Việt nam ứng cử Hội đồng Nhân quyền: Một sự nhạo báng, sỉ nhục Liên Hiệp quốc
JB Nguyễn Hữu Vinh
24-2-2021
Nhân quyền là gì?
Theo định nghĩa Nhân quyền hay Quyền con người, là những quyền tự nhiên, được Tạo hóa ban cho con người khi được sinh ra trên thế giới này. Những quyền này được bình đẳng, không phân biệt màu da, chủng tộc, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay giới tính nam, nữ. Đó là những quyền tự do căn bản, như tự do sinh sống và mưu cầu hạnh phúc, tự do đi lại và cư trú, tự do sở hữu tài sản, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng, tự do hội họp, tự do lập hội, tự do sinh hoạt chính trị và tự do ứng cử, bầu cử.
Những quyền đó không do nhà nước hay bất cứ cá nhân, tổ chức nào trong xã hội ban phát cho họ và vì thế không thể bị tước bỏ bởi bất cứ ai hoặc chính thể, tổ chức, nhà nước nào.
Theo định nghĩa của Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc, nhân quyền là những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc mà làm tổn hại đến nhân phẩm, những tự do cơ bản của con người.
Bên cạnh đó, nhân quyền còn được định nghĩa một cách khái quát là những quyền bẩm sinh, vốn có của con người mà nếu không được hưởng thì chúng ta sẽ không thể sống như một con người.
Như vậy, có thể khái quát, quyền con người là các đặc quyền tự nhiên, bắt nguồn từ phẩm giá vốn có của tất cả mọi người, được cộng đồng quốc tế và quốc gia thừa nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm bằng hệ thống pháp luật quốc gia và quốc tế.
Những định nghĩa đó, ngày nay đã được đưa rất nhiều lên mạng Internet và bằng sự cố gắng của nhiều người hoạt động xã hội muốn phổ cập đến từng người dân Việt Nam để họ có thể hiểu được họ có những quyền gì khi được sinh ra trên mặt đất này.
Không chỉ ngày nay, người dân Việt Nam mới được biết đến quyền con người, mà từ rất lâu, người dân Việt Nam đã đấu tranh để giành lấy quyền làm người của mình. Điều đó được thể hiện trong các thư tịch còn lại trong lịch sử văn hóa Việt Nam.
Từ năm 1906, Phan Châu Trinh khẳng định lập trường: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.”
Gần 100 năm trước, Phan Bội Châu, cũng đã dùng thơ văn và các bài diễn thuyết kêu gọi người dân có ý thức về các quyền tự do của con người. Trong loạt bài “Nam quốc dân tu tri” (Quốc dân nam giới cần biết, được đăng dần trên báo Tiếng Dân từ tháng 8/1926), ông kêu gọi công dân có ý thức về quyền lợi, nghĩa vụ đối với xã hội, với quốc gia, giải thích thế nào là “độc lập”, “tự do”… Các quyền cơ bản của con người đã được ông trình bày dưới dạng thơ đơn giản dễ hiểu như sau:
Miệng có quyền nói,
Óc có quyền suy.
Chân có quyền đi,
Tay có quyền đẩy.
Mắt có quyền thấy,
Tai có quyền nghe.
Đất nọ xứ kia,
Có quyền dời ở.
Viết sách làm vở,
Quyền bút mặc lòng.
Hội hè việc chung,
Có quyền nhóm họp…
Quyền lợi rành rành,
Đồng bào phải biết!
(Bài 17.Quyền lợi trong “Nam quốc dân tu tri”] “Phan Bội Châu Toàn Tập, Tập 8, Văn vần 1925 – 1949”, NXB Thuận Hóa & Trung tâm văn hóa Đông Tây, 2001, trang 19.)
Tiếc thay, dù đã 100 trôi qua, dù mạng Internet đã phủ khắp toàn cầu, tại Việt Nam hàng chục triệu người đã dùng mạng xã hội, sử dụng Internet, nhưng hiểu biết về quyền con người của họ, để sử dụng trong thực tế xã hội và đấu tranh cho nó còn là một việc đầy khó khăn.
Tất cả bắt đầu từ một thể chế chính trị độc tài, ở đó quyền con người bị nhào nặn, bị xuyên tạc của một tổ chức vốn không coi nhân quyền là điều đương nhiên mọi người được hưởng mà là sự ban phát của Đảng Cộng sản.
Trên bình diện quốc tế, nhiều nơi, nhiều lúc, nhân quyền vẫn bị chà đạp và triệt tiêu bởi các tổ chức xã hội ngoài vòng luật pháp, bởi các nhóm tội phạm và nhất là bởi các chế độ độc tài, toàn trị. Chính vì thế, Liên Hợp Quốc đã thành lập những cơ quan chuyên trách theo dõi tình trạng nhân quyền trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, các cơ quan này đã hoạt động ra sao?
Từ Ủy ban Liên Hợp Quốc về Nhân quyền cho đến Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Trước đây, tại Liên Hợp Quốc (LHQ) cơ quan chịu trách nhiệm giám sát việc thực hiện các công ước về nhân quyền của LHQ là Ủy ban Nhân Quyền LHQ (CHR).
Thế nhưng, tổ chức này đã nhận được nhiều chỉ trích về việc để cho các quốc gia vi phạm nhân quyền thao túng và làm biến chất một Ủy ban với trách nhiệm to lớn là bảo vệ quyền con người của mọi người trên thế giới theo Công ước của LHQ đã định nghĩa. Vì thế Ủy ban này đã buộc phải chấm dứt hoạt động vào năm 2006.
Và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập vào ngày 15/3/2006 theo Nghị quyết (A/RES/60/251) sau khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết thành lập một tổ chức nhân quyền mới, thay thế Ủy ban Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền.
Việc thành lập Hội đồng Nhân quyền là một trong những hành động nhằm cải tổ Liên Hiệp Quốc và các tổ chức thuộc Liên Hiệp Quốc theo chiều hướng nhằm khắc phục những bất cập, những sự khuynh loát của các quốc gia vi phạm nhân quyền có hệ thống vào các cơ quan bảo vệ Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Có thể nói, việc thành lập Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc đã là một bước thay đổi và người ta hy vọng qua đó, Hội đồng này sẽ có những tác dụng thật sự trong việc giám sát và thúc đẩy việc thực hiện nhân quyền trên toàn thế giới theo Công ước LHQ về nhân quyền.
Thế nhưng, sau 15 năm tồn tại của mình thì Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hợp Quốc đã tự thể hiện sự bất lực trước nhiệm vụ to lớn và nặng nề của mình: Theo dõi và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người.
Trước hết, tổ chức này đã hầu như không mấy chú ý đến tình trạng nhân quyền tại một số quốc gia độc tài và quyền con người bị xâm phạm nghiêm trọng như Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Cuba…
Cả thế giới đều biết đến những tội ác của nhà cầm quyền Trung Quốc với người dân tại Tây Tạng, Tân Cương và nhiều nơi khác trên khắp đất nước Trung Hoa dưới chế độ độc tài Cộng sản.
Cả thế giới cũng chẳng lạ gì tình hình quyền con người bị chà đạp ra sao dưới những quốc gia cộng sản và hậu cộng sản vẫn giữ chế độ độc tài bằng cách này hay cách khác như Nga hoặc Cuba. Ở đó quyền của người dân bị xâm phạm hết sức nặng nề, những quyền cơ bản của con người được cất tiếng nói đối lập đã bị đàn áp, bắt giữ và nhiều biện pháp bất nhân tính, vô luật pháp khác.
Thế nhưng, điều hài hước là những nước này đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ và không chỉ một nhiệm kỳ, thậm chí nhiều nhiệm kỳ như Trung Quốc vào các nhiệm kỳ 2007-2009; 2010-2012; 2014-2016; 2017-2019. Hoặc Nga vào các nhiệm kỳ 2007-2009, 20102012; 2014-2016 và Cuba vào các nhiệm kỳ 2007-2009; 2010-2012; 2014-2016; 2017-2019.
Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ: Một sự sỉ nhục, nhạo báng
Và người ta cũng không lạ về hiện trạng nhân quyền Việt Nam, chỉ trong mấy năm gần đây, những người dân khắp nơi đã trở thành dân oan, những nông dân vô tội bảo vệ quyền sở hữu về đất đai, tài sản của mình, những người dân đòi bảo vệ môi trường sống, chống lại các thảm họa do nhà cầm quyền đưa vào Việt Nam… đã bị đàn áp bằng chính lực lượng công an, quân đội của nhà cầm quyền cộng sản.
Đặc biệt tại Việt Nam, những người cất tiếng nói cho công lý, cho hòa bình, cho sự thật đã bị đàn áp không thương tiếc và ngày càng dày đặc, ngày càng mở rộng. Họ có thể là những nhà báo tự do, các Fcaebooker, những người nông dân, giáo viên, công chức hoặc người dân thường, thậm chí cả công an, cựu quân nhân… hễ lên tiếng là bị lực lượng “chuyên chính vô sản” của đảng ra tay đàn áp, bắt bớ hoặc tàn sát.
Vụ Đồng Tâm, khi nhà cầm quyền huy động hàng ngàn công an và mọi loại thiết bị hiện đại nửa đêm tấn công thảm sát một ngôi làng là một điển hình về sự vi phạm nhân quyền trắng trợn của nhà cầm quyền Việt Nam, một tội ác chống nhân loại rõ ràng.
Chỉ tính riêng mấy năm nay, nhà cầm quyền Việt Nam đã tống vào tù khoảng 270 người bất đồng chính kiến, đày đọa các tù nhân lương tâm trong các nhà tù cộng sản.
Tất cả họ được gán cho những cái tội hết sức mơ hồ và không có thật như “Chống lại nhà nước CHXHCNVN” hoặc “lật đổ chính quyền nhân dân”…
Chúng tôi đã bị những cuộc đàn áp, canh giữ, bắt bở và gây khó dễ, đe dọa đến mức gắt gao nhất bởi chính quyền Việt Nam ngay chỉ trong những khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm ngày nhân quyền Quốc tế. Khi đó, quyền tự do đi lại, tự do hội họp cũng như tự do mở miệng, phát biểu ý kiến của người dân bị tước đoạt hết sức trắng trợn.
Chúng tôi cũng đã gặp Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền tự do tôn giáo khi đến Việt Nam điều tra về quyền cơ bản này ở Việt Nam và ông tố cáo đã bị ngăn chặn, gây khó dễ ra sao khi thi hành phận sự, và sau đó, ông ta bị cấm vào Việt Nam.
Đó là những con số và sự kiện có thật nói lên thực trang Nhân quyền Việt Nam.
Thế nhưng Việt Nam, đã được bầu vào Hội Đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 và năm nay lại ứng cử tiếp vào Hội đồng này. Khi Việt Nam được bầu vào làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ, chúng tôi đã có bài viết: “Thưa toàn thể thế giới: Chúng mày chỉ là những thằng ngu” để nói lên hiện tượng này.
Đã có những khi, các tổ chức nhân quyền quốc tế nêu vấn đề nhân quyền tại Việt Nam như Ủy Ban Nhân Quyền LHQ (Một tổ chức khác với Hội đồng Nhân quyền LHQ) chuyên trách theo dõi vấn đề nhân quyền của LHQ ngày 28/3/2019 đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam chấm dứt biện pháp bỏ tù những nhà hoạt động, nhà báo vì lên tiếng chỉ trích các chính sách của nhà nước. Ủy ban này cũng bày tỏ quan ngại về số lượng lớn các án tử hình và hành quyết áp dụng đối với những tội nhẹ hơn sau những phiên xử đầy sai phạm. Hoặc mới đây, thông cáo chung ngày 10/11/2020 của nhóm báo cáo viên độc lập thuộc Cao Ủy Nhân quyền LHQ về việc Hà Nội bắt giữ bốn nhà đấu tranh giữ đất gồm bà Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang.
Thế nhưng điều mà người ta thấy là sự chối cãi chầy cối và ngụy biện loanh quanh của nhà cầm quyền CSVN bằng những lời lẽ mà ai cũng thấy hết sức cùn gỉ và bẩn bựa, đến đứa trẻ cũng không thể chấp nhận.
Vậy nhưng Hội đồng nhân quyền LHQ vẫn hoặc chấp nhận hoặc im lặng không có một phản hồi nào khác hay một hành động nào để cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam theo đúng chức năng nhiệm vụ của mình.
Có thể nhìn thấy điều này: Ngay từ đầu, khi thành lập nhiều nước độc tài đua nhau vào làm thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ cho thấy sự lũng đoạn và thao túng tổ chức này bởi chính những chính thể là thủ phạm vi phạm quyền con người trầm trọng nhất.
Ngẫm suy ra việc Hội đồng Nhân quyền LHQ bầu những chính thể đàn áp nhân quyền nặng nề và nghiêm trọng nhất làm thành viên của mình, chẳng khác gì việc bầu đám cướp làm quan tòa, hay đưa kẻ giết người đi rao giảng về bảo vệ sự sống.
Thật đúng như lời bình luận đầy phẫn nộ của Hillel Neuer, người điều hành hiệp hội UN Watch, một tổ chức phi chính phủ đặc trách theo dõi việc tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc về nhân quyền của các thành viên Liên Hiệp Quốc rằng: “LHQ chọn kẻ đốt nhà đi chữa cháy”
Và thực tế, Hội đồng này đã chẳng có chút tác dụng nào cho việc bảo vệ quyền làm người của những người dân trên thế giới.
Việc bầu vào Hội đồng Nhân quyền LHQ những quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Nga, Cuba hay Venezuela đã như một sự sỉ nhục, một sự nhạo báng những giá trị nhân quyền, những định nghĩa về nhân quyền LHQ đã công bố.
Và tựu trung lại, những cơ quan này chẳng có mấy tác dụng đến việc cải thiện tình hình nhân quyền tại các đất nước mà ở đó, con người không được sống như con người, khi mọi quyền cơ bản bị xâm phạm.
Ngược lại, tổ chức này nhiều khi lại trở thành lá bùa che chắn cho chính những hiện trang xâm phạm quyền con người trầm trọng và ngày càng gia tăng trên những khu vực mà ở đó, người dân đã bị tước đoạt đi nhiều quyền để làm con người của họ nếu Tổ chức này không chịu tiếp nhận và tìm hiểu cũng như có biện pháp bênh vực những tiếng kêu của người dân nơi đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét