Đàn hặc tổng thống, phải nói đúng là tổng thống bị đánh đòn
Jackhammer Nguyễn
14-2-2021
Vụ đàn hặc ông Trump kết thúc đúng như dự báo của tất cả mọi người là ông ta sẽ được tha tội. Đảng Dân chủ cũng biết rõ như thế vì việc tìm kiếm thêm 17 đồng minh từ phe đối lập Cộng hòa rất khó khăn trong không khí đảng phái hiện nay.
Mục đích của vụ đàn hặc này rất rõ ràng, đó là đảng Dân chủ muốn phơi bày tội kích động bạo lực của ông Trump, cũng như hành động của ông ta gây nguy hiểm cho nền dân chủ Mỹ như thế nào, để người dân Mỹ nhìn thấy rõ hơn. Ngoài ra, đảng Dân chủ cũng muốn ngăn chặn những hành động tương tự xảy ra trong tương lai, và rằng không ai đứng trên pháp luật, kể cả Tổng thống Mỹ. Dĩ nhiên nếu thuyết phục được đối phương thì càng tốt.
Về phía đảng Cộng hòa, vụ đàn hặc này đẩy họ vào thế tiến thoái lưỡng nan. Không kết tội Trump thì những người Cộng hòa truyền thống sẽ chống đảng, còn kết tội ông ta thì sẽ ảnh hưởng tới việc tái cử của các Thượng nghị sĩ Cộng hòa trong tương lai. Một mặt, các thượng nghị sĩ Cộng hòa chống lại sự rạn nứt nội bộ do ông Trump gây ra, giữ được đám cử tri son sắt của ông Trump; mặt khác, họ phải tìm cách biện hộ với chính mình và với số cử tri có lý lẽ.
Nhưng đàn hặc liệu có phải là một phiên tòa như khái niệm chúng ta thường thấy trong các nền dân chủ với tòa án độc lập?
Không phải như vậy, nhất là với cấu trúc lưỡng đảng thì càng khó hơn để phiên tòa ở Thượng viện được độc lập mà không lệ thuộc vào đa số các thượng nghị sĩ trong vai bồi thẩm đoàn.
Có thể khi thiết chế điều khoản về đàn hặc trong hiến pháp, những nhà lập quốc của Hoa Kỳ không sống trong không khí lưỡng đảng như sau này. Trừ phiên tòa vừa kết thúc với ông Trump được tha bổng, do một vị thượng nghị sĩ chủ trì, các phiên đàn hặc trước đây đều do một thẩm phán Tối cao Pháp viện cầm trịch, nhưng rõ ràng là vai trò này chỉ mang tính hình thức, vì tỷ số 2/3 các thượng nghị sĩ mới là số người quyết định.
Có bốn vụ đàn hặc tổng thống trong lịch sử Hoa Kỳ là: Tổng thống Andrew Johnson (1868), Bill Clinton (1998), Donald Trump (2019 và 2021), trong đó ông Trump phá kỷ lục khi bị đàn hặc đến hai lần và là tổng thống đầu tiên bị đàn hặc sau khi mãn nhiệm.
Ông Johnson bị đàn hặc vì thay người cánh hẩu bất hợp pháp, ông Clinton bị đàn hặc vì nói láo hữu thệ và cản trở công lý, ông Trump vì thông đồng với nước ngoài và kích động bạo loạn.
Trong bốn lần, cả 3 tổng thống đều trắng án. Được biết, Tổng thống Johnson đã đổi chác với một số thượng nghị sĩ để họ bỏ phiếu chống, còn Tổng thống Clinton và Trump đều thoát nạn vì phe chống không thể tìm đủ con số 2/3 Thượng nghị sĩ kết tội.
Với tình trạng như vậy, không thể nói đàn hặc mang cùng bản chất với nền tư pháp độc lập của Mỹ. Đồng ý rằng đàn hặc là để dự phòng chuyện động trời do tổng thống gây ra, nhưng tính chính trị của nó rất cao, vì vậy, thế nào là động trời, sẽ có câu trả lời tùy ý.
Ông Clinton bị đưa ra đàn hặc vì hai tội: Nói láo hữu thệ và cản trở công lý. Clinton bị dính vụ bê bối tình dục với cô thực tập viên tòa Bạch Ốc, nhưng sau đó ông chối bỏ và nói láo khi tuyên thệ, cũng như tìm cách cản trở cuộc điều tra. Tội “nói láo hữu thệ” (perjury) được các nghị sĩ Cộng hòa cho là “động trời”, nhưng trong trường hợp ông Trump kích động bạo loạn làm chết người và tổn hại uy tín của Mỹ, thì họ cho rằng tội này không “động trời”.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là, các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm đoàn phải toan tính thiệt hơn những chuyện đảng phái, cử tri, tái cử,… khi bỏ phiếu trong phiên tòa đàn hặc.
Nếu so sánh với các phiên tòa bình thường thì rõ ràng là rất khác, bồi thẩm đoàn trong phiên tòa bình thường là 12 người dân thường, họ không chịu áp lực chính trị, nên việc bỏ phiếu của họ khá công tâm. Còn bồi thẩm đoàn trong phiên tòa Thượng viện vừa qua là 100 Thượng nghị sĩ, họ phải chịu áp lực từ đảng phái, số cử tri, quan điểm chính trị… cho nên việc bỏ phiếu của họ có thể không thể hiện việc bị cáo có tội hay không.
Trở lại với vụ đàn hặc ông Trump vừa kết thúc, hãy quan sát hành động của một “cáo già chính trị” trong chính trường Mỹ, là thượng nghị sĩ Mitch McConnell (bang Kentucky). Ông McConnell bỏ phiếu tha bổng cho ông Trump, đồng thời ông lại tuyên bố khi phiên tòa kết thúc, như sau:
“Rõ ràng là tổng thống Trump chịu trách nhiệm trên thực tế và về mặt đạo đức đối với cuộc bạo loạn. Những kẻ bạo loạn rõ ràng là hành động theo mong muốn và chỉ thị của tổng thống của họ. Những hành động bạo loạn này cũng là kết quả của tin vịt và thuyết âm mưu, sự cường điệu điệu liều lĩnh mà vị tổng thống bị đánh bại liên tục hét vào chiếc loa lớn nhất hành tinh này”.
Ta hãy cứ tin những gì ông McConnell nói và làm, thì thấy rằng, ông ta làm theo quan niệm của ông ta là tổng thống mãn nhiệm không thể bị đàn hặc. Hành động bỏ phiếu tha tội cho Trump của McConnell, cộng với tuyên bố sau khi bỏ phiếu của ông ta, sẽ dẫn đến suy nghĩ rằng, liệu ông Trump chưa mãn nhiệm, thì ông McConnell sẽ bỏ phiếu kết tội?
Chúng ta cũng không biết thật sự điều gì diễn ra trong đầu “cáo già chính trị” McConnell, nhưng quá khứ của ông ta chứng minh rất rõ tính đảng phái qua vụ bổ nhiệm thẩm phán Tối cao Pháp viện.
Vào năm cuối cùng của nhiệm kỳ, còn 8 tháng nữa tới ngày bầu cử, tổng thống Obama cần bổ nhiệm một thẩm phán vào Tối cao Pháp viện, thay thế thẩm phán Antonin Scalia vừa qua đời, nhưng ông McConnell đã chống lại bằng mọi cách, kết quả là ông Obama không bổ nhiệm được. Nhưng lúc ông Trump sắp mãn nhiệm, chính ông McConnell đã giúp bổ nhiệm bà Amy Coney Barrett vào làm thẩm phán Tối cao Pháp viện, khi chỉ còn 6 ngày là tới ngày bầu cử.
Tóm lại, phiên tòa ở Thượng viện không tương đồng với các phiên tòa độc lập bình thường trong nền tư pháp Mỹ. Việc đàn hặc tổng thống cũng giống như nọc đứa trẻ hư ra đánh đòn ở các quốc gia phương Đông. Hãy nghe lại câu cuối của ông McConnell mà tôi trích ở trên: “Sự cường điệu điệu liều lĩnh mà vị tổng thống bị đánh bại liên tục hét vào chiếc loa lớn nhất hành tinh này”.
Xem ra “đại tá Trump” (ông ta có biệt danh này vì ông hành xử giống các đại tá ở các nước cộng hòa củ chuối), bị đồng đảng đánh đòn đau hơn, mặc dù người nọc ông ra là phe Dân chủ đối lập.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét