang họ Gia Cát chứ không phải đế hệ vẫn dùng từ “tiên đế” đó thôi. Độc quyền về chữ nghĩa, kinh nhất là thời nhà Nguyễn với bao nhiêu kiêng kỵ, phạm húy; sau nữa là thời cộng sản, chẳng hạn độc quyền chữ “đảng”, ai phạm vào chẳng phải đầu cũng phải tai, nát đám cỏ gà.
Theo nghĩa từ Hán Việt, “tiên” là trước, thời gian trước, thời gian đã qua. “Tiên” chủ yếu để chỉ thời gian, tuy nhiên cũng có lúc để chỉ không gian, cùng nghĩa với chữ “tiền” (phía trước) đối lập với chữ “hậu”. Lẽ dĩ nhiên, “tiền” cũng chỉ thời gian, ví dụ tiền bối là lớp người (bối) trước, tiền nhiệm là người từng giữ chức vụ (nhiệm) trước ai đó, thời Tiền Lê để chỉ nhà Lê trước, thời vua Lê Hoàn, phân biệt với thời Hậu Lê sau này của vua Lê Thái Tổ, tiền trảm hậu tấu là thứ quyền đặc biệt được vua cho phép chém kẻ phạm tội trước rồi tâu sau…
Tuy nhiên, nghĩa của “tiên” dùng chỉ thời gian là nghĩa chính. Ta thường nói tiên tri (biết trước), tiên liệu (lo liệu việc trước), điều kiện tiên quyết tức là điều kiện có tác dụng quyết định được kết quả trước khi thực hiện, tiên liệt để chỉ những người đã chết vì nghĩa lớn thời trước.
“Đế” là nhà vua, vua. Nhưng không phải vua (vương) nào cũng được gọi, được xưng đế. Vua của những ông vua mới là đế. Thượng đế là ông vua cao nhất, ở trên trời (thượng). Tần Doanh Chính tự xưng Thủy hoàng đế, nghĩa là vị hoàng đế đầu tiên (thủy). Thời xưa, đế là bậc chí tôn, thậm chí không ai dám nhìn. Vậy nhưng vẫn có kẻ anh hùng coi thường, xem đế vương như đồ bỏ, chẳng hạn Cao Bá Quát tương truyền khi bị ra pháp trường vẫn hiên ngang cứng cỏi, coi đế vương vua chúa chỉ ở dưới chân, “một chiếc cùm lim chân có đế/hai hàng xích sắt bước còn vương”.
Anh hùng như Cao Chu Thần, trên đời dễ có mấy ai. Khi khẳng định chủ quyền nước Nam, cụ Nguyễn Trãi từng tự hào mà biên rằng “Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần, chi triệu tạo ngã quốc/Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên, nhi các đế nhất phương” (Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương). Tàu có đế thì An Nam cũng đế, ngang hàng chẳng kém cạnh gì, không phải là vương, là thuộc quốc, chư hầu.
“Tiên đế” nghĩa là vua trước, các đời vua trước, nhưng đã chết rồi. Vua còn sống mà không làm vua nữa, không ai gọi là tiên đế. Xứ ta đã trải qua nhiều triều đại, nhiều “nhà”, cứ hưng rồi lại phế, sóng lớp sau đè lớp trước. Đó là dòng chảy lịch sử. Mỗi vị vua, tiên đế đều có những công lao đóng góp riêng đối với đất nước, đừng vì chủ kiến chính trị hẹp hòi, nghiêng lệch mà tâng người này, vùi người khác. Quang Trung Nguyễn Huệ có công tích của vua Tây Sơn, thì Gia Long Nguyễn Ánh có sự nghiệp đóng góp của vị tiên khởi nhà Nguyễn, đều có lợi cho dân cho nước.
Sử quốc doanh một chiều suốt bao năm đã không công bằng đối với tiền nhân, nhất là những đấng bậc tiên đế như Hồ Quý Ly, Mạc Đăng Dung, Nguyễn Ánh, Minh Mạng… Xét riêng về mặt này, chính quyền Việt Nam cộng hòa ở miền Nam trước năm 1975 đã khách quan và tử tế hơn chính quyền miền Bắc về mặt lịch sử. Tới giờ, Hà Nội, TP.HCM vẫn không thèm có đường Hồ Quý Ly, TP.HCM chưa có đường Mạc Đăng Dung, và dĩ nhiên cả nước không nơi nào có đường Gia Long – người có công thống nhất đất nước, người đã đặt quốc hiệu Việt Nam mà ta đang dùng bây giờ.
Trở lại chuyện tiên đế đang làm nóng dư luận. Không phải bỗng dưng nảy ra cái từ cổ điển ấy, điều gì cũng có lý do sâu xa của nó. Cứ cho là người ta có ý đồ đề cao cá nhân, nhưng biết đâu đương sự đã chọn thời điểm nhạy cảm để khẳng định “các đế nhất phương”. Nếu vậy thì may cho dân cho nước.
Thôi, dài hơn nghìn chữ rồi, không bàn nữa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét