Đế quốc bành trướng, đế quốc lụn bại – Phần 9: Thử thách mới
5-2-2021
Tiếp theo Phần 1: One China – Phần 2: Bài học Đài Loan – Phần 3: Empire rise and falls – Phần 4: Vài ngộ nhận – Phần 5: Nước Mỹ vĩ đại – Phần 6: Cột mốc mới – Phần 7: Hiện tượng Trump – Phần 8: Di Sản của Trump (Trump’s Legacy)
Hình ảnh các anh “Bộ đội cụ Tơn” phờ phạc nằm trong nhà quốc hội Mỹ để ngăn chặn một cuộc bạo loạn đã khẳng định những gì tôi viết trước cuộc bầu cử:
Nền dân chủ Mỹ sẽ chiến thắng, nhưng nước Mỹ sẽ không còn là nước Mỹ trước đó.
Những hình ảnh này khiến người ta liên tưởng đến cuộc nội chiến 1861, khi mà trung đoàn 8 Massachusett cũng từng ngủ trong tòa nhà Capitol. [1]
Ngày 6.1.2021 đã đánh dấu một bước ngoặt mới của nước Mỹ.
Cái hố hận thù khó hàn gắn mà Trump tạo ra sẽ khiến nước Mỹ mất đi sức mạnh tiềm ẩn. Hàng tỷ người dân các nước đang phát triển đã mất niềm tin vào nền dân chủ, trong khi mô hình CNTB độc tài của Bắc Kinh bỗng có sức hấp dẫn.
Nhiều người Việt giờ đây coi Mỹ và Phương Tây là tay sai của Trung Quốc.
Sự thật là vai trò siêu cường độc tôn của Mỹ đã chấm dứt từ vài năm qua. Nhưng điều đó không có nghĩa là nước Mỹ sụp đổ. Mỹ vẫn tiếp tục là một cường quốc hàng đầu về kinh tế, tài chính, công nghệ và quân sự. Nhưng Mỹ phải chia sẽ thế giới với các đế quốc khác và mất dần vai trò đế quốc văn hóa.
Bên cạnh các đế quốc khu vực như Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran đang xuất hiện một siêu đế quốc mới, Trung Quốc!
Nhiều người Việt coi việc Trung Quốc vươn lên thành siêu cường là tội lỗi của phương Tây. Từ đó họ hoảng loạn và cầu mong Trump cứu rỗi. Nghịch lý là sự khiếp nhược tạo ra sự độc ác. Đã có nhiều kẻ hỉ hả với nhau là Trump tuy mất chức, nhưng vẫn còn giữ va-ly hạt nhân mang về Florida!!!
Sự độc ác cũng không phân biệt giữa những người chịu nền giáo dục XHCN hay chống cộng.[2]
Trong lịch sử loài người, Trung Quốc và Ấn Độ hầu như luôn chiếm ¾ tổng sản lượng toàn cầu, cho đến khi CNTB xuất hiện. Hai quốc gia này vì ngủ quên nên bị tụt hậu. Nhưng với dân số khổng lồ, tiềm năng về con người, về văn hóa, việc hai nước này trở thành siêu cường chỉ là vấn đề thời gian. Và điều đó đã đến trước với Trung Quốc, từ khi Đặng Tiểu Bình thực hiện khẩu hiệu “Mèo trắng-Mèo đen”. Giả sử phương Tây có cảnh giác với Trung Quốc trong vấn đề bản quyền công nghệ thì cũng chỉ làm chậm quá trình này từ 5-10 năm mà thôi. Mỹ, phương Tây và Liên Xô luôn coi gián điệp công nghệ là quốc sách, nhưng quyết định cho phát triển luôn luôn là nội lực. Hồ sơ phi thuyền con thoi sẽ được bán giấy vụn nếu về đến Việt Nam.
Nhờ nội lực mà Trung Quốc đã công nghiệp hóa thành công. Với 1,4 tỷ dân, có thể tới năm 2035 Trung Quốc sẽ vượt Mỹ về GDP[3]. Nhưng xét về mức sống của người dân, trình độ văn minh, chỉ số tự do v.v thì còn rất xa Trung Quốc mới trở thành chuẩn mực của nhân loại, để rồi tiếng Hoa có thể thay tiếng Anh, áo Tôn Trung Sơn thay áo Veston, tuồng Quảng thay opera.
Và cứ cho rằng điều đó xảy ra, thì đế quốc Hoa cũng sẽ bành trướng và suy tàn như mọi đế quốc trong lịch sử.
Việt Nam chúng ta luôn luôn tồn tại và phát triển cùng với các Đế quốc Trung Hoa, từ nhà Tần đến nhà Thanh, kể cả lúc Nguyên Mông đã chinh phục toàn thế giới. Đó là một thực tế lịch sử. Tại sao lại khiếp nhược đến mức dân thì dọa nhau đi học tiếng Hoa, nếu Trump thất cử? Quan thì sợ đến mức một mặt chỉ thị cho bộ đội biên phòng cảnh giác, nhưng lại bỏ tiền ra xây một khẩu hiệu khổng lồ ca ngợi tình hữu nghị Việt Trung cách đồn vài trăm mét?
Nỗi lo sợ của người Việt hiện nay không chỉ do sự lệ thuộc của Việt Nam vào Trung Quốc trên mọi bình diện: chính trị, kinh tế, văn hóa. Các cấp, ngành đua nhau cử cán bộ đi tập huấn ở Trung Quốc. Phim ảnh, sách, nhạc Trung Quốc tràn ngập. Kinh tế nhà nước thích chơi với nhà thầu Trung Quốc, tiểu thương thì thích buôn lậu hàng Trung Quốc tiểu ngạch… Đó là các loại gọng kìm từ bên trong do chính chúng ta tạo ra, trong khi các tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc ngày càng ép từ bên ngoài.
Nỗi lo sợ chủ yếu đến từ chỗ bế tắc phương sách.
Có lẽ trên thế giới không có quốc gia nào mà sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc lại nặng nề như Đài Loan. Vì công nghiệp hóa trước Trung Quốc khoảng 20 năm nên khi lục địa mở cửa, làn sóng đầu tư của tư bản Đài Loan vào đó nhằm tận dụng nhân công giá rẻ đã tạo nên sự thịnh vượng thật sự cho đảo quốc này. Từ 1993 đến nay, đầu tư của tư bản Đài Loan vào Hoa lục luôn nằm ở mức 70-85% tổng giá trị đầu tư của họ ra nước ngoài.
Nhưng cũng không nơi nào mà sự đe dọa của Trung Quốc về lãnh thổ, về quyền lợi chính trị, về ngoại giao lại nguy hiểm như ở Đài Loan. Chính sách One-China mà Mỹ và phương Tây chấp nhận với Bắc Kinh đã khiến Đài Loan mất hết quan hệ ngoại giao. Các Đại sứ quán trước kia, nay chỉ còn là “Văn phòng đại diện kinh tế văn hóa”.
Nhưng không nước nào nghĩ đến việc cắt đứt quan hệ làm ăn với Đài Loan, một nền kinh tế hùng mạnh. Trong các danh mục xuất nhập khẩu, hàng Đài Loan vẫn được xếp hạng cùng các nước đã phát triển (OECD), còn đứng trên Trung Quốc. Các ông chủ Đài Loan vẫn vững vàng đầu tư vào lục địa để sử dụng nhân công rẻ tiền ở đó làm giàu cho mình mà không sợ bị thôn tính. Không quân, hải quân của nước Đài Loan 25 triệu dân vẫn truy đuổi các tàu bè của Hoa lục 1,4 tỷ dân ra khỏi không phận, lãnh hải, của mình.
Điều gì đã khiến một quốc gia tưởng như dễ bị Trung Quốc nuốt chửng vẫn vững vàng như vậy? Đó chính là thể chế dân chủ mà người Đài Loan, cùng huyết thống Hán, đã lựa chọn.
Họ không trách móc ai bỏ rơi họ, không chửi ai đó đã giúp Trung Quốc giàu nhanh. Là người Hoa, họ biết nội lực của dân tộc họ. Những gì người Đài Loan đạt được về kinh tế, người Hoa lục lúc nào đó sẽ có. Đài Loan chỉ có thể giữ khoảng cách đi trước bằng mô hình mà Trung Quốc hiện chưa thể có: Dân chủ, nhân quyền, tự do và công bằng.
Đó là con đường duy nhất Việt Nam phải đi để có thể tồn tại với Trung Quốc về lâu về dài.
Có người cho đó là không tưởng. Trong lịch sử, nền dân chủ nào chẳng đã kinh qua các chế độ độc tài, phong kiến, thậm chí nô lệ!
Có người coi văn hóa Nho giáo, tư tưởng phong kiến là trở ngại trên con đường dân chủ hóa. Nhưng các nước nho giáo như Đài Loan, Hàn Quốc vẫn trở thành dân chủ sau những đêm dài độc tài đẫm máu. Malaysia thậm chí còn đang dân chủ hóa từ nền tảng phong kiến hồi giáo.
Ở các xứ đó, thế lực cầm quyền không tự nguyện rời bỏ quyền lực. Hiện đại hóa ắt tạo ra tầng lớp trung lưu. Lực lượng này khi đạt đủ độ dày về số lượng và chất lượng sẽ thay đổi nếp sống xã hội, gây sức ép và đồng thời tạo ra môi trường cho cải cách. Các thế lực cầm quyền truyền thống kiểu gì cũng bị đào thải, nếu không bởi xã hội phát triển thì bởi quy luật sinh học. Để rồi các thế hệ kế cận cũng phải từ lực lượng tinh hoa này mà ra.
Đó là quy luật, không phải lý thuyết suông. Nhưng nếu chỉ há miệng chờ vào quy luật sinh học thì Việt Nam sẽ nhỡ hết chuyến tàu này đến chuyến tàu khác. Dân chúng lại cứ vài năm một lần ngồi đồn đại ông nào lên, ông nào xuống. Cả trên lẫn dưới cứ tiếp tục tự lừa dối nhau là „cụ“ này có tâm, „thằng“ kia thân Tàu. Con tàu Việt Nam cứ phì phò lê từng bước, trong khi các con tàu khác cứ vùn vụt qua mặt.
Quá trình tư bản hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam hiện nay là không thể đảo ngược. Một tầng lớp trung lưu mới, từ giới chủ đến người làm thuê đang xuất hiện. Một số nhà tư bản sau khi tích tụ bằng cướp đất, bằng chộp giật đã bắt đầu đi vào chiều sâu. Một thế hệ người lao động mới đang từng bước học tập kỹ năng của nhân loại.
Đáng buồn là tốc độ phát triển luôn bị phanh bởi thể chế. Có doanh nhân than thở: Thà các ông cứ ngồi yên là chúng tôi mừng.
Việc chậm trễ canh tân đất nước không chỉ đe dọa nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, mà còn duy trì sự phát triển hỗn loạn đang tàn phá thiên nhiên một cách không kiểm soát. Người Việt có thể bị tiêu diệt vì bệnh dịch, vì nước lũ, vì ô nhiễm nguồn nước trước khi vì bị mất nước.
Chúng ta không còn nhiều thời gian và không có lựa chọn nào khác.
Sự thay đổi đến nhanh hay chậm tùy thuộc vào sự thay đổi của từng con người. Tất cả chúng ta đều không vô can.
_____
[1] National Guard sleeping in the Capitol an echo of Civil War, Lexington and Concord(milforddailynews).
[2] Điển hình về tâm địa độc ác là bài thơ “Lỗ đen” của họa sỹ Trịnh Cung phê phán nhà thơ trẻ Amadan Gorman trong buổi lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden. Trịnh Cung là một họa sỹ có tên tuổi ở miền Nam từ trước 1975.
[3] Theo CIA: năm 2019, Official GDP của Mỹ = 20.516 tỷ USD, Trung Quốc = 14.327 tỷ USD. Tính theo đầu người thì 1,4 tỷ người Trung Quốc đạt 10.000 USD/năm, trong khi người Mỹ có 62.530 USD/năm. Không kể khủng hoảng Covid-19 thì hàng năm tăng trưởng của TQ khoảng 5-6%, Mỹ khoảng 1-2%. Theo đà này thì khoảng sau 2035, có thể Trung Quốc vượt Mỹ về GDP, nhưng về mức sống, văn minh thì còn rất lâu.
Tương tự có thể so sánh Ấn Độ với Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét