Nhân vật của năm, của đại hội XIII: Phạm Minh Chính | Tiếng Dân
Quan sát một lộ trình bắt đầu rời Bộ Công an của ông Phạm Minh Chính, thấy rõ, ông đã chuẩn bị tình huống này cho mình không phải một tháng hay một năm. Ông tích lũy di sản cả về thực tiễn (phát triển Quảng Ninh) và cả về chính trị như là một nhà cải cách (cho dù những cải cách về công tác cán bộ của ông ở QN là còn cần phải thảo luận nhiều về lý luận).
Ông Hoàng Ngọc Nhất hẳn đã rất tinh khi chọn ông Chính làm thư ký. Nhưng ít có một thư ký nào khi “sếp” mình “rớt đài” không những không “việt vị” mà còn tiến rất xa hơn “sếp”. Phần sau trong sự nghiệp của ông có vai trò rất đáng kể của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tháng 5-1998, tôi lên Yên Tử, lấy cớ viết về Thượng hoàng Trần Nhân Tông, khai thác yếu tố Ngài “lên núi” để “phản ứng” với ngôi vị Thái Thượng Hoàng. Khi về có gặp TBT Lê Khả Phiêu, tôi có kể câu chuyện, các tảng đá trên đỉnh Chùa Đồng khắc rất nhiều tên tuổi để nói “ai lên đến đó cũng chỉ muốn lưu danh”.
Phạm Minh Chính là một người rất thông minh. Cách hành xử của ông trong thời gian qua cho thấy, ông đang tìm kiếm giá trị gì [các đời Trưởng ban Tổ chức trước ông đều có rất nhiều ân oán và ông thì lại được đa số các “hồng y” mà ông sắp xếp trả ân]. Tôi nghĩ, ông sẽ học bài học từ hai người “sếp” cũ, để giấu bớt sự thông minh, không kiêu bạc như Tướng Hoàng Ngọc Nhất; không mất khả năng kiểm soát lòng tham như Nguyễn Tấn Dũng.
Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ quan tâm tới việc gây dấu ấn trong lịch sử hơn là những gì ông đã có. Ông Phạm Minh Chính, có lẽ, sẽ muốn mình là một nhà cải cách. Và nếu ông “khép lại quá khứ” chuẩn bị cho mình một lộ trình cải cách đúng đắn và chắc chắn thì không chỉ ông mà đất nước cũng sẽ có thêm dấu ấn.
PS: Trước đây ông Võ Văn Kiệt thừa nhận là cả ông, ông Phan Văn Khải rồi Nguyễn Tấn Dũng đều chưa đầu tư đúng mức cho Nam Bộ. Ông Chính là Thủ tướng không phải là người Nam Bộ nếu sửa khắc phục được thiếu sót này của 3 người tiền nhiệm thì Nam Bộ cũng được mà ông cũng được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét