Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 18 tháng 2, 2021

Đầu năm nói chuyện học trò

 

Đầu năm nói chuyện học trò

Huống chi khi cả thế giới đang phải đương đầu với Covid thì sự đoàn tụ, sum họp bên cha mẹ, con cái, anh em, gia đình đã trở nên vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

Hôm nay đi dạy, bất chợt nhận được một niềm vui nhỏ. Trong lớp năm thứ hai, một nhóm học trò khi chào tôi, các em đã nói: “Chúc Mừng Năm Mới… thầy Lâm Bình”. Thoạt đầu, có em chưa kịp hiểu thì vài giây sau, em ấy thốt lên : À, là Năm mới Trung Hoa ( Ah, c’est le Nouvel An chinois!).

Nhưng em khác lại bảo: Không, là Năm mới ở Việt Nam mà!

Trong thời khắc lạnh giá của mùa đông, của tâm tư tha hương thì lời chúc của học trò tạo cho tôi nhiều cảm xúc thú vị.

Dẫu dạy Toán nhưng tôi vẫn thường hay nói chuyện thời sự, chính trị hay lịch sử với học trò của mình. Trong đó, lịch sử Việt Nam vẫn là đề tài hấp dẫn gây nhiều tò mò cho các em. Vì sao tôi đến đây? Vì sao tôi đi dạy học? Vì sao tôi không về Việt Nam? Vì sao Việt Nam vẫn còn theo thể chế cộng sản? Và trong các câu chuyện ấy, tôi vẫn hay nhắc đến sự khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc, điều mà người phương Tây đôi khi không để ý. Điều rõ ràng nhất là nhiều người vẫn hay mỉm cười bảo: Đối với tôi, tất cả đều là Tàu!

Cách đây vài năm, lần đầu tôi dạy cho một lớp năm thứ ba, dành cho học sinh đi học những ngành như Y, như Luật hay Kinh tế, có một em đến trò chuyện với tôi. Cậu ta kể rằng tối qua có xem một chương trình giới thiệu về Việt Nam và cậu cảm thấy đó là một mảnh đất đẹp và hiếu khách. Tôi mỉm cười bảo, nếu em muốn tìm hiểu, nên đi bây giờ trước khi quá muộn, trước khi Việt Nam trở thành một vùng đất móc tiền khách du lịch bằng mọi giá và phát triển một cách với tội vạ.

Trong giờ nghỉ giữa hai tiết học ấy, tôi có kể rằng Việt Nam là một trong vài nước độc tài cộng sản hiếm hoi còn tồn tại trên thế giới. Em trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên. Tôi hiểu vì đối với nhiều người, chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là một dĩ vãng buồn của một thời Chiến tranh Lạnh.

Vài ngày sau, cũng chính cậu học trò này đã kể với tôi rằng cậu đã đọc một cuốn sách về Việt Nam của Pierre Brocheux. Cậu đã nói một câu khiến tôi không thể nào quên được: Thầy ơi, em không hiểu người cộng sản sau khi đã “thống nhất” ( réunification) nước Việt Nam, họ lại khiến cho hàng triệu người phải bỏ nước ra đi và biết bao người đã chết ngoài biển! Em không hiểu vậy tại sao họ lại muốn “thống nhất”? Sao họ không để tiến trình thống nhất ôn hoà như nước Đức?

Tôi chỉ biết nhún vai, bảo rằng lịch sử không có chữ nếu!

Thỉnh thoảng, tôi vẫn cảm động khi nhớ về lời nhận xét trên của một cậu học trò người Thụy Sĩ, chỉ mới 19 tuổi!

Đó là điều mà không ít người Việt vẫn không muốn hiểu và đó cũng là nỗi bất hạnh của dân tộc!

Sự hiện diện của một ông thầy giáo người Việt luôn là một sự thú vị cho học trò trong những ngôi trường tôi từng đi qua, từ đại học đến trung học. Điều khiến tôi thích thú chính là sự tò mò và khả năng tìm hiểu cũng như phân tích sự việc của các em. Trước những dịp lễ, tôi vẫn hay để học trò các lớp thảo luận về đủ thứ chuyện trong xã hội. Từ bầu cử đến văn hoá, chính trị hay môi trường. Các em trong độ tuổi 16-20 nhưng có một khối lượng kiến thức rất ấn tượng. Quan sát và lắng nghe học trò nói chuyện mới cảm thấy tuổi thơ của chính tôi rất nghèo nàn trên mọi phương diện trong một xã hội tù túng. Nhiều em đã rất “cứng cỏi” trong tranh luận và phản biện, nhất là khi liên quan đến chính trị. Nhiều bất đồng về cách nhìn hay nhận thức nhưng các em luôn tìm cách đưa ra các lập luận để phản biện chứ không hề cãi nhau hay bực tức nhau.

Những luồng tư tưởng thiên tả hay thiên hữu cũng sớm được bộc lộ nơi học trò của tôi. Trong các cuộc tranh luận ấy, tôi chỉ đóng vai trò người quan sát. Ít khi tôi đưa ra cách nhìn hay lập trường của cá nhân. Tôi chỉ muốn các em tự tin vào những gì các em cho là đúng.

Không ít học trò của tôi bày tỏ nguyện vọng tham gia các đảng phái chính trị. Để làm gì? Tôi hỏi các em. Không chút do dự, để cống hiến cho xã hội, để giúp cho xã hội hoàn thiện hơn, nhân bản hơn, công bằng hơn,…

Đó là điều khiến tôi rất cảm phục nơi chính học trò của mình.

Có lần, tôi đã bảo với các em rằng, tuổi trẻ của tôi không hề có những cuộc tranh luận cởi mở và thú vị như thế vì quê hương của tôi như một nhà tù khổng lồ, bóp nghẹt mọi hơi thở hay khát vọng tự do. Tôi động viên các em cứ làm chính trị như các em mong ước. Tả hay hữu gì cũng hay vì một xã hội đa nguyên cần những luồng tư tưởng khác nhau. Chỉ có va chạm và tranh luận mới khiến xã hội tự hoàn thiện hơn và đáng sống hơn. Điều cần lên án chính là chủ nghĩa cực đoan, độc tài chính trị, tôn giáo và chủ nghĩa kỳ thị, phân biệt chủng tộc. Tôi chỉ nhắc lại vì đơn thuần đó chính là những gì các em được giáo dục hàng ngày trong các lớp học.

Tuổi trẻ Thụy Sĩ nói riêng hay tại châu Âu nói chung được giáo dục rất bài bản về những khái niệm về tự do, về nhân quyền và về chính trị. Đó là cuộc sống, là hơi thở của các em. Chính trị là một khái niệm tốt đẹp không thể tách rời trong muôn vàn lĩnh vực trong đời sống. Các em không hề ngần ngại khi bàn đến chính trị.

Từ chuyện bầu cử tại Mỹ đến chuyện BLM, hay QAnon, từ những chính sách đón nhận người di dân đến sự bất bình đẳng giữa các quốc gia Nam-Bắc trên thế giới, từ sự tồn tại của một xã hội tiêu thụ bất chấp sự cạn kiệt của tài nguyên thế giới đến sự lên ngôi của chủ nghĩa dân tuý tại nhiều quốc gia tiến bộ,… Dường như không có chủ đề nào khiến các em e ngại.

Các em cũng hoàn toàn cảm nhận được trách nhiệm của thế hệ trẻ về môi trường. Trước cơn đại dịch, nhiều ngày thứ sáu, sinh viên học sinh tại Thụy Sĩ đã rầm rộ xuống đường tuần hành vì môi trường, vì khí hậu. Tại Lausanne , hàng ngàn bạn trẻ đã đồng hành cùng nhà hoạt động môi trường trẻ tuổi Greta Thunberg, trong đó có hàng trăm học trò của tôi.

Đó là điều khiến tôi cảm động và vui mừng. Tôi ủng hộ các em vì ngay cả khi đã học tại Thụy Sĩ, thế hệ của tôi cũng chưa từng có dịp xuống đường như thế.

Các em tuần hành vì các em tin vào khả năng có thể làm thay đổi cái nhìn của các chính trị gia. Không ít người lớn cười nhạt vì xem thường nhưng nếu công tâm thì chính thế hệ trẻ mới là những nhà lãnh đạo thế giới trong tương lai!

Đơn giản là thế!

Có một lần, học trò cho tôi xem cảnh “biển người” tại Sài Gòn và bày tỏ sự “khâm phục” về tình yêu của người Việt đối với quả bóng tròn. Nhưng có em cũng hỏi tôi rằng tại sao không có những “biển người” như thế để xoá bỏ chế độ độc tài trong nước?

Tôi chỉ biết cười bảo rằng cái hay của một chế độ cộng sản là đã khiến con người ta đặt tình yêu vào những gì vô hại cho chế độ!

Học sinh trung học năm thứ hai tại Thụy Sĩ phải làm một luận văn Tú tài. Có rất nhiều đề tài từ các môn học đến văn hoá, triết học, nghệ thuật,… Năm nay, có một em làm luận văn về Chiến tranh Việt Nam. Em liên lạc với tôi và nhờ tôi hướng dẫn. Với người đồng nghiệp dạy Sử, tôi có nhắc lại câu nói nổi tiếng của Joachim Peiper :”Lịch sử luôn được viết bởi người chiến thắng, còn lịch sử của những người thuộc phe thất bại thì thuộc những người ngày càng thưa dần”, và tôi cho rằng chưa bao giờ câu nói ấy lại đúng với những gì đã xảy ra tại Việt Nam.

Tôi khuyên em, trong khả năng của mình, nên tìm hiểu Sự thật của một cuộc chiến thảm khốc mà những vết thương đến ngày nay vẫn còn hiện hữu trong tiềm thức của cả một dân tộc.

Đó đơn thuần chỉ là một luận văn Tú tài nhưng đủ cho chúng ta thấy sự đa dạng về các lĩnh vực và kiến thức trong một môi trường giáo dục cởi mở và nhân bản như tại Thụy Sĩ.

Tuổi trẻ của Tự do đầy nhiệt huyết và kiến thức chính là chìa khoá cho bao xã hội văn minh và tiến bộ . Sự tự hoàn thiện và cởi bỏ những tư duy cứng nhắc, ích kỷ luôn là khát vọng của thế hệ trẻ tại Thụy Sĩ hay thế giới phương Tây. Đó chính là cái nét đẹp của một môi trường dân chủ. Luôn tự chất vấn để đạt đến sự công bằng là đích đến của một guồng máy hoàn chỉnh. Bao bài học thú vị tôi có được từ những quan sát và trò chuyện với học trò. Đó có lẽ là điều khiến tôi hạnh phúc nhất khi bước chân vào “nghiệp” dạy học.

Có thể nói sự trưởng thành trong nhận thức của học trò đã khiến chính những người dạy học cũng phải tự thay đổi để kịp thích ứng với thời đại. Ngày nay, người thầy không còn là người được tự cho rằng chỉ có mình là người duy nhất nắm giữ kiến thức và cả chân lý! Cái nhìn lỗi thời ấy có lẽ hiện diện rõ nét trong tư tưởng Khổng giáo và Nho giáo tại Việt Nam.

Nơi xứ người, không hề có sự “lo ngại” hay “sợ” trước những phản biện của tuổi trẻ. Ngược lại, luôn có sự khuyến khích về tranh luận, trao đổi giữa các thế hệ. Những khái niệm về Tự do, Nhân quyền, Dân chủ vốn luôn được truyền thụ một cách thẳng thắng và trung thực khiến cho các thế hệ tương lai luôn tự tin vào chính khả năng của mình. Thất bại không hề làm họ chùn bước. Chính tiếng nói của họ mới góp phần làm thay đổi diện mạo của xã hội. Hơn ai hết, tuổi trẻ tại Thụy Sĩ hiểu rõ bài học vỡ lòng ấy.

Đó cũng là những gì tuổi trẻ tại Việt Nam thiếu hẳn. Từ tư duy đến nhận thức và cả khát vọng đều đã bị bóp chẹt trong một xã hội dường như chỉ biết đến sự thành công vật chất và công danh. Sự thức tỉnh không thể đến một sớm một chiều. Nó đòi hỏi sự trưởng thành trong va chạm và thất bại. Tất cả đều thiếu hẳn trong hành trang của tuổi trẻ Việt Nam.

Lỗi do ai? Do cơ chế? Do chế độ? Đúng nhưng không thể can tâm chấp nhận vì đó là thái độ đồng loã với cái xấu, khiến chúng tiếp tục hiện diện trong đời sống hàng ngày…

Khai dân trí chính là mấu chốt của xã hội Việt Nam.

Mong lắm thay, tuổi trẻ Việt Nam một ngày nào đó cũng tự “cởi trói” và dám đương đầu với mọi thử thách của lịch sử và thời đại, như tuổi trẻ của bao miền đất Tự do trên trái đất này!

Viết vội trong muôn vàn cảm xúc của ngày Mồng một Tết Tân Sửu 2021.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét